Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nguyên nhân mẹ bầu chảy nước miếng khi mang thai và cách khắc phục

Ngày 02/02/2023
Kích thước chữ

Trong quá trình mang thai, cơ thể mẹ bầu có những thay đổi để phù hợp với việc nuôi dưỡng thai nhi, thường xuyên chảy nước miếng khi mang thai cũng là một trong những thay đổi mà nhiều mẹ gặp phải. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu thai kỳ, hiện tượng tăng tiết nước bọt thường thấy rõ kết hợp với các triệu chứng thai nghén gây nên khó chịu cho mẹ bầu. Vậy nguyên nhân và cách khắc phục của hiện tượng này là gì? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu bài viết dưới đây!

Chảy nước miếng khi mang thai là một hiện tượng không hiếm gặp ở các mẹ bầu, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Hiện tượng tăng tiết nước bọt tuy vô hại nhưng lại gây nhiều phiền toái, khó chịu cho mẹ bầu. Vậy cần làm gì khi bị tăng tiết nước bọt trong thời gian mang thai? Mời quý bạn đọc tìm hiểu ngay bài viết sau đây.

Tiết nước bọt có những lợi ích gì đối với sức khỏe?

Chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng không muốn mình bị tiết nước bọt quá nhiều, bởi điều này ảnh hưởng tới quá trình giao tiếp, đôi khi còn gây khó chịu và buồn nôn nếu như tiết nước bọt quá nhiều. Tuy nhiên, hiện tượng tiết nước bọt lại mang tới rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe của người bình thường nói chúng và với phụ nữ mang thai nói riêng. Cụ thể như sau:

  • Bôi trơn khoang miệng: Nước bọt chính là chất dịch tiết giúp bôi trơn khoang miệng, từ đó giúp phòng ngừa tình trạng khô miệng, một trong những nguyên nhân gây hôi miệng, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về răng miệng.
  • Cân bằng axit: Nước bọt tiết ra giúp làm trung hòa dịch dạ dày có tính axit cao, từ đó làm giảm chứng ợ nóng, một trong những nguyên nhân kích thích khiến mẹ bầu dễ bị nôn ói trong quá trình thai nghén.
  • Tiêu hóa thức ăn: Trong nước bọt có chứa 1 số loại enzyme có chức năng tiêu hóa một số chất trong thức ăn, từ đó giảm gánh nặng tiêu hóa cho dạ dày và ruột, giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng nhanh chóng và hiệu quả hơn.
  • Bảo vệ khoang miệng: Nước bọt được tiết liên tục vào trong khoang miệng giúp khoang miệng được làm sạch tốt hơn, từ đó chống lại sự phát triển của các loại vi khuẩn gây bệnh, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm nha chu
Nguyên nhân mẹ bầu chảy nước miếng khi mang thai và cách khắc phục 1 Tiết nước bọt giúp làm sạch khoang miệng của bạn

Chảy nước miếng khi mang thai có sao không?

Theo các nghiên cứu trong y học, ở một người bình thường mỗi ngày cơ thể sẽ tiết khoảng 2 lít nước bọt phục vụ cho việc bôi trơn khoang miệng, làm sạch khoang miệng và hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Ở phụ nữ có thai, trong 3 tháng đầu của thai kỳ, lượng nước bọt tiết ra thường nhiều hơn so với người bình thường và thường kèm theo các triệu chứng khác của thai kỳ như: Mệt mỏi, khó chịu, buồn nôn, tăng tiết đờm dãi…

Chảy nước miếng khi mang thai là một hiện tượng bình thường trong quá trình mang thai do nhiều nguyên nhân gây nên, tuy nhiên mẹ bầu không nên quá lo lắng nếu như hiện tượng này không ảnh hưởng quá nhiều tới sức khỏe cũng như sinh hoạt hàng ngày. Một số nguyên nhân thường gặp có thể gây nên hiện tượng tăng tiết nước bọt khi mang thai có thể kể đến là:

  • Do hiện tượng ốm nghén, buồn nôn thường xảy ra, kích thích cơ thể tăng tiết nước bọt.
  • Do sự thay đổi các hormone trong quá trình mang thai.
  • Có chứng ợ nóng hay mắc các bệnh lý răng miệng.
Nguyên nhân mẹ bầu chảy nước miếng khi mang thai và cách khắc phục 2 Ốm nghén là nguyên nhân thường gặp gây chảy nước miếng khi mang thai

Trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ của rất nhiều mẹ bầu, hiện tượng tăng tiết nước bọt khi mang thai thường là vô hại, thậm chí nhiều trường hợp còn mang lại những lợi ích tuyệt vời như: Cân bằng nồng độ axit cao trong dạ dày, giảm chứng ợ hơi, ợ nóng, hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, làm sạch răng miệng, ngăn ngừa các bệnh lý về răng miệng…

Thông thường, bước sang quý 2 của thai kỳ, khi mà thai nhi đã lớn hơn, các triệu chứng ốm nghén của mẹ bầu đã giảm đi thì hiện tượng tăng tiết nước bọt cũng sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên, khi số lượng nước bọt tiết ra quá nhiều gây khó chịu và ảnh hưởng tới quá trình sinh hoạt, mẹ bầu có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản mà an toàn để kiểm soát và hạn chế hiện tượng này.

Cách khắc phục tình trạng tăng tiết nước bọt khi mang thai

Tăng tiết nước bọt khi mang thai là hiện tượng không hiếm gặp và thường vô hại, tuy nhiên, nếu tình trạng này trở nên nghiêm trọng, kéo dài, gây nhiều khó chịu và làm tình trạng ốm nghén trở nên nặng nề thì bạn nên đi khám để tìm nguyên nhân và cách khắc phục. Ngoài ra, mẹ bầu có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản sau để giúp làm giảm tình trạng tiết nước bọt khi mang thai:

Bỏ thói quen hút thuốc lá

Hút thuốc lá không chỉ là nguyên nhân gây nên tình trạng tăng tiết nước bọt mà còn ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe của thai nhi. Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những mẹ bầu sử dụng thuốc lá trong thai kỳ thì thai nhi có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, sảy thai, sinh non, thai lưu cao hơn ở những mẹ bầu không sử dụng thuốc lá. Ngay cả những trường hợp hút thuốc lá thụ động cũng có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và sự phát triển bình thường của thai nhi.

Nguyên nhân mẹ bầu chảy nước miếng khi mang thai và cách khắc phục 3 Thói quen hút thuốc lá trong thai kỳ có thể làm tăng tiết nước bọt và gây nguy hiểm cho thai nhi

Điều trị các bệnh lý răng miệng

Ở những mẹ bầu mắc các bệnh lý răng miệng, hiện tượng tăng tiết nước bọt cũng nhiều hơn. Chính vì vậy, mẹ bầu cần đi khám và điều trị sớm, triệt để các bệnh lý về răng miệng, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ bầu cũng như sự phát triển bình thường của thai nhi.

Hạn chế ăn những thực phẩm giàu carbohydrate

Ăn quá nhiều các thực phẩm giàu carbohydrate có thể gây nên chứng đầy bụng, ợ hơi và khó chịu ở mẹ bầu, từ đó làm tăng tình trạng tiết nước bọt, đặc biệt là ở những mẹ bầu đã hoặc đang mắc bệnh lý dạ dày. Chính vì vậy, thay vì nạp quá nhiều carbohydrate, mẹ bầu nên ăn nhiều rau củ quả, trái cây và chia thành nhiều bữa nhỏ để làm giảm gánh nặng lên dạ dày.

Uống nhiều nước

Khi hiện tượng tăng nước bọt nhiều khiến bạn khó chịu, bạn cần uống nhiều nước hơn và uống thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, mẹ bầu có thể ngậm thêm một lát gừng, một lát chanh hay ngậm kẹo để làm giảm tình trạng tiết nước bọt. Ngoài ra, uống nhiều nước cũng rất tốt cho làn da cũng như hệ tiêu hóa, giúp tinh thần mẹ bầu trở nên khoan khoái, nhiều sức sống hơn.

Nguyên nhân mẹ bầu chảy nước miếng khi mang thai và cách khắc phục 4 Ngậm kẹo có thể giúp mẹ bầu giảm bớt tình trạng khó chịu do tăng tiết nước bọt

Hy vọng bài viết trên đã giúp các mẹ bầu hiểu được phần nào tình trạng tăng tiết nước bọt không phải vấn đề nguy hiểm nên mẹ bầu không cần quá lo lắng. Hãy tham khảo một số biện pháp kể trên và hỏi ý kiến các bác sĩ chuyên khoa để có cho mình những giải pháp hiệu quả để khắc phục hiện tượng chảy nước miếng khi mang thai. Chúc mẹ và bé một thai kỳ khỏe mạnh và đừng quên theo dõi các bài viết tiếp theo của Nhà Thuốc Long Châu nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Medlatec

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm