Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Những nguyên nhân chính gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Ngày 15/03/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đâu là nguyên nhân gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính? Dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính? Những câu hỏi này luôn được nhiều người quan tâm bởi đây là căn bệnh khá phổ biến, đặc biệt là đối với những người có thói quen hút thuốc lá thường xuyên.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD là nguyên nhân gây ra khoảng 5% số ca tử vong trên toàn cầu, tương đương 3,2 triệu người mỗi năm. Tại Việt Nam, bệnh ảnh hưởng đến 7,1% nam giới và 1,9% phụ nữ từ 40 tuổi trở lên. Mặc dù không có cách chữa khỏi hoàn toàn nhưng bạn có thể phòng ngừa hoặc điều trị bệnh để làm giảm các triệu chứng, ngăn ngừa bệnh tiến triển thêm.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD là nguyên nhân gây ra khoảng 5% số ca tử vong trên toàn cầu

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD gây ra khoảng 5% số ca tử vong trên toàn cầu

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD là tình trạng viêm mãn tính của niêm mạc đường thở làm giảm thông khí của phổi. Người bệnh thường cảm thấy khó thở do đường thở bị thu hẹp hơn bình thường và có thể dẫn đến suy hô hấp.

Khi phát hiện sớm, bệnh có thể được điều trị để làm chậm quá trình tiến triển và tránh những biến chứng nguy hiểm.

Có hai loại COPD, bao gồm:

  • Viêm phế quản mãn tính: Tình trạng niêm mạc của các ống phế quản bị viêm. Lớp niêm mạc của các ống phế quản phổi sưng tấy, đỏ và chứa đầy chất nhầy. Chất nhầy này là nguyên nhân khiến đường thở bị thu hẹp.
  • Khí phế thũng: Đây là một dạng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Khí phế thũng là tình trạng khó thở do phổi bị tổn thương mãn tính, làm cho các phế nang yếu đi và vỡ ra, thay thế những khoảng nhỏ bằng những khoảng lớn, làm giảm diện tích bề mặt của phổi và giảm lượng oxy đi vào máu.

Tìm hiểu các triệu chứng thường gặp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Các triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp khác cho đến khi tổn thương phổi phát triển và có xu hướng nặng hơn theo thời gian, đặc biệt là khi tiếp tục với khói thuốc. Tổn thương trong COPD chủ yếu tập trung ở các nhánh phế quản nhỏ và nhu mô phổi có đường kính <2 mm.

Các dấu hiệu sớm của COPD có thể bao gồm:

  • Cảm thấy khó thở, đặc biệt là trong khi hoạt động thể chất.
  • Tức ngực.
  • Ho kéo dài có đờm.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên.
  • Thiếu hụt năng lượng.
  • Giảm cân không chủ ý.
  • Sưng mắt cá chân, bàn chân hoặc chân.
  • Sốt nhẹ và cảm thấy ớn lạnh.

Bệnh nhân cũng có thể bị các đợt cấp, trong đó các triệu chứng trên có thể nặng hơn bình thường, thay đổi hàng ngày và kéo dài ít nhất vài ngày. Trường hợp nặng có thể phải nhập viện, điều trị kháng sinh, thở máy, dùng corticoid… Lúc này, chức năng hô hấp giảm và thời gian sống thêm sẽ bị rút ngắn lại.

Bệnh nhân cũng có thể bị các đợt cấp, trong đó các triệu chứng nặng hơn bình thường, thậm chí có thể phải nhập viện

Bệnh nhân COPD đợt cấp xuất hiện triệu chứng nặng, có thể phải nhập viện

Khi xuất hiện các triệu chứng ở giai đoạn đầu, người bệnh thường nghĩ rằng ho, khạc ra đờm là bệnh bình thường. Từ đó không được can thiệp kịp thời khiến bệnh tiếp tục diễn tiến nặng cho đến khi có triệu chứng khó thở dai dẳng. Ban đầu, cơn khó thở thường chỉ xảy ra khi gắng sức, về sau, tình trạng khó thở trở nên thường xuyên hơn, đến giai đoạn cuối người bệnh khó thở ngay cả khi nằm nghỉ trên giường.

Tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?

Các yếu tố được cho là làm tăng khả năng mắc COPD bao gồm:

  • Tiếp xúc với khói thuốc: Khói thuốc vẫn là một yếu tố nguy cơ chính của COPD, đặc biệt là tiếp xúc mãn tính với khói thuốc. Bạn hút thuốc càng lâu và hút càng nhiều thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Các dạng thuốc lá khác, chẳng hạn như thuốc lá điện tử, tẩu và xì gà, và hít phải khói thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ.
  • Bệnh hen suyễn: Hen suyễn, hoặc hen phế quản, là một yếu tố nguy cơ phát triển COPD. Nếu một người vừa hút thuốc vừa bị hen suyễn, nguy cơ phát triển COPD sẽ cao hơn.
  • Nghề nghiệp tiếp xúc với bụi và hóa chất: Tiếp xúc lâu dài với khói, hơi hóa chất và bụi công nghiệp ở nơi làm việc có thể gây kích ứng và làm tăng tình trạng viêm phổi.
  • Tiếp xúc với khói do đốt cháy nhiên liệu: Khói do đốt nhiên liệu đun nấu và sưởi ấm trong những ngôi nhà có hệ thống thông gió kém hoặc không có làm tăng khả năng mắc COPD.
  • Yếu tố di truyền: Một rối loạn di truyền hiếm gặp là thiếu men alpha-1-antitrypsin, có thể dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Các yếu tố di truyền khác cũng làm cho những người hút thuốc có nhiều khả năng mắc bệnh phổi hơn những người khác.

Đối tượng có thể mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Một số nhóm người có nhiều khả năng phát triển bệnh hơn những nhóm khác, bao gồm:

  • Phụ nữ.
  • Người trên 65 tuổi.
  • Người đã từng hút thuốc hoặc đang hút thuốc.
  • Người có tiền sử bệnh hen suyễn.

Người có tiền sử bệnh hen suyễn dễ bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Người có tiền sử bệnh hen suyễn dễ bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu và triệu chứng của bạn, tìm hiểu về bạn và tiền sử bệnh gia đình của bạn, và hỏi xem bạn có tiếp xúc với các chất có khả năng gây kích ứng hay không, đặc biệt là thuốc lá. Tiếp theo, họ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số bài kiểm tra như đo chức năng hô hấp, chụp X-quang phổi, chụp CT phổi…, để xác nhận tình hình.

Đôi khi bác sĩ cũng sẽ đề nghị các xét nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân. Ví dụ, xét nghiệm di truyền để xem bạn có bị thiếu men alpha-1-antitrypsin hay không.

Hi vọng bài viết này có thể cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về những vấn đề quan trọng để hiểu rõ về nguyên nhân gây ra bệnh COPD, từ có có biện pháp phòng ngừa. Ngay khi bạn xuất hiện các triệu chưng nghi ngờ mắc bệnh, bạn nên ngay lâp tức đi khám bác sĩ để nhận được tư vấn và hỗ trợ chữa trị kịp thời nhé.

Thuý Nguyễn

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm