Tại sao nhiễm trùng tai ở trẻ em hay gặp hơn người lớn?
Ngày 14/07/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Nhiễm trùng tai là tình trạng viêm tai giữa, thường do vi khuẩn gây ra, xảy ra khi chất lỏng tích tụ phía sau màng nhĩ. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh này, nhưng nhiễm trùng tai ở trẻ gặp nhiều hơn người lớn.
Năm trong số sáu trẻ em sẽ bị ít nhất một lần nhiễm trùng tai trước 3 tuổi. Trên thực tế, nhiễm trùng tai ở trẻ là lý do phổ biến nhất khiến cha mẹ đưa con đến bác sĩ. Vậy triệu chứng của nhiễm trùng tai là gì và cách phòng ngừa tái phát như thế nào?
Nhiễm trùng tai ảnh hưởng đến cấu trúc nào?
Tai có ba phần chính là tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài, còn được gọi là vành tai, bao gồm mọi thứ chúng ta thấy ở bên ngoài (phần vành tai cong dẫn xuống dái tai) và bao gồm ống tai (bắt đầu từ lỗ ống tai ngoài và kéo dài đến màng nhĩ). Màng nhĩ là màng ngăn cách tai ngoài với tai giữa.
Tai giữa là nơi xảy ra nhiễm trùng tai, nằm giữa màng nhĩ và tai trong. Bên trong tai giữa có ba xương nhỏ gọi là xương búa, xương đe và xương bàn đạp, giúp truyền rung động âm thanh từ màng nhĩ đến tai trong. Các xương của tai giữa được bao quanh bởi không khí.
Tai trong chứa mê đạo, chức năng chính giúp chúng ta giữ thăng bằng. Ốc tai, một phần của mê đạo, là một cơ quan hình con ốc sên chuyển đổi các rung động âm thanh từ tai giữa thành tín hiệu điện. Dây thần kinh thính giác sẽ mang các tín hiệu này từ ốc tai đến não.
Các cấu trúc gần tai khác cũng có thể bị nhiễm trùng. Vòi nhĩ là một đường dẫn nhỏ nối phần trên của họng với tai giữa. Nhiệm vụ của nó là cung cấp không khí cho tai giữa, dẫn lưu dịch và duy trì áp suất không khí ở mức ổn định giữa mũi và tai.
Amidan là những mô nhỏ nằm sau mũi, phía trên họng và gần vòi nhĩ. Amidan chủ yếu được tạo thành từ các tế bào của hệ miễn dịch. Chúng chống lại nhiễm trùng bằng cách giữ lại vi khuẩn xâm nhập qua miệng.
Triệu chứng của nhiễm trùng tai ở trẻ
Có ba loại nhiễm trùng tai chính, mỗi loại có sự kết hợp các triệu chứng khác nhau:
Viêm tai giữa cấp tính: Viêm tai giữa cấp tính là bệnh nhiễm trùng tai phổ biến nhất. Các phần của tai giữa bị nhiễm trùng và sưng lên, và chất lỏng bị kẹt sau màng nhĩ. Điều này gây ra đau ở tai và trẻ cũng có thể bị sốt.
Viêm tai giữa tụ dịch: Đôi khi xảy ra sau khi nhiễm trùng tai đã diễn ra và dịch vẫn bị tụ lại phía sau màng nhĩ. Trẻ bị viêm tai giữa tụ dịch có thể không có triệu chứng, nhưng bác sĩ sẽ có thể nhìn thấy dịch phía sau màng nhĩ bằng một dụng cụ khám tai đặc biệt.
Viêm tai giữa mạn mủ: Xảy ra khi chất lỏng lưu lại trong tai giữa trong thời gian dài hoặc tái phát nhiều lần, mặc dù không có nhiễm trùng. Tình trạng này khiến trẻ khó chống lại các bệnh nhiễm trùng mới ở vùng tai mũi họng bội nhiễm lên và cũng có thể gây ảnh hưởng đến thính giác của trẻ.
Nguyên nhân nào gây ra nhiễm trùng tai?
Nhiễm trùng tai thường do vi khuẩn gây ra và thường bắt đầu sau khi trẻ bị đau họng, cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên khác. Nếu nhiễm trùng đường hô hấp trên là do vi khuẩn, những vi khuẩn này có thể lây lan đến tai giữa. Nếu nhiễm trùng đường hô hấp trên do vi-rút gây ra, chẳng hạn như cảm lạnh, vi khuẩn có thể bị thu hút đến môi trường có lợi cho vi khuẩn và đi vào tai giữa gây nên bệnh nhiễm trùng thứ phát.
Có một số lý do khiến trẻ em có nguy cơ bị nhiễm trùng tai cao hơn người lớn. Vòi nhĩ nhỏ hơn và phẳng hơn ở trẻ em so với người lớn khiến chất lỏng khó thoát ra khỏi tai, ngay cả trong điều kiện bình thường. Nếu vòi nhĩ bị sưng hoặc bị tắc do chất nhầy do cảm lạnh hoặc bệnh hô hấp khác, chất lỏng có thể không thoát ra được.
Hệ thống miễn dịch của trẻ em không hiệu quả bằng hệ thống miễn dịch của người lớn vì hệ thống này vẫn đang trong quá trình phát triển, làm cho trẻ em khó chống lại các bệnh nhiễm trùng hơn.
VA là một phần của hệ thống miễn dịch, giúp phản ứng với vi khuẩn đi qua mũi và miệng. Đôi khi vi khuẩn bị mắc kẹt trong VA, gây ra tình trạng viêm VA sau đó có thể lan sang vòi nhĩ và tai giữa.
Cách phòng ngừa nhiễm trùng tai tái phát
Để ngăn ngừa nhiễm trùng tai ở trẻ tái phát, bạn nên hạn chế một số yếu tố có thể khiến trẻ gặp nguy cơ, chẳng hạn như không ở gần những người hút thuốc và hạn chế nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ. Bất chấp những biện pháp phòng ngừa này, một số trẻ vẫn có thể tiếp tục bị nhiễm trùng tai giữa, đôi khi lên đến năm hoặc sáu lần một năm.
Bác sĩ có thể đề nghị theo dõi vài tháng để xem tình hình có tự cải thiện không, nếu tình trạng nhiễm trùng tiếp tục tái phát và thuốc kháng sinh không giúp bệnh thuyên giảm, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật đặt một ống thông khí nhỏ qua màng nhĩ để cải thiện lưu lượng không khí và ngăn ngừa dịch tràn vào tai giữa. Các ống thông thường được sử dụng nhất sẽ được giữ nguyên trong sáu đến chín tháng và cần tái khám cho đến khi chúng rơi ra. Nếu việc đặt ống vẫn không ngăn ngừa được nhiễm trùng, bác sĩ có thể cân nhắc cắt bỏ VA để ngăn ngừa nhiễm trùng lan đến vòi nhĩ.
Nhiễm trùng tai ở trẻ là một tình trạng rất thường gặp, vì vậy việc cha mẹ trang bị kiến thức về bệnh và cách phòng ngừa là vô cùng cần thiết. Nếu trẻ có các dấu hiệu chảy dịch tai hoặc quấy khóc không rõ nguyên nhân, bạn nên đưa con đến khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.