Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thủng đại tràng là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị thủng đại tràng

Ngày 26/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thủng đại tràng là một trong những bệnh thuộc nhóm bệnh đường tiêu hóa, là một tình trạng nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Một số bệnh lý và chấn thương có thể khiến bạn dễ bị thủng đại tràng hơn. Nhưng nếu được điều trị y tế kịp thời bạn có thể hồi phục hoàn toàn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Thủng đại tràng là gì?

Thủng ruột là một lỗ trên thành ruột non hoặc ruột già. Ruột non là cơ quan dài, hình ống ở bụng, nhận thức ăn được tiêu hóa một phần từ dạ dày và chuyển thức ăn đã tiêu hóa đến ruột già. Đại tràng là phần dài nhất của ruột già.

Thức ăn, dịch tiêu hóa, vi khuẩn hoặc chất thải (phân) có thể rò rỉ từ lỗ thủng. Điều này có thể gây ra tụ mủ (gọi là áp xe). Khi những thành phần trong lòng ruột rò rỉ vào khoang phúc mạc, nó có thể dẫn đến nhiễm trùng (gọi là viêm phúc mạc). Nhiễm trùng có thể xâm nhập vào máu và có thể gây sốc nhiễm trùng.

Thủng đại tràng là một tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị ngay lập tức.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của thủng đại tràng

Các dấu hiệu và triệu chứng của thủng đại tràng có thể khác nhau. Chúng có thể diễn tiến chậm hoặc nhanh, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Đau, thường dữ dội và lan khắp bụng;
  • Đau quặn ở vùng bụng;
  • Đầy hơi, hoặc căng cứng bụng;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Thay đổi nhu động ruột;
  • Chảy máu từ hậu môn;
  • Sốt, thường ở giai đoạn nặng;
  • Ớn lạnh;
  • Mệt mỏi.
Thủng đại tràng là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị thủng đại tràng 4.png
Người bệnh thủng đại tràng thường có triệu chứng đau bụng dữ dội

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Vì thủng đại tràng có thể đe dọa tính mạng nên hãy đến ngay bệnh viện nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên. Đừng chờ xem triệu chứng có tự biến mất hay không.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến thủng đại tràng

Thủng trong đại tràng có thể tự xảy ra. Loại thủng tự phát này thường là do tình trạng bệnh lý, chẳng hạn như bệnh viêm ruột (inflammatory bowel disease). Ruột bị thủng cũng có thể do thủ thuật y tế tại đường tiêu hoá hoặc gần đó. Chấn thương do tai nạn hoặc lực tác động cũng có thể gây thủng ruột. Điều này đặc biệt đúng với chấn thương ở vùng bụng, chẳng hạn như xảy ra do một cú đá trực tiếp hoặc một cú ngã.

Nguyên nhân liên quan đến y tế

Một số thủ thuật y tế có thể dẫn đến thủng ruột. Những nguyên nhân này có thể bao gồm:

  • Thụt tháo: Hầu hết các dụng cụ thụt tháo đều sử dụng một ống đưa vào trực tràng. Nếu thao tác này được thực hiện với lực quá mạnh hoặc thực hiện sai cách, nó có thể làm rách hoặc đẩy qua lớp niêm mạc của đại tràng.
  • Chuẩn bị ruột cho nội soi: Trường hợp này hiếm gặp nhưng việc làm sạch ruột trước khi nội soi có thể tạo ra một lỗ thủng. Điều này thường gặp hơn hơn ở những người có tiền căn táo bón.
  • Nội soi đại tràng sigma: Máy nội soi là công cụ dùng để thực hiện nội soi đại tràng sigma. Nó thường khá an toàn, tuy nhiên nguy cơ gây thủng vẫn có thể xảy ra.
  • Nội soi đại tràng: Đầu ống nội soi có thể xuyên qua lớp lót bên trong của đại tràng. Đây là một biến chứng hiếm gặp. Lỗ thủng do nội soi tạo ra sẽ phổ biến hơn khi thực hiện cắt bỏ polyp trong quá trình nội soi.
  • Phẫu thuật vùng bụng hoặc vùng chậu: Phẫu thuật, đặc biệt đối với ung thư đại tràng, có thể có nguy cơ gây thủng.

Nguyên nhân tự phát

Các nguyên nhân khác gây thủng đại tràng không liên quan đến y tế, có thể bao gồm:

  • Các bệnh viêm ruột như bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Nguy cơ thủng ruột khi mắc bệnh Crohn là từ 1% đến 3%, đây là nguyên nhân rất phổ biến.
  • Tắc ruột nghiêm trọng, đặc biệt là khi ruột già “suy yếu”. Điều này có thể là do bệnh túi thừa, ung thư hoặc tình trạng sức khỏe tiềm ẩn khác.
  • Chấn thương hoặc tổn thương ruột.
  • Bệnh ruột thiếu máu cục bộ, với một số loại can thiệp vào việc cung cấp máu cho đại tràng.
  • Ung thư đại tràng.
  • Dị vật, chẳng hạn như xương cá, mảnh vỡ hoặc vật dụng khác.
  • Tắc ruột, đại tiện không ra ngoài được vì táo bón nặng.
Thủng đại tràng là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị thủng đại tràng 5.png
Ung thư đại tràng có thể gây thủng đại tràng

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải thủng đại tràng?

Bất cứ ai cũng có thể mắc phải thủng đại tràng, đặc biệt nếu bạn lớn hơn 75 tuổi và giới tính nữ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải thủng đại tràng

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ thủng đại tràng, bao gồm:

  • Tiền căn phẫu thuật vùng bụng;
  • Tiền căn phẫu thuật vùng chậu;
  • Tiền căn có nhiều hơn một vấn đề y tế;
  • Chấn thương vùng bụng hoặc chậu, như do tai nạn;
  • Tiền căn mắc bệnh túi thừa;
  • Tiền căn mắc bệnh viêm ruột;
  • Ung thư đại tràng;
  • Dùng thuốc ipilimumab;
  • Mô sẹo ở xương chậu, thường là từ cuộc phẫu thuật trước đó.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm thủng đại tràng

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị thủng đại tràng, họ có thể sẽ đề nghị một số cận lâm sàng. Chụp X-quang có thể cho thấy bạn có khí bên ngoài đại tràng nhưng thường không đủ để chẩn đoán xác định. Thông thường, bạn sẽ được chụp cắt lớp vi tính vùng bụng.

Công thức máu toàn phần có thể cho thấy bạch cầu tăng cao. Điều này thường là do nhiễm trùng và nếu đi kèm tình trạng thủng ruột sẽ cho thấy tình trạng này có thể đã diễn ra được một thời gian. Kết quả xét nghiệm máu cũng có thể có dấu hiệu thiếu máu do xuất huyết.

Các lỗ thủng nhỏ hơn có thể khó chẩn đoán hơn và điều đó có nghĩa là cần nhiều thời gian và hình ảnh học hơn.

Điều trị thủng đại tràng

Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ cần phẫu thuật để điều trị. Điều này phụ thuộc vào kích thước và vị trí của vết thủng. Bác sĩ ngoại tiêu hóa có thể thực hiện phương pháp này thông qua nội soi. Tuy nhiên, không phải lúc nào thủng đại tràng cũng cần phẫu thuật.

Phẫu thuật ruột mở phức tạp hơn. Trong một số trường hợp, có thể cần đặt hậu môn nhân tạo.

Thủng đại tràng là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị thủng đại tràng 6.png
Phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị thủng đại tràng

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của thủng đại tràng

Chế độ sinh hoạt:

Chế độ sinh hoạt cho người bệnh thủng đại tràng phụ thuộc vào mức độ và tính chất của thủng đại tràng, liệu pháp điều trị và tình trạng tổn thương khác có liên quan. Dưới đây là một số gợi ý chung:

  • Nghỉ ngơi và hạn chế hoạt động: Sau khi xảy ra thủng đại tràng, thường cần thời gian để lành vết thương và phục hồi. Bạn có thể cần nghỉ ngơi và hạn chế hoạt động trong một thời gian ngắn để giảm áp lực và sự căng thẳng trên đại tràng.
  • Theo dõi triệu chứng: Đặc biệt quan trọng là bạn cần theo dõi triệu chứng và tình trạng sức khỏe của mình sau thủng đại tràng. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng như đau bụng cấp tính, sốt cao, phân lẫn máu, hoặc biểu hiện không bình thường khác, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ: Luôn tuân thủ các chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ về chế độ sinh hoạt và liệu pháp điều trị. Họ sẽ có thông tin chi tiết hơn về tình trạng của bạn và có thể điều chỉnh chế độ sinh hoạt theo từng trường hợp cụ thể.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh thủng đại tràng có vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi và lành vết thương. Dưới đây là một số gợi ý chung về chế độ dinh dưỡng cho trường hợp này:

  • Cung cấp đủ dinh dưỡng: Dù cho bạn có thể cần giảm lượng thức ăn ban đầu để giảm tải lên đại tràng, nhưng vẫn cần đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Hãy tìm cách tăng cường lượng calo và chất dinh dưỡng từ các nguồn thức ăn phù hợp.
  • Thực phẩm giàu chất xơ: Chọn thức ăn giàu chất xơ như rau xanh, quả, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt. Chất xơ giúp tăng cường chức năng tiêu hóa và hỗ trợ sự vận động của đại tràng.
  • Thức ăn dễ tiêu hoá: Tránh ăn các thực phẩm khó tiêu hoá như thịt mỡ, thực phẩm chứa nhiều chất béo, thực phẩm chiên và đồ ngọt. Thay vào đó, tập trung vào các loại thực phẩm dễ tiêu hoá như cháo, súp, thịt trắng, cá, trứng, sữa chua và các sản phẩm từ sữa không chứa lactose.
  • Giảm tiêu thụ chất kích thích đại tràng: Một số chất kích thích đại tràng như caffein và các loại gia vị cay có thể gây kích ứng cho đại tràng. Hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống chứa caffein và giảm sự tiếp xúc với các loại gia vị cay.
  • Uống đủ nước: Hãy đảm bảo uống đủ nước trong suốt ngày để duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể và giúp duy trì tình trạng tiêu hóa tốt.
  • Theo dõi phản ứng của cơ thể: Mỗi người có thể có những thực phẩm cá nhân gây kích ứng hoặc không tốt cho hệ tiêu hóa. Hãy theo dõi cẩn thận cảm giác và phản ứng của cơ thể sau khi tiêu thụ một loại thức ăn cụ thể. Nếu bạn phát hiện bất kỳ phản ứng không mong muốn nào, hãy ghi nhớ và trao đổi với bác sĩ của bạn.

Nhớ rằng chế độ dinh dưỡng cụ thể có thể khác nhau tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và yêu cầu riêng của mỗi người. Luôn thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để nhận được lời khuyên chính xác và cá nhân hóa về chế độ dinh dưỡng cho trường hợp của bạn.

Phòng ngừa thủng đại tràng

Bạn không thể ngăn ngừa hoàn toàn thủng đại tràng. Nhưng bạn có thể giảm nguy cơ mắc phải nếu bạn:

  • Không hút thuốc lá hoặc sử dụng các sản phẩm thuốc lá.
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh với đủ chất xơ, có thể ngăn ngừa táo bón và giữ cho quá trình tiêu hóa của bạn diễn ra suôn sẻ.
  • Hãy gặp bác sĩ thường xuyên để quản lý tình trạng sức khỏe và báo cáo bất kỳ triệu chứng nào, bao gồm các vấn đề về tiêu hóa hoặc đau.
Thủng đại tràng là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị thủng đại tràng 7.png
Ăn các thực phẩm giàu chất xơ để phòng ngừa thủng đại tràng

Các câu hỏi thường gặp về thủng đại tràng

Tôi có thể bị thủng đại tràng nhiều lần không?

Có thể bị thủng đại tràng nhiều lần, nhưng trường hợp này hiếm gặp. Gặp bác sĩ của bạn thường xuyên để quản lý tình trạng sức khỏe và giúp giảm nguy cơ thủng trong tương lai.

Biến chứng của thủng đại tràng là gì?

Các thành phần bên trong của ruột có thể rò rỉ qua lỗ thủng trên thành đại tràng. Axit dạ dày, vi khuẩn và các mảnh thức ăn có thể rò rỉ vào khoang bụng, có thể dẫn đến nhiễm trùng và viêm. Nó cũng có thể gây ra viêm phúc mạc. Nhiễm trùng này có thể dẫn đến nhiễm trùng toàn thân gọi là nhiễm trùng huyết. Những tình trạng này đe dọa tính mạng và thường gây tử vong khi không được điều trị.

Các biến chứng của thủng đại tràng khi không được điều trị có thể bao gồm:

  • Xuất huyết;
  • Nhiễm trùng dẫn đến nhiễm trùng huyết;
  • Tử vong.

Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của thủng đại tràng bao gồm tuổi và sức khỏe tổng thể của bạn. Kết quả cũng có thể phụ thuộc vào việc thời gian để chẩn đoán sớm hay muộn và điều trị.

Tôi có thể sống sót sau khi bị thủng đại tràng không?

Có, nhưng thủng ruột là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Tỷ lệ tử vong chung là 30% có hoặc không có điều trị y tế. Khoảng 70% số người bị thủng ruột bị nhiễm trùng sẽ không qua khỏi.

Ruột bị thủng có tự lành được không?

Những vết thủng nhỏ ở đường tiêu hóa đôi khi có thể lành mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, bạn không thể biết điều này cho đến khi được chẩn đoán, vì vậy hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Bạn thường cần dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch (qua tĩnh mạch) và theo dõi chặt chẽ.

Thủng đường tiêu hóa có thể gây tử vong. Đừng cố gắng chăm sóc tình trạng này ở nhà. Luôn tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn nghĩ mình bị thủng đường tiêu hóa.

Nguồn tham khảo
  1. What Is a Perforated Bowel?: https://www.verywellhealth.com/whats-a-bowel-perforation-797590
  2. Gastrointestinal Perforation: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23478-gastrointestinal-perforation
  3. What Is Gastrointestinal Perforation?: https://www.webmd.com/digestive-disorders/what-is-gastrointestinal-perforation
  4. Gastrointestinal perforation: https://medlineplus.gov/ency/article/000235.htm
  5. Bowel perforation: https://cancer.ca/en/treatments/side-effects/bowel-perforation

Các bệnh liên quan

  1. Sa búi trĩ

  2. Viêm đại tràng màng giả

  3. Bệnh não gan

  4. Chấn thương bụng kín

  5. Xơ gan do rượu

  6. Viêm tụy mạn

  7. Cường lách

  8. Phình đại tràng bẩm sinh

  9. Viêm ruột thừa

  10. Viêm thực quản