Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nguyên nhân nào gây viêm họng ở trẻ? Trẻ bị viêm họng uống thuốc gì?

Ngày 06/06/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm họng cấp là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến mà trẻ em thường gặp phải. Khi trẻ bị viêm họng, việc sử dụng thuốc đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc giảm triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi. Vậy trẻ bị viêm họng uống thuốc gì?

Nếu trẻ bị viêm họng, việc lựa chọn thuốc phù hợp là điều cần thiết để giúp giảm triệu chứng và đẩy nhanh quá trình phục hồi. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy tìm hiểu và tham khảo ngay bài viết “Nguyên nhân nào gây viêm họng ở trẻ? Trẻ bị viêm họng uống thuốc gì?” dưới đây.

Nguyên nhân khiến trẻ em bị viêm họng là gì?

Muốn biết trẻ bị viêm họng uống thuốc gì, trước tiên cần tìm hiểu về nguyên nhân gây ra tình trạng viêm họng ở trẻ.

Viêm họng ở trẻ em có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, mùa và vùng địa lý, điều này dẫn đến sự đa dạng về tác nhân gây viêm họng. Có hai tác nhân chính gây viêm họng ở trẻ em là viêm họng do virus và viêm họng do vi khuẩn.

Viêm họng do virus là nguyên nhân phổ biến nhất và thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Các loại virus như virus cảm lạnh, virus cúm, á cúm, Adeno virus, Epstein Barr có thể gây viêm họng và các triệu chứng đi kèm như sốt, ho, sổ mũi, đỏ mắt, tiết ghèn, phát ban, tiêu chảy nhẹ, uể oải, nhức mỏi…

Nguyên nhân nào gây viêm họng ở trẻ? Trẻ bị viêm họng uống thuốc gì? 1
Trẻ có thể bị đau họng kèm ho khi viêm họng do virus

Viêm họng do vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến thứ hai sau virus. Trẻ trên 3 tuổi có nguy cơ cao hơn bị viêm họng do vi khuẩn. Vi khuẩn liên cầu beta tán huyết nhóm A là một trong những loài vi khuẩn gây viêm họng nguy hiểm. Triệu chứng thường gặp bao gồm sốt cao, sưng họng, đau họng, hôi miệng, chấm đỏ li ti trên vòm họng và có thể xuất hiện phản ứng nổi ban sau 1 - 2 tuần.

Ngoài ra, còn có một số tác nhân gây viêm họng không phải do nhiễm trùng như dị ứng và khô họng do thở bằng miệng. Để xác định chính xác tác nhân gây viêm họng và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp, nên tham khảo ý kiến và chỉ định từ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.

Trẻ bị viêm họng uống thuốc gì?

Ba mẹ có con nhỏ bị viêm họng chắc hẳn sẽ quan tâm đến vấn đề: “Trẻ bị viêm họng uống thuốc gì cho nhanh khỏi?”.

Nguyên nhân nào gây viêm họng ở trẻ? Trẻ bị viêm họng uống thuốc gì? 2
Trẻ bị viêm họng uống thuốc gì là câu hỏi được nhiều bậc bố mẹ quan tâm

Trên thực tế, khi trẻ bị viêm họng, đa số trường hợp sẽ tự khỏi trong khoảng 1 - 2 tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sử dụng kháng sinh là cần thiết. Dưới đây là danh sách các loại thuốc chữa viêm họng cho trẻ:

Sử dụng thuốc hạ sốt và giảm đau chữa viêm họng cho trẻ

Đối với câu hỏi: “Bé bị viêm họng uống thuốc gì?”, một trong những lựa chọn an toàn hàng đầu là paracetamol.

Phụ huynh có thể cho trẻ uống paracetamol với liều lượng là 10 - 15mg/kg/lần, cách nhau 4 - 6 giờ, không vượt quá 5 lần/ngày. Điều này chỉ nên áp dụng khi trẻ bị sốt gây mệt mỏi (như lúc lừ đừ, quấy khóc, trằn trọc không thể ngủ) hoặc khi trẻ bị đau họng gây quấy khóc. 

Cha mẹ cần theo dõi hiệu quả của thuốc bằng cách quan sát phản ứng của trẻ: Nếu sau 30 - 60 phút dùng thuốc, trẻ tỉnh táo, vui vẻ, có thể chơi và ngủ ngon, thì đó là biểu hiện thuốc có tác dụng. Nhiệt độ không quan trọng, không nhất thiết phải giảm thân nhiệt xuống mức thấp.

Bên cạnh đó, mặc dù ibuprofen cũng có tác dụng hạ sốt và giảm đau, nhưng không nên sử dụng ibuprofen cho trẻ mà chưa được tư vấn bởi bác sĩ. Ngoài ra, nên tránh sử dụng aspirin với bất kỳ mục đích nào.

Đối với trẻ bị dị ứng, suy dinh dưỡng nặng hoặc thừa cân béo phì, cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ về liều lượng trước khi sử dụng thuốc để giảm đau họng cho trẻ.

Chữa viêm họng cho trẻ bằng thuốc kháng sinh 

Khi gặp thắc mắc trẻ viêm họng uống thuốc gì, nhiều phụ huynh thường nghĩ đến thuốc kháng sinh. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, phụ huynh chỉ được sử dụng cách này khi có chỉ định của bác sĩ.

Nguyên nhân nào gây viêm họng ở trẻ? Trẻ bị viêm họng uống thuốc gì? 3
Ba mẹ chỉ cho trẻ uống kháng sinh khi có chỉ định từ bác sĩ

Kháng sinh chỉ được sử dụng khi viêm nhiễm do vi khuẩn, điều này được xác định thông qua biểu hiện lâm sàng hoặc xét nghiệm. Việc lạm dụng kháng sinh có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ trong cả ngắn hạn và dài hạn. Phụ huynh tuyệt đối không nên tự mua kháng sinh cho con mà chỉ sử dụng khi có đơn kê toa từ bác sĩ.

Dưới đây là một số loại kháng sinh thông thường được sử dụng để điều trị viêm họng ở trẻ:

  • Amoxicillin hoặc amoxicillin + acid clavulanic: Liều dùng là 50mg/kg/ngày, thời gian sử dụng từ 5 - 7 ngày.
  • Các kháng sinh cephalosporin thế hệ 1 - 2 như: Cephalexin, cefuroxim, cefaclor...
  • Kháng sinh macrolid như azithromycin, erythromycin cũng có thể được sử dụng.

Không nên sử dụng sulfamid, quinolon hay cephalosporin thế hệ 3 để điều trị viêm họng ở trẻ em trừ khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Lưu ý: Trong trường hợp viêm họng do liên cầu khuẩn, thời gian sử dụng kháng sinh có thể kéo dài đến 10 ngày.

Ngoài ra, đối với trẻ từ 6 tuổi trở lên và có khả năng ngậm tốt, ba mẹ có thể cho trẻ ngậm kẹo cứng để giảm đau họng hiệu quả.

Một số lưu ý để giảm viêm họng cho trẻ

Bên cạnh việc tìm ra câu trả lời cho thắc mắc: “Trẻ em viêm họng uống thuốc gì cho nhanh khỏi?”, dưới đây là một số lưu ý mà ba mẹ nên biết:

  • Đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi đủ, giúp cơ thể nhanh phục hồi.
  • Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là trẻ còn bú mẹ nên cho con bú thường xuyên hơn.
  • Khi trẻ bị viêm họng kèm sổ mũi, phụ huynh có thể sử dụng nước muối đẳng trương (sinh lý) dạng nhỏ giọt hoặc xịt để vệ sinh mũi cho trẻ. Đối với trẻ từ 4 tuổi trở lên, có thể dùng bình rửa mũi để làm sạch mũi hiệu quả, tái lập sự thông thoáng và giúp trẻ dễ thở. Nên làm trước khi trẻ bú (đối với trẻ còn bú sữa), trước khi đi ngủ hoặc khi trẻ gặp khó chịu nhiều.

Đối với trẻ bị nghẹt mũi nhiều, phụ huynh có thể sử dụng các loại nước muối ưu trương dạng nhỏ giọt hoặc xịt, đây là phương pháp an toàn và có ích để giúp trẻ giảm khó chịu. 

Tuy nhiên, cần lưu ý không sử dụng các loại thuốc co mạch mũi chứa thành phần như naphazoline, oxymetazoline... mà không có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nhi, vì chúng có thể gây phản ứng dội ngược khi ngưng dùng hoặc gây ngộ độc do tác động lên hệ tim mạch. Thậm chí, cả các loại thuốc được quảng cáo có nồng độ oxymetazoline thấp 0,025% cũng cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.

Đối với trẻ từ 6 tuổi trở lên và biết cách khò họng, có thể cho trẻ khò bằng dung dịch povidone-iodine 1%, đây cũng là cách tốt để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng họng. Nhớ nhắc trẻ nhổ ra và không được nuốt, sau đó khò họng bằng nước muối sinh lý. Nếu trẻ không thể sử dụng dung dịch povidone-iodine 1%, có thể cho trẻ khò họng bằng nước muối sinh lý 2 - 3 lần/ngày.

Nguyên nhân nào gây viêm họng ở trẻ? Trẻ bị viêm họng uống thuốc gì? 4
Phụ huynh nên vệ sinh mũi cho trẻ nếu trẻ viêm họng kèm sổ mũi

Hy vọng qua bài viết trên đây, bạn đọc đã tìm ra đáp án cho câu hỏi: “Trẻ bị viêm họng uống thuốc gì?”. Nhìn chung, trong trường hợp trẻ bị viêm họng, việc lựa chọn thuốc phù hợp và áp dụng các biện pháp hỗ trợ sẽ giúp nhanh chóng cải thiện tình trạng này. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phụ huynh cần lưu ý không tự ý sử dụng kháng sinh hay bất kỳ loại thuốc nào mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Chúc bạn và bé yêu luôn khỏe mạnh và bình an!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: suckhoedoisong.vn 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm