Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Túi thừa đại tràng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Ngày 17/10/2023
Kích thước chữ

Túi thừa đại tràng là bệnh lý khá phổ biến, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Để tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh lý túi thừa này, hãy cùng tham khảo thông tin chia sẻ trong bài viết sau đây nhé!

Túi thừa đại tràng là những túi nhỏ nhô ra ở thành đại tràng. Hầu hết các túi thừa đều không gây ra triệu chứng rõ ràng, nhưng một số sẽ bị chảy máu hoặc viêm. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết, viêm túi thừa, thủng túi thừa… nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc nắm rõ về nguyên nhân, triệu chứng sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc phát hiện, điều trị và phòng ngừa.

Túi thừa đại tràng là gì?

Đại tràng hay còn được gọi là ruột già, nằm ở vị trí cuối cùng của hệ tiêu hóa. Bộ phận này có nhiệm vụ hấp thụ nước và vitamin rồi chuyển hóa thức ăn đã tiêu hóa thành phân. Sau đó, phân sẽ được đẩy đến cuối đại tràng và đào thải ra ngoài qua hậu môn.

Thông thường, vách đại tràng có 4 lớp đều đặn và không có khu vực nào bị lõm sâu. Nhưng nếu có xuất hiện một cấu trúc lõm sâu vào vách đại tràng, đó chính là túi thừa đại tràng. Hầu hết túi thừa của ống tiêu hóa để sẽ xảy ra ở đại tràng. Trong đó, có khoảng 95% là ở đại tràng sigma và 5% là ở manh tràng.

Túi thừa đại tràng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa 3
Túi thừa đại tràng được hiểu là một cấu trúc lõm sâu vào vách đại tràng

Phân khi bị thiếu chất xơ sẽ trở nên khô cứng và khó bài tiết ra ngoài. Lúc này, đại tràng sẽ phải co thắt nhiều hơn để đẩy phân ra ngoài, làm tăng áp lực trong đại tràng. Vách đại tràng đôi khi có cấu tạo không đồng đều sẽ có những vị trí bị yếu hơn so với những phần xung quanh. Khi áp lực đại tràng tăng, niêm mạc ở những vị trí này sẽ bị đẩy ra ngoài qua vách ruột và tạo thành những túi nhỏ. Sự xuất hiện của các túi này sẽ khiến đại tràng sigma trở nên dày và hẹp hơn. Từ đó, làm thay đổi chức năng của đại tràng, dễ gây đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy.

Túi thừa đại tràng là một tình trạng khá phổ biến, đặc biệt là ở người trên 40 tuổi. Thông thường, bệnh sẽ không gây ra triệu chứng rõ ràng cho đến khi bị viêm nhiễm.

Biểu hiện triệu chứng của túi thừa đại tràng

Như đã đề cập ở trên, triệu chứng của bệnh túi thừa đại tràng thường không rõ ràng. Một số ít trường hợp sẽ có triệu chứng đau vùng bụng dưới bên trái, kèm theo cảm giác chướng bụng, đầy hơi. Ngoài ra, còn có các triệu chứng liên quan đến tiêu hóa như táo bón, thỉnh thoảng đi ngoài phân lỏng và phân có máu. Tuy nhiên, những dấu hiệu này khá giống với hội chứng ruột kích thích nên người bệnh rất khó phân biệt.

Túi thừa đại tràng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa 2
Đau vùng bụng dưới bên trái kèm theo chướng bụng đầy hơi là dấu hiệu của bệnh túi thừa

Túi thừa đại tràng theo thời gian có thể tiến triển thành bệnh túi thừa, gây ra tình trạng viêm túi thừa và các biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc, thủng túi thừa, xuất huyết, áp xe túi thừa, rò các cơ quan lân cận…

Khi túi thừa chưa tiến triển thành bệnh lý sẽ rất khó phát hiện. Để chẩn đoán, cần sử dụng các phương pháp như nội soi và chụp X quang. Khi có dấu hiệu của viêm túi thừa, áp xe thì người bệnh sẽ tiến hành siêu âm và CT scan để đánh giá tình trạng ổ viêm tại đại tràng.

Các biến chứng của bệnh lý túi thừa đại tràng

Bệnh lý túi thừa đại tràng thường có tỷ lệ gây biến chứng khá thấp nhưng nếu dẫn đến biến chứng sẽ gây ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến sức khỏe. Một số biến chứng thường gặp như:

Viêm túi thừa đại tràng

Túi thừa đại tràng khi giãn ra sẽ làm cho thành đại tràng mỏng hơn. Điều này sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và tấn công vào túi thừa, gây ra viêm túi thừa đại tràng. Khi túi thừa bị viêm sẽ gây ra cơn đau đột ngột ở vùng bụng dưới bên trái và nặng lên sau vài ngày; thường xuyên đi ngoài ra phân lỏng hoặc táo bón; chán ăn; buồn nôn và nôn, chướng bụng đầy hơi; đau rát khi đi tiểu; thậm chí gây sốt.

Túi thừa đại tràng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa 4
Viêm túi thừa đại tràng là tình trạng sưng đỏ và viêm nhiễm tại túi thừa

Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc, chảy máu trực tràng, tắc nghẽn ruột non hoặc ruột già, áp xe túi thừa, rò các cơ quan lân cận… Tùy theo mức độ viêm mà người bệnh sẽ được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Xuất huyết

Chảy máu túi thừa xảy ra khi các mạch máu ở túi thừa bị vỡ. Máu tươi thường sẽ chảy nhiều từ hậu môn hoặc đi tiêu ra phân có máu tươi hoặc màu hạt dẻ, không đau. Biến chứng xuất huyết này thường diễn ra tại túi thừa đại tràng phải. Chảy máu túi thừa thường xuất hiện kèm theo viêm túi thừa.

Thủng túi thừa

Thủng túi thừa tuy khá hiếm gặp nhưng là biến chứng nguy hiểm nhất. Túi thừa đại tràng khi bị thủng sẽ khiến vi trùng từ đại tràng dễ thoát vào ổ bụng và dẫn đến viêm phúc mạc. Khi gặp tình huống này, người bệnh cần được phẫu thuật ngay để tránh gây nguy hiểm đến tính mạng.

Điều trị bệnh túi thừa đại tràng

Với những người bị túi thừa nhẹ và không xuất hiện triệu chứng, có thể cải thiện bằng cách thay đổi chế độ ăn như bổ sung thêm thực phẩm giàu chất xơ và sử dụng thuốc kháng sinh. Phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh túi thừa thường được chỉ định trong các tình huống như:

  • Viêm túi thừa bị vỡ khiến mủ và phân chảy vào ổ bụng gây viêm phúc mạc. Đây là tình trạng nghiêm trọng và cần phải mổ cấp cứu;
  • Áp xe dẫn lưu không mang lại hiệu quả;
  • Trường hợp bị viêm túi thừa nặng không đáp ứng được với điều trị nội khoa;
  • Người bệnh có cơ địa dễ bị suy giảm hệ miễn dịch như đã phẫu thuật ghép tạng hoặc hóa trị;
  • Viêm túi thừa khiến đại tràng bị hẹp hoặc rò;
  • Người bệnh viêm túi thừa tái phát liên tục nhiều đợt.
Túi thừa đại tràng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa 4
Mục tiêu của phẫu thuật điều trị là giải quyết các ổ nhiễm trùng

Mục tiêu của phẫu thuật điều trị là giải quyết các ổ nhiễm trùng, bao gồm cắt bỏ túi thừa, dẫn lưu áp xe, rửa bụng, cắt đoạn đại tràng... Hiện nay, phẫu thuật nội soi đã trở thành xu hướng phổ biến với nhiều ưu điểm như ít gây đau đớn, giảm nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật và thời gian phục hồi nhanh hơn.

Sau phẫu thuật, người bệnh cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, ăn thức ăn dạng lỏng dễ tiêu hóa và hạn chế hoạt động mạnh. Thông thường, các triệu chứng sẽ cải thiện sau vài ngày và người bệnh có thể bắt đầu ăn thêm thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, rau quả và trái cây.

Cách phòng ngừa bệnh túi thừa đại tràng

Trên thực tế, túi thừa đại tràng một khi đã hình thành sẽ tồn tại vĩnh viễn. Vì vậy, không có phương pháp điều trị nào để phòng ngừa các biến chứng của túi thừa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể ngăn ngừa sự hình thành của các túi thừa hoặc làm giảm triệu chứng của bệnh hiệu quả bằng các biện pháp sau:

  • Bổ sung thêm chất xơ: Việc bổ sung thêm thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau củ tươi và ngũ cốc vào chế độ ăn sẽ giúp hỗ trợ đi tiêu hiệu quả hơn. Từ đó làm giảm nguy cơ bị viêm túi thừa.
  • Thường xuyên tập luyện thể thao: Việc duy trì thói quen tập luyện thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ giúp thúc đẩy chức năng của ruột và làm giảm áp lực bên trong ruột kết. Điều này sẽ hỗ trợ phòng ngừa bệnh viêm túi thừa cũng như nhiều bệnh khác.
  • Uống nhiều nước: Uống đủ 2 - 2.5 lít nước mỗi ngày sẽ giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn, làm mềm phân và đi tiêu nhanh hơn, góp phần ngừa tình trạng táo bón.
  • Tránh hút thuốc và sử dụng rượu bia: Những thói quen này có thể sẽ làm tăng nguy cơ viêm túi thừa.
  • Không được nhịn đi đại tiện: Việc thường xuyên nhịn đi đại tiện có thể khiến phân bị khô và dồn tắc lại, làm tăng áp lực trong ruột già gây ra nguy cơ mắc bệnh túi thừa.

Túi thừa đại tràng là bệnh lý thường gặp và không gây nguy hiểm trừ khi có biến chứng. Mặc dù chưa có biện pháp điều trị triệt để, nhưng chúng ta vẫn có thể hạn chế sự hình thành túi thừa và nguy cơ biến chứng bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và xây dựng lối sống sinh hoạt lành mạnh.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin