Phẫu thuật nội soi lấy máu đông màng phổi và những điều bạn cần biết
Ngày 15/01/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Phẫu thuật nội soi lấy máu đông màng phổi là thủ thuật thường được sử dụng để điều trị loại bỏ hoàn toàn máu đông màng phổi. Vậy các bước tiến hành của thuật trên là gì?
Máu đông màng phổi là một bệnh lý nguy hiểm nếu được không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng tuần hoàn và hô hấp của cơ thể. Để điều trị bệnh lý trên, người bệnh thường được chỉ định phẫu thuật nội soi lấy máu đông màng phổi. Vậy phẫu thuật nội soi lấy máu đông màng phổi là thủ thuật gì?
Phẫu thuật nội soi lấy máu đông màng phổi là gì?
Máu đông màng phổi (clotted hemothorax) là tình trạng huyết khối được hình thành đóng thành bánh máu đông và tích tụ trong khoang màng phổi. Khoảng 20% các trường hợp người mắc tràn máu màng phổi sẽ tiến triển thành máu đông màng phổi.
Phẫu thuật nội soi lấy máu đông màng phổi là thủ thuật chính thường được sử dụng nhằm loại bỏ hoàn toàn máu đông và ngăn ngừa di chứng dày dính màng phổi sau phẫu thuật.
Chỉ định và chống chỉ định của phẫu thuật nội soi lấy máu đông màng phổi
Phẫu thuật nội soi lấy máu đông màng phổi có thể được chỉ định trong các tình huống sau:
Máu đông màng phổi tồn dư;
Dẫn lưu thất bại: 24 - 72 giờ sau khi dẫn lưu màng phổi nhưng còn máu đông, XQ phổi, CT Scan có hình ảnh của bánh máu đông, siêu âm dịch có fibrin;
Dẫn lưu màng phổi không ra thêm hoặc không hoạt động;
Máu đông màng phổi bội nhiễm: Biểu hiện gồm sốt, bạch cầu tăng, hình ảnh học có fibrin;
Tràn máu màng phổi sau chấn thương, người bệnh đến khám muộn sau 5 - 7 ngày. Máu chảy rỉ rả, tạo thành bánh máu đông trong khoang màng phổi lượng vừa trở lên hoặc đóng vách, khu trú.
Chống chỉ định phẫu thuật nội soi lấy máu đông màng phổi trong các trường hợp:
Người bệnh đang mắc các bệnh lý phổi lan tỏa hay tiến triển;
Hẹp phế quản gây xẹp phổi;
Người bệnh không thể chịu đựng được cuộc mổ kéo dài trong tình trạng bị xẹp một bên phổi;
Các bước chuẩn bị phẫu thuật nội soi lấy máu đông màng phổi
Phẫu thuật nội soi lấy máu đông màng phổi là phương pháp dễ thực hiện và cho hiệu quả tốt nhất đối với các vết thương ngực hở sau 7 - 10 ngày. Trước khi tiến hành phẫu thuật, cần phải chuẩn bị kỹ càng về dụng cụ và con người để đáp ứng được yêu cầu của phẫu thuật.
Người thực hiện
Người thực hiện phẫu thuật phải đảm bảo được đào tạo đầy đủ về chuyên môn bao gồm:
Phẫu thuật viên: Gồm 1 phẫu thuật viên chính và 2 phẫu thuật viên phụ được đào tạo chuyên ngành về phẫu thuật lồng ngực và phẫu thuật nội soi.
Bác sĩ gây mê hồi sức có chuyên môn, thực hiện đặt được ống nội khí quản 2 nòng.
Phương tiện
Phẫu thuật nội soi lấy máu đông màng phổi được thực hiện tại cơ sở ngoại khoa được trang bị đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu của phẫu thuật lồng ngực và mạch máu như máy thở, hệ thống hút áp lực âm liên tục, monitor theo dõi huyết áp động mạch, huyết áp tĩnh mạch, bão hòa oxy, nhịp thở, điện tim,…
Máy nội soi trong phẫu thuật máy cần đảm bảo có các bộ phận như camera, màn hình chuyên dụng có độ phân giải cao, nguồn sáng cường độ mạnh, cáp thủy tinh dẫn truyền ánh sáng, thiết bị ghi hình và ống soi Laparoscope.
Bộ dụng cụ phẫu thuật nội soi
Bộ dụng cụ phẫu thuật nội soi lấy máu đông màng phổi bao gồm:
Hệ thống trocart loại 5mm và 10mm;
Kìm phẫu tích Dissector hàm cong;
Kẹp phẫu tích Gasper;
Kéo phẫu tích Metzenbaum;
Hệ thống hút - tưới, rửa;
Bộ dụng cụ của phẫu thuật lồng ngực mổ mở;
Dao điện, bàn mổ, hệ thống đèn chiếu sáng đủ tiêu chuẩn cho phẫu thuật lồng ngực.
Người bệnh
Người bệnh sẽ được giải thích trước về mục đích cuộc mổ, các nguy cơ, biến chứng, đồng thời được hướng dẫn tập vật lý trị liệu hô hấp trước mổ.
Các bước tiến hành phẫu thuật nội soi lấy máu đông màng phổi
Sau công đoạn chuẩn bị, người bệnh sẽ được tiến hành phẫu thuật nội soi lấy máu đông màng phổi. Các bước tiến hành phẫu thuật lấy máu đông bao gồm:
Bước 1: Làm xẹp phổi bên có máu đông bằng cách phân lập phổi bằng nội phế quản. Thông thường, phẫu thuật nội soi lồng ngực lấy máu đông cần làm xẹp phổi bằng cách phân lập phổi bằng nội phế quản, người bệnh được nằm nghiêng, độn gối dưới lưng như các trường hợp mở ngực để thực hiện làm xẹp phổi.
Bước 2: Đặt trocar. Lỗ đặt camera thường nằm trong tam giác ít cơ, giới hạn bởi cơ ngực lớn, cơ răng trước (trước), cơ thang (sau), cơ hoành (dưới), tốt nhất là ở LS 7 - 8, đường nách sau. Nơi đặt các trocar phải tạo với lỗ camera 1 hình tam giác và được đặt nằm trên cùng đường mở ngực dự kiến, lỗ thấp nhất sẽ dành để đặt ống dẫn lưu. Cách đặt camera hay trocar cũng tương tự như thủ thuật đặt dẫn lưu màng phổi, cần tránh gây thủng vào nhu mô phổi trong những trường hợp không thể phân lập làm xẹp phổi chủ động hoặc phổi bị dính vào thành ngực.
Bước 3: Phẫu thuật lấy máu đông. Hút sạch máu đông màng phổi, phá vỡ dây dính rồi thám sát phổi, trung thất, thành ngực, cơ hoành, lỗ vào của vết thương,... nhằm xử trí, cầm máu các thương tổn nếu có. Sau khi lấy hết máu đông, bác sĩ sẽ bóp bóng để giúp phổi nở tối đa, cuối cùng là kiểm tra các chỗ xì khí (phải khâu kín lại).
Bước 4: Rửa sạch trước khi đóng ngực, đặt ống dẫn lưu kín để thoát dịch và tạo lập lại áp lực âm sinh lý trong khoang màng phổi.
Bước 5: Theo dõi. Sau khi hồi tỉnh cần theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn, tình trạng chảy máu. Thực hiện các biện pháp giảm đau, hút đờm rãi nhằm tránh biến chứng xẹp phổi đồng thời làm vật lý trị liệu hô hấp tích cực sau mổ, tập thổi bình giúp phổi nở dần theo thời gian và tiếp tục nhiều tháng sau mổ.
Xử trí sau tai biến sau phẫu thuật
Một số các biện pháp xử trí tai biến sau phẫu thuật nội soi lấy máu đông màng phổi như:
Chảy máu sau mổ: Khi phát hiện bị chảy máu sau mổ người bệnh cần phải theo dõi sát, nếu máu ra nhiều >1000ml hoặc >200ml/giờ trong khoảng 2 - 3 giờ thì cần phải tiến hành mổ nội soi hoặc mở ngực cầm máu cấp cứu.
Xẹp phổi, suy hô hấp: Người bệnh có thể gặp phải biến chứng xẹp phổi dẫn đến suy hô hấp do dẫn lưu không tốt, tắc đờm dãi,… Lúc này, người bệnh cần phải phát hiện sớm và được tiến hành tập thở, vỗ rung, long đờm,…
Khi phát hiện mắc máu đông màng phổi người bệnh nên tới các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời. Sau phẫu thuật nội soi lấy máu đông màng phổi cần thường xuyên theo dõi để ngăn ngừa và xử lý kịp thời các tai biến có thể xảy ra.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.