Trước khi tìm hiểu nước dashi hầm trong bao lâu là tốt nhất, chúng ta hãy cùng nói sơ qua về loại nước này nhé!
Nước dashi là gì?
Nước dashi là nước dùng truyền thống của Nhật Bản, được sử dụng trong các món soup, món mì, lẩu hoặc làm nước gia vị thay thế cho muối.
Trong cách nấu truyền thống của phụ nữ Nhật Bản, nước dashi được làm từ cá ngừ khô, cá mòi khô, cá cơm, cá chuồn khô,... kết hợp cùng tảo bẹ, nấm đông cô,... Hiện nay, nước dashi được nấu với đa dạng các nguyên liệu hơn, đặc biệt, nước dashi từ các loại rau củ là món nước dùng phổ biến được nhiều mẹ bỉm Việt Nam thực hiện.
Nước dashi hầm trong bao lâu?
Tuỳ vào từng nguyên liệu sử dụng mà thời gian hầm nước dashi cũng sẽ có sự khác biệt. Với nước dashi được làm từ các loại rau củ, bạn nên ninh trong vòng 1 tiếng và sau đó rây lại để lọc hết các cặn còn lại.
Tuỳ vào từng nguyên liệu sử dụng mà thời gian nấu nước dashi sẽ có sự khác biệt
Với nước dashi làm theo cách nấu truyền thống, các mẹ nên nấu tảo bẹ (đã ngâm từ 30 phút đến 2 tiếng) trong khoảng từ 10 đến 20 phút. Sau đó giảm lửa và cho thêm cá bào vào và nấu trong vòng từ 3 đến 5 phút nữa. Như vậy tổng thời gian để hoàn thành nước dashi này là từ 13 đến 25 phút.
Nước dashi nên dùng các loại rau củ nào?
Như vậy chúng ta đã có câu trả lời cho câu hỏi “Nước dashi hầm trong bao lâu là tốt nhất?”. Nhưng với những mẹ bỉm thường sử dụng nước dashi hầm từ rau củ cho con có biết loại rau củ nào tốt cho trẻ ăn dặm hay không?
Dưới đây là một số loại rau củ được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên sử dụng cho trẻ nhỏ, nhất là những bé đang trong giai đoạn ăn dặm. Mẹ có thể tham khảo để nấu nước dashi rau củ cho con.
Cà rốt
Trong cà rốt có chứa nhiều chất xơ có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hoá. Ngoài ra, beta caroten trong cà rốt sau khi hấp thụ vào cơ thể sẽ chuyển hoá thành vitamin A có khả năng tăng cường thị lực và hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Nước dashi hầm từ cà rốt rất tốt cho hệ miễn dịch và thị lực của trẻ
Rau bina
Rau bina rất tốt cho trẻ sơ sinh. Đặc biệt, phần lá của rau bina rất giàu sắt - chất dinh dưỡng cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của trẻ.
Bí ngô
Trong các công thức nấu nước dashi từ rau củ, bí ngô là nguyên liệu vô cùng quen thuộc. Loại thực phẩm này có rất giàu vitamin A, đặc biệt tốt cho hệ thống miễn dịch và sự phát triển thị lực của trẻ.
Khoai lang
Bên cạnh bí ngô, khoai lang cũng là thực phẩm được nhiều mẹ bỉm lựa chọn. Bởi khoai lang rất giàu vitamin A, vitamin B6, vitamin C, manga và các loại chất xơ cực kỳ tốt cho sự phát triển của trẻ sơ sinh.
Bông cải xanh
Bông cải xanh được biết đến là một loại rau tốt cho mọi lứa tuổi. Bởi loại thực phẩm này chứa các hợp chất chống ung thư cùng hàm lượng vi chất cực kỳ phong phú.
Bí ngòi
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bí ngòi xanh và bí ngòi vàng rất giàu kali, vitamin A và mangan. Đây đều là những vi chất cần thiết cho sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ
Hướng dẫn nấu nước dashi đúng cách cho bé tăng cân
Tuỳ vào từng nguyên liệu mẹ sử dụng mà cách nấu nước dashi sẽ có dự khác biệt. Sau đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ hướng dẫn mẹ một số cách nấu nước dashi để nấu cùng bột hoặc cháo giúp bé có nhiều chất dinh dưỡng hơn và tăng cân tốt hơn.
Nước dashi từ cá bào khô và tảo bẹ
Để nấu được loại nước dùng này, mẹ cần chuẩn bị một số các nguyên liệu sau:
-
2 miếng tảo bẹ khô.
-
½ bát cá ngừ khô bào.
-
500ml nước.
Cách thực hiện như sau:
-
Bước 1: Sử dụng khăn ẩm lau khô bề mặt của 2 miếng tảo bẹ.
-
Bước 2: Ngâm tảo bẹ với nước trong khoảng thời gian từ 30 phút đến 2 tiếng.
-
Bước 3: Đặt nồi nước ngâm tảo bẹ lên bếp và đun trong khoảng 10 - 20 phút. Sau đó giảm lửa và vớt tảo bẹ ra ngoài.
-
Bước 4: Cho cá ngừ khô bào vào nồi nước đun tảo bẹ và đun trên bếp thêm khoảng 3 - 5 phút. Sau đó tắt bếp.
-
Bước 5: Dùng rây lọc lấy nước. Mẹ nên dùng thìa ấn phần cái để hương vị được chiết xuất tối đa.
Nước dashi nấu bột hoặc cháo ăn dặm sẽ tăng thêm sức hấp dẫn của món ăn
Nước dashi rau củ
Nước dashi rau củ có cách làm rất đơn giản. Mẹ chỉ cần chuẩn bị những loại rau củ mà mình muốn kết hợp hoặc có sẵn trong gia đình. Sau đó, cạo vỏ, rửa sạch, cắt thành từng khoanh vừa ăn rồi cho tất cả nguyên liệu vào nồi nước. Nồi nước hầm rau củ nên ninh từ 1 - 2 tiếng để rau ra được hết chất dinh dưỡng. Cuối cùng, mẹ dùng rây sạch lọc lấy nước và loại bỏ phần bã và cặn.
Bên cạnh 2 loại nước dashi phổ biến này, hiện nay, trên thị trường có các sản phẩm nước dashi dạng gói dạng hạt hoặc dạng bột. Mẹ cũng có thể sử dụng để tiết kiệm thời gian nấu nướng.
Một số lưu ý khi dùng nước dashi
Để nước dashi không bị biến chất và có thể ảnh hưởng tới hệ tiêu hoá non nớt của trẻ, mẹ cần lưu ý một số điều sau đây:
-
Sau khi nấu xong, mẹ nên chờ nước dashi nguội hẳn rồi mới bảo quản trong tủ mát hoặc tủ đông.
-
Nước dashi trữ đông nên dùng hết trong vòng 5 đến 7 ngày. Mẹ không nên để lâu hơn, tránh tình trạng nước không còn dinh dưỡng như ban đầu.
-
Với nước dashi làm từ rau củ, mẹ nên lựa chọn các loại rau của có thể kết hợp với nhau, tuyệt đối tránh sử dụng các loại rau củ kỵ nhau. Chẳng hạn, không hầm cà rốt chung với củ cải; bí đỏ chung với cải thìa; đậu, khoai lang và cải bó xôi;...
-
Với những bé tập ăn dặm và lần đầu dùng nước dashi, mẹ nên cho bé thử trước 1 ít để kiểm tra các phản ứng dị ứng của cơ thể, hạn chế tối đa những điều không mong muốn có thể xảy ra.
Nước dashi là một loại nước dùng rất giàu dinh dưỡng và tốt cho sự phát triển của trẻ. Bởi vậy, mẹ đừng ngần ngại vào bếp và nấu các món ăn dặm thơm ngon cùng loại nước này cho bé nhé! Nhà thuốc Long Châu mong rằng những cách nấu nước dashi cũng như lời giải đáp cho băn khoăn “Nước dashi hầm trong bao lâu là tốt nhất?” được chia sẻ trên đây sẽ hữu ích với các mẹ bỉm, nhất là những chị em lần đầu làm mẹ.
Tú Anh
Nguồn tham khảo: Tổng hợp