Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Những thông tin cần biết về xét nghiệm FSH

Ngày 22/07/2023
Kích thước chữ

Xét nghiệm FSH là một trong những xét nghiệm nội tiết tố thường được chỉ định khi khám sức khỏe sinh sản. Đặc biệt, kết quả chỉ số FSH rất hữu ích trong việc thăm dò tình trạng suy giảm chức năng tuyến sinh dục hay vô sinh ở cả nam và nữ. Để hiểu rõ hơn về loại xét nghiệm này, đừng bỏ lỡ những thông tin mà nhà thuốc Long Châu cung cấp qua bài viết dưới đây.

Chỉ số FSH không ổn định theo độ tuổi hay giới tính mà sẽ thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của mỗi người. Trong một số trường hợp, sự biến thiên chỉ số này cho thấy những dấu hiệu bất thường trong cơ thể, thậm chí các bệnh lý nghiêm trọng.

Xét nghiệm FSH là gì?

FSH (hay kích noãn bào tố) có tên tiếng Anh là Follicle Stimulating Hormone được giải phóng từ thùy trước tuyến yên nằm ở não. Đây là hormone quan trọng nằm trong hệ thống hormone phát triển sinh dục và sinh sản ở cả hai phái.

Đặc biệt với nữ giới, FSH là một nội tiết tố sinh dục quan trọng có nhiệm vụ kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt. Đồng thời kích thích tạo nang trứng, điều hòa và đẩy nhanh sự phát triển chức năng của các tuyến sinh dục trong cơ thể. Còn với nam giới, FSH đóng vai trò kích thích tinh hoàn sản xuất tinh trùng trưởng thành và đóng góp vào quá trình sản sinh các protein gắn với androgen.

Những thông tin cần biết về xét nghiệm FSH
Xét nghiệm FSH nhằm kiểm tra lượng hormone FSH có trong máu hay nước tiểu

Xét nghiệm FSH là một xét nghiệm nội tiết đơn giản nhằm kiểm tra lượng hormone FSH có trong máu hay nước tiểu của bạn. Đặc biệt, kết quả của xét nghiệm FSH rất hữu ích trong việc chẩn đoán vô sinh, hiếm muộn cho các bệnh nhân.

Lợi ích của xét nghiệm FSH

Ngoài việc giúp xác định tình trạng vô sinh, hiếm muộn xét nghiệm FSH còn có thể đánh giá những vấn đề liên quan đến bộ máy sinh sản của nam và nữ. Cụ thể:

  • Với nam giới: Chỉ số FSH có thể giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây ra các vấn đề như: Tinh trùng yếu, tinh trùng ít, bất sản sinh dục, hội chứng Klinefelter, tinh hoàn gặp vấn đề do bức xạ, hóa trị, khối u, nhiễm virus, sang chấn…
  • Với nữ giới: Xét nghiệm FSH giúp xác định nguyên nhân gây kinh nguyệt không đều. Đồng thời giúp phát hiện các rối loạn buồng trứng, buồng trứng đa nang, các khối u buồng trứng, rối loạn tuyến yên, hội chứng Kallmann, hội chứng Turner và nhiều khiếm khuyết khác.

Ngoài ra, trong một số trường hợp việc kết hợp xét nghiệm FSH cùng LH ở trẻ em cũng có thể phát hiện tình trạng dậy thì sớm hay dậy thì muộn ở trẻ.

Xét nghiệm FSH thực hiện như thế nào?

Xét nghiệm FSH có thể được thực hiện theo 1 trong 2 cách sau:

  • Xét nghiệm máu: Bác sĩ sẽ dùng kim lấy một lượng máu vừa đủ từ tĩnh mạch trên cánh tay để làm xét nghiệm. Vị trí lấy máu có thể bị bầm tím nhẹ nhưng sẽ biến mất nhanh chóng sau vài ngày.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Bạn sẽ được yêu cầu cung cấp mẫu nước tiểu trong vòng 24 giờ. Quy trình 24 giờ giúp bạn cái nhìn chính xác hơn về mức FSH vì chỉ số này có thể thay đổi liên tục.
Những thông tin cần biết về xét nghiệm FSH 1
Thực hiện bằng lấy máu xét nghiệm FSH

Chỉ số FSH được đo lường theo đơn vị quốc tế mlU/mL (milli-international unit/mililit). Bạn sẽ nhận kết quả chỉ số FSH sau một hay hai ngày lấy mẫu làm xét nghiệm.

Chỉ số FSH thế nào là bình thường?

Do đặc điểm về giới tính nên chỉ số FSH ở nam và nữ sẽ có sự khác biệt. Dưới đây là các giới hạn bình thường về FSH cho thấy hệ sinh dục phát triển khỏe mạnh.

Ở phụ nữ

  • Trước tuổi dậy thì: 0 - 4,0 mIU/mL (0 - 4,0 IU/L).
  • Trong độ tuổi dậy thì: 0,3 - 10,0 mIU/mL (0,3 - 10,0 IU/L).
  • Phụ nữ giai đoạn hành kinh: 4,7 - 21,5 mIU/mL (4,5 - 21,5 IU/L).
  • Sau mãn kinh: 25,8 - 134,8 mIU/mL (25,8 - 134,8 IU/L).

Ở nam giới

  • Trước độ tuổi dậy thì: 0 - 5,0 mIU/mL (0 - 5,0 IU/L).
  • Trong lứa tuổi dậy thì: 0,3 - 10,0 mIU/mL (0,3 - 10,0 IU/L).
  • Người trưởng thành: 1,5 - 12,4 mIU/mL (1,5 - 12,4 IU/L).
Những thông tin cần biết về xét nghiệm FSH 2
Chỉ số FSH bình thường ở nam và nữ là không giống nhau

Kết quả xét nghiệm FSH bất thường phản ánh điều gì?

Kết quả xét nghiệm FSH bất thường có thể là dấu hiệu phản ánh một số vấn đề liên quan đến sức khỏe giới tính và khả năng sinh sản. Cụ thể:

Ở nữ giới

Nồng độ FSH cao hơn mức bình thường ở nữ giới có thể xảy ra trong các trường hợp sau:

  • Suy buồng trứng nguyên phát (suy buồng trứng sớm) gây mất chức năng buồng trứng trước tuổi 40.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Bắt đầu thời kỳ mãn kinh hay tiền mãn kinh.
  • Trong buồng trứng có khối u đang phát triển.
  • Hội chứng Turner.

Nồng độ FSH ở phụ nữ thấp bất thường có thể liên quan đến:

  • Buồng trứng không tạo ra đủ trứng.
  • Có rối loạn hay bất thường ở tuyến yên hay vùng dưới đồi.
  • Rất nhẹ cân.

Ở nam giới

Nồng độ FSH cao hơn mức bình thường ở nam giới có thể do các vấn đề sau:

  • Sự bất thường của tinh hoàn (không có tinh hoàn hay tinh hoàn hoạt động không bình thường).
  • Tổn thương tinh hoàn do sử dụng rượu bia, chất kích thích.
  • Tinh hoàn bị tổn thương do các phương pháp như: Chụp X - quang, hóa trị liệu, xạ trị…
  • Mắc hội chứng Klinefelter.

Ngược lại, chỉ số FSH thấp thường cho nam giới nhận thấy tình trạng rối loạn tuyến yên hay vùng dưới đồi.

Những thông tin cần biết về xét nghiệm FSH 3
Nồng độ FSH cao ở trẻ nhỏ cho thấy bé đang bước vào giai đoạn dậy thì

Ở trẻ em

Nồng độ FSH cao ở trẻ nhỏ cho thấy bé đang bước vào giai đoạn dậy thì hoặc đã dậy thì. Nếu kết quả này xuất hiện ở bé gái chưa được 9 tuổi hay bé trai trước 10 tuổi đồng nghĩa bé đang dậy thì sớm. Các biểu hiện dậy thì sớm có thể bao gồm: Xuất hiện lông ở vùng kín, bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt, ngực phát triển ở bé gái, cơ quan sinh dục phát triển ở bé trai, sự thay đổi tâm sinh lý. Bên cạnh đó, đây cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng rối loạn hệ thần kinh trung ương hay chấn thương sọ não.

Trường hợp mức FSH ở mức thấp có thể là dấu hiệu của dậy thì muộn ở trẻ. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do do: Rối loạn buồng trứng hoặc tinh hoàn, hội chứng Turner, hội chứng Klinefelter, thiếu hụt hormone, tình trạng nhiễm trùng hay rối loạn ăn uống.

Những thông tin về xét nghiệm FSH trên đây chắc hẳn đã giúp bạn hiểu hơn về loại xét nghiệm nội tiết tố phổ biến này. Tuy nhiên, chỉ có các bác sĩ chuyên khoa mới có thể đưa ra kết luận chính xác về chỉ số FSH. Vì vậy, hãy lựa chọn cơ sở y tế uy tín để tiến hành xét nghiệm và nhận được những lời khuyên hữu ích khi cần bạn nhé!.

Xem thêm:

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin