Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phẫu thuật dây chằng chéo trước gối được thực hiện như thế nào?

Ngày 29/08/2022
Kích thước chữ

Đứt dây chằng chéo trước là tổn thương thường gặp nhất trong chấn thương khớp gối. Chấn thương này khiến cho việc di chuyển của người bệnh trở nên khó khăn. Vậy phẫu thuật dây chằng chéo trước gối được thực hiện như thế nào. Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Dây chằng chéo trước gối làm nhiệm vụ kiểm soát sự ổn định của khớp gối. Nếu dây chằng này bị rách, đầu gối bị mất ổn định và gặp khó khăn khi thực hiện các động tác quay, xoắn khớp. Mục đích của việc phẫu thuật dây chằng chéo trước gối là nhằm phục hồi cấu trúc và chức năng nguyên bản khớp gối. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin về kỹ thuật được sử dụng trong phẫu thuật dây chằng chéo trước gối.

Hệ thống khớp gối

Hệ thống khớp gối bao gồm: Xương đùi, xương chày và xương bánh chè. 3 xương này kết nối với nhau bởi 4 dây chằng: Dây chằng bên trong, dây chằng bên ngoài, dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau.

Dây chằng chéo trước bám từ mặt trong lồi cầu ngoài xương đùi và chạy ra đằng trước, bám vào mâm chày của xương chày. Dây chằng này giúp xoay khớp gối, đồng thời đảm bảo độ vững trước sau của khớp, giúp xương chày không bị trật ra phía trước.

Phẫu thuật dây chằng chéo trước gối được thực hiện như thế nào? 1 Dây chằng chéo trước giúp xoay khớp gối và đảm bảo độ vững

Trường hợp đứt dây chằng chéo trước gối

Dây chằng chéo trước gối rất dễ bị tổn thương. Theo các nhà nghiên cứu, trung bình ở Mỹ có khoảng 200.000 trường hợp mắc phải các tổn thương liên quan đến dây chằng chéo trước, trong đó gặp ở nữ nhiều hơn nam do sự kiểm soát thần kinh cơ cũng như độ lỏng của dây chằng ở 2 giới là khác nhau.

Nếu bị rách hoặc đứt dây chằng này, đầu gối mất đi sự ổn định do đó khớp trở nên lỏng lẻo, vì vậy gặp khó khăn khi xoay, xoắn khớp gối, thậm chí có thể gây teo cơ và thoái hóa khớp gối. Đứt dây chằng chéo khớp gối thường gặp do các nguyên nhân sau: 

  • Do chuyển hướng nhanh chóng hoặc xoay người sang phía đối diện trong khi bàn chân vẫn giữ nguyên.
  • Do giảm vận tốc đột ngột, mất kiểm soát ví dụ như đang chạy bỗng nhiên dừng lại.
  • Gặp chấn thương do chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng bầu dục… Nguyên nhân này chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số những nguyên nhân làm đứt dây chằng trước gối.

Ngay sau khi gặp chấn thương, bệnh nhân thường gặp các biểu hiện như sưng, phồng, cảm giác đau và mất độ vững của khớp gối. Trong vài giờ tiếp theo, khớp gối sưng nhiều hơn, cảm giác đau rõ rết hơn và không thoải mái khi đi lại.

Phẫu thuật dây chằng chéo trước gối được thực hiện như thế nào?

Như đã nói ở trên, có rất nhiều phương pháp phẫu thuật dây chằng chéo trước gối, tuy nhiên phổ biến và ưu thế nhất hiện nay là phương pháp phẫu thuật nội soi khớp bởi giá thành thấp và bệnh nhân có thể dễ dàng hồi phục sau phẫu thuật.

Phẫu thuật nội soi dây chằng chéo trước là biện pháp phẫu thuật xâm lấn hạn chế rất hiệu quả, sử dụng các thiết bị nội soi để quan sát các cấu trúc bên trong khớp gối. Nhờ việc quan sát nội soi, các bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp phù hợp, mang lại hiệu quả cao, hạn chế mất máu và giảm bớt sự đau đớn cho người bệnh.

Những đối tượng dưới đây nếu bị tổn thương dây chằng chéo trước gối được khuyến cáo nên phẫu thuật nội soi:

  • Vận động viên tham gia thi đấu các môn thể thao ở mức độ cao.
  • Những người làm công việc đòi hỏi chức năng đầu gối chắc khỏe và ổn định.
  • Mắc đa chấn thương khớp gối.
  • Đã hoàn thành quá trình phục hồi chức năng khi bị rách dây chằng, tuy nhiên vẫn chưa ổn định được chức năng khớp gối.

Quy trình phẫu thuật dây chằng chéo trước gối

Phẫu thuật dây chằng chéo trước gối được thực hiện lần lượt theo các quy trình dưới đây:

  • Bệnh nhân được tiến hành gây mê và gây tê
  • Bệnh nhân nằm ở tư thế ngửa, đầu gối gập lại thành một góc vuông. Cần sử dụng vật đỡ ở vị trí đùi và bàn chân bệnh nhân.
  • Phẫu thuật viên rạch một đường tiêu chuẩn trên xương chày, bắt đầu ở giữa củ chày và kết thúc ở giữa xương chày để đưa các thiết bị như camera, dao mổ vào khớp.
  • Từ những hình ảnh được camera ghi lại và đưa ra màn hình lớn, phẫu thuật viên sẽ đưa ra các biện pháp can thiệp phù hợp. Thông thường, để tái tạo dây chằng bị rách, phẫu thuật viên sẽ lấy một phần gân khỏe mạnh từ các khu vực khác để làm mảnh ghép tự thân như gân kheo, gân cơ tứ đầu đùi, hoặc có thể sử dụng gân được hiến tặng từ người đã qua đời.
  • Sau khi sửa chữa các tổn thương hoàn tất, bác sĩ khâu lại vết mổ và cố định bằng nẹp Orbe, sau đó quấn băng vô trùng bên ngoài. Việc cắt chỉ có thể được thực hiện trong vòng 2 tuần kể từ ngày làm phẫu thuật.
Phẫu thuật dây chằng chéo trước gối được thực hiện như thế nào? 2 Mô phỏng phẫu thuật dây chằng chéo trước gối

Những biến chứng có thể xảy ra sau khi phẫu thuật

Đối với một số bệnh nhân, sau phẫu thuật có thể gặp một số biến chứng như:

  • Nhiễm trùng: Việc nhiễm trùng trong các loại phẫu thuật khó có thể tránh khỏi, thường gặp do việc vô trùng không chặt chẽ. Bệnh nhân có thể tử vong khi bị nhiễm trùng.
  • Mất vững: Tình trạng này xảy ra do đứt hoặc giãn dây chằng đã tái tạo do kỹ thuật phẫu thuật còn kém.
  • Tổn thương sụn tăng trưởng: Thường gặp ở trẻ nhỏ. Việc phẫu thuật có thể làm tổn thương sụn tăng trưởng, dẫn đến các vấn đề về phát triển xương.
  • Chảy máu, tê chi dưới: Do kỹ thuật phẫu thuật mà phẫu thuật viên có thể làm tổn thương động mạch khoeo của bệnh nhân gây chảy máu, thậm chí có thể liệt cẳng chân và bàn chân tạm thời hoặc vĩnh viễn. Trường hợp này hiếm khi gặp.

Chăm sóc và phục hồi sau phẫu thuật

Về vấn đề dinh dưỡng, bệnh nhân cần được xây dựng thực đơn cân bằng 4 nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu: Tinh bột, chất béo, protein, vitamin. Ngoài ra, cần bổ sung thêm một số chất khác như: Canxi giúp xương khớp chắc khỏe, các chất chống oxy hóa từ cam, quýt giúp vết thương chóng lành, tránh gặp phải tình trạng nhiễm trùng. Tránh sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, cà phê… để cơ thể nhanh chóng hồi phục.

Phẫu thuật dây chằng chéo trước gối được thực hiện như thế nào? 3 Bệnh nhân cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để nhanh chóng hồi phục

Về sinh hoạt, bệnh nhân không nên vận động với tần suất mạnh, chỉ cần đi lại vừa đủ để tránh bị teo cơ, không nên tự ý tháo nẹp khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Đồng thời bệnh nhân cần có giờ giấc nghỉ ngơi hợp lý, không nên làm việc căng thẳng.

Sau khi điều trị, bệnh nhân cần có chế độ tập luyện đúng cách để khớp gối trở nên linh hoạt trở lại. Bệnh nhân có thể tham khảo phương pháp tập luyện sau:

  • Giai đoạn 1 (2 tuần sau khi mổ): Tập lắc xương bánh chè mỗi ngày trong 5 – 10 phút, đồng thời day sẹo mổ để chống dính. Tập nâng chân khỏi mặt giường, tháo nẹp và gập gối 60 độ.
  • Giai đoạn 2 (3 – 4 tuần sau khi mổ): Có thể bỏ nẹp và tập đạp xe trong phòng, kết hợp với các bài tập gấp gối, gồng cơ đùi với lực cản tăng dần.
  • Giai đoạn 3 (từ tuần thứ 4 trở đi): Tập lên xuống cầu thang và tập dáng đi bình thường. Tiếp tục tiến hành tập gồng cơ với lực cản mạnh hơn.

Bệnh nhân có thể trở lại luyện tập thể thao 9 tháng sau khi mổ, tuy nhiên cần luyện tập với cường độ vừa phải để tránh bị chấn thương trở lại.

Phẫu thuật dây chằng chéo trước gối là phương pháp điều trị hiệu quả với tức thời nhất với những bệnh nhân gặp tổn thương. Tuy nhiên, việc thực hiện đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ chuyên môn cao để tránh gặp phải rủi ro khi phẫu thuật; vì vậy bạn hãy tìm đến các cơ sở y tế uy tín nếu có nhu cầu thực hiện phẫu thuật khi gặp chấn thương nhé! Chúc bạn đọc sức khỏe!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin