Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Những chấn thương khi chơi thể thao thường gặp và cách phòng tránh

Ngày 11/06/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bị chấn thương khi chơi thể thao là điều không thể tránh khỏi của nhiều người. Vậy những chấn thương phổ biến khi luyện tập là gì? Nên làm gì để phòng tránh việc bị thương?

Luyện tập thể thao đem lại rất nhiều những lợi ích cho cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Bạn có thể thoải mái lựa chọn chơi những môn phù hợp với bản thân. Tuy nhiên đối với môn thể thao nào thì bạn cũng có nguy cơ gặp phải các chấn thương không mong muốn. Bài viết sau sẽ giới thiệu những chấn thương thường gặp khi chơi thể thao mà bạn nên biết và phòng tránh.

Những chấn thương phổ biến khi chơi thể thao

Khi chơi thể thao, bạn phải hoạt động nhiều nhóm cơ khác nhau một cách liên tục. Vì nhiều nguyên nhân và các tình huống bất ngờ, ai cũng có thể bị thương ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể khi luyện tập. Sau đây là những chấn thương phổ biến nhất mà người chơi thể thao có thể gặp phải.

Chuột rút

Chuột rút là tình trạng cơ bị co mạnh, đột ngột, gây ra đau đớn ở một phần bắp thịt. Người bị chuột rút không thể di chuyển, cử động trong lúc bị vì rất đau. Hiện tượng này thường kéo dài từ vài giây cho đến vài phút. Mọi bộ phận đều có thể bị chuột rút, nhưng phổ biến nhất là xảy ra ở chân.

Những chấn thương khi chơi thể thao thường gặp và cách phòng tránh 1 Chuột rút là chấn thương phổ biến khi chơi thể thao

Bong gân mắt cá chân

Mắt cá chân gồm nhiều dây chằng gắn kết với nhau nhằm kết nối hai hoặc nhiều xương ở các vị trí khớp. Bong gân mắt cá là tình trạng xảy ra do căng hoặc rách các dây chằng dẫn đến đau đớn cho người bị. Mức độ chấn thương này nhẹ hay nặng tùy thuộc vào mức độ tổn thương của dây chằng. Đa số người chơi thể thao gặp phải chấn thương này là do bàn chân bị quay vào trong khi chạy, xoay người, ngã do gặp chướng ngại vật,...

Chấn thương đầu gối

Một trong những chấn thương khi chơi thể thao mà ai cũng có nguy cơ trải qua đó là đau khớp gối. Khớp gối thường phải chịu trọng lực của cơ thể khi luyện tập nên đây là bộ phận dễ chấn thương. Các chấn thương đầu gối thường gặp dựa theo các loại dây chằng có trong khớp gối như sau:

  • Chấn thương dây chằng chéo trước (ACL).
  • Chấn thương dây chằng chéo sau (LCP).
  • Chấn thương dây chằng chéo bên trong gối (MCL).
  • Chấn thương xương bánh chè (Hội chứng Patellofemoral).

Khi chơi các môn thể thao như chạy bộ, đá bóng, quần vợt, trượt tuyết,… bạn phải liên tục di chuyển, sử dụng lực ở chân rất nhiều. Nếu bạn tiếp đất sai kỹ thuật, xoay người và chuyển hướng một cách đột ngột sẽ rất dễ bị chấn thương đầu gối. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc đi lại và sinh hoạt trong đời sống.

Căng cơ

Căng cơ là hiện tượng các thớ cơ bị căng giãn một cách quá mức giới hạn chịu đựng của cơ. Căng cơ là chấn thương mà người tập thể thao hay gặp ở các bộ phận như tay, chân, cổ, thắt lưng,...

Nguyên nhân dẫn đến căng cơ là do việc luyện tập quá mức với cường độ cao, khi thực hiện các động tác xoắn vặn, kéo giãn, lặp đi lặp lại của cơ và gân. Khi bạn tham gia các môn thể thao như chạy bộ, bóng đá, quyền anh, đấu vật,... sẽ có khả năng bị căng cơ rất cao. Còn đối với tình trạng căng cơ ở cẳng tay, khuỷu tay và bàn tay, bạn sẽ dễ bị khi chơi các môn như cầu lông, golf, chèo thuyền, bóng chày,...

Chấn thương vai

Không chỉ chân mà vai cũng là bộ phận có nguy cơ bị chấn thương khi bạn luyện tập thể thao. Bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, bóng ném, bơi lội,… là những môn thể thao phải sử dụng chi trên nhiều nên sẽ rất dễ bị thương nếu không chú ý. Các chấn thương vai thường gặp bao gồm: Trật khớp vai, viêm hoặc rách vòng bít quay, vai đông cứng, viêm gân chóp xoay, tổn thương sụn viền khớp vai,…

Những chấn thương khi chơi thể thao thường gặp và cách phòng tránh 2 Chấn thương vai thường xảy ra khi bạn tham gia các môn sử dụng chi trên nhiều

Viêm cân gan chân

Viêm cân gan chân là tình trạng cân gan bàn chân bị căng cơ do phải chịu một áp lực quá lớn. Nó gây ra sự đau đớn cho một vùng ở mặt dưới xương gót nơi cân gan chân bám vào xương gót. Nguyên nhân bị viêm cân gan chân có thể là do bạn luyện tập thể thao quá mức hoặc sử dụng giày không phù hợp.

Người bị viêm cân gan chân sẽ rất khó trong việc đi lại bằng chân trần trên nền cứng. Người bệnh thường đau nhiều khi bước xuống giường lúc sáng và giảm nhẹ trong ngày. Tuy nhiên, những cơn đau có thể trở lại sau khi vận động đi lại nhiều.

Viêm gân Achilles

Viêm gân Achilles (viêm gân gót chân) cũng là một trong những chấn thương khi chơi thể thao mà nhiều người hay gặp phải. Đây là tình trạng gân Achilles hoạt động quá mức chịu đựng dẫn tới tình trạng bị quá tải về lực và trọng lực. Dẫn đến tổn thương vùng gót chân, khiến bạn cảm thấy đau ở vùng gót, đặc biệt là khi căng gót hay đứng trên đầu mũi chân.

Các môn thể thao dễ dẫn đến tình trạng viêm gân Achilles là: Chạy bộ, chạy đường dài, khiêu vũ, thể dục dụng cụ, bóng đá, bóng ném, bóng chuyền, bóng rổ, bóng chày, tennis. Nguyên nhân gây ra thường do người chơi di chuyển một cách đột ngột với động tác đẩy mũi bàn chân và nhấc chân di chuyển nhanh để tăng tốc; đổi hướng di chuyển đột ngột hay chạy nước rút khi về đích.

Những chấn thương khi chơi thể thao thường gặp và cách phòng tránh 3 Viêm gân Achilles hay còn gọi là viêm gân gót chân

Cách điều trị khi bị chấn thương thể thao

Có rất nhiều cách để điều trị khi bị chấn thương thể thao. Tùy thuộc vào loại chấn thương và mức độ nghiêm trọng của nó mà sẽ có những phương pháp điều trị phù hợp. Đối với các chấn thương thể thao cấp tính thì RICE sẽ là phương pháp chung hỗ trợ cải thiện tình trạng của vết thương một cách hiệu quả. RICE cũng chính là những bước sơ cứu cơ bản cho các chấn thương khi chơi thể thao trước khi đưa vận động viên đến trạm xá hay bệnh viện. Phương pháp RICE bao gồm các bước sau:

  • R – Rest (Nghỉ ngơi): Các chấn thương sẽ gây đau đớn và khiến bạn không thể cử động được. Do đó hãy hạn chế tác động lực lên vùng bị thương bằng cách nghỉ tập thể thao trong một thời gian nhất định. Giảm tối đa việc di chuyển, vận động để xương khớp được nghỉ ngơi hoàn toàn.
  • I – Ice (Chườm đá): Chườm đá giúp kiểm soát tình trạng sưng, viêm và giảm đau hiệu quả. Bạn lưu ý không nên chườm đá trực tiếp mà hãy cho đá vào trong khăn hoặc túi chườm lạnh và để lên chỗ bị thương 2 – 3 giờ/lần, mỗi lần 15 – 30 phút trong vòng 72 giờ xảy ra chấn thương.
  • C – Compress (Băng ép chỗ bị thương): Băng bó, ép chặt vùng chấn thương giúp hạn chế sưng và trì hoãn việc điều trị bệnh trong thời gian ngắn.
  • E – Elevate (Nâng cao chỗ bị thương): Nâng cao vùng bị thương có tác dụng hỗ trợ chữa lành chấn thương. Nếu chân bị chấn thương, bạn nên kê cao chân ở tư thế nằm. Còn với tổn thương ở tay thì bạn hãy treo tay bằng đai treo.

Đối với các chấn thương có mức độ nghiêm trọng, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và kiểm tra kỹ lưỡng. Tùy tình trạng mà bác sĩ sẽ điều trị bằng các phương pháp sau:

  • Sử dụng thuốc giảm đau, thuốc tiêm giảm đau chẳng hạn như tiêm cortisone.
  • Cố định vết thương bằng nẹp hoặc bó bột.
  • Các bài tập vật lý trị liệu.
  • Phẫu thuật.

Cách để phòng tránh bị chấn thương khi chơi thể thao

Không ai muốn mình bị chấn thương khi chơi thể thao cả. Vì nó không những gây đau đớn, ảnh hưởng đến cuộc sống mà còn có thể khiến bạn từ bỏ việc tập luyện. Vì vậy để hạn chế xảy ra các chấn thương, bạn nên tìm hiểu và trang bị cho mình những kiến thức và lưu ý những điều sau:

Khởi động và giãn cơ thật kỹ

Khởi động trước khi tập thể thao là điều rất quan trọng và cần thiết mà nhiều người lại bỏ qua. Bạn cần phải kích hoạt các cơ để cơ thể được làm quen và hạn chế gặp chấn thương trong lúc tập. Hãy khởi động thật kỹ càng từ trên xuống dưới trước khi bạn chơi bất kỳ một môn thể thao nào. Bên cạnh đó, giãn cơ sau khi tập cũng giúp bạn tránh việc bị thương.

Những chấn thương khi chơi thể thao thường gặp và cách phòng tránh 4 Hãy khởi động thật kỹ trước khi tham gia thể thao

Sử dụng trang phục, giày thể thao phù hợp

Khi chơi thể thao bạn nên mặc những trang phục dành riêng cho việc luyện tập. Tránh mặc đồ quá rườm rà hay nhiều phụ kiện khiến bạn khó khăn trong lúc chơi thể thao và có thể bị chấn thương không mong muốn. Tương tự, hãy sử dụng một đôi giày thể thao chất lượng, vừa vặn và êm ái để bạn có thể luyện tập một cách thoải mái nhất.

Lưu ý đến thiết bị dụng cụ

Mỗi môn thể thao đều có những dụng cụ riêng biệt. Trước khi tham gia tập luyện, bạn hãy kiểm tra kỹ các thiết bị dụng cụ xem chúng có bị hỏng ở đâu hay không? Nếu dụng cụ đã quá cũ, bạn nên thay mới để an toàn trong quá trình chơi thể thao.

Tập luyện đúng kỹ thuật

Việc chơi đúng kỹ thuật rất quan trọng vì nếu bạn tập sai sẽ có nguy cơ bị chấn thương rất cao. Để điều đó không xảy ra, bạn nên tìm hiểu thật rõ các quy tắc, động tác của bộ môn mà bạn muốn tham gia. Ngoài ra, bạn có thể nhờ người có chuyên môn huấn luyện hoặc tham gia các câu lạc bộ để được mọi người hướng dẫn.

Sắp xếp việc chơi thể thao và nghỉ ngơi hợp lý

Hãy lên lịch cụ thể cho việc chơi thể thao của bạn. Dù có yêu thích đến đâu thì cũng không nên tập luyện quá nhiều và quá mức bạn nhé. Nên có thời gian nghỉ ngơi để các cơ bắp được hồi phục sau một thời gian vận động thường xuyên. Luôn lắng nghe cơ thể để tập luyện đúng với khả năng của bản thân. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc ngăn ngừa chấn thương khi bạn chơi thể thao.

Trên đây là một số những chấn thương phổ biến khi chơi thể thao mà bạn nên biết để phòng tránh cho bản thân và người xung quanh. Hãy để việc luyện tập thể thao đem lại cho chúng ta những tác động tích cực thay vì những tổn thương không đáng có bạn nhé.

Tuyết Nhi

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm