Nội soi tai mũi họng là kỹ thuật y khoa hiện đại, hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán và phát hiện các triệu chứng bất thường tại tai, mũi, họng. Nội soi được chỉ định ở nhiều đối tượng và nhóm tuổi khác nhau. Vậy liệu nội soi tai mũi họng có đau không? Cần chú ý những gì khi được chỉ định nội soi.
Nội soi tai mũi họng là gì?
Phương pháp nội soi tai mũi họng được dùng rộng rãi tại Việt Nam từ những năm 2000. Nội soi tai mũi họng là phương pháp dùng ống nội soi chuyên dụng (ống optic có đầu vát thay đổi từ 0 – 75 độ) có gắn camera và kính chuyên dụng ở hai đầu để nhìn thấy lớp niêm mạc bên trong vùng tai mũi họng và giúp quan sát rõ các tổn thương.
Nhờ vào kỹ thuật nội soi tai mũi họng, các bác sĩ có thể chẩn đoán và kịp thời phát hiện các bệnh lý tại vị trí tai, mũi, họng chẳng hạn như viêm Amidan, ung thư vòm họng, ung thư hạ họng thanh quản, viêm tai ngoài, viêm tai giữa, tắc vòi nhĩ, viêm xoang, vẹo vách ngăn mũi, dị vật vùng tai mũi họng,… Với kỹ thuật nội soi, bác sĩ có thể quan sát trực quan và rõ ràng, từ đó nhanh chóng xác định chính xác bệnh lý và có biện pháp can thiệp và điều trị kịp thời, phù hợp nhất với từng tình trạng của bệnh nhân.
Phương pháp nội soi tai mũi họng
Ngoài ra, máy nội soi tai mũi họng còn giúp giám sát quá trình vệ sinh tại chỗ vùng tai - mũi - họng được diễn ra một cách thuận lợi, chính xác hơn, các ngách mũi nhỏ, nằm sâu phía trong cũng được rửa sạch.
Nội soi tai mũi họng có đau không?
Nếu bệnh nhân thực hiện nội soi tai mũi họng tại các cơ sở y tế uy tín đều không gây cảm giác đau. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, bệnh nhân cũng cảm thấy khó chịu do hốc mũi hẹp, vách ngăn vẹo nhiều gây chèn ép khe mũi,…
Trước đây, thủ thuật nội soi tai mũi họng thường sử dụng ống nội soi cứng, gây cảm giác đau rát, khó chịu khi đầu ống nội soi chạm vào niêm mạc mũi hoặc họng. Tuy nhiên, vấn đề này được khắc phục khi thực hiện nội soi bằng ống mềm.
Nội soi tai mũi họng tại các cơ sở y tế uy tín đều không gây cảm giác đau
Toàn bộ quá trình nội soi bằng ống mềm diễn ra chỉ mất từ 5 đến 10 phút, rất ít xảy ra tai biến. Tai biến chỉ xuất hiện khi bác sĩ thực hiện không đúng kỹ thuật, bệnh nhân (nhất là trẻ nhỏ) la hét hoặc quẫy đạp, không thể thở do lo sợ, xoay chuyển cơ thể đột ngột… Biến chứng nhẹ là gây chảy máu do va chạm với thân ống nội soi, trường hợp nặng là có thể thủng màng nhĩ.
Về vấn đề vô trùng, người bệnh có thể yên tâm vì ống optic thường được rửa bằng nước sạch, ngâm vào dung dịch có tính sát khuẩn mạnh, rồi rửa thêm một lần nữa bằng nước sạch trước khi tiến hành nội soi.
Khi nào nên nội soi tai mũi họng?
Trước khi tìm hiểu về quy trình nội soi tai mũi họng, ta tìm hiểu xem khi nào cần dùng phương pháp này. Nếu bệnh nhân gặp các triệu chứng được liệt kê sẽ được bác sĩ chỉ định nội soi để kiểm tra:
Các triệu chứng ở tai
- Dị tật ở tai, ví dụ tai nhỏ, cấu trúc tai bất thường, biến dạng,…
- Tai bị đau.
- Tai bị chảy mủ.
- Ù tai, luôn nghe thấy tiếng ve kêu trong tai.
- Giảm thính lực, nghe kém.
- Điếc đột ngột.
- Ngứa tai.
Các triệu chứng ở mũi
- Nghẹt mũi, phải dùng miệng để thở.
- Chảy máu mũi.
- Chảy mũi xanh, nói giọng mũi.
- Mũi bị dị tật.
- Được chẩn đoán viêm xoang, đã tiến hành chụp X-Quang hoặc CT, tiến hành nội soi để tìm ra nguyên nhân chính xác gây viêm.
Các triệu chứng ở họng
- Đau họng, ngứa họng lâu ngày không khỏi, có hoặc không kèm theo mủ.
- Ho liên tục nhiều ngày không khỏi dù đã làm các biện pháp điều trị.
- Khô miệng, khó nuốt nước bọt, nghẹn khi nuốt.
- Miệng có mùi hôi bất thường.
- Khàn tiếng kéo dài.
- Hụt hơi khi nói.
- Hạch nổi ở góc hàm, hạch nhỏ, không gây đau.
- Ho ra máu.
Khi có các triệu chứng của bệnh tai, mũi, họng thì nên đi nội soi
Những lưu ý khi nội soi tai mũi họng
Để phòng ngừa các biến chứng do nội soi tai mũi họng, bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau:
- Tuyệt đối tuân thủ theo sự chỉ dẫn của các y tá, bác sĩ.
- Tập trung tinh thần cao độ, ngồi yên, không cử động, không cúi người hoặc xoay chuyển một cách đột ngột.
- Đối với trẻ nhỏ: Bố Mẹ hoặc người nhà đi cùng cần giải thích rõ cho trẻ để trẻ chuẩn bị tâm lý và hợp tác trong suốt quá trình nội soi, trấn an ngay khi trẻ có tâm lý lo sợ. Ở trẻ dưới 5 tuổi, mẹ cần bế trẻ ngồi trên ghế nội soi, dựa lưng vào người mẹ, tay phải mẹ đặt lên trán để giữ đầu trẻ được cố định, tay trái ôm ngang bụng giữ chặt 2 tay trẻ và kẹp 2 chân bé vào 2 chân của mẹ.
- Đối với trẻ sơ sinh, chỉ định nội soi tai mũi họng cần phải được hạn chế, chỉ thực hiện trong những trường hợp cấp thiết nhất. Khi đó, bác sĩ và nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cụ thể cho người nhà của trẻ.
- Thăm khám và nội soi tai mũi họng tại những địa chỉ y tế, uy tín để chẩn đoán và điều trị hiệu quả và an toàn.
Tin rằng, qua bài viết này, mọi người đã có thể trả lời cho việc nội soi tai mũi họng có đau không? Nhìn chung, nội soi tai mũi họng không gây đau cho người bệnh và có tác dụng chẩn đoán, điều trị các bệnh liên quan tai mũi họng hiệu quả. Vì vậy, bệnh nhân không cần quá lo lắng nếu được chỉ định thực hiện kỹ thuật nội soi này.
Phương Nhi
Nguồn tham khảo: Tổng hợp