Long Châu

Những điều cần biết về đục thuỷ tinh thể càng sớm càng tốt

Ngày 15/03/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đục thuỷ tinh thể (cườm khô) là một bệnh lý lão hoá của mắt. Đục thuỷ tinh thể là một nguyên nhân giảm thị lực và gây mù đứng đầu trên thế giới. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng chủ yếu là từ 50 tuổi trở lên.

Đục thuỷ tinh thể là một dạng rối loạn thị giác, hiện tượng do lão hoá. Tình trạng có thể cải thiện bằng cách đeo kính, phẫu thuật, tình huống xấu nhất có thể dẫn đến mù lòa. Dưới đây là một số thông tin bạn cần biết để bảo vệ đôi mắt của mình.

Tình trạng bị đục thuỷ tinh thể là gì?

Thủy tinh thể hoạt động giống như thấu kính hội tụ ánh sáng trên võng mạc. Võng mạc là lớp tiếp nhận ánh sáng và gửi tín hiệu thị giác đến não. Ở mắt bình thường, ánh sáng đi qua thủy tinh thể và hội tụ trên võng mạc, thủy tinh thể phải trong suốt thì hình ảnh nhìn thấy mới rõ nét.

Thủy tinh thể chủ yếu được tạo thành từ nước và protein. Các protein được sắp xếp để cho phép ánh sáng đi qua và tập trung tại võng mạc. Trong một số trường hợp, protein tập trung thành từng vùng, khiến ánh sáng truyền qua bị phân tán. Tạo ra các vùng đục trong thủy tinh thể ngăn ánh sáng đến võng mạc và làm suy giảm thị lực. Tình trạng này được gọi là đục thủy tinh thể.

Đục thủy tinh thể trong giai đoạn đầu có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, dần dần, thủy tinh thể ngày càng đục và thị lực của người bệnh ngày càng mờ đi do ánh sáng đến võng mạc bị giảm đi. Mặc dù nhiều người bị đục thủy tinh thể cả hai mắt nhưng bệnh không lây từ mắt này sang mắt kia.

Các loại đục thuỷ tinh thể:

  • Đục thuỷ tinh thể ở phần trung tâm.
  • Đục thuỷ tinh thể ở viền của thể thuỷ tinh.
  • Đục thuỷ tinh thể ở phần mặt sau của thể thuỷ tinh.
  • Đục thuỷ tinh thể bẩm sinh.
Những điều cần biết về đục thuỷ tinh thể càng sớm càng tốt 1 Đục thuỷ tinh thể là hiện tượng thể thuỷ tinh bị đục gây giảm thị lực

Nguyên nhân gây đục thuỷ tinh thể

 Đục thuỷ tinh thể thường xuất hiện ở những người ngoài 50, còn ở những người trẻ tuổi bệnh đục thủy tinh thể có thể xuất hiện khi sinh hoặc do chấn thương. Đục thủy tinh thể do viêm màng bồ đào, bệnh tăng nhãn áp. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm tiếp xúc lâu dài với tia cực tím, hút thuốc, sử dụng thuốc steroid trong thời gian dài, bệnh đái tháo đường, huyết áp cao, tiền sử gia đình bị đục thủy tinh thể.

Dấu hiệu khi bị đục thuỷ tinh thể

Bệnh diễn tiến chậm và không gây đau đớn cho người bị. Trong giai đoạn đầu khi bệnh còn nhẹ hầu như không có dấu hiệu nào. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng hơn sẽ xuất hiện các dấu hiệu như:

  • Nhìn mọi vật mờ dần là một triệu chứng điển hình và quan trọng của bệnh đục thủy tinh thể: Nhìn mờ, khó nhìn hoặc mỏi mắt khi tập trung nhìn.
  • Nhạy cảm với ánh sáng hoặc độ chói, mắt khó chịu khi nhìn những nơi có ánh sáng rực rỡ. Vì khi có ánh sáng, đồng tử co lại khiến ánh sáng không đến được võng mạc.
  • Nhìn thấy một đối tượng thành nhiều đối tượng.
  • Nhìn cảm giác mờ như thể có sương mù trước mắt.
  • Các triệu chứng có thể xuất hiện ở một mắt hoặc cả hai.

Cách chẩn đoán đục thuỷ tinh thể

Để xác định bạn có bị đục thủy tinh thể hay không, nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và tiến hành kiểm tra mắt. Một số xét nghiệm cần được thực hiện: 

Đầu tiên là kiểm tra thị lực: Bạn sẽ được khám cả hai mắt qua biểu đồ hoặc bảng chữ cái có độ lớn bé khác nhau. Bác sĩ sẽ sử dụng các thông số này để đánh giá thị lực của bạn.

Khám mắt bằng kính hiển vi: Kính phóng đại các cấu trúc phía trước của mắt, giúp bác sĩ dễ dàng nhìn thấy các bất thường bên trong mắt.

Những điều cần biết về đục thuỷ tinh thể càng sớm càng tốt 2 Nếu có dấu hiệu mắt mờ dần thì nên đi kiểm tra để biết mắt đang gặp vấn đề gì

Điều trị đục thuỷ tinh thể như thế nào?

Bệnh này không gây hại cho mắt mà chỉ làm giảm thị lực. Nếu bạn cảm thấy thị lực vẫn tốt, không ảnh hưởng sinh hoạt hằng ngày thì không cần phải phẫu thuật. Đối với bệnh ở giai đoạn đầu tình trạng vẫn có thể được cải thiện bằng cách đeo kính.

Nhưng khi thị lực suy giảm nhiều, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật đục thuỷ tinh thể:

Trong quá trình phẫu thuật, mắt được gây tê. Thủy tinh thể bị tổn thương sẽ được loại bỏ và thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo. Một lưu ý là không bao giờ phẫu thuật cả hai mắt cùng một lúc. Bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật một mắt có tình trạng nặng hơn trước, sau khi đã bình phục có thể tiếp tục phẫu thuật cho mắt còn lại.

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cảm giác hơi ngứa, có thể bị chảy nước mắt,... Những ngày đầu bác sĩ sẽ cho dùng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống để ổn định nhãn áp. Bệnh nhân nên đeo kính bảo vệ mắt, không dụi tay lên mắt. Thông thường mắt sẽ ổn định dần sau khoảng 6 tuần.

Những điều cần biết về đục thuỷ tinh thể càng sớm càng tốt 3 Khi tình trạng mắt trở nên mờ nghiêm trọng bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật 

Các biện pháp phòng ngừa đục thuỷ tinh thể

  • Chủ động phòng tránh kịp thời bệnh đục thủy tinh thể bằng cách định kỳ hoặc khám mắt ngay khi có dấu hiệu rối loạn thị giác, nhìn mờ, nhức mắt, khô mắt, nóng rát mắt,… 
  • Bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường phải chia sẻ với bác sĩ về những dấu hiệu đang gặp phải để phát hiện sớm các biến chứng có thể ảnh hưởng đến mắt của bạn.
  • Bổ sung thực phẩm, vitamin tốt cho mắt. 
  • Mang thiết bị bảo hộ đặc biệt theo đặc thù của công việc, đeo kính râm khi ra ngoài trời để tránh tác hại của ánh nắng và khói bụi. 
  • Hạn chế rượu bia, thuốc lá vì đây là những tác nhân có nguy cơ làm hỏng thủy tinh thể.

Trên đây là những thông tin các bạn cần nắm về bệnh đục thuỷ tinh thể. Hiểu được sự nguy hiểm về các bệnh lý liên quan đến mắt ảnh hưởng lớn đến cuộc sống như thế nào. Do đó cần chăm sóc và bảo vệ đôi mắt ngay từ lúc này nhé.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm