Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nhận biết và xử trí khi bị dị ứng thuốc bắc

Ngày 19/04/2022
Kích thước chữ

Thuốc bắc hay còn gọi là thuốc y học cổ truyền dùng trong Đông y Trung Quốc, đây là cách gọi của người dân để phân biết với các loại thuốc nam – thuốc y học cổ truyền trong nước. Không giống như tác dụng phụ của thuốc, dị ứng thuốc bắc là một phản ứng có hại cần thận trọng trước khi sử dụng thuốc để tránh được những rủi ro nguy hiểm cho người bệnh.

Hiện nay, trường hợp bị dị ứng với thuốc bắc đang có chiều hướng gia tăng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến dị ứng thuốc bắc, để hiểu rõ hơn về dị ứng thuốc bắc và cách xử trí, phòng ngừa khi bị dị ứng thuốc bắc, chúng ta hãy cùng tham khảo bài viết bên dưới.

nhan-biet-va-xu-tri-khi-bi-di-ung-thuoc-bac 1

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến dị ứng thuốc bắc

Tổng quan về thuốc bắc

Nguồn gốc

Thuốc bắc vốn có rất nhiều ưu điểm. Sự xuất hiện của thuốc là do kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh với bệnh tật của người dân Trung Quốc mà tìm ra. Thuốc bắc là một vị thuốc sống hoặc chín hay một chế phẩm thuốc được phối ngũ lập phương và bào chế theo phương pháp của y học cổ truyền từ một hay nhiều vị thuốc có nguồn gốc thực vật, động vật, khoáng vật có tác dụng chữa bệnh hoặc có lợi cho sức khỏe con người.

Thu hái

Để đảm bảo tỷ lệ hoạt chất cao nhất, tùy vào bộ phận cây thuốc mà ta có thời gian thu hái khác nhau cho mỗi bộ phận.

Gốc, củ, vỏ, rễ thường được thu hái vào đầu xuân, cuối thu hoặc mùa đông (lúc cây khô héo hoạt chất tập trung tại rễ). Mầm, lá thu hái vào mùa xuân hè. Hoa thu hái lúc ngậm nụ hoặc mới nở như hoa cúc, hoa kim ngân. Quả thu hái lúc đã chín, hạt  thu hái lúc quả thật chín.

Bảo quản

Tránh ẩm thấp, nóng, ánh sáng mặt trời, sâu mọt. Cần đậy kín thuốc có tinh dầu, phơi chỗ râm.

nhan-biet-va-xu-tri-khi-bi-di-ung-thuoc-bac 2 Cách bảo quản thuốc bắc

Cấm kỵ khi dùng dùng thuốc bắc

Những vị thuốc cấm kỵ khi có thai

Loại cấm dùng: Ba đậu (tả hạ), Khiên ngưu, Đại kích, Thương lục (trục thủy), Tam thất (hoạt huyết), Xạ hương (phá khí), Nga truật, Thủy diệt, Manh trùng (phá huyết). Các vị thuốc trên có tác dụng trục thủy, tả hạ, phá khí, phá huyết.

Các vị thuốc sau đây cần được dùng thận trọng: Đào nhân, Hồng hoa (hoạt huyết), Bán hạ, Đại hoàng (tả hạ), Chỉ thực (phá khí), Phụ tử, Can khương, Nhục quế (đại nhiệt). Vì các vị thuốc trên có tác dụng hoạt huyết, đại nhiệt, phá khí, tả hạ.

Cấm kỵ trong khi uống thuốc

  • Kiêng ăn thịt lợn khi dùng: Cam thảo, Hoàng liên, Cát cánh, Ô mai.
  • Bạc hà kiêng Ba ba.
  • Phục linh kiêng giấm.
  • Khi ăn uống chú ý không nên dùng các thức ăn chống lại tác dụng của thuốc.

Lưu ý: 

  • Không ăn các đồ ăn lạnh khi dùng thuốc ôn trung trừ hàn (nóng ấm).
  • Không nên ăn chất béo, chất khó tiêu khi dùng các thuốc kiện tỳ, tiêu đạo.
  • Không nên ăn các chất kích thích khi dùng thuốc an thần.
nhan-biet-va-xu-tri-khi-bi-di-ung-thuoc-bac 3 Các vị thuốc bắc

Nguyên nhân bị dị ứng thuốc bắc

Thuốc bắc gây dị ứng vì những nguyên nhân sau đây:

  • Người bệnh không qua thăm khám mà tự ý sử dụng các bài thuốc đông y để điều trị được căn bệnh giống bệnh của mình nhưng không biết có hợp với bản thân người bệnh hay không. Các bài thuốc dân gian truyền miệng có thể bị sai lệch, dẫn đến tình trạng có người dùng thì hết bệnh, có người thì bị dị ứng thuốc.
  • Do người bệnh dùng thuốc bắc không đúng cách, không đúng liều lượng hoặc quá trình sơ chế thuốc bắc không đảm bảo.
  • Do thuốc bắc bảo quản không đúng cách, dẫn đến nấm mốc, làm thuốc bị biến chất.
  • Sử dụng thuốc hoặc các chất có tác dụng tương kỵ nhau.

Dấu hiệu khi bị dị ứng thuốc bắc là gì?

Những biểu hiện thường gặp khi bị dị ứng thuốc bắc

Theo dân gian, thuốc bắc được chia thành 3 loại, gồm: Thuốc có độc tính nặng, thuốc có độc tính nhẹ và thuốc không có độc tính. Theo Đông y Trung Quốc, các biểu hiện dị ứng thuốc bắc nghiêm trọng gồm hôn mê, buồn nôn, tê bì ở miệng/ chân tay hoặc sốc phản vệ. Các triệu chứng trên có thể dễ dàng gặp khi dùng nọc cóc khô, quả sấu chưa chế biến hoặc chu sa. Các thuốc có độc tính nhẹ như hạt mơ, hạt bạch quả nếu dùng liều lượng cao có thể gây khó thở nhẹ.

Biểu hiện của dị ứng thuốc bắc thường là:

  • Sưng phù, nổi mụn nước.
  • Da phát ban, nổi mẩn, mề đay, ngứa ngáy.
  • Đau nhức xương khớp.
  • Sốt, loét miệng.
nhan-biet-va-xu-tri-khi-bi-di-ung-thuoc-bac 4 Dị ứng thuốc bắc có thể gây nổi mề đay, hay đỏ da lên và bị ngứa

Dị ứng thuốc bắc phải làm gì?

Khi dùng thuốc bắc mà cảm thấy khó chịu, bị buồn nôn, chóng mặt, nổi mề đay, hay đỏ da lên và bị ngứa… thì ngay lập tức ngưng uống thuốc. Nếu mới uống vào mà bị ngay thì có thể móc họng cho người bệnh ói thuốc ra. Sau đó, người nhà nên chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Nếu người bệnh bị ngạt, khó thở, phù nề niêm mạc thanh quản hay đường hô hấp thì phải chuyển gấp đến bệnh viện ngay.

Phòng tránh dị ứng thuốc bắc cần lưu ý những gì?

Khi sử dụng thuốc bắc phải hết sức thận trọng nếu không sẽ tự đánh mất cơ hội chữa bệnh. Nếu muốn uống thuốc bắc, lời khuyên của các bác sĩ là: Hãy đến các bệnh viện y học cổ truyền, các khoa y học cổ truyền trong hệ thống y tế công hoặc các cơ sở y học cổ truyền tin cậy, có giấy phép hành nghề của các cơ quan có thẩm quyền. Và thang thuốc bắc cũng phải có đơn thuốc kèm theo.

Thuốc bắc rất tốt, giúp cải thiện sức khỏe, nâng cao thể trạng, đồng thời giúp điều trị bệnh tật. Nhưng chỉ khi nào có bệnh mới dùng thuốc, bệnh gì điều trị bằng thuốc nấy chứ không cắt thuốc uống bừa bãi, đã uống thuốc phải tới khám và được tư vấn, bắt mạch cẩn thận, không nhờ người nhà cắt thuốc hộ. Đặc biệt cần biết rõ nguồn gốc của dược liệu và chỉ nên mua thuốc tại các địa chỉ uy tín.

Cần lưu ý đến chế độ ăn uống vì một vài vị thuốc có tương kỵ với một số thực phẩm, như:

  • Nếu dùng Cam thảo, Hoàng liên, Cát cánh, Ô mai thì người bệnh nên kiêng ăn thịt lợn.
  • Bạc hà kiêng Ba ba.
  • Phục linh kiêng giấm.
  • Nhân sâm, nhung hươu kiêng ăn củ cải và trà.
  • Không nên cho đường vào thuốc bắc vì có thể dẫn đến các phản ứng hóa học ảnh hưởng đến hiệu quả thuốc và sức khỏe người bệnh.

Đồng thời, cần lưu ý khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, dù đó là thuốc bắc hay thuốc tây để bồi dưỡng hay chữa bệnh, nếu thấy người có dấu hiệu dị ứng hay những dấu hiệu khác thường thì bệnh nhân cần phải đến các cơ sở y tế ngay để khám và điều trị kịp thời, tránh dùng lại thuốc cũ, hoặc mua thêm thuốc mới tiếp tục tự điều trị.

Ds Thu Hà

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin