Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh: Những thông tin cần biết

Ngày 28/08/2022
Kích thước chữ

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là bệnh lý thường gặp ở nam giới trong độ tuổi trưởng thành. Ca phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh được thực hiện như thế nào? Cần lưu ý những gì trước và sau khi phẫu thuật? Nhà thuốc Long Châu sẽ gửi đến bạn những kiến thức cần thiết về ca phẫu thuật này trong bài viết dưới đây.

Theo báo cáo nghiên cứu, giãn tĩnh mạch thừng tinh là bệnh lý xảy ra ở 15 - 17% nam giới trong độ tuổi trưởng thành. Tuy không phải bệnh cấp tính hay gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh nhân có thể bị vô sinh. Một trong các biện pháp điều trị bệnh được sử dụng phổ biến nhất là phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là bệnh gì?

Hiện tượng đám rối tĩnh mạch dây leo nằm bên trong bìu nam giới bị giãn nở do chịu áp lực lớn được gọi là giãn tĩnh mạch thừng tinh. Bệnh có ít triệu chứng nên người bệnh thường chủ quan, không phát hiện kịp thời.

Khi mắc bệnh, quá trình lưu thông máu quanh tinh hoàn bị ứ trệ, làm giãn nở hệ thống tĩnh mạch, hình thành búi tĩnh mạch ngoằn ngoèo bên trong bìu. Nguyên nhân của bệnh do tĩnh mạch tinh không có van hoặc bị suy yếu, dòng máu đổ vào tĩnh mạch tinh bị trào ngược dẫn đến chức năng tinh hoàn rối loạn. Ở bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thừng tinh, tinh hoàn không phát triển và hoạt động, tinh dịch rối loạn, chức năng tế bào Leydig cũng bị rối loạn.

Phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh: Những thông tin cần biết 1Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường xảy ra ở nam giới trưởng thành

Các dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh:

  • Sờ thấy búi giãn tĩnh mạch cuộn trong trong bìu.
  • Đau tức bẹn, bìu.

Khi nghi ngờ mắc bệnh, bạn cần đi khám để được chỉ định làm các nghiệm pháp lâm sàng, siêu âm nhằm xác định bệnh. Nếu để lâu, bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm, thậm chí là vô sinh. Nguyên nhân là sau một thời gian mắc bệnh, hormone testosterone giảm gây rối loạn cương dương. Tinh hoàn bắt đầu teo lại, ít lượng tinh trùng gây ra vô sinh.

Phương pháp phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh

Có khá nhiều phương pháp để điều trị bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh. Tùy thuộc vào mức độ bệnh mà bác sĩ chỉ định cách điều trị phù hợp:

  • Mắc bệnh nhẹ: Điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày để chữa bệnh.
  • Mắc bệnh nặng: Dùng thuốc hoặc phẫu thuật ở bệnh nhân không đáp ứng thuốc.

Một số phương pháp phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh được dùng phổ biến hiện nay là:

  • Mổ nội soi.
  • Mổ hở.
  • Tắc mạch can thiệp.
  • Thắt tĩnh mạch thừng tinh.
  • Bóc tách tĩnh mạch thừng tinh.
Phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh: Những thông tin cần biết 2Phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh để loại bỏ búi giãn tĩnh mạch

Trong đó, mổ vi phẫu giãn tĩnh mạch thừng tinh được đánh giá là mang đến hiệu quả cao, ít xâm lấn, thời gian hồi phục nhanh. Về cơ bản, đây là kỹ thuật mổ hở nhưng có sự kết hợp của kính hiển vi. Vì thế, bác sĩ có thể phóng đại hình ảnh tĩnh mạch nhằm nhận biết rõ hơn khi thực hiện phẫu thuật. Các động mạch tinh được phóng lớn, tĩnh mạch chưa giãn được nhận biết dễ dàng. Điều này có công dụng bảo tồn bạch mạch, động mạch, hạn chế biến chứng hậu phẫu như tràn dịch tinh mạc, teo tinh hoàn.

Bệnh nhân mắc bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh ở vị trí đám rối tĩnh mạch dây leo sẽ có nguy cơ cao tái phát bệnh. Nguyên nhân là cấu trúc đám rối có sự thống nối với nhau, máu lưu thông ở nhiều tĩnh mạch khác nhau. Nếu không áp dụng vi phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh, mắt thường không thể nhận biết được tĩnh mạch, tình trạng này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai.

Vi phẫu giãn tĩnh mạch thừng tinh giúp phân biệt được động mạch, tĩnh mạch. Từ đó, ca phẫu thuật sẽ tránh làm tắc động mạch tinh hoàn khiến chức năng sinh sản bị rối loạn.

Lưu ý sau khi phẫu thuật

Sau khi tiến hành phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh, bạn cần lưu ý những vấn đề bao gồm:

  • Không được hoạt động mạnh, nhất là những động tác liên quan đến cơ bụng như đá bóng, chạy bộ, cardio…
  • Không được mặc quần áo quá chật hay trang phục có chất liệu vải không khô thoáng.
  • Không dùng nước nóng để tắm, vệ sinh cơ thể để tránh bị giãn tĩnh mạch thừng tinh, không ngâm mình trong bồn nước nóng.
  • Đi vệ sinh không được rặn.
  • Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
  • Tránh quan hệ tình dục trong vòng 1 tháng sau khi mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh.
Phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh: Những thông tin cần biết 3Bệnh nhân không được hoạt động mạnh sau khi phẫu thuật

Mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh bao lâu hồi phục?

Tùy thuộc vào tình trạng và mức độ bị giãn tĩnh mạch mà thời gian hồi phục sẽ khác nhau. Các giai đoạn hồi phục bao gồm: Hồi phục chứng tinh hoàn đau, hồi phục chứng bìu chảy xệ và hồi phục hoàn toàn.

Hồi phục chứng tinh hoàn đau

Trong quá trình thực hiện phẫu thuật, bác sĩ lấy đi búi tĩnh mạch bị giãn có thể khiến cơ thể xảy ra một số hiện tượng như chảy máu, tinh hoàn đau khi sờ vào. Bạn hãy yên tâm vì đây là biểu hiện bình thường sau mổ. Nó sẽ kết thúc từ 1 đến 2 ngày nên không cần phải lo lắng. Mặc dù vậy, nếu phát hiện vết thương có tình trạng nhiễm trùng hoặc chảy máu sau khoảng thời gian này, bạn hãy liên hệ với bác sĩ điều trị ngay lập tức để được xử lý kịp thời.

Hồi phục chứng tinh hoàn chảy xệ

Khả năng đàn hồi của bìu sẽ không còn được như trước khi bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thừng tinh. Do đó, sau khi phẫu thuật, da bìu chưa thể co lại ngay lập tức được. Bên cạnh đó, trong quá trình phẫu thuật có khả năng xảy ra va chạm giữa các mô mềm. Điều này dẫn đến hiện tượng sưng hoặc phù nề. Sau phẫu thuật từ 7 đến 10 ngày, các vết mổ mới có thể liền sẹo, tinh hoàn và bìu mới có thể quay về trạng thái bình thường.

Phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh: Những thông tin cần biết 4Bệnh nhân mất khoảng 1 tháng sau phẫu thuật mới có thể quay lại sinh hoạt bình thường

Hồi phục hoàn toàn

Khoảng 1 tháng sau khi phẫu thuật, vết mổ mới được hồi phục hoàn toàn. Lúc này, bệnh nhân có thể quay về sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, để kết quả điều trị đảm bảo hiệu quả, bạn cần đi tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ.

Khi bị giãn tĩnh mạch thừng tinh, đời sống sinh hoạt và chức năng sinh sản của nam giới sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, bạn cần đến bác sĩ thăm khám khi thấy các biểu hiện bất thường để được điều trị kịp thời. Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp bạn có đầy đủ kiến thức về cuộc phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh. Bạn hãy chọn cơ sở y tế uy tín với máy móc hiện đại, đội ngũ y bác sĩ kinh nghiệm lâu năm để thực hiện nhằm hạn chế tối đa biến chứng nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin