Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nguyên nhân gây suy giảm hệ miễn dịch và cách phòng ngừa

Ngày 04/02/2024
Kích thước chữ

Suy giảm hệ miễn dịch là hồi chuông cảnh báo cơ thể chúng ta đang rơi vào trạng thái nguy hiểm. Nếu không can thiệp nhanh và đúng cách thì những hệ lụy kéo theo là vô cùng nan giải và khó lường.

Suy giảm hệ miễn dịch là nguyên nhân hàng đầu khiến con người đối diện với hàng loạt những yếu tố nguy cơ mắc phải các bệnh lý nguy hiểm. Hệ thống miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi vi trùng và các mối đe dọa khác. Nếu hệ miễn dịch bị tấn công hoặc suy giảm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Vậy bạn biết gì về tình trạng này và làm thế nào để nâng cao chức năng miễn dịch của cơ thể?

Suy giảm hệ miễn dịch là gì?

Hệ miễn dịch là tập hợp các tế bào miễn dịch, chất tiết, mô và cơ quan tham gia vào chức năng bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh như nấm, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng,...

Hệ miễn dịch không tập trung ở một nơi mà phân bố rải rác trên toàn cơ thể. Các thành phần của hệ cơ quan này xuất hiện ở nhiều khu vực “cửa ngõ”, điển hình là đường tiêu hóa, đường hô hấp trên. Ngoài ra tế bào miễn dịch còn hiện diện ở tủy xương, lách - nơi sinh ra chúng và hệ tuần hoàn, hệ bạch huyết - nơi mà chúng được lưu chuyển đi xa.

Suy giảm hệ miễn dịch: Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp 1
Suy giảm hệ miễn dịch khiến bạn thường xuyên mắc phải các bệnh lý nhiễm trùng

Suy giảm hệ miễn dịch được hiểu đơn giản là trường hợp hệ cơ quan này bị tổn thương, không còn đảm nhiệm tốt chức năng bảo vệ cơ thể trước các yếu tố nguy cơ. Ở mức độ nhẹ, vấn đề sức khỏe này khiến chúng ta dễ bị ốm vặt, mắc các bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng. Trong trường hợp suy giảm chức năng miễn dịch nghiêm trọng thì có thể xuất hiện nhiều bệnh lý nan y, thậm chí dẫn đến tử vong.

Dấu hiệu hệ miễn dịch suy giảm chức năng

Một trong những biểu hiện của việc hệ miễn dịch kém đi là nhiễm trùng. Đặc điểm của nhiễm trùng trên người bị suy giảm miễn dịch là tần suất cao hơn, thời gian ủ bệnh ngắn hơn, thời gian toàn phát kéo dài hơn và mức độ luôn nặng nề hơn. Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại rối loạn suy giảm miễn dịch nguyên phát.

Các dấu hiệu và triệu chứng của suy giảm miễn dịch nguyên phát có thể bao gồm:

  • Thường xuyên viêm đường hô hấp, bao gồm viêm họng mạn tính, viêm amidan, viêm phổi, nhiễm trùng xoang, viêm tai,...
  • Da thường bị nhiễm trùng, khó lành vết thương và tái diễn nhiều lần.
  • Viêm màng não, chậm phát triển trí tuệ hoặc suy giảm khả năng học tập, ghi nhớ.
  • Rối loạn tiêu hóa, đau bụng, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Xuất hiện các bệnh rối loạn tự miễn, bị tiểu đường tuýp 1, viêm khớp dạng thấp.
  • Thiếu máu hoặc lượng tiểu cầu thấp hơn hẳn so với trị số bình thường.
Suy giảm hệ miễn dịch: Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp 3
Suy giảm miễn dịch có dấu hiệu rất đa dạng và biểu hiện ở nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể

Nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch

Khi bàn về nguyên nhân gây suy giảm hệ miễn dịch, các chuyên gia chia làm hai nhóm cơ bản, đó là nguyên nhân làm suy giảm miễn dịch bẩm sinh và nguyên nhân dẫn đến suy giảm miễn dịch mắc phải.

Suy giảm miễn dịch bẩm sinh

Suy giảm miễn dịch bẩm sinh có thể phát sinh từ những lý do sau:

  • Bất thường trong hệ gen: Cha mẹ có hệ gen bất thường gây suy giảm miễn dịch thì con sinh ra cũng mang tính trạng tương tự. Cụ thể, trẻ sẽ có hệ miễn dịch non kém, thường xuyên bị ốm sốt, nhiễm trùng.
  • Sự bất thường trong việc sản xuất các thành phần tham gia vào chức năng miễn dịch: Nếu quá trình sản sinh tế bào lympho T, lympho B bị cản trở, bổ thể bị thiếu hụt, khiếm khuyết thực bào, lượng gamma globulin trong máu ở mức dưới chuẩn,... thì suy giảm miễn dịch là điều không thể tránh khỏi.

Suy giảm miễn dịch mắc phải

Nhiễm HIV/AIDS: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nên hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Virus nguy hiểm này tấn công trực tiếp vào tế bào miễn dịch, làm bất hoạt chức năng của thành phần trên và khiến cơ thể mất đi khả năng chống đỡ trước các tác nhân gây hại khác. Kết quả là hàng loạt bệnh lý nguy hiểm như lao phổi, ung thư, nhiễm trùng,... sẽ ồ ạt xuất hiện và nguy cơ tử vong là điều có thể dự đoán trước.

Dùng thuốc: Một số loại thuốc như thuốc chống thải ghép, thuốc hóa trị ung thư, thuốc chứa corticoid,... có tác dụng phụ là ức chế khả năng hoạt động của tế bào miễn dịch. Bên cạnh đó, chúng còn cản trở phản ứng chống viêm của cơ thể nên khiến tình trạng nhiễm trùng ngày càng đáng ngại hơn.

Mắc một số bệnh lý: Tiểu đường, thận hư, béo phì,.. đều là những bệnh lý gây ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng miễn dịch của cơ thể. Những người đang sống chung với các vấn đề sức khỏe nói trên thường có sức đề kháng kém hơn hẳn so với người bình thường.

Lão hóa: Sự lão hóa sẽ làm giảm độ nhạy của nhiều hệ cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả hệ miễn dịch. Vậy nên càng có tuổi thì chức năng miễn dịch sẽ càng suy yếu và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, bệnh mạn tính.

Hội chứng thận hư, suy dinh dưỡng, sau phẫu thuật cắt lách: Các tình trạng này làm số lượng tế bào miễn dịch trong máu suy giảm nghiêm trọng, với cơ chế không được tạo ra, tạo ra không đủ số lượng, không hiệu quả, không đảm bảo chức năng hoặc bị thất thoát mất ra ngoài.

Suy giảm hệ miễn dịch: Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp 2
Nắm bắt nguyên nhân gây suy giảm miễn dịch sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp can thiệp phù hợp

Cách phòng ngừa và khắc phục tình trạng suy giảm hệ miễn dịch

Với suy giảm miễn dịch nguyên phát liên quan trực tiếp đến những sai hỏng trong hệ gen nên không thể phòng ngừa. Cách can thiệp hiệu quả nhất nắm được các dấu hiệu suy giảm miễn dịch để phát hiện sớm. Từ đó chủ động thăm khám và điều trị đúng theo phác đồ mà bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo.

Với suy giảm miễn dịch mắc phải thì dưới đây là một số giải pháp ngăn ngừa và can thiệp hiệu quả:

  • Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, đủ chất và ưu tiên các thực phẩm giàu chất xơ, vi khoáng và vitamin. Bổ sung chất béo không bão hòa, lợi khuẩn để tăng cường sức đề kháng. Hạn chế đồ nhiều dầu mỡ, đồ ngọt và nói không với bia rượu, thuốc lá để bảo vệ hệ miễn dịch của bạn.
  • Ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày vì có rất nhiều thành phần trong hệ miễn dịch được sản sinh, tái tạo khi chúng ta say giấc. Phân bổ thời gian làm việc - nghỉ ngơi hợp lý, tránh xa căng thẳng bởi điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của hệ miễn dịch.
  • Tích cực rèn luyện thân thể để nâng cao sức chịu đựng, khả năng miễn dịch của cơ thể. Tập luyện vừa sức, duy trì đều đặn mỗi ngày để phát huy tối đa hiệu quả của phương pháp hỗ trợ này.
  • Không tiếp cận với nguồn bệnh truyền nhiễm. Nếu bắt buộc phải đến nơi có nguy cơ thì hạn chế giao tiếp, đeo đồ bảo hộ để phòng ngừa lây nhiễm.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh để tránh lây nhiễm HIV/AIDS.
  • Trong trường hợp hệ miễn dịch của bạn bị suy yếu, bên cạnh việc thực hiện chuẩn theo hướng dẫn trên thì người bệnh cần đến thăm khám và sử dụng thuốc kháng sinh theo khuyến cáo của bác sĩ.
Suy giảm hệ miễn dịch: Nguyên nhân, dấu hiệu và giải pháp 4
Duy trì lối sống lành mạnh, tránh xa tác nhân gây hại là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa tình trạng suy giảm miễn dịch

Suy giảm hệ miễn dịch thường tiến triển âm thầm nhưng gây ra hậu quả nghiêm trọng. Việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe, xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đúng cách, kết hợp với luyện tập thể dục sẽ giúp bạn cải thiện sức khỏe, ngăn ngừa các bệnh thường gặp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp phải đi thăm khám sức khỏe tại các cơ sở y tế để bác sĩ chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin