Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phẫu thuật cắt túi thừa đại tràng được thực hiện như thế nào?

Ngày 27/07/2024
Kích thước chữ

Phẫu thuật cắt túi thừa đại tràng được chỉ định trong trường hợp xảy ra biến chứng thủng ruột thành áp xe ổ bụng hay viêm phúc mạc,... Vậy phẫu thuật được thực hiện như thế nào?

Túi thừa đại tràng là sự xuất hiện của các túi lồi phồng lên xung quanh niêm mạc đại tràng. Bệnh nếu không được điều trị sớm có thể làm tăng nguy cơ bị viêm túi thừa đại tràng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như chảy máu đường tiêu hóa, thủng đại tràng,... Phẫu thuật cắt túi thừa đại tràng sẽ giúp khắc phục triệt để tình trạng này.

Phẫu thuật cắt túi thừa đại tràng là gì?

Phẫu thuật cắt túi thừa đại tràng là thủ thuật được sử dụng để loại bỏ phần ruột bị tổn thương do bệnh túi thừa, một tình trạng xảy ra khi xuất hiện các khối phình trên thành ruột già. Bệnh này khá phổ biến ở người cao tuổi, ảnh hưởng khoảng 5% người trên 40 tuổi và tăng lên 60% ở người trên 80 tuổi. Phần lớn các trường hợp ít có triệu chứng rõ rệt (nếu có).

Phẫu thuật cắt túi thừa đại tràng được thực hiện như thế nào? 2
Phẫu thuật cắt túi thừa đại tràng được dùng để loại bỏ phần ruột bị tổn thương

Nguyên nhân chính gây ra túi thừa đại tràng là do chế độ ăn uống bị thiếu chất xơ kéo dài trong nhiều năm. Điều này sẽ khiến cho thành ruột bị suy yếu, kết hợp với áp lực lớn tác động lên thành ruột, khiến nó phình ra và hình thành túi thừa.

Bệnh thường gây đau ở vùng bụng dưới bên trái và có thể dẫn đến viêm nhiễm. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây hẹp lòng ruột, hình thành ổ áp-xe, lỗ rò giữa ổ bụng và các cơ quan khác hoặc gây chảy máu nghiêm trọng.

Khi nào nên thực hiện phẫu thuật cắt túi thừa đại tràng?

Hầu hết các trường hợp bị viêm túi thừa có thể tự điều trị tại nhà mà không cần đến phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, người bệnh có thể cần nhập viện trong các trường hợp sau:

  • Triệu chứng không cải thiện sau 48 giờ điều trị tại nhà;
  • Sức đề kháng bị suy yếu;
  • Cơn đau không thuyên giảm ngay cả khi đã sử dụng paracetamol;
  • Không thể sử dụng kháng sinh qua đường uống;
  • Xuất hiện biến chứng (như viêm phúc mạc, áp xe, rò rỉ hoặc tắc ruột).

Trước khi quyết định phẫu thuật, bệnh nhân cần nắm rõ các rủi ro và lưu ý liên quan. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn chi tiết.

Cần chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật cắt túi thừa đại tràng?

Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ về tiền sử dị ứng, các vấn đề về sức khỏe đang gặp phải và các loại thuốc đang sử dụng gần đây. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được gặp bác sĩ gây mê để thảo luận và lựa chọn phương pháp gây mê phù hợp nhất. Đồng thời, cần tuân thủ theo hướng dẫn về việc nhịn ăn trước khi phẫu thuật.

Phẫu thuật cắt túi thừa đại tràng được thực hiện như thế nào? 1
Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn chi tiết về cách chuẩn bị cho ca phẫu thuật

Bệnh nhân sẽ được cung cấp hướng dẫn chi tiết về cách chuẩn bị cho ca phẫu thuật, bao gồm liệu có thể ăn uống trong vài giờ trước đó hay không. Thông thường, bệnh nhân nên nhịn ăn khoảng 6 giờ trước khi phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có thể uống một số loại đồ uống như cà phê trong vài giờ trước khi phẫu thuật.

Phẫu thuật cắt túi thừa đại tràng được thực hiện như thế nào?

Trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được gây mê để ngủ trong suốt quá trình thực hiện. Điều này sẽ giúp bệnh nhân không cảm thấy đau và giúp bác sĩ thao tác dễ dàng hơn. Tùy vào tình trạng bệnh và mức độ nghiêm trọng, phẫu thuật cắt bỏ túi thừa ở ruột già có thể được thực hiện theo các phương pháp sau:

  • Phẫu thuật mở: Đây là phương pháp truyền thống, được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh liên quan đến đại tràng. Bác sĩ sẽ rạch một đường dài trên bụng để tiếp cận đại tràng và cắt bỏ phần túi thừa.
  • Phẫu thuật nội soi: Phương pháp này được đánh giá cao vì ít gây đau, vết mổ nhỏ và thời gian phục hồi nhanh chóng. Bác sĩ sẽ rạch vài đường nhỏ từ 0,5 - 1,2cm trên bụng để đưa các dụng cụ phẫu thuật vào, trong đó có một camera để quan sát và thực hiện việc cắt bỏ túi thừa. Sau khi cắt, có thể cần rạch thêm một đường nhỏ để lấy bệnh phẩm ra ngoài.

Trong một số trường hợp, để giúp đoạn ruột được phẫu thuật có thời gian hồi phục, bác sĩ sẽ tạo một lỗ hậu môn nhân tạo tạm thời để bệnh nhân thải phân. Khi đoạn ruột đã lành, lỗ hậu môn nhân tạo sẽ được khâu lại và bệnh nhân có thể đi tiêu như bình thường. Một số trường hợp đặc biệt có thể cần đặt hậu môn nhân tạo vĩnh viễn.

Chăm sóc sau khi phẫu thuật cắt túi thừa đại tràng

Sau khi ca phẫu thuật kết thúc, bệnh nhân cần được theo dõi và chăm sóc tại bệnh viện để chờ hồi phục. Trong thời gian này, bệnh nhân sẽ được nuôi ăn thông qua đường tĩnh mạch và dần dần chuyển sang ăn uống bằng đường miệng, bắt đầu từ thức ăn lỏng đến đặc. Nên ưu tiên những thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa và hỗ trợ quá trình phục hồi như các loại rau xanh, trái cây, thịt gà, thịt nạc heo, sữa,... Đồng thời, uống đủ nước và các loại thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân cũng được khuyến khích ra khỏi giường và đi lại nhẹ nhàng sau 1 ngày phẫu thuật để kích thích nhu động ruột, hỗ trợ tiêu hóa.

Phẫu thuật cắt túi thừa đại tràng được thực hiện như thế nào? 3
Bệnh nhân cần được theo dõi và chăm sóc tại bệnh viện sau phẫu thuật để chờ hồi phục

Thông thường, nếu không có vấn đề gì xảy ra thì bệnh nhân có thể xuất viện sau 5 - 10 ngày. Khi trở về nhà, cần tiếp tục uống thuốc theo chỉ định (nếu còn). Sau khoảng 2 tuần, bệnh nhân có thể quay lại sinh hoạt bình thường, nhưng nên bắt đầu với các hoạt động nhẹ nhàng và tăng dần cường độ theo thời gian. Tốt nhất chỉ nên đi bộ, tập yoga hoặc ngồi thiền. Tránh tập luyện thể thao cường độ cao vì có thể ảnh hưởng đến vết thương. Đồng thời, duy trì chế độ ăn giàu dinh dưỡng với nhiều chất xơ, protein, vitamin và đảm bảo đủ nước.

Trong 2 ngày đầu sau phẫu thuật, không nên tắm rửa mà chỉ nên lau người và thay quần áo để giữ vết thương khô ráo. Sau 2 ngày, bệnh nhân có thể tắm, nhưng phải nhẹ nhàng và tránh để nước hoặc xà phòng tiếp xúc với vết mổ, đồng thời tránh vận động mạnh.

Như vậy, bài viết trên đây đã tổng hợp tất tần tật những thông tin liên quan đến phẫu thuật cắt túi thừa đại tràng. Hy vọng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thủ thuật này nhé!

Xem thêm: Phẫu thuật cắt xương hàm giá bao nhiêu tiền?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin