Ong đất có độc không? Cách xử lý và phòng tránh bị ong đốt
Ngày 08/10/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Nọc ong rất nguy hiểm đặc biệt là nọc của ong đất (ong bắp cày). Trong trường hợp nặng, nếu sơ cứu không đúng cách có thể nguy hiểm đến tính mạng. Để biết ong đất có độc không, nguy hiểm như thế nào mời bạn theo dõi tiếp bài viết.
Ong đất có độc không, nguy hiểm như thế nào? Bị ong đất đốt có thể gây sốc phản vệ, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ, tổn thương thận nặng,... Nếu không được điều trị kịp thời, tính mạng của nạn nhân rất dễ bị nguy hiểm.
Đặc điểm của ong đất
Ong đất (ong bắp cày) có kích thước từ 2 đến 5.5cm và có hình dạng độc đáo với bụng và ngực được nối với nhau bằng một chiếc eo cực nhỏ. Bụng của chúng thon dần về phía chóp, tạo nên hình dáng cơ thể khác biệt và dễ nhận biết. Loài ong đất này thường có màu vàng đậm xen kẽ với màu nâu hoặc có loài ong đất màu xanh ánh kim, một số loài còn có màu đỏ tươi hoặc màu đen khá đa dạng.
Ong đất thường săn mồi riêng lẻ nhưng chỉ có ong cái mới sở hữu ngòi độc để hạ gục đối thủ. Khi gặp nguy hiểm, chúng sẽ tiết ra hormone để gọi những con ong gần đó đến giúp đỡ và tấn công đối thủ. Ong đất rất hung dữ và thường tấn công con người.
Ong bắp cày khổng lồ châu Á có chiều dài gần 5cm và được coi là loài ong lớn và nguy hiểm nhất thế giới. Theo nghiên cứu, nọc độc của chúng tấn công hệ thần kinh và đe dọa tính mạng nạn nhân nếu không được điều trị kịp thời sau khi bị đốt.
Ong đất có độc không?
Những con ong đất là cơn ác mộng đối với con người bởi khả năng giết người chỉ trong chớp mắt. Được mệnh danh là “ong sát thủ” vì nọc độc nguy hiểm và sự hung dữ, loài này còn có những hành vi khiến giới khoa học gọi là ong diệt chủng.
Nọc độc ong chứa nhiều chất cực độc như melittin, apamin, phospholipase A2, phospholipase B, chất phá vỡ tế bào mast, hyaluronidase, histamine, dopamine,... trong đó có thành phần chính là melittin và phospholipase A2. Melittin là chất gây đau ở người bị đốt và nguy hiểm hơn vì làm tan máu và rối loạn đông máu. Apamine là hợp chất có khả năng làm tê liệt hệ thần kinh và hoạt động cơ bắp, thậm chí gây suy hô hấp, liệt dây thần kinh và tử vong.
Cách xử lý khi bị ong đất đốt
Khi bị ong đốt, không chỉ suy nghĩ làm thế nào để giảm đau, giảm sưng tấy mà còn phải theo dõi chặt chẽ để hạn chế nguy cơ ngộ độc ong đốt cho nạn nhân. Dưới đây là cách xử lý vết ong đốt:
Đưa nạn nhân ra khỏi khu vực bị ong tấn công càng nhanh càng tốt.
Nhanh chóng lấy vòi chích ra khỏi cơ thể nạn nhân, dùng nhíp để gắp ra. Bạn không nên dùng tay lấy ra vì có thể khiến nọc độc lan rộng hơn.
Rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Sau đó, sát trùng bằng cồn 70 độ lên vết đốt.
Có thể chườm lạnh lên vết cắn. Đây là phương pháp hữu hiệu giúp giảm đau, sưng tấy.
Ngoài ra, người bệnh nên uống nhiều nước. Bằng cách uống nhiều nước, nọc độc ong sẽ được bài tiết qua nước tiểu giúp giảm nguy cơ suy đa cơ quan.
Sau khi thực hiện các bước sơ cứu trên, đưa nạn nhân đến bệnh viện để theo dõi và điều trị.
Lưu ý: Nếu xuất hiện các triệu chứng sau cần đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Bị ong đốt nhiều chỗ, đặc biệt ở những vùng quan trọng như mắt, đầu, cổ,… Xác định loài ong đốt nạn nhân để ước tính khả năng gây độc. Một số loài ong như ong rừng, ong vò vẽ hay ong đất,... thường có nọc độc cực mạnh và rất nguy hiểm. Nếu người bị đốt có các triệu chứng như đau dữ dội, mệt mỏi, thậm chí khó thở, sưng mặt, tiểu ra máu thì nhanh chóng đưa nạn nhân đến bác sĩ.
Cách phân biệt các loại ong
Việc nhận dạng được loại ong đốt giúp cung cấp thông tin cho bác sĩ điều trị hiệu quả.
Họ ong vò vẽ bao gồm ong vò vẽ, ong vàng, ong bắp cày. Nhóm này có ngòi nọc trơn, có thể chích nhiều lần. Ong vò vẽ là loài ăn côn trùng và ấu trùng nhện. Chỉ ong thợ đốt người và động vật để tự vệ khi tổ ong bị phá hủy hoặc bị đe dọa. Nọc của ong vò vẽ có tính axit rất độc. Ong vò vẽ bị thu hút bởi những người mặc quần áo sặc sỡ, xịt nước hoa hoặc bỏ chạy sau khi quấy rối tổ ong.
Ong vàng có thân gầy, dài, vàng toàn thân, làm tổ trên cây hoặc dưới mái nhà tranh.
Ong đất hay còn gọi là ong bắp cày, có thân màu đen, kích thước to, có đốm vàng, bụng màu nâu, đầu và ngực có nhiều lông màu nâu vàng. Thường làm tổ trong bụi rậm, sát mặt đất, trong đống cây mục nát.
Họ ong mật bao gồm ong mật, ong nghệ, ong bầu. Ngòi nọc có ngạnh. Sau khi đâm vào da của vật bị đốt, không thể lấy ngòi ra được và con ong sẽ chết. Mỗi con ong mật chỉ đốt một lần. Ong mật có đầu và lưng lông xù, bụng trên có các vòng màu nâu, xen kẽ các vòng màu đen.
Ong nghệ đầu và lưng có lông xù, cổ và lưng trên màu vàng nghệ, cánh cũng màu vàng nghệ.
Ong bầu to tròn, bay chậm phát ra tiếng ồn, có lông.
Cách phòng ngừa ong đốt
Để hạn chế những rủi ro do ong đốt gây ra, bạn phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
Tránh xa những khu vực có nhiều ong để giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với ong. Ba mẹ nên đặc biệt cảnh báo con nhỏ không được chọc phá tổ ong.
Khi có ong bay đến gần, bạn không nên chạy mà đứng hoặc ngồi yên, tuyệt đối không di chuyển.
Muốn đuổi ong không nên dùng gậy, que chọc vào tổ ong. Tốt nhất là sử dụng khói hoặc lửa.
Cẩn thận không để cây cối mọc um tùm hoặc bỏ hoang nhà cửa. Đây là môi trường thuận lợi cho ong làm tổ. Bạn nên thường xuyên dọn dẹp nhà cửa và dọn sạch bụi cây xung quanh nhà.
Đối với những người nuôi ong lấy mật và thường xuyên phải tiếp xúc với ong thì nên mặc quần áo bảo hộ và không để hở da để giảm thiểu nguy cơ bị ong đốt.
Nếu đi trong rừng, bạn không nên mặc quần áo sặc sỡ, lòe loẹt, không dùng nước hoa, mỹ phẩm, không đi chân trần và không mặc quần áo rộng thùng thình. Bạn nên đeo găng tay, đội mũ và mặc quần áo dày, bó sát.
Bài viết trên đã giải đáp câu hỏi ong đất có độc không. Ong đất hay còn gọi là ong bắp cày, một loài ong có nọc độc rất nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Bất kỳ loài ong nào cũng có độc, tuỳ theo loài có nhiều hoặc ít do đó phải biết cách phòng tránh và tránh xa nơi có ong làm tổ, không chọc phá tổ ong.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.