Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ợ chua nóng cổ là bệnh gì? Biện pháp khắc phục hiệu quả

Ngày 25/08/2024
Kích thước chữ

Chứng ợ chua nóng cổ khiến nhiều người cảm thấy rất khó chịu. Vậy nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì và cách điều trị chứng ợ chua nóng cổ như thế nào?

Ợ chua nóng cổ là triệu chứng điển hình của nhiều bệnh lý rối loạn tiêu hóa. Tình trạng này khiến người bệnh có cảm giác nóng rát ở cổ họng, ngực, dạ dày, gây khó chịu, khó tập trung, mất tự tin trong cuộc sống và công việc.

Ợ chua nóng cổ là gì?

Ợ chua nóng cổ là hiện tượng sinh lý bình thường, thường xảy ra sau khi ăn, ăn quá no, nằm ngay sau khi ăn hoặc uống nước có ga. Sau khi ợ chua, ai cũng có thể cảm nhận được cảm giác nóng rát lan từ dạ dày lên thực quản. Hiện tượng này chỉ kéo dài trong vài phút nhưng trong một số trường hợp có thể kéo dài tới vài giờ.

Thông thường, các cơn ợ chua thường xảy ra vào ban đêm hơn ban ngày. Acid lan nhanh trong miệng và có thể làm thay đổi vị giác. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy khó chịu và chua miệng. Đồng thời, cảm giác thèm ăn của bạn sẽ giảm dần khiến bạn có cảm giác ăn không ngon, chán ăn. Ngoài ra, một số người có thể cảm thấy tức ngực hoặc khó chịu ở dạ dày sau khi bị ợ chua nóng cổ.

o-chua-nong-co-la-benh-gi-bien-phap-khac-phuc-hieu-qua 1.jpg
Ợ chua nóng cổ là triệu chứng điển hình của nhiều bệnh lý rối loạn tiêu hóa

Nguyên nhân gây ợ chua nóng cổ

Tại sao lại xuất hiện triệu chứng ợ chua nóng cổ? Khi cơ vòng thực quản dưới không đóng kín, acid dạ dày tăng cao gây ra triệu chứng này. Nếu acid ảnh hưởng đến các đầu mút thần kinh ở thực quản, nó có thể gây tức ngực và khó chịu.

Ngoài ra, còn có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này. Chỉ khi xác định được nguyên nhân chính xác thì bác sĩ mới có thể đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả. Dưới đây là một số lý do bạn nên biết để tránh chứng ợ chua và nóng cổ.

  • Ăn nhiều thực phẩm gây ợ chua nóng cổ như đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay, trái cây có vị chua... Những thực phẩm này có thể gây kích ứng niêm mạc dẫn đến dạ dày tiết ra một lượng lớn acid.
  • Uống đồ uống gây ợ chua như bia, rượu, nước có ga, soda, cà phê…
  • Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai, với sự gia tăng hormone progesterone khiến cơ thắt thực quản giãn ra. Đồng thời, áp lực trong khoang bụng tăng cao, tạo điều kiện cho acid dạ dày trào ngược lên thực quản.
  • Rối loạn nhu động dạ dày làm giảm hoạt động tiêu hóa, dẫn đến chứng đầy hơi, khó tiêu. Nếu thức ăn tích tụ quá lâu có thể sinh ra khí làm tăng áp lực trong dạ dày, gây ợ chua.
  • Nếu không trung hòa kịp thời bằng thuốc hoặc thực phẩm có tính kiềm, acid dạ dày sẽ được tiết ra với số lượng lớn. Chúng có thể bị đẩy ngược vào thực quản, gây ợ chua và cảm giác nóng rát ở cổ họng.
  • Các bệnh về dạ dày: Trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày, ung thư dạ dày…, làm giảm khả năng tiêu hóa và tăng tiết acid dịch vị. Acid không chỉ làm tổn thương nghiêm trọng niêm mạc dạ dày mà còn có thể gây trào ngược, dẫn đến ợ chua.
  • Sử dụng một số loại thuốc như glucocorticoid, thuốc chống viêm nhóm NSAID.... Nếu sử dụng lâu dài, chúng có thể làm hỏng lớp chất nhầy bảo vệ dạ dày. Lúc này rất dễ tiếp xúc với acid dạ dày, gây kích ứng màng nhầy, làm rối loạn nhu động và tiêu hóa của dạ dày.
  • Căng thẳng, lo lắng thường xuyên có thể khiến hệ thần kinh bị ảnh hưởng và không thể kiểm soát tốt hoạt động tiêu hóa.
  • Béo phì, thừa cân làm tăng áp lực trong khoang bụng, đặc biệt là dạ dày.
o-chua-nong-co-la-benh-gi-bien-phap-khac-phuc-hieu-qua 2.jpg
Béo phì, thừa cân dẫn đến tình trạng ợ chua nóng cổ

Làm thế nào để khắc phục và ngăn ngừa chứng ợ chua nóng cổ?

Thay đổi thói quen sinh hoạt, nghỉ ngơi của bạn

Để cải thiện tình trạng ợ chua nóng cổ gây khó chịu, bạn nên thay đổi một số thói quen sinh hoạt sau:

  • Thay đổi tư thế ngủ: Kê cao đầu trước khi đi ngủ và nằm nghiêng về bên trái. Đồng thời, bạn nên đi ngủ sớm để đảm bảo ngủ đủ giấc.
  • Thay đổi thói quen tập thể dục: Đi bộ mỗi ngày và tập các bài tập yoga nhẹ nhàng thường xuyên. Tuy nhiên, bạn nên tránh gập bụng, đảo ngược tư thế khi bị ợ chua.
  • Nghỉ ngơi và tránh căng thẳng hoặc gắng sức quá mức.
  • Duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế mỡ thừa để giảm áp lực trong khoang bụng.
  • Không sử dụng các chất kích thích như nicotin, đây là chất làm giãn cơ vòng thực quản dưới.

Chế độ ăn cho người bị ợ chua nóng cổ

Để giảm thiểu triệu chứng ợ chua nóng cổ, bạn nên điều chỉnh thói quen ăn uống cho phù hợp và nên bổ sung nhiều thực phẩm sau:

  • Ăn nhiều thực phẩm mềm, giàu chất kiềm, giàu chất xơ hỗ trợ tiêu hóa như sữa chua, bột yến mạch, khoai lang, rau xanh…
  • Ăn nhiều loại trái cây và rau quả tươi. Đặc biệt là những thực phẩm giàu vitamin C như đu đủ, dâu tây, súp lơ…
  • Tránh ăn các món chiên xào nhiều dầu mỡ và các thực phẩm có tính acid như dưa chua, mù tạt…
  • Đừng ăn quá nhiều đồ ăn cùng một lúc và đừng để bụng đói.
  • Đừng ăn quá nhanh, tốt nhất nên nhai chậm.
  • Không nằm sau bữa ăn và không làm việc sau bữa ăn.
  • Tránh đá viên và đồ uống có ga, đặc biệt nếu bạn bị đau họng.
o-chua-nong-co-la-benh-gi-bien-phap-khac-phuc-hieu-qua 3.jpg
Người bị ợ chua nóng cổ cần tránh đá viên và đồ uống có ga 

Dùng thuốc

Khi bị ợ chua nóng cổ, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng một số loại thuốc sau:

  • Các thuốc kháng acid gồm: Mylanta, Rolaids…, giúp trung hòa acid dạ dày, giảm nhanh triệu chứng ợ chua nóng cổ. Nhưng nếu lạm dụng lâu dài sẽ gây ra một số tác dụng phụ như tiêu chảy…
  • Thuốc chẹn H2 bao gồm: Cimetidine, ranitidine, nizatidine... Những loại thuốc này giúp giảm sản xuất acid dạ dày trong 12 giờ. Vì vậy, bạn nên uống trước bữa ăn khoảng 30 phút để giảm chứng ợ chua.
  • Nhóm thuốc ức chế bơm Proton bao gồm: Omeprazole, lansoprazole… Những loại thuốc này có tác dụng ngăn ngừa sản xuất acid dạ dày.

Ợ chua nóng cổ có thể là triệu chứng của nhiều căn bệnh nguy hiểm. Vì vậy, khi tình trạng ợ chua nóng cổ kéo dài, người bệnh nên đi khám sức khỏe sớm để có phương án điều trị phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.