Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhiễm trùng tai giữa có nguy hiểm không? Cách điều trị hiệu quả ra sao?

Ngày 11/06/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiều người cho rằng nhiễm trùng tai giữa là bệnh lý không nghiêm trọng nhưng thực tế có thể để lại những di chứng suốt đời. Hiểu đúng về bệnh lý này sẽ giúp mọi người phòng ngừa, phát hiện và điều trị kịp thời.

Vì sao lại có tình trạng nhiễm trùng tai giữa? Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, các triệu chứng của bệnh và cách điều trị cũng như phòng ngừa bệnh lý này.

Nhiễm trùng tai giữa là gì?

Nhiễm trùng tai giữa có nguy hiểm không? Cách điều trị hiệu quả ra sao? 1 Nhiễm trùng tai giữa là tình trạng viêm do vi khuẩn sinh sôi

Nhiễm trùng tai giữa hay còn gọi là viêm tai giữa là một nhóm các bệnh ở tai giữa, là tình trạng tổn thương và viêm nhiễm xuất hiện trong tai giữa do các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển trong tai hoặc bị tác động từ các yếu tố bên ngoài môi trường.

Có hai dạng chính là viêm tai giữa cấp tính và viêm tai giữa có dịch tiết.

  • Viêm tai giữa cấp tính là sự viêm nhiễm kéo dài ở tai giữa, làm tổn thương tai giữa và màng nhĩ, nếu tổn thương lâu dài có thể làm chảy dịch liên tục qua lỗ thủng màng nhĩ.
  • Viêm tai giữa có dịch tiết là tình trạng tai giữa có dịch nhưng không nhiễm trùng kéo dài hơn ba tháng. Bệnh thường không có các triệu chứng cơ năng rõ ràng, đôi khi chỉ có cảm giác nặng tai.

Các dạng nhiễm trùng tai giữa như trên đều có thể dẫn đến tình trạng khiếm thính ở bệnh nhân. Mất thính lực liên quan đến viêm tai giữa có dịch tiết là do bệnh kéo dài, có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập khi trẻ mắc bệnh. Nếu không có biện pháp xử lý đúng cách, hiện tượng viêm tai giữa cấp tính có thể chuyển dần thành viêm tai giữa có mủ, chảy mủ hoặc thành dịch.

Nguyên nhân và triệu chứng

Nguyên nhân thường gặp

Nhiễm trùng tai giữa xảy ra do vi khuẩn hoặc virus trong tai giữa gây ra. Ngoài ra, tình trạng nhiễm trùng cũng thường xảy ra do cúm, cảm lạnh hoặc dị ứng gây tắc nghẽn cửa mũi sau (viêm VA), vùng họng và vòi nhĩ.

Vòi nhĩ hay gọi là vòi Eustachian là một ống vòi tai có kích thước rất hẹp, nối tai giữa và vòm họng. Vòi nhĩ có chức năng điều chỉnh áp suất không khí và làm mới không khí trong tai, đồng thời thoát chất tiết bình thường từ tai giữa. Khi vòi nhĩ bị sưng sẽ gây tắc nghẽn, làm chất lỏng tích tụ trong tai giữa gây nhiễm trùng. Các vòi nhĩ của trẻ em chưa phát triển nên thường hẹp và nằm ngang hơn, khiến cho việc thoát nước khó khăn dẫn đến dễ bị nhiễm trùng tai giữa.

VA hay gọi là Adenoids là mô lympho nhỏ nằm ở phía sau mũi, có chức năng hoạt động như một hệ miễn dịch. Do VA nằm gần chỗ mở của các vòi nhĩ nên khi VA bị viêm sưng to, có thể làm tắc nghẽn vòi nhĩ, dẫn đến nhiễm trùng tai giữa. Trẻ em thường bị viêm tai giữa do viêm VA nhiều hơn người lớn.

Triệu chứng của bệnh 

Trẻ nhỏ bị nhiễm trùng tai giữa thường biểu hiện bằng các triệu chứng sau:

  • Trẻ sốt cao, thường sốt 39 - 40 độ C, quấy khóc nhiều, kém ăn, bỏ bú, nôn trớ, co giật.
  • Trẻ lớn biết kêu đau tai còn trẻ nhỏ chỉ biết lắc đầu, khó chịu, lấy tay dụi vào tai.
  • Trẻ bị rối loạn tiêu hóa với biểu hiện đi ngoài lỏng, nhiều lần, đi kèm gần như đồng thời với triệu chứng sốt.
Nhiễm trùng tai giữa có nguy hiểm không? Cách điều trị hiệu quả ra sao? 2 Sốt là một trong những triệu chứng của nhiễm trùng tai giữa

Trẻ em thường bị sốt mà không rõ nguyên nhân, kèm tiêu chảy và nôn đều phải được khám kỹ càng về tai, mũi, họng để phát hiện ngay bệnh nhiễm trùng tai giữa.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, khoảng 2 - 3 ngày sau, màng tai bị thủng chuyển sang giai đoạn vỡ mủ, mủ tự chảy ra ngoài qua lỗ tai với các biểu hiện sau: Trẻ bớt sốt, ít quấy khóc, ăn được, ngủ được; hết rối loạn tiêu hóa và đi ngoài trở lại bình thường; không bị đau tai nữa.

Tuy nnhiên, tình trạng trên không có nghĩa là bệnh thuyên giảm mà bắt đầu chuyển sang giai đoạn mạn tính, với dấu hiệu phổ biến là chảy mủ tai.

Nếu vẫn không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển thành viêm tai giữa mạn tính hoặc viêm tai - xương chũm mạn tính, dẫn đến nguy cơ biến chứng bất kỳ lúc nào.

Biến chứng nhiễm trùng tai giữa

Phần lớn trường hợp bệnh nhiễm trùng tai giữa không gây ra các biến chứng lâu dài. Song nếu không chữa dứt điểm bệnh nhiễm trùng tai hay để bệnh tái phát nhiều lần có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thính giác và sức khỏe lâu dài của người bệnh. Người bệnh sẽ gặp một trong số các biến chứng thường gặp nhất bao gồm:

Làm giảm thính giác

Thông thường người bệnh nhiễm trùng tai giữa sẽ gặp tình trạng mất thính lực nhẹ và tình trạng này tự biến mất khi khỏi bệnh. Nếu nhiễm trùng tai bị tái phát nhiều lần hoặc nhiễm trùng nặng phát mủ trong tai giữa, có thể làm mất thính lực nghiêm trọng, gây tổn thương màng nhĩ dẫn đến mất khả năng nghe vĩnh viễn.

Chậm nói hoặc chậm phát triển

Nếu trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi bị suy giảm thính giác tạm thời hoặc vĩnh viễn, có thể gặp tình trạng nói chậm, giao tiếp xã hội khó.

Thủng màng nhĩ

Hầu hết tình trạng thủng màng nhĩ sẽ lành trong vòng 6 ngày. Nhưng có nhiều trường hợp cần phải can thiệp phẫu thuật.

Viêm não hoặc màng não

Nếu tình trạng nhiễm trùng không được điều trị kịp thời hoặc không đáp ứng tốt với điều trị có thể lây lan sang các mô xung quanh, gây nhiễm trùng xương chũm gọi là viêm xương chũm. Tình trạng viêm xương chũm có thể dẫn đến tổn thương xương, từ đó hình thành các u nang chứa đầy mủ. Tình trạng nhiễm trùng tai giữa nặng có thể lây lan sang các mô khác trong hộp sọ bao gồm não hoặc các màng bao quanh não gây viêm màng não.

Nhiễm trùng tai giữa có nguy hiểm không? Cách điều trị hiệu quả ra sao? 3 Nếu không chữa kịp thời, bệnh có thể ảnh hưởng đến khả năng nghe

Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Cách chẩn đoán 

Thăm khám tai

Bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành nội soi tai hoặc sử dụng đèn soi tai để phát hiện những tổn thương trong tai. Qua phương pháp này, bác sĩ có thể quan sát rõ màng nhĩ. Nếu màng nhĩ khỏe mạnh thường có màu xám hồng hoặc trắng sáng, trong mờ. Màng nhĩ bị nhiễm trùng sẽ viêm, sung huyết, căng phồng, bên trong hòm nhĩ chứa dịch.

Khám các bộ phận khác

Bên cạnh khám tai, bác sĩ có thể kiểm tra thêm các vùng khác như mũi xoang, cổ họng, vùng vòm hay nhịp thở để tìm ra các dấu hiệu nhiễm trùng đường hô hấp nếu có.

Cách điều trị 

Tại bệnh viện thường áp dụng hai phương pháp chữa nhiễm trùng tai giữa gồm:

Điều trị bằng thuốc

Dùng thuốc để điều trị viêm tai giữa là phương pháp phổ biến nhất. Người bệnh có thể được điều trị bằng các loại thuốc theo đơn của bác sĩ như thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm phù nề, thuốc kháng histamin, thuốc xịt mũi, bơm hơi vòi nhĩ.

Dùng thuốc thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần. Trong trường hợp bị thủng màng nhĩ, người bệnh cần dùng thuốc nhỏ tai, kết hợp dùng nước muối và dung dịch sát khuẩn vệ sinh tai để làm sạch mủ nhằm ngăn tình trạng bít tắc ống tai.

Phẫu thuật

Trong trường hợp điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả do nhiễm trùng lan rộng, người bệnh có thể cần điều trị ngoại khoa như cắt amidan, nạo VA, đặt ống thông khí tùy vào từng tình trạng bệnh cụ thể.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm