Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phác đồ điều trị viêm tai xương chũm

Ngày 28/06/2022
Kích thước chữ

Viêm tai xương chũm là một trong số những biến chứng do căn bệnh viêm tai giữa gây ra. Muốn làm thuyên giảm tình trạng bệnh lý, bệnh nhân cần phải tuân thủ theo phác đồ điều trị viêm tai xương chũm.

Ở phần bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn phác đồ điều trị viêm tai xương chũm đang được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Hy vọng với nguồn thông tin này, bạn sẽ hiểu rõ và chuẩn bị cho mình tâm lý khi thực hiện điều trị.

Viêm tai xương chũm gây ra triệu chứng gì?

Người bệnh khi bị viêm tai xương chũm sẽ xuất hiện các triệu chứng như:

  • Khả năng nghe kém, đau tai, chảy mủ tai.
  • Trong những đợt viêm tai giữa cấp tính, các triệu chứng của viêm tai giảm dần và xuất hiện các dấu hiệu như chảy mủ tai nhiều hơn, đau tai theo từng nhịp đập, khả năng thính lực giảm, xương chũm ở sau vành tai sưng đỏ và đau, đầu vành tai hướng ra phía trước.
  • Triệu chứng toàn thân: Cơ thể bị sốt cao, khả năng ăn kém, cơ thể trẻ mệt mỏi, trẻ quấy khóc hoặc bứt rứt trong người.
Phác đồ điều trị viêm tai xương chũm1 Viêm tai xương chũm khiến khả năng thính lực giảm

Biến chứng của viêm tai xương chũm

Viêm tai xương chũm nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

  • Nhiễm trùng huyết: Nguyên nhân dẫn đến viêm tai xương chũm là do các loại vi khuẩn có chứa độc tính cao hoặc do trẻ có sức đề kháng kém. Nếu bệnh không được kiểm soát kịp thời sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn huyết vô cùng nguy hiểm. Khi ấy, trẻ sẽ bị rét run, sốt cao, huyết áp thay đổi và nhịp tim nhanh. Nếu bệnh không được chẩn đoán và điều trị thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao.
  • Gây ảnh hưởng đến thính lực: Tình trạng suy giảm thính lực do viêm mê nhĩ gây ra.
  • Dây thần kinh sọ não bị tê liệt: Có thể khiến cho dây thần kinh VI hoặc VII bị tê liệt.
  • Do vị trí của xương chũm sát với những bộ phận quan trọng như màng não, não và các mạch máu nên có thể khiến cho bệnh nhân gặp phải các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, áp xe màng não, áp xe não, viêm tĩnh mạch bên.

Phác đồ điều trị viêm tai xương chũm 

Nguyên tắc của việc điều trị

  • Điều trị nội: Sử dụng kháng sinh phổ rộng và liều cao ngay từ đầu.
  • Bệnh nhân cần thực hiện phẫu thuật kịp thời để tránh các biến chứng xảy ra.

Phác đồ điều trị

  • Người bệnh cần được soi tai, thăm khám, chụp CT scan hoặc chụp X - quang để có thể chẩn đoán chính xác căn bệnh viêm xương chũm cấp tính.
  • Thực hiện điều trị nội khoa tích cực bằng việc dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng sinh phổ rộng.
  • Thực hiện phẫu thuật khi túi mủ đã được hình thành hoặc bệnh tích xương chuyển sang mức độ nặng. Bên cạnh đó, phẫu thuật cần được áp dụng khi người bệnh có các triệu chứng toàn thân kéo dài như cơ thể bị mệt, sốt cao, đau đầu, mất ngủ, điếc

Điều trị nội khoa

  • Sử dụng kháng sinh mạnh và phổ rộng: Dùng Cephalosporin thế hệ 2, 3.
  • Sử dụng thuốc kháng viêm Steroid: Có thể dùng thuốc để tiêm trong vòng từ 3 đến 5 ngày sau đó thì chuyển sang dạng uống và dùng liều giảm dần.
  • Sử dụng Mazipredon (Depersolon 0,03g), liều cho trẻ em: Từ 1 đến 2mg / kg / ngày.
  • Sử dụng Methylprednisolone (Solumedrol 40mg), liều cho trẻ em: Từ 1 đến 2mg / kg / ngày.
  • Sử dụng Medrol từ 4mg đến Medrol 16 mg, Prednisolone 5mg.
  • Dùng thuốc giảm đau hạ sốt: Điển hình như Paracetamol.
Phác đồ điều trị viêm tai xương chũm2 Trong phác đồ điều trị viêm tai xương chũm, Paracetamol được dùng để giảm đau, hạ sốt

Thực hiện điều trị ngoại khoa

Mở sào bào nhằm dẫn lưu mủ và làm sạch các mô viêm, tạo ra sự thông thương giữa tế bào chũm và phần tai giữa.

Tiên lượng và biến chứng

Tiên lượng

Viêm xương chũm cấp tính nếu được chỉ định điều trị nội khoa kịp thời hoặc mổ đúng lúc thì tiên lượng sẽ tốt. Nếu như được mổ đúng quy cách thì khả năng thính lực sẽ không bị giảm hoặc có giảm cũng không đáng kể. Nhưng nếu bệnh không được điều trị thì tình trạng chảy mủ tai sẽ kéo dài, khả năng thính lực sẽ giảm nhiều. Trong trường hợp có viêm mê nhĩ thì tai thường sẽ bị điếc đặc. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nặng nề, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. 

Biến chứng

Những biến chứng mà người bệnh thường gặp: Hội chứng nhiễm khuẩn mức nặng, cốt tủy viêm xương thái dương, viêm mê nhĩ, liệt VII hoặc liệt VI. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng nội sọ như áp xe não, viêm màng não, viêm tĩnh mạch bên.

Phòng ngừa căn bệnh viêm tai xương chũm

Để phòng ngừa căn bệnh viêm tai xương chũm, bệnh nhân cần:

  • Được điều trị tích cực các bệnh lý như viêm mũi họng, viêm tai giữa cấp tính, viêm amidan, viêm VA, nhất là ở trẻ em.
  • Cần vệ sinh tốt vùng tai mũi họng và răng miệng ở trẻ.
  • Duy trì chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
  • Khi trẻ có những dấu hiệu của viêm tai giữa và điều trị lâu ngày không khỏi, bệnh tiến triển khá chậm hoặc có các dấu hiệu bất thường như quấy khóc nhiều, sốt cao đột ngột, quấy khóc, bỏ bú… thì nên đưa trẻ đến thăm khám tại các phòng khám chuyên khoa hoặc bệnh viện về tai mũi họng.
Phác đồ điều trị viêm tai xương chũm3 Trẻ bị viêm tai xương chũm cần được theo dõi cẩn thận

Bài viết trên đã cung cấp những thông tin liên quan đến viêm tai xương chũm và phác đồ điều trị viêm tai xương chũm. Hy vọng bạn sẽ biết cách lựa chọn cho mình hướng điều trị kịp thời và phù hợp để hạn chế những hệ lụy mà bệnh có thể gây ra.

Lê Hồng

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin