Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Paracetamol trị bệnh gì? Những điều lưu ý khi sử dụng Paracetamol

Ngày 30/06/2024
Kích thước chữ

Paracetamol là một loại thuốc giảm đau rất phổ biến, thường có sẵn trong tủ thuốc gia đình hoặc dễ dàng mua được ở các quầy thuốc. Vậy cụ thể hơn, dùng Paracetamol trị bệnh gì và Paracetamol có thực sự an toàn hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

Thuốc Paracetamol là loại thuốc giảm đau và hạ sốt rất phổ biến dành cho cả người lớn và trẻ em. Mặc dù, Paracetamol là hoạt chất tương đối lành tính, nhưng vẫn cần chú ý một số điểm đặc biệt để tránh những tác dụng phụ không mong muốn. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Paracetamol trị bệnh gì và một số thông tin cần biết khi sử dụng Paracetamol.

Đặc điểm của dược chất Paracetamol

Paracetamol (còn được gọi là acetaminophen) là một hoạt chất có tác dụng giảm đau và hạ sốt. Ngoài ra, Paracetamol là một loại thuốc giảm đau hiệu quả thay thế cho Aspirin, tuy nhiên, không giống như Aspirin, Paracetamol không có tác dụng điều trị viêm.

paracetamol-tri-benh-gi-nhung-dieu-luu-y-khi-su-dung-paracetamol 1.jpg
Công thức hoá học của Paracetamol

Paracetamol có hai điểm cần chú ý là:

  • Trên thị trường, nhiều loại thuốc hoặc biệt dược có chứa Paracetamol với tên gọi khác nhau như Hapacol, Panadol, Tydol.
  • Nhiều biệt dược không chỉ chứa Paracetamol riêng lẻ mà còn có thể phối hợp với các dược chất khác như Tramadol, Codein, Diphenhydramin để tăng hiệu quả điều trị hoặc điều chế dưới dạng đặc biệt như viên sủi hay siro để phù hợp cho nhiều độ tuổi khác nhau.

Cơ chế tác động của Paracetamol

Paracetamol hoạt động bằng cách ức chế enzym cyclooxygenase (COX) trong cơ thể. Enzym này tham gia vào quá trình sản xuất prostaglandins – chất hiện diện tại các khu vực tổn thương và gây ra cảm giác đau và viêm.

Cụ thể Paracetamol có khả năng ức chế COX-3, một isoform của enzyme COX được tìm thấy trong não và tủy sống. Sự ức chế này giảm sản xuất prostaglandins trong hệ thần kinh trung ương, từ đó giảm đau và hạ sốt. Tuy nhiên, Paracetamol không ức chế COX ở các mô ngoại vi đến mức đáng kể, do đó ít gây ra các tác dụng phụ liên quan đến dạ dày và đường tiêu hóa.

Ngoài ra, Paracetamol cũng tác động lên hệ thống endocannabinoid, thông qua một dẫn xuất chuyển hóa tên là AM404 được tạo ra trong não. AM404 ức chế việc tái hấp thụ anandamide và các cannabinoid khác, góp phần giảm đau và hạ sốt của Paracetamol. Paracetamol còn tác động lên trung tâm vùng dưới đồi của não, kích thích cơ thể hạ nhiệt qua các cơ chế như tăng tiết mồ hôi và giãn mạch máu.

Paracetamol được sử dụng để điều trị những bệnh gì?

Paracetamol có tác dụng giảm đau và được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh như:

Giảm đau

Paracetamol được dùng giảm đau tạm thời trong điều trị chứng đau nhẹ và vừa.

  • Giảm đau bao gồm: Đau đầu, đau nửa đầu, đau đầu do căng thẳng, đau dây thần kinh, đau lưng, đau răng, đau họng, đau do kinh nguyệt.
  • Giảm các triệu chứng đau do bong gân, căng cơ, đau do thấp khớp, đau thắt lưng, đau chân, đau cơ, nhức mỏi cơ bắp, sưng khớp và cứng khớp.
  • Giảm đau trong các trường hợp viêm khớp nhẹ, mặc dù không ảnh hưởng đến tình trạng viêm và sưng cơ bản của khớp.

Sốt và cảm lạnh

Paracetamol thường được dùng để giảm thân nhiệt ở người bệnh sốt do hầu hết các nguyên nhân nhưng không làm giảm thân nhiệt ở người bình thường.

paracetamol-tri-benh-gi-nhung-dieu-luu-y-khi-su-dung-paracetamol 2.jpg
Paracetamol là lựa chọn phổ biến và đầu tay để hạ sốt cho cả trẻ em và người lớn

Cách dùng thuốc Paracetamol như thế nào?

Paracetamol thường được dùng theo đường uống. Không được nghiền nát, nhai hoặc hòa tan trong chất lỏng viên nén Paracetamol giải phóng kéo dài. Đối với người bệnh không uống được, có thể dùng dạng thuốc đặt trực tràng. Tuy nhiên, liều đặt trực tràng cần thiết để có cùng nồng độ huyết tương có thể cao hơn liều uống. Phải lắc kỹ dung dịch treo trước khi dùng.

Không được sử dụng Paracetamol để tự điều trị giảm đau quá 10 ngày ở người lớn hoặc quá 5 ngày ở trẻ em, trừ khi do bác sĩ hướng dẫn. Nếu tình trạng đau nhiều và kéo dài có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý cần được bác sĩ chẩn đoán và điều trị.

Không dùng Paracetamol cho người lớn và trẻ em để tự điều trị sốt cao trên 39,5 ºC, sốt kéo dài trên 3 ngày, hoặc sốt tái phát, trừ khi được sự hướng dẫn của bác sĩ. Đây có thể là dấu hiệu của một bệnh nặng cần được chẩn đoán nhanh chóng. 

Bạn phải luôn tuân thủ cách sử dụng Paracetamol theo chỉ dẫn trên bao bì hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Liều tối đa của Paracetamol người lớn được phép sử dụng là 8 viên (4000 mg) trong 24 giờ. Để giảm thiểu nguy cơ quá liều, không nên cho trẻ em quá 5 liều Paracetamol để giảm đau, hạ sốt trong vòng 24 giờ, trừ khi do bác sĩ hướng dẫn. Để hạ sốt sau tiêm chủng cho trẻ 2 - 3 tháng tuổi: Liều dùng là 60 mg, có thể thêm liều thứ hai sau 6 giờ nếu cần. Nếu sau đó trẻ vẫn bị sốt thì cần đi khám.

Sử dụng đúng dạng Paracetamol dành cho trẻ trong trường hợp bệnh nhân là trẻ em. Lưu ý không được tự ý dùng thuốc cho trẻ dưới 2 tuổi khi không có chỉ định của bác sĩ.

Tác dụng phụ và một số lưu ý khi sử dụng Paracetamol

Paracetamol được các bác sĩ đánh giá là khá an toàn cho cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, Paracetamol có thể gây dị ứng ở một số người mẫn cảm với các biểu hiện như

  • Nổi mề đay;
  • Khó thở;
  • Có biểu hiện sưng phù ở các vị trí như mặt, môi hay lưỡi hoặc.

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng khác có thể xảy ra bao gồm:

  • Sốt nhẹ kèm theo buồn nôn, đau dạ dày và chán ăn;
  • Phân và nước tiểu đậm màu;
  • Vàng da hoặc/và vàng mắt.
paracetamol-tri-benh-gi-nhung-dieu-luu-y-khi-su-dung-paracetamol 3.jpg
Nếu có dấu hiệu dị ứng, hãy ngưng sử dụng Paracetamol và tìm gặp bác sĩ

Do đó, dưới đây là một số lưu ý khi bạn có ý định sử dụng Paracetamol:

  • Không sử dụng quá liều trong hướng dẫn sử dụng.
  • Không sử dụng Paracetamol nếu bạn dị ứng hoạt chất này.
  • Người mắc bệnh gan, có tiền sử nghiện rượu, hoặc bị bệnh thận cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Nếu đang dùng Paracetamol thì người bệnh không được uống rượu. Không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khác để trị ho, cảm lạnh, hoặc dị ứng kết hợp với Paracetamol khi không có sự cho phép của nhân viên y tế.
  • Paracetamol không có chống chỉ định ở phụ nữ có thai và cho con bú. Tuy nhiên, hãy hỏi ý kiến nhân viên y tế trước khi dùng.

Dấu hiệu ngộ độc Paracetamol và xử trí

Ngộ độc Paracetamol có thể xảy ra nếu dùng vượt quá liều cho phép. Ngộ độc Paracetamol sẽ xuất hiện các biểu hiện lâm sàng của tổn thương gan. Các dấu hiệu này thường xuất hiện sau 24 đến 48 giờ và đạt đỉnh sau 4 - 6 ngày. Những dấu hiệu này bao gồm chán ăn, đau bụng, buồn nôn và nôn mửa xảy ra trong vòng 2 - 3 giờ sau khi dùng liều độc. Ngoài ra, người bệnh có thể bị methemoglobin, dẫn đến các triệu chứng như da xanh tím.

Trong trường hợp ngộ độc nặng, xuất hiện đầu tiên là các dấu hiệu kích thích thần kinh trung ương như kích động và mê sảng. Tiếp đó là các biểu hiện ức chế thần kinh trung ương như mệt mỏi, sững sờ, hạ thân nhiệt, hô hấp nhanh và cạn, huyết áp thấp, nhịp tim nhanh và không đều, có thể dẫn tới suy tuần hoàn. Người ngộ độc Paracetamol có thể bị trụy mạch nếu dùng liều rất lớn. Dấu hiệu nguy hiểm nhất ở bệnh nhân ngộ độc Paracetamol là co giật và nghẹt thở. Các biểu hiện này là dấu hiệu cho thấy người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao. Tuy nhiên người bệnh sẽ hôn mê trước vài ngày hoặc ngay trước khi tử vong đột ngột.

paracetamol-tri-benh-gi-nhung-dieu-luu-y-khi-su-dung-paracetamol 4.jpg
Co giật là dấu hiệu cảnh báo tử vong ở bệnh nhân ngộ độc Paracetamol

Do đó, nếu bạn vô tình sử dụng Paracetamol vượt quá liều khuyến cáo, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ ngay lập tức, ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe mạnh. Hãy mang theo bất kỳ viên thuốc nào còn lại và bao bì của thuốc để cung cấp cho bác sĩ thông tin về thuốc mà bạn đã sử dụng.

Bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin quan trọng về hoạt chất Paracetamol bao gồm đặc điểm, cơ chế tác động và dùng Paracetamol trị bệnh gì. Paracetamol được xem là một hoạt chất khá an toàn, tuy nhiên Paracetamol vẫn được sử dụng đúng cách và đúng liều lượng để không gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm