Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhiễm phóng xạ là gì? Phóng xạ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

Ngày 03/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trong bối cảnh công nghệ hạt nhân và y tế tiến bộ, việc hiểu về nhiễm phóng xạ là vô cùng quan trọng. Nhiễm phóng xạ không chỉ ảnh hưởng đến các nhà nghiên cứu và nhân viên làm việc trong ngành hạt nhân, mà còn đối với mọi người trong cuộc sống hàng ngày. Bài viết này sẽ giải thích về các loại hạt phóng xạ, cách chúng tác động vào cơ thể và triệu chứng mà nhiễm phóng xạ có thể gây ra.

Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các loại phóng xạ, từ các loại hạt alpha, hạt beta, neutron đến bức xạ gamma và tia X, giúp bạn hiểu rõ hơn về cách chúng thâm nhập và tác động vào cơ thể. Bạn sẽ cũng được biết về các triệu chứng của nhiễm phóng xạ và cách phòng tránh tiếp xúc với nó. Hãy cùng khám phá những thông tin hữu ích về nhiễm phóng xạ trong bài viết dưới đây nhé.

Tìm hiểu về phóng xạ

Phóng xạ là gì?

Phóng xạ thực chất là hiện tượng tự biến đổi của các hạt nguyên tử không bền, dẫn đến giải phóng năng lượng dư thừa và phát ra các loại bức xạ hạt nhân được gọi là tia phóng xạ. Bức xạ tự nhiên đến từ nhiều chất phóng xạ xuất hiện tự nhiên trong đất, nước, không khí và trong cơ thể. Hàng ngày, con người hít vào, đồng thời hấp thụ các dạng bức xạ từ không khí, thức ăn và nước.

Ngày nay, nguồn phơi nhiễm phóng xạ nhân tạo phổ biến nhất của con người là máy chụp X-quang, dược chất phóng xạ được sử dụng trong chẩn đoán, hoặc từ quá trình xạ trị và các thiết bị y tế khác.

nhiem-phong-xa-la-gi-phong-xa-anh-huong-the-nao-den-suc-khoe 1
Phóng xạ là hiện tượng tự biến đổi của các hạt nguyên tử không bền và phát ra các tia bức xạ

Các loại bức xạ

Bức xạ bao gồm sóng điện từ năng lượng cao (tia X, tia gamma) và các loại hạt như hạt alpha, hạt beta, neutron:

  • Hạt alpha là hạt nhân helium giàu năng lượng được phát ra bởi một số hạt nhân phóng xạ có số nguyên tử cao (ví dụ: Plutonium, Radium, Uranium). Chúng không thể xuyên qua da ở độ sâu quá 0,1 mm tính từ bề mặt da.
  • Hạt beta là các electron năng lượng cao được phát ra từ hạt nhân của các nguyên tử như Caesium-137, Iod-131. Những hạt này có thể xâm nhập sâu hơn vào da (1 đến 2 cm) và gây tổn thương cả lớp biểu bì và dưới biểu bì.
  • Neutron là các hạt trung hòa về điện được phát ra bởi một số hạt nhân phóng xạ (Californium-252), độ sâu thâm nhập mô của chúng thay đổi từ vài mm đến vài chục cm, tùy thuộc vào năng lượng của chúng.
  • Bức xạ gamma và tia X là bức xạ điện từ có bước sóng rất ngắn có thể xuyên sâu vào mô với độ sâu nhiều centimet.

Các loại phơi nhiễm phóng xạ

Sự tiếp xúc với bức xạ có thể xảy ra do sự ô nhiễm hay chiếu xạ.

Sự ô nhiễm

Ô nhiễm phóng xạ là sự tiếp xúc ngoài ý muốn với chất phóng xạ, thường ở dạng bụi hoặc chất lỏng. Sự ô nhiễm này có thể xảy ra ở bên ngoài hay trong cơ thể. Nhiễm xạ bên ngoài xảy ra do chất phóng xạ dính trên da hoặc quần áo thông qua cọ xát, gây hại cho cơ thể người. Nhiễm xạ trong cơ thể xảy ra do chất phóng xạ xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, hô hấp hoặc qua vết rách trên da. 

Khi vào cơ thể, chất phóng xạ có thể được vận chuyển đến nhiều vị trí khác nhau như tủy xương, tại đó nó tiếp tục phát ra bức xạ cho đến khi bị loại bỏ hoặc phân hủy. Ô nhiễm phóng xạ trong cơ thể khó loại bỏ hơn nhiễm xạ bên ngoài.

nhiem-phong-xa-la-gi-phong-xa-anh-huong-the-nao-den-suc-khoe 2
Sự tiếp xúc với bức xạ có thể xảy ra do sự ô nhiễm phóng xạ

Chiếu xạ

Người bệnh bị nhiễm phóng xạ sau khi tiếp xúc với tia bức xạ. Tia bức xạ có thể tác động lên toàn bộ cơ thể hoặc chỉ một số cơ quan cụ thể, trong trường hợp sử dụng phương pháp xạ trị trong điều trị ung thư, tia bức xạ có thể ảnh hưởng đến các cơ quan đích. Bên cạnh đó, khi liều lượng xạ chiếu lớn có thể gây ra hội chứng phóng xạ và các triệu chứng toàn thân.

Tia bức xạ ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Bức xạ ion hóa có khả năng gây tổn thương trực tiếp cho DNA, RNA và protein. Liều lượng lớn bức xạ có thể gây tổn hại và chết tế bào, trong khi nếu liều bức xạ thấp thì nguy cơ sẽ thấp hơn đáng kể vì những tổn thương ở tế bào và phân tử sẽ được cơ thể sửa chữa. 

Hơn nữa, độ nhạy cảm của phóng xạ là khác nhau đối với từng loại tế bào. Các tế bào không biệt hóa và những tế bào có tỷ lệ phân bào cao (tế bào gốc, tế bào ung thư) đặc biệt dễ bị tổn thương trước bức xạ. Bởi vì bức xạ ưu tiên tiêu diệt các tế bào gốc đang phân chia hơn so với các tế bào trưởng thành có sức đề kháng cao.

nhiem-phong-xa-la-gi-phong-xa-anh-huong-the-nao-den-suc-khoe 3
Nhiễm phóng xạ có khả năng gây tổn thương trực tiếp cho DNA, RNA và protein

Tóm lại, mức độ thiệt hại tiềm ẩn phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm:

  • Loại bức xạ;
  • Độ nhạy cảm của các mô và cơ quan bị ảnh hưởng;
  • Đường đi và thời gian phơi nhiễm;
  • Các đồng vị phóng xạ liên quan;
  • Các đặc điểm cá nhân của người bị phơi nhiễm (chẳng hạn như tuổi tác, giới tính và tình trạng sức khỏe tiềm ẩn).

Một số đối tượng nhạy cảm hơn với phơi nhiễm phóng xạ như sau:

  • Trẻ em;
  • Người có khiếm khuyết gen gây hội chứng thất điều – giãn mạch;
  • Người bệnh đái tháo đường;
  • Người mắc bệnh lý liên quan đến mô liên kết.

Dấu hiệu khi bị nhiễm phóng xạ

Một số dấu hiệu mà người bị nhiễm phóng xạ có thể gặp phải bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn: Đây được xem là dấu hiệu phổ biến nhất trong giai đoạn đầu của việc tiếp xúc với phóng xạ. Mức độ và thời gian xuất hiện của triệu chứng này phụ thuộc vào lượng phóng xạ và cường độ tia bức xạ mà người bệnh tiếp xúc.
  • Chảy máu không rõ nguyên nhân: Người bị nhiễm phóng xạ có thể gặp các triệu chứng như chảy máu mũi, chảy máu răng lợi, khoang miệng, hoặc thậm chí là nôn ra máu mà không có nguyên nhân rõ ràng.
  • Đi ngoài ra máu: Sự kích thích của phóng xạ có thể làm tăng hoạt động của ruột, dẫn đến các triệu chứng đi cầu có máu.
  • Da bị bong tróc: Vùng da tiếp xúc với phóng xạ có thể bị tổn thương, dẫn đến các vấn đề như sưng, ngứa, đỏ da, nổi mụn nước và bong tróc da.
  • Rụng tóc: Phóng xạ có thể gây tổn thương cho chân tóc và chân lông, dẫn đến tình trạng rụng tóc đáng kể.
  • Mệt mỏi: Sự suy yếu nhanh chóng của cơ thể, giảm lượng hồng cầu có thể gây ra cảm giác mệt mỏi và tăng nguy cơ mất ý thức.
  • Sốt, mất nước.
  • Dễ bị viêm nhiễm: Phóng xạ có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, làm cho cơ thể dễ mắc các bệnh viêm nhiễm.
nhiem-phong-xa-la-gi-phong-xa-anh-huong-the-nao-den-suc-khoe 4
Nhiễm phóng xạ gây ra tình trạng rụng tóc đáng kể

Phòng ngừa nhiễm phóng xạ

Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:

  • Tránh tiếp xúc với bức xạ không cần thiết, bao gồm chụp CT và chụp X-quang không cần thiết.
  • Những người làm việc trong khu vực có nguy cơ bức xạ nên đeo thẻ để đo mức độ phơi nhiễm của mình.
  • Trong quá trình chụp ảnh X-quang hoặc xạ trị, việc đặt tấm chắn bảo vệ là điều cần thiết để bảo vệ các bộ phận của cơ thể không được chẩn đoán và điều trị khỏi tác động của bức xạ.

Như vậy, qua bài viết này, chúng ta đã có cái nhìn tổng quan về nhiễm phóng xạ, cách các loại phóng xạ khác nhau tác động vào cơ thể. Việc hiểu biết về nguy cơ, triệu chứng của nhiễm phóng xạ là rất quan trọng để có thể đối phó và phòng tránh tốt nhất. Hy vọng rằng thông tin trong bài viết đã giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này, giúp bạn tự bảo vệ sức khỏe mình trong cuộc sống hàng ngày.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm