Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh ưa chảy máu: Máu không đông lại một cách thích hợp

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh ưa chảy máu xảy ra do rối loạn của hệ thống đông máu. Đây là một bệnh làm cho máu không đông lại một cách thích hợp. Quá trình thành lập cục máu đông giúp ngăn ngừa chảy máu sau khi có vết thương. Nếu đông máu không xảy ra, một vết thương có thể chảy rất nhiều máu.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh ưa chảy máu là gì?

Bệnh ưa chảy máu xảy ra do rối loạn của hệ thống đông máu. Đây là một bệnh làm cho máu không đông lại một cách thích hợp. Quá trình thành lập cục máu đông giúp ngăn ngừa chảy máu sau khi có vết thương. Nếu đông máu không xảy ra, một vết thương có thể chảy rất nhiều máu.

Bệnh có nhiều thể và tất cả đều gây chảy máu khó cầm, xuất huyết nội tạng và chảy máu trong các khớp.

Chảy máu có thể ở:

  • Bên ngoài: Trên bề mặt ngoài cơ thể, nơi có thể nhìn thấy được.

  • Bên trong: Ở bên trong cơ thể, nơi không thể nhìn thấy được. Chảy máu bên trong khớp (như khớp gối hoặc khớp háng) thường gặp ở trẻ bị bệnh ưa chảy máu.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ưa chảy máu

Tùy thuộc vào từng mức độ bệnh mà có những triệu chứng khác nhau. Đối với thể nhẹ, bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng phổ biến như xuất huyết bên ngoài kèm theo những triệu chứng sau:

  • Nhiều vết bầm tím lớn hoặc sâu trên da;

  • Đau và sưng khớp do chảy máu bên trong khớp;

  • Chảy máu hoặc bầm tím không rõ nguyên nhân;

  • Có máu trong nước tiểu hoặc trong phân;

  • Chảy máu kéo dài sau khi bị đứt tay, bị thương, sau khi phẫu thuật, nhổ răng;

  • Chảy máu cam không rõ nguyên nhân;

  • Cảm giác căng trong khớp.

Với mức độ nặng hơn thường xuất hiện những triệu chứng sau:

  • Đau đột ngột, sưng và nóng ở các khớp lớn, như khớp gối, khớp khuỷu, khớp háng và khớp vai, và ở các cơ cánh tay và cẳng chân;

  • Chảy máu vết thương, nhất là nếu bị bệnh ưa chảy máu nặng;

  • Đau đầu kéo dài;

  • Nôn liên tục;

  • Mệt mỏi nhiều;

  • Đau cổ;

  • Nhìn đôi.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đến gặp bác sĩ nếu có những biểu hiện bất thường sau:

  • Vết thương ở đầu, cổ, bụng hoặc lưng;

  • Chảy máu không cầm được;

  • Đau bụng nhiều hoặc khó khăn khi cử động;

  • Tiểu đỏ hoặc tiểu màu trà;

  • Tiêu phân đen hoặc tiêu máu đỏ;

Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh ưa chảy máu

Trong mọi trường hợp, cơ thể của chúng ta có cơ chế tự bảo vệ. Nghĩa là những tế bào máu gây kết dính được gọi là tiểu cầu sẽ đi đến nơi chảy máu và thành lập nút chặn ở vết cắt. Nếu không có bước này, máu sẽ không đông. Khi tiểu cầu đã tạo nút chặn, chúng sẽ phóng thích những hóa chất lôi kéo nhiều tiểu cầu hơn tới và cũng hoạt hóa các protein trong máu gọi là các yếu tố đông máu. Những protein này trộn với tiểu cầu để hình thành các sợi làm cục máu đông chắc hơn và làm ngưng chảy máu.

Trong cơ thể con người gồm có 20 yếu tố tham gia trong quá trình đông máu. Thiếu hụt bất kỳ yếu tố nào trong số này cũng đều dẫn đến bệnh ưa chảy máu. Bệnh được phân loại dựa trên yếu tố bị thiếu hụt.

  • Hemophilia A là thể bệnh hay gặp nhất, do thiếu yếu tố VIII.

  • Hemophilia B là thể bệnh hay gặp thứ hai do thiếu yếu tố IX.

  • Hemophilia C là thể bệnh do thiếu yếu tố XI, triệu chứng nói chung thường nhẹ hơn.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh ưa chảy máu?

Bệnh máu khó đông xảy ra ở khoảng 1 trong số 5.000 trẻ nam sinh ra, thường phổ biến ở nam giới hơn so với nữ giới. Bệnh máu khó đông A phổ biến gấp 4 lần bệnh máu khó đông B và khoảng một nửa số người bị bệnh có dạng nặng. Bệnh máu khó đông ảnh hưởng đến mọi người từ tất cả các nhóm chủng tộc và dân tộc.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh ưa chảy máu

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ưa chảy máu, bao gồm:

  • Di truyền bẩm sinh;

  • Thai kỳ;

  • Điều kiện tự miễn dịch;

  • Ung thư;

  • Đa xơ cứng;

  • Các phản ứng của thuốc.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh ưa chảy máu

Với những gia đình có tiền sử về căn bệnh này, gia đình nên xét nghiệm thai nhi từ trong bụng mẹ để xác định bệnh và có những biện pháp đối phố kịp thời trước khi quá muộn.

Với những trẻ lớn hơn, trẻ sẽ bị nghi ngờ về căn bệnh này khi thường xuyên chảy máu và máu khó đông.

Chẩn đoán bệnh ưa chảy máu được thiết lập với các xét nghiệm máu, bao gồm tổng phân tích tế bào máu, thời gian prothrombin (PT), thời gian hoạt hóa một phần thromboplastin (PTT), định lượng yếu tố VIII và yếu tố IX. Bác sĩ cũng muốn loại trừ các nguyên nhân gây chảy máu khác, như bệnh gan, một số thuốc, và thậm chí là bạo hành trẻ em.

Phương pháp điều trị bệnh ưa chảy máu hiệu quả

Hiện nay chưa có cách chữa khỏi bệnh hoàn toàn, và việc điều trị khác nhau tuỳ theo mức độ nặng của bệnh:

  • Hemophilia A nhẹ: Tiêm tĩnh mạch chậm hormone desmopressin (DDAVP) để kích thích giải phóng yếu tố đông máu. Desmopressin cũng có thể được dùng theo đường xịt mũi.

  • Hemophilia A hoặc hemophilia B từ vừa tới nặng: Truyền yếu tố đông máu được chiết xuất từ máu người hoặc yếu tố đông máu tái tổ hợp để cầm máu. Có thể phải truyền nhiều lần nếu bệnh nặng.

  • Hemophilia C: Cần truyền huyết tương để ngăn chặn các đợt chảy máu.

Thông thường, việc truyền yếu tố đông máu dự phòng 2 hoặc 3 lần/tuần có thể giúp ngăn ngừa chảy máu. Cách này giúp giảm thời gian nằm viện và hạn chế tác dụng phụ. Bệnh nhân có thể được hướng dẫn cách tự tiêm truyền desmopressin tại nhà.

Đối với chảy máu bên trong sẽ được điều trị nhanh chóng với yếu tố đông máu thay thế.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh ưa chảy máu

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Tập thể dục thường xuyên. Các hoạt động như bơi lội, đi xe đạp và đi bộ có thể xây dựng cơ bắp đồng thời bảo vệ các khớp. Các môn thể thao tiếp xúc - chẳng hạn như bóng đá, khúc côn cầu hoặc đấu vật không an toàn cho những người mắc bệnh máu khó đông.

  • Thực hành tốt vệ sinh răng miệng. Mục đích là để ngăn ngừa các bệnh về răng và nướu, có thể dẫn đến chảy máu nhiều.

  • Giữ cân nặng thích hợp. Thừa cân có thể là gánh nặng cho các phần cơ thể và làm tăng nguy cơ chảy máu. Hãy nói chuyện với bác sĩ để tìm lời khuyên giúp kiểm soát cân nặng.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Người bệnh máu khó đông cần uống đủ nước mỗi ngày. Cơ thể liên tục sử dụng nước để sản xuất huyết tương giúp ổn định quá trình tuần hoàn. Huyết tương cũng đảm nhận vai trò làm đông máu khi cơ thể có vết thương.

  • Cần lưu ý trong thời gian sử dụng thuốc chống đông Warfarin, lượng vitamin K phải duy trì ở mức vừa phải. Người bệnh máu khó đông nên hạn chế dùng những thực phẩm như súp lơ xanh,/trắng, cải bó xôi.

  • Tránh sử dụng mỡ động vật, không nên ăn các sản phẩm chiên nhiều chất béo như: Gà rán, thịt chiên, khoai tây chiên…vv.

Phương pháp phòng ngừa bệnh ưa chảy máu hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tránh dùng thuốc làm loãng máu. Các loại thuốc ngăn đông máu bao gồm heparin, warfarin (Jantoven), clopidogrel (Plavix), prasugrel (Effient), ticagrelor (Brilinta), rivaroxaban (Xarelto), apixaban (Eliquis), edoxaban (Savaysa) và dabigatran (Pradaxa).

  • Tiêm phòng. Những người mắc bệnh máu khó đông nên được tiêm chủng theo khuyến cáo ở các độ tuổi thích hợp, cũng như viêm gan A và B. Yêu cầu sử dụng kim có khổ nhỏ nhất và được áp hoặc chườm đá trong 3 đến 5 phút sau khi tiêm có thể giảm nguy cơ chảy máu.

  • Bảo vệ con bạn khỏi những vết thương có thể gây chảy máu. Đệm đầu gối, miếng đệm khuỷu tay, mũ bảo hiểm và dây đai an toàn đều giúp ngăn ngừa chấn thương do ngã và các tai nạn khác. Giữ cho ngôi nhà của bạn không có đồ đạc có góc nhọn.

  • Các thành viên trong gia đình là người mang mầm bệnh nên được xác định để họ có thể được tư vấn về di truyền.

  • Bệnh nhân nên tránh dùng aspirin và NSAIDs (cả hai đều ức chế chức năng tiểu cầu). Nên sử dụng thuốc theo đường uống, hoặc tiêm tĩnh mạch, tránh tiêm bắp vì có thể gây tụ máu.

Chủ đề:máu khó đông

Các bệnh liên quan