Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nổi mề đay dị ứng ở trẻ có nguy hiểm không?

Ngày 27/05/2022
Kích thước chữ

Nổi mề đay dị ứng ở trẻ thường gây ra các cơn ngứa ngáy khó chịu nhưng chúng cũng dễ biến mất sau 24 giờ. Các bậc cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra cách xử lý sớm để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của trẻ.

Do trẻ em có sức đề kháng yếu thêm vào đó hệ miễn dịch chưa phát triển được ổn định. Từ đó, khả năng chống lại các tác nhân dị ứng kém hơn người lớn rất nhiều.

Nổi mề đay ở trẻ em là gì?

Nổi mề đay do dị ứng thường xuất hiện rất phổ biến ở trẻ em, do trẻ có hàng rào bảo vệ da kém cùng với cơ thể chưa phát triển đầy đủ. Mề đay xuất hiện ở trẻ thường ở dạng cấp tính có thể biến mất trong vài ngày hoặc dạng mãn tính tầm hơn 6 tuần mới thuyên giảm. Ở trẻ em, theo thống kê mề đay cấp tính thường sẽ phổ biến hơn. 

Có khoảng 15% trẻ em dưới 10 tuổi có ít nhất bị một lần nổi mề đay cấp tính trong đời. Và số lượng các bé gái có tỉ lệ nổi cao hơn các bé trai. Ở những trẻ có tiền sử bệnh dị ứng, hen suyễn hoặc bị viêm da dị ứng, thì tỉ lệ lên đến 20%. Một số trường hợp nổi mề đay ở trẻ em còn đi kèm tình trạng phù mạch.

Nổi mề đay dị ứng ở trẻ có nguy hiểm không?

Tỉ lệ trẻ bị viêm da dị ứng nổi mề đay lên đến 20%

Hầu hết các trường hợp nổi mề đay dị ứng ở trẻ em không nghiêm trọng và ít khi gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, để được chẩn đoán và điều trị nổi mề đay ở trẻ em chính xác cha mẹ nên cho trẻ đến bác sĩ chuyên môn để kiểm tra.

Nguyên nhân gây nổi mề đay ở trẻ em

Histamin là chất có thể gây giãn nở các mạch máu và làm rò rỉ chất lỏng ở các mô xung quanh. Điều này làm cho đỏ da gây sưng và nổi mề đay ở trẻ em. Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến được cho là có thể kích hoạt hiện tượng nổi mề đay ở trẻ em:

Dị ứng

Đối với trẻ đây là nguyên nhân chủ yếu về dễ thấy nhất làm cho trẻ nổi mề đay. Dị ứng ở trẻ được ghi nhận gồm các trường hợp: Dị ứng thực phẩm (trứng, sữa,..), dị ứng thuốc hay ảnh hưởng từ yếu tố trong môi trường như (côn trùng, phấn hoa, lông thú cưng…).

Thay đổi nhiệt độ

Do cơ thể trẻ hệ thống miễn dịch chưa được phát triển đến “ngưỡng”. Nên những biến động nhiệt độ bên ngoài có thể gây tác động đến da của trẻ làm nổi mề đay. Dễ thấy vào, thời điểm giao mùa trẻ sẽ gặp vấn đề này nhiều hơn.

Nổi mề đay dị ứng ở trẻ có nguy hiểm không?

Thay đổi nhiệt độ ở trẻ đột ngột cũng rất dễ nổi mề đay dị ứng

Nhiễm virus

Các bệnh lý nhiễm virus như: Bệnh viêm gan, nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc cảm lạnh đều có thể gây nổi mề đay ở trẻ. Nhiễm virus chiếm 40% các trường hợp khiến trẻ em nổi mề đay. Trường hợp này còn có thể đi kèm sốt cao, khiến trẻ đau cơ hoặc xương khớp.

Nhiễm trùng do vi khuẩn

Khi trẻ xuất hiện các tình trạng viêm Amidan, viêm họng, viêm tai giữa, viêm xoang… Có thể gây suy yếu hệ thống miễn dịch của trẻ, làm da bị kích ứng và nổi mề đay.

Dị ứng thuốc

Cũng giống như người lớn, mề đay dị ứng thuốc cũng xảy ra ở một số trẻ khi mẫn cảm với các thành phần của thuốc. Ngoài ra các tác nhân như: Vết cắn côn trùng, tiềm ẩn bệnh lý nền chưa xác định…. cũng khiến cho trẻ bị nổi mề đay.

Nổi mề đay dị ứng ở trẻ có nguy hiểm không?

Trẻ bị dị ứng thuốc cũng khiến cho trẻ bị nổi mề đay

Trẻ bị nổi mề đay dị ứng có nguy hiểm không?

Theo nghiên cứu hiện nay, có khoảng 50% các trường hợp nổi mề đay ở trẻ em không thể xác định chính xác nguyên nhân, y học gọi đây là mề đay tự phát hoặc mề đay vô căn. Tình trạng nổi mề đay ở trẻ có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể. Kích thước của các vết nổi này có thể lớn nhỏ khác nhau tùy vào nguyên nhân và mức độ của bệnh dị ứng.

Với các trường hợp tình trạng trẻ nổi mề đay mãn tính, vô căn hay tự phát. Nếu không tìm được nguyên nhân hay điều trị nhanh chóng thì bệnh rất dễ tái đi tái lại, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Thậm chí nếu không chữa trị kịp thời, dứt điểm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho trẻ, ví dụ như: 

  • Nhiễm trùng da.
  • Suy nhược cơ thể.
  • Phù mạch.
  • Khó thở.
  • Sốt.
  • Thanh quản co thắt.
  • Sốc phản vệ.

Do đó cần cho trẻ đi khám ngay khi bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu của nổi mề đay dị ứng để bác sĩ kiểm tra và đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất.

Nổi mề đay dị ứng ở trẻ có nguy hiểm không?

Nếu không chữa trị kịp thời nổi mề đay dị ứng ở trẻ sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ nổi mày đay dị ứng

Khi cha mẹ thấy trẻ bắt đầu có những biểu hiện như: Nổi mảng da màu hồng hoặc trắng nổi lộm cộm, nổi mẩn ngứa khắp người, gào khóc, hoặc kèm theo sốt, có thể trẻ đang nổi mề đay dị ứng. Khi đó cha mẹ cần thực hiện một vài lưu ý sau:

  • Loại bỏ trẻ hoàn toàn khỏi các tác nhân gây bệnh dị ứng. Nếu trẻ bị nổi mề đay do thức ăn thì cần kích thích gây nôn cho trẻ để loại bỏ loại thức ăn đó khỏi cơ thể. 
  • Ngăn trẻ gãy cào để tránh bị viêm nhiễm trên vùng da nổi mẩn để hạn chế vi khuẩn xâm nhập từ các vết thương. Trong khi tắm cho trẻ, cha mẹ chỉ nên thoa, rửa nhẹ nhàng, tránh xát mạnh tay.
  • Nên chọn sử dụng những loại xà phòng chuyên dùng cho trẻ đối với bệnh mề đay tránh sử dụng các loại có tính sát khuẩn quá cao, không phù hợp.
  • Nên thay quần áo cho trẻ được làm từ những loại vải có chất mềm, để da trẻ được khô thoáng và đặc biệt không mặc đồ quá bó.
  • Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho trẻ, cần thêm các khoáng chất và vitamin cần thiết để nâng cao đề kháng ở trẻ. Giúp đẩy lùi triệu chứng nổi mề đay, mẩn ngứa.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước và sau khi sử dụng các phương pháp trị mề đay cho trẻ để nhận được lời khuyên chính xác.

Nổi mề đay dị ứng ở trẻ có nguy hiểm không?

Nổi mề đay cấp tính ở trẻ có thể phòng tránh được

Hiện tượng nổi mề đay dị ứng ở trẻ sẽ làm cho trẻ nóng ran, quấy khóc ngứa ngáy khó chịu. Nếu không được điều trị đúng đắn sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng và ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ. Do đó trong quá trình chăm sóc cha mẹ nên chú ý phòng bệnh hơn chữa bệnh để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Minh QA

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin