Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nguyên nhân và cách điều trị khô cổ họng

Ngày 28/08/2022
Kích thước chữ

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra triệu chứng khô cổ họng. Tuy đây không phải triệu chứng nguy hiểm nhưng nếu tình trạng khô họng kéo dài sẽ rất dễ gây cảm giác khó chịu cho người bệnh. Vậy khô cổ họng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị như thế nào?

Khô cổ họng không phải một căn bệnh gây nguy hiểm cho sức khỏe mà là một triệu chứng bệnh. Nguyên nhân gây ra khô cổ họng có thể là do thiếu nước, do mở miệng khi ngủ, do mắc các bệnh như viêm mũi, viêm họng, trào ngược acid dạ dày…

Bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp chỉ ra những nguyên nhân cụ thể và một vài phương pháp điều trị khô cổ họng. Hãy chú ý theo dõi nhé!

Khô cổ họng là gì?

Khô cổ họng là một biểu hiện do lượng nước bọt tiết ra hàng ngày giảm. Đây cũng là triệu chứng thường gặp khi mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm amidan, viêm họng, cảm lạnh, cảm cúm…

Tuy rằng, khô cổ họng không phải một bệnh lý nguy hiểm nhưng nó có thể làm ảnh hưởng đến dinh dưỡng và tâm lý của người bệnh, gây khó khăn trong việc ăn uống và giao tiếp. Vì vậy, đừng chủ quan khi có triệu chứng khô cổ họng, hãy chú ý tới nguyên nhân của nó để nhanh chóng tìm ra cách khắc phục.

Nguyên nhân và cách điều trị khô cổ họng 1 Khô cổ họng khiến người bệnh khó chịu

Nguyên nhân và cách điều trị khô cổ họng

Thiếu nước

Khô cổ họng đôi khi chỉ là một dấu hiệu đơn giản cho thấy cơ thể bạn đang bị thiếu nước. Khi lượng nước uống vào không đủ để sử dụng cho các hoạt động của cơ thể, lượng nước bọt được tiết ra trong miệng giảm, dịch tiết sinh lý chảy qua họng cùng giảm sẽ làm người bệnh nhanh chóng có cảm giác khô họng và khát nước.

Cách chữa khô cổ họng do thiếu nước rất đơn giản. Hãy cung cấp thêm nước cho các hoạt động của cơ thể, 1.5 - 2 lít là con số thích hợp nhất cho những người bình thường. Còn nếu bạn là một vận động viên hay một người lao động chân tay thì hãy uống nhiều nước hơn vì quá trình tập luyện và làm việc ra mồ hôi sẽ khiến cơ thể bạn nhanh chóng thải nước.

Không nên sử dụng các loại nước ngọt, nước có ga để chữa khô cổ họng, sự lựa chọn tốt nhất đó là sử dụng nước lọc.

Ngủ há miệng

Khi ngủ, miệng của người bệnh mở ra, tạo cơ hội cho không khí dễ dàng đi vào. Không khí đi qua miệng sẽ lấy đi độ ẩm cần thiết, làm khô nước bọt nên khi ngủ dậy người bệnh sẽ dễ cảm thấy khô cổ họng.

Nguyên nhân thở bằng miệng khi ngủ có thể là do thói quen hoặc do hiện tượng sung huyết của niêm mạc mũi ở người mắc các bệnh đường hô hấp. Vì vậy, cách điều trị khô họng do ngủ há miệng là tìm hiểu và điều trị tận gốc bệnh gây sung huyết niêm mạc mũi. 

Bạn có thể sử dụng miếng dán ngoài hoặc dụng cụ nong tiền đình để nới rộng van mũi cho dễ thở hơn. Nhưng nếu có bất cứ triệu chứng khác đi kèm thì hãy đến khám tại các trung tâm y tế để nhận được lời khuyên và cách điều trị nhanh nhất.

Nguyên nhân và cách điều trị khô cổ họng 2 Ngủ há miệng dễ gây khô cổ họng

Bệnh cúm

Đây là một căn bệnh về đường hô hấp do virus cúm gây ra. Ngoài những triệu chứng thường thấy như sốt, ớn lạnh, đau đầu… thì người mắc bệnh cúm còn có cảm giác khô họng, rát họng và nghẹt mũi. 

Trong trường hợp này, các loại thuốc điều trị cúm sẽ là giải pháp cho bạn. Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng của cúm, hãy uống thuốc trong vòng 48 giờ để mang lại hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra, bạn cũng nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và súc miệng bằng nước muối để mau chóng khỏi bệnh hơn.

Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị cúm có thể kể đến như paracetamol, thuốc giảm đau không kê đơn ibuprofen.

Bệnh cảm lạnh

Cảm lạnh là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau. Khi nhiễm virus, người bệnh thường xuyên cảm thấy bị khô họng vì cơ thể họ đã tiêu tốn một lượng nước rất lớn. Ngoài ra, người nhiễm cúm cũng có nhiều các triệu chứng khó chịu khác như ho, hắt hơi, sốt…

Tuy cảm lạnh không phải căn bệnh quá nguy hiểm nhưng nó dễ gây cảm giác khó chịu cho người bệnh. Để có thể nhanh chóng loại bỏ vi khuẩn, virus và giảm nhanh các triệu chứng, bạn nên có chế độ nghỉ ngơi, ăn uống và sử dụng thuốc đúng thời gian.

Khi điều trị cảm lạnh, người bệnh có thể uống một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt không kê đơn như paracetamol hoặc ibuprofen.

Trào ngược acid dạ dày

Đây là tình trạng rối loạn co bóp dạ dày thực quản, khiến acid trong dạ dày trào ngược lên thực quản và họng. Nó gây ra các triệu chứng như nóng, khô rát cổ họng, ợ bỏng, ợ chua, ho khan…

Không giống như các bệnh trên, điều trị trào ngược acid dạ dày là cả một quá trình dài. Đầu tiên, hãy cố gắng giảm nhẹ các triệu chứng trào ngược bằng cách nghỉ ngơi, bỏ thuốc và ăn uống theo chế độ hợp lý, tránh sử dụng những đồ uống có chất kích thích. Tiếp đó, hãy tới khám và thực hiện những căn dặn của bác sĩ để điều trị dứt điểm bệnh trào ngược dạ dày.

Trào ngược acid dạ dày có thể điều trị bằng các loại thuốc sau: 

  • Thuốc kháng acid (antacid): Trung hòa acid dạ dày.
  • Các chất ức chế H2 như cimetidine, famotidine, ranitidine: Giảm sản xuất acid dạ dày.
  • Lansoprazole, omeprazole: Thuốc ức chế bơm proton để ngưng sản xuất acid.
  • Muscat: Thuốc điều hòa vận động thực quản.
Nguyên nhân và cách điều trị khô cổ họng 5 Thuốc kháng acid (antacid) có tác dụng trung hòa acid dạ dày

Viêm mũi

Viêm mũi dị ứng làm hệ miễn dịch có những phản ứng “thái quá” với các tác nhân bên ngoài như bụi, nấm mốc, phấn hoa… Sự phản ứng quá mức có thể gây ra một số các triệu chứng như hắt hơi, ngứa và nghẹt mũi (mũi nghẹt kiến người bệnh phải thở bằng miệng nên gây ra triệu chứng khô họng).

Nếu bạn có cơ địa dị ứng, hãy hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên bằng cách hạn chế đi ra ngoài vào những ngày trời hanh khô, vệ sinh nhà cửa thường xuyên và đóng kín cửa khi xung quanh có nhiều phấn hoa.

Ngoài ra, để điều trị viêm mũi dị ứng, bác sĩ có thể kê toa bằng các loại thuốc kháng histamin, thuốc corticoid.

Đừng nên quá lo lắng khi gặp triệu chứng khô cổ họng. Bình tĩnh tìm hiểu rõ nguyên nhân và cách điều trị tương ứng sẽ là giải pháp nhanh chóng giúp bạn khỏi bệnh. Cũng đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo của Nhà thuốc Long Châu để tìm hiểu thêm về những vấn đề sức khỏe nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.