Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Xét nghiệm là gì và thường có bao nhiêu loại xét nghiệm?

Ngày 14/11/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Xét nghiệm là quy trình thường thấy trong việc thăm khám và điều trị sức khoẻ con người. Vậy chính xác xét nghiệm là gì và đâu là các loại xét nghiệm thường gặp? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!

Nền y học ngày một hiện đại giúp cho việc thăm khám và điều trị sức khoẻ con người được tốt hơn. Trong đó xét nghiệm là quy trình không thể thiếu giúp chẩn đoán và điều trị sức khoẻ bệnh nhân được chính xác hơn. Vậy xét nghiệm là gì, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua những thông tin sắp được chia sẻ bên dưới nhé!

Xét nghiệm là gì?

Xét nghiệm là thuật ngữ dùng để chỉ quy trình hoặc thủ tục y tế được yêu cầu thực hiện trong quá trình thăm khám, điều trị hay theo dõi sức khoẻ bệnh nhân. Xét nghiệm là công cụ hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ, đặc biệt là đối với các bệnh có ít triệu chứng hoặc triệu chứng không đặc trưng cụ thể, không đặc hiệu hoặc trong sàng lọc cộng đồng.

Nền y học hiện nay đã có sự phát triển vượt bậc, có rất nhiều loại xét nghiệm đã được nghiên cứu và áp dụng vào những mục tiêu cụ thể để chẩn đoán và theo dõi bệnh lý. Mỗi loại xét nghiệm sẽ cho ra kết quả khác nhau.

Xét nghiệm là gì và thường có bao nhiêu loại xét nghiệm?1 Xét nghiệm giúp hiểu rõ tình trạng sức khoẻ của người bệnh

Số lượng các xét nghiệm hiện nay rất nhiều, khó có thể liệt kê đầy đủ tất cả các xét nghiệm được sử dụng trong khám chữa bệnh, song có thể dựa trên cách thức để phân loại như:

Theo phương pháp xét nghiệm:

  • Xét nghiệm theo phương pháp định tính thành phần có trong máu hoặc nước tiểu.
  • Xét nghiệm phương pháp định lượng.
  • Xét nghiệm bằng sinh học phân tử như PCR.
  • Xét nghiệm theo phương pháp miễn dịch huỳnh quang.
  • Xét nghiệm bằng phương pháp tế bào học.
  • Xét nghiệm nuôi cấy vi sinh để xác định sự có mặt của một số loại vi khuẩn trong mẫu bệnh phẩm.
  • Xét nghiệm bằng cách khuếch đại gen.

Theo loại mẫu xét nghiệm:

Xét nghiệm có thể dựa trên nhiều loại mẫu khác nhau của cơ thể như máu, nước tiểu, mẫu dịch tiết hô hấp, mô tế bào, lông tóc móng hay dịch tiết khác của cơ thể,… 

Các loại xét nghiệm thường dùng

Như đã nói ở trên, hiện nay có rất nhiều loại xét nghiệm được ứng dụng vào y khoa. Dưới đây là danh sách những loại xét nghiệm tương đối đơn giản và phổ biến nhưng có thể dựa vào kết quả xét nghiệm mà theo dõi tình trạng sức khoẻ.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu hay còn gọi là xét nghiệm huyết học. Đây là xét nghiệm cơ bản, dựa vào mẫu máu mà có thể phân tích được rất nhiều thành phần, hợp chất sinh học và thông qua các chỉ số xét nghiệm máu mà tiết lộ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Xét nghiệm huyết học

  • Xét nghiệm công thức máu: Kiểm tra các thành phần cơ bản trong máu như bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu,… Từ đó bác sĩ có thể biết bệnh nhân có bị thiếu máu, tăng bạch cầu bất thường do nhiễm trùng hay không cũng như nhận thấy các bất thường về thành phần máu khác.
  • Xét nghiệm nhóm máu: Đây là thông tin cần thiết để người bệnh có thể chủ động trong trường hợp cấp cứu, bệnh nhân sẽ được truyền máu nhanh chóng.
Xét nghiệm là gì và thường có bao nhiêu loại xét nghiệm?2 Xét nghiệm máu là xét nghiệm cơ bản

Xét nghiệm sinh hóa máu

Xét nghiệm sinh hóa máu cũng được thực hiện giống như xét nghiệm huyết học, song sẽ định lượng các chỉ số sinh hóa khác như:

  • Xét nghiệm mỡ máu: Nhằm xác định chỉ số mỡ máu như cholesterol toàn phần, HDL - Cholesterol, Triglyceride và LDL - Cholesterol.
  • Xét nghiệm Acid Uric: Đánh giá bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh Gout không.
  • Xét nghiệm chức năng gan: Thể hiện qua các chỉ số ALT, AST, GGT, xét nghiệm định lượng Bilirubin.
  • Xét nghiệm chức năng thận: Thể hiện qua chỉ số Ure, Creatinin,…
  • Xét nghiệm sắt, canxi, điện giải đồ,...
  • Xét nghiệm miễn dịch: Xét nghiệm chỉ số viêm gan B, viêm gan C.
  • Xét nghiệm nội tiết, hormon: Thể hiện qua chỉ số TSH, FT3, T3,...
  • Xét nghiệm sinh học phân tử: HBV-DNA,...

Xét nghiệm nước tiểu

Bên cạnh xét nghiệm máu và sinh hóa máu, xét nghiệm nước tiểu cũng là một loại xét nghiệm cơ bản thường được yêu cầu trong khám chữa bệnh lâm sàng. Các chỉ số định lượng trong nước tiểu có thể giúp bác sĩ đánh giá chức năng và tình trạng hoạt động của các cơ quan như gan, tụy, thận, cơ quan bài tiết…

Xét nghiệm là gì và thường có bao nhiêu loại xét nghiệm?3 Xét nghiệm nước tiểu thể hiện năng suất làm việc của các cơ quan bài tiết

Xét nghiệm khác

Một số loại xét nghiệm chuyên sâu hơn cũng có thể được yêu cầu thực hiện trong quá trình khám sức khỏe tổng quát như:

  • Xét nghiệm tầm soát ung thư gan, buồng trứng, tiền liệt tuyến,…
  • Xét nghiệm vi sinh, ký sinh trùng trong cơ thể: Kiểm tra tình trạng nhiễm vi sinh vật gây bệnh như soi HP dạ dày, soi tươi dịch âm đạo,...
  • Xét nghiệm di truyền bằng nhiễm sắc thể đồ.

Khi xã hội ngày càng nhiều người quan tâm hơn về sức khỏe bản thân, biết sàng lọc bệnh lý sớm thì khám sức khỏe tổng quát hằng năm cũng trở nên phổ biến hơn. Hiểu ý nghĩa của các loại xét nghiệm cũng giúp mỗi người chủ động hơn và hiểu hơn cơ thể mình trong sàng lọc bệnh.

Kết quả xét nghiệm dương tính, âm tính có nghĩa gì?

Kết quả xét nghiệm sẽ trả về dưới dạng chỉ số, đôi khi kết quả sẽ là âm tính hay dương tín với virus gây bệnh. Nếu trả về ở dạng chỉ số thì sẽ phải so sánh với mức chỉ số trung bình bình thường để xem xét có đang cao hoặc thấp hơn số trung bình hay không, đôi khi cũng cần kết hợp nhiều kết quả để có kết luận chính xác về tình hình sức khoẻ.

Còn nếu kết quả xét nghiệm dương tính hay âm tính thì cho thấy bạn có đang mang mầm bệnh trong cơ thể hay không. Âm tính là không mang mầm bệnh và dương tính là có. Vẫn có trường hợp dương tính giả hay âm tính giả, nghĩa là kết quả xét nghiệm không thể hiện chính xác tình trạng bệnh lý. Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm như: Trước khi xét nghiệm dùng lại dùng các chất kích thích hoặc thuốc điều trị, giai đoạn bệnh, cách lấy mẫu và xét nghiệm chưa đúng, đặc tính của loại xét nghiệm,…

Trên đây là một vài thông tin giải đáp cho quý đọc giả xét nghiệm là gì cũng như các phương pháp xét nghiệm phổ biến. Để được giải thích chính xác về kết quả xét nghiệm, tốt nhất bệnh nhân nên gặp bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ thực hiện xét nghiệm để được giải thích rõ ràng cũng như hướng dẫn liệu trình điều trị phù hợp.

Như Nguyễn

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm