Cảm giác nửa đêm bị lạnh run người là hiện tượng khá phổ biến nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này. Thực tế, ớn lạnh có thể do nhiều yếu tố khác nhau tác động lên cơ thể. Đôi khi, nó chỉ là phản ứng bình thường của cơ thể khi nhiệt độ môi trường giảm xuống, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe cần được chú ý.
Nửa đêm bị lạnh run người có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số vấn đề sức khỏe. Các bác sĩ cho biết, tình trạng này có thể liên quan đến các nguyên nhân như mất nước, cơ thể nhẹ cân, suy giảm chức năng tuyến giáp, thiếu máu hoặc tuần hoàn máu không tốt.
Nguyên nhân nửa đêm bị lạnh run người
Nhiều người đã từng trải qua tình trạng nửa đêm bị lạnh run người, đặc biệt là khi nhiệt độ môi trường giảm xuống, khiến họ cảm thấy răng run lập cập và cần phải đắp nhiều chăn mới cảm thấy ấm. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng có thể xảy ra ngay cả khi nhiệt độ trong phòng không thay đổi hoặc nóng. Đây có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe cần được chú ý và khắc phục.
Phần lớn, phụ nữ thường gặp tình trạng này nhiều hơn nam giới.Lý do là vì cơ thể phụ nữ vốn đã yếu, phải trải qua quá trình thay đổi như sinh đẻ, tiền mãn kinh,...
Một số nguyên nhân phổ biến gây lạnh run về đêm có thể kể đến như:
Những người có trọng lượng cơ thể nhẹ hoặc thiếu chất béo sẽ không có đủ khả năng giữ ấm cho cơ thể trong khi ngủ, đặc biệt là những người có chỉ số BMI dưới 18,5.
Thiếu ngủ có thể dẫn đến cảm giác lạnh run vào ban đêm, do cơ thể cần thời gian nghỉ ngơi để duy trì quá trình trao đổi chất.
Mất nước hay thiếu nước có thể làm giảm quá trình trao đổi chất, từ đó giảm khả năng sinh nhiệt cho cơ thể, gây cảm giác lạnh run vào ban đêm.
Các bệnh lý như nhược giáp, thiếu máu hoặc vấn đề tuần hoàn cũng có thể là nguyên nhân gây lạnh run lúc nửa đêm.
Lạnh run người nữa đêm là dấu hiệu của bệnh gì?
Nửa đêm bị lạnh run người có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như:
Nhược giáp
Tuyến giáp có vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhiệt độ cơ thể và quá trình trao đổi chất. Khi nồng độ hormon tuyến giáp thấp, cơ thể sẽ gặp khó khăn trong việc sinh nhiệt, dẫn đến tình trạng lạnh run, đặc biệt là vào ban đêm. Ngoài biểu hiện lạnh run, người bị nhược giáp còn gặp phải các triệu chứng như tóc khô, móng tay và chân giòn, tăng cân đột ngột, mệt mỏi, yếu cơ, giảm thị lực, táo bón và da khô. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh lý này có thể tiến triển nặng hơn.
Thiếu máu
Thiếu máu xảy ra khi cơ thể không có đủ sắt hoặc hồng cầu, làm giảm khả năng vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến các bộ phận trong cơ thể. Một trong những dấu hiệu rõ rệt của bệnh thiếu máu là cảm giác lạnh run vào ban đêm. Các triệu chứng khác của thiếu máu bao gồm da nhợt nhạt, mệt mỏi, khó thở, đau tức ngực, nhịp tim bất thường và nhức đầu.
Vấn đề tuần hoàn
Mạch máu kém lưu thông có thể khiến nhiệt độ cơ thể giảm xuống, làm bạn cảm thấy lạnh run. Các bệnh lý như hội chứng Raynaud hoặc bệnh tự miễn dịch cũng có thể gây co thắt mạch máu đột ngột, dẫn đến tình trạng này. Các triệu chứng đi kèm bao gồm thay đổi màu sắc da tay chân, chóng mặt, ngứa ran người, huyết áp cao, nhức đầu và chuột rút.
Thiếu ngủ
Khi không ngủ đủ giấc, cơ thể không có đủ thời gian để phục hồi và duy trì quá trình trao đổi chất, làm giảm khả năng sinh nhiệt. Thiếu ngủ không chỉ khiến bạn cảm thấy lạnh run, mà còn gây ra các triệu chứng như thiếu tập trung, buồn ngủ ban ngày, giảm trí nhớ, dễ cáu gắt và tăng thèm ăn.
Tình trạng lạnh run vào ban đêm không phải lúc nào cũng vô hại. Nếu hiện tượng này diễn ra thường xuyên, bạn nên thăm khám để xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.
Giải pháp khắc phục tình trạng rét run người lúc nửa đêm
Để khắc phục tình trạng nửa đêm bị lạnh run người, nếu nguyên nhân do dị ứng thời tiết hay nhiệt độ giảm đột ngột, việc ủ ấm cơ thể trong khoảng 10-30 phút thường sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung vitamin C hoặc uống nước chanh đường để làm ấm cơ thể. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và tập luyện thể dục mỗi ngày cũng là các yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa tình trạng này.
Dưới đây là một số biện pháp hữu ích để giảm thiểu và ngăn ngừa ớn lạnh vào ban đêm:
Uống đủ nước mỗi ngày, đặc biệt là nước lọc và các loại nước ép trái cây, sinh tố.
Bổ sung thực phẩm giàu sắt, chẳng hạn như cải bó xôi, thịt đỏ, mật mía và ngũ cốc.
Ăn chất béo lành mạnh từ bơ, dầu oliu và các loại hạt như hạnh nhân, quả óc chó, hạt hướng dương.
Rèn luyện thể dục thường xuyên để cải thiện sức đề kháng và khả năng điều hòa nhiệt độ cơ thể.
Đi ngủ đúng giờ và đảm bảo ngủ đủ 6-8 giờ mỗi đêm để cơ thể phục hồi và duy trì nhiệt độ ổn định.
Bổ sung vitamin B12 nếu bạn bị thiếu máu, theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Mang đồ thông thoáng và ấm áp khi ngủ, giúp cơ thể giữ ấm tốt hơn.
Sử dụng thiết bị sưởi ấm như chăn điện nếu cảm thấy cần thiết để duy trì nhiệt độ cơ thể.
Massage nhẹ nhàng để làm ấm cơ thể trước khi ngủ.
Thưởng thức một tách trà thảo dược hoặc sữa ấm để thư giãn và giúp cơ thể ấm lên trước khi đi ngủ.
Những thói quen này không chỉ giúp bạn khắc phục tình trạng lạnh run vào ban đêm mà còn nâng cao sức khỏe và giúp bạn ngủ ngon hơn mỗi đêm.
Nửa đêm bị lạnh run người có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó một số yếu tố như chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt có thể được cải thiện thông qua các giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, nếu tình trạng này đi kèm với những dấu hiệu bất thường hoặc biến chứng nghiêm trọng, bạn nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe tổng thể và được điều trị kịp thời, tránh nguy cơ các vấn đề sức khỏe phát triển nghiêm trọng.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.