Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Ở cữ mặc áo cộc được không? Có bắt buộc phải mặc áo dài không?

Ngày 10/08/2022
Kích thước chữ

Mặc quần áo dài trong mùa nóng là “cực hình” kiêng cữ sau sinh. Liệu rằng ở cữ mặc áo cộc được không hay bắt buộc phải mặc đồ dài? Cùng giải đáp ở cữ có được mặc áo cộc tay không nhé!

Các chị em “vỡ chum” vào mùa nóng cực kỳ ái ngại với quan niệm mặc quần áo dài sau sinh, thậm chí phải xỏ cả tất chân. Theo tục lệ kiêng cữ thì mặc quần áo cộc dễ khiến sản phụ bị nhiễm lạnh. Nhiều mẹ nghe theo đã mặc quần áo dài bất chấp thời tiết oi bức. Ở cữ có nhất thiết phải mặc đồ dài không?

Vì sao ở cữ kiêng mặc quần áo cộc?

Không rõ tục lệ kiêng mặc quần áo cộc sau sinh có từ bao giờ, do ai nghĩ ra nhưng ngày nay ông bà ta vẫn dặn dò các sản phụ phải làm theo. Nhiều mẹ bỉm sữa cho rằng quan niệm này đã quá cổ hủ. Nếu sinh vào mùa hè nóng nực thì không thể áp đặt quan niệm phải mặc đồ dài tay trong thời gian ở cữ. Vậy ở cữ có mặc áo cộc được không? Vì sao phải kiêng mặc đồ cộc khi ở cữ?

ở cữ mặc áo cộc được không 1 Ở cữ mặc áo cộc được không?

Theo cách nghĩ của người xưa thì sau khi sinh lỗ chân lông giãn nở to hơn, rất dễ bị nhiễm lạnh nếu tiếp xúc với gió và khí lạnh bên ngoài. Vì vậy, sản phụ cần phải mặc quần áo dài để tránh gió lùa. Hơn nữa, sức khỏe sau khi sinh cũng bị suy nhược khá nhiều nên sản phụ càng dễ bị ảnh hưởng nếu mặc đồ phong phanh. Mặc quần áo ngắn tay có thể gây ra một số vấn đề như:

  • Bị cảm lạnh sau sinh với các triệu chứng là đau đầu, đau cơ, viêm họng, ho, chán ăn... Mẹ bỉm sữa sẽ thấy rất mệt mỏi, không đủ sức chăm con, cơ thể chậm phục hồi sau sinh.
  • Sau này gặp thời tiết lạnh thì mẹ rất dễ rùng mình và khả năng chịu rét rất kém. Trong khi mọi người mặc áo thu đông thì mẹ có thể vì cảm giác lạnh quá mà phải mặc quần áo dày hơn.

Ở cữ mặc áo cộc được không?

Mặc dù không có cơ sở khoa học nhưng các kiêng cữ sau sinh đều được ông bà ta đúc rút từ thực tế. Có kiêng có lành, nếu giữ gìn tốt thì sức khỏe hiện tại và sau này của chị em sẽ đảm bảo hơn. Tuy nhiên, sẽ là “cực hình” nếu sản phụ phải mặc quần áo dài trong thời tiết oi bức. Sinh vào mùa nóng thì ở cữ có nhất thiết phải mặc đồ dài không? Ở cữ mặc áo cộc được không?

Mặc áo dài tay sau sinh không phải là khuyến cáo tuyệt đối. Vì vậy các mẹ vẫn thắc mắc sau sinh mặc quần áo cộc được không. Theo khuyến nghị của bác sĩ thì sản phụ nên mặc đồ thoáng mát, dễ chịu và giữ ấm cơ thể. Việc mặc quần áo dài, mang tất chân khi trời lạnh là cần thiết. Sản phụ cũng có thể mặc đồ dài tay nếu thời tiết mát mẻ và cảm thấy dễ chịu với điều đó.

Nhưng nếu đang trong mùa hè nóng nực thì chị em không nhất thiết phải gò bó mình mặc quần áo dài. Sản phụ hoàn toàn có thể mặc áo cộc tay khi ở cữ và cũng không cần đi tất chân. Lưu ý là hạn chế ngồi ở những nơi hút gió, ngồi trước quạt hoặc sử dụng điều hòa nhiệt độ quá thấp. Chị em chọn quần áo dài có chất liệu cotton, thấm hút mồ hôi, không bó sát để tránh bí bách.

ở cữ mặc áo cộc được không 2 Ở cữ có được mặc áo cộc tay và không cần mang tất nếu thời tiết nóng bức

Ở cữ bao lâu được mặc quần áo cộc?

Theo kinh nghiệm dân gian thì sản phụ cần mặc đồ dài tay trong ít nhất 1 tháng. Tức là sau sinh 1 tháng thì mới có thể mặc quần áo cộc như bình thường. Thời tiết ấm áp hoặc nóng bức thì phụ nữ sau sinh được mặc đồ cộc sớm hơn. Nhưng cũng không nên mặc mỏng manh quá sớm, sản phụ nên để sau sinh 1 tuần hãy mặc quần áo cộc.

Ở cữ bao lâu được mặc quần áo cộc còn tùy theo thời tiết và thể trạng sức khỏe của sản phụ. Nếu trời se lạnh thì mặc quần áo dài là lẽ đương nhiên để giữ ấm. Hoặc sản phụ sức khỏe yếu cũng nên mặc đồ dài để tránh gió. Việc kiêng cữ này vì mục đích tốt cho sức khỏe của chị em, nếu kiêng được thì cứ kiêng nhé!

Một số kiêng cữ khác để giữ ấm cho sản phụ

Bên cạnh mối bận tâm sau sinh mặc quần áo cộc được không, sản phụ nên tìm hiểu thêm một số kiêng cữ khác nhằm giữ ấm cho cơ thể. Dưới đây là một số điều cần lưu ý để giữ ấm theo quan niệm ở cữ trong dân gian.

Ở cữ kiêng đi chân trần

Sau sinh có nên mang vớ không? Vớ còn gọi là tất giúp giữ ấm chân. Sản phụ đi chân trần tiếp xúc trực tiếp với sàn nhà dễ bị nhiễm lạnh, giảm tuần hoàn máu. Lòng bàn chân có rất nhiều mạch máu, dây thần kinh dẫn nối đến tim, thận, dạ dày, não bộ… Nhiễm lạnh từ chân có thể gây hại đến các cơ quan nội tạng khác.

Phụ nữ sau sinh nên mang tất dày và ấm vào mùa đông. Nếu là mùa hè, chị em có thể mang tất giấy mỏng. Theo quan niệm ở cữ thì sản phụ nên đeo tất ít nhất 1 tháng. Nhưng ngày nay vấn đề kiêng cữ này không còn quá khắt khe, nhất là ở những nơi có khí hậu nóng nực. Mẹ mang tất 1 tuần đầu sau sinh là được.

ở cữ mặc áo cộc được không 3 Mang tất sau khi sinh để giữ ấm đôi chân

Sau sinh nên bịt tai

Trước đây, sản phụ thường bịt bông gòn vào tai sau khi sinh. Mục đích là để tránh gió lùa vào trong dẫn tới đau đầu, tránh nghe thấy tiếng ồn ào ở bên ngoài. Không có nghiên cứu nào cho thấy việc bịt tai là cần thiết nhưng nếu giữ ấm được đôi tai sẽ rất tốt cho sức khỏe, nhất là vào mùa đông.

Tuy nhiên, bạn nên chọn loại bông y tế chất lượng để bịt tai, không nên bịt tai bằng bông gòn kém chất lượng vì dễ lọt sợi bông vào trong. Bông y tế Quick Nurse là lựa chọn an toàn cho sản phụ muốn bịt tai sau sinh. Hoặc sản phụ có thể dùng khăn quấn, dùng miếng bịt tai chuyên dụng. Lưu ý chỉ nên bịt tai trong 1 tháng đầu sau sinh, tránh bịt tai quá lâu ảnh hưởng thính giác.

Kiêng đi ra khỏi phòng

Nhiều chị em không chỉ thắc mắc ở cữ mặc áo cộc được không mà còn băn khoăn có nên kiêng ra khỏi phòng không. Theo ông bà ta, sản phụ nên ở trong phòng kín gió, tránh ra ngoài bị nhiễm lạnh. Tuy nhiên, nếu đóng cửa suốt ngày dễ khiến không khí ngột ngạt, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm gây bệnh.

Sản phụ chỉ nên hạn chế ra ngoài nếu nơi ở có nhiều gió lùa hoặc bị lạnh. Nếu thời tiết dễ chịu, mẹ sau sinh nên ra ngoài thậm chí là tắm nắng vào buổi sáng để hấp thụ vitamin D. Thi thoảng mẹ nên mở cửa sổ cho phòng thông thoáng.

Ở cữ kiêng tắm gội

Quan niệm tắm gội khi ở cữ dễ gây đau ốm, cảm lạnh và rụng tóc là không hoàn toàn đúng. Sản phụ có thể kiêng tắm gội trong 5 - 7 ngày đầu sau sinh nhưng không nên để suốt 1 tháng. Ở cữ kiêng tắm gội quá mức dễ khiến cơ thể bị nhiễm vi khuẩn, nấm gây khó chịu và ảnh hưởng sức khỏe. Nếu mẹ không tắm gội, khi tiếp xúc với con có thể truyền mầm bệnh sang con.

Sau sinh, chị em vẫn có thể tắm gội bằng nước ấm nhưng tắm nhanh, lau khô ngay sau khi tắm gội. Sản phụ dùng máy sấy tóc để tóc nhanh khô hơn. Tuyệt đối không tắm gội bằng nước lạnh dễ gây hại sức khỏe.

ở cữ mặc áo cộc được không 4 Sản phụ chớ áp đặt kiêng tắm gội quá lâu nhé!

Ngoài các biện pháp kiêng cữ kể trên, sản phụ nên giữ ấm cơ thể bằng cách bổ sung thêm vitamin và khoáng chất, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe. Phụ nữ sau sinh không nên uống nước lạnh, ăn đồ lạnh hoặc những thực phẩm có tính hàn.

Những giải đáp trên đã giúp mẹ hết lăn tăn về việc ở cữ mặc áo cộc được không. Mẹ yên tâm mặc quần áo cộc nếu thời tiết nóng nực hoặc không bị lạnh nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin