Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Những điều cần biết về tình trạng tụ máu âm đạo và hướng xử trí

Ngày 19/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tụ máu âm đạo và tầng sinh môn là một trong những biến chứng thường gặp sau sinh. Vậy tụ máu âm đạo là gì và có nguy hiểm không, hướng xử trí thế nào? Bài viết sức khỏe hôm nay sẽ cung cấp cho bạn đọc câu trả lời chi tiết nhất.

Theo thống kê, tỷ lệ sản phụ gặp phải biến chứng tụ máu âm đạo sau sinh cao ở những sản phụ sinh con so, có cắt tầng sinh môn, tăng sinh mạch máu vùng tầng sinh môn kèm theo rối loạn đông máu. Vậy tụ máu âm đạo sau sinh là gì? Tụ máu âm đạo tiến triển theo các hướng nào? Chẩn đoán và xử trí tụ máu âm đạo ra sao?

Tổng quan về tình trạng tụ máu sau sinh

Tụ máu sau sinh hay huyết tụ sau sinh xảy ra khi máu chảy và tụ lại thành một khối trên đường thai sổ qua âm đạo. Tùy theo vị trí của khối huyết tụ cao hay thấp mà huyết tụ sau sinh chia thành:

  • Huyết tụ tại tiểu khung: Khối huyết tụ nằm phía trên cơ nâng hậu môn và phía dưới phúc mạc.
  • Huyết tụ âm đạo và cận âm đạo.
  • Huyết tụ âm hộ khiến cho âm hộ bên ngoài sưng to hơn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng huyết tụ sau sinh bao gồm:

  • Sang chấn sinh đẻ đối với huyết tụ âm hộ và âm đạo.
  • Đứt các nhánh động mạch hoặc tĩnh mạch lớn khiến máu tràn vào các vùng lân cận, thường gặp trong các trường hợp vỡ tử cung dưới phúc mạc.

Sản phụ sẽ có nguy cơ gặp phải tình trạng tụ máu sau sinh nếu có các đặc điểm như sinh con so, sinh nhanh, đẻ nhiều con, có cắt tầng sinh môn, có hiện tượng tăng sinh mạch máu vùng tầng sinh môn hoặc mắc chứng rối loạn đông máu

Những điều cần biết về tình trạng tụ máu âm đạo và hướng xử trí 1
Sản phụ sẽ có nguy cơ gặp phải tình trạng tụ máu sau sinh

Tụ máu âm đạo sau sinh là gì?

Tụ máu âm đạo sau sinh là tình trạng tụ máu trong các mô mềm của âm đạo, xảy ra khi các mạch máu lân cận bị vỡ do sang chấn trong quá trình sinh nở.

Trên thực tế, không phải khối máu tụ âm đạo nào cũng có biểu hiện cụ thể. Sản phụ có thể không cảm thấy đau đớn, song nếu để ý kỹ, sản phụ có thể dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường khi quan sát âm đạo và có cảm giác nặng ở âm đạo và âm hộ. Khối máu tụ chèn vào trước trực tràng, chị em sẽ có cảm giác muốn rặn, tương tự như rặn đẻ. Trong một số trường hợp khó phát hiện hơn, phải thông qua kiểm tra âm đạo và đặt van mới có thể đưa ra chẩn đoán chính xác.

Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, tình trạng tụ máu âm đạo có thể tiến triển theo 2 hướng cụ thể như sau:

  • Khối máu tụ với kích thước nhỏ và có thể tự tan dần theo thời gian. Thông thường, sau một vài tuần, khối máu tụ sẽ thu nhỏ kích thước. Lúc này, khối máu tụ chỉ còn là một khối rất nhỏ và cứng, khi nắn người bệnh cảm thấy đau.
  • Kích thước khối máu tụ tăng dần sau đó căng phồng và vỡ ra, gây chảy máu ồ ạt. Lúc này, sản phụ có thể bị sốc vì mất máu quá nhiều và quá nhanh.
Những điều cần biết về tình trạng tụ máu âm đạo và hướng xử trí 2
Sang chấn trong quá trình sinh nở là nguyên nhân khiến sản phụ bị tụ máu âm đạo

Chẩn đoán và hướng điều trị tụ máu âm đạo sau sinh

Trên thực tế, khối máu tụ âm đạo đôi khi có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Do vậy, việc phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết. Chính vì thế, ngay khi nhận thấy có dấu hiệu bất thường, dù chỉ là nghi ngờ khối máu tụ âm đạo, sản phụ cần báo ngay với bác sĩ để thăm khám. Một câu hỏi đặt ra: Hướng chẩn đoán và xử trí máu tụ âm đạo như thế nào?

Chẩn đoán khối máu tụ âm đạo

Để chẩn đoán khối máu tụ âm đạo, bên cạnh việc hỏi bệnh và thăm khám các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định bạn làm thêm một số thăm dò cận lâm sàng như siêu âm, chụp CT, xét nghiệm… để xác định chính xác vị trí, kích thước của khối máu tụ âm đạo đồng thời đánh giá khối máu tụ này có đang phát triển hay không. Nhờ vậy, bác sĩ sẽ đưa ra hướng can thiệp xử trí phù hợp.

Những điều cần biết về tình trạng tụ máu âm đạo và hướng xử trí 3
Chụp CT là một trong những phương pháp hỗ trợ chẩn đoán tụ máu âm đạo

Hướng xử trí máu tụ âm đạo

Như đã trình bày phía trên, máu tụ âm đạo có thể một trong 2 hướng hoặc là tiến triển to lên hoặc không. Sau khi thăm khám lâm sàng, dựa trên tình trạng cụ thể mà người bệnh đang gặp phải, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cũng như hướng điều trị phù hợp cho sản phụ.

Trên thực tế, không phải khối máu tụ âm đạo nào cũng cần phải can thiệp điều trị. Cụ thể:

Theo dõi và điều trị nội khoa

Với các khối máu tụ âm đạo có kích thước nhỏ, dưới 4cm, không có xu hướng to lên, không gây đau nhức và không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như cuộc sống của người bệnh, người bệnh hoàn toàn không cần can thiệp điều trị. Thay vào đó, bác sĩ sẽ chỉ định theo dõi khối máu tụ đồng thời điều trị nội khoa để làm tan khối máu tụ (nếu cần).

Can thiệp điều trị ngoại khoa

Can thiệp điều trị trong trường hợp khối máu tụ có kích thước lớn hơn 4m hoặc các trường hợp đứt các mạch máu lớn, khối máu tụ khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, khối máu tụ có lỗ rò, bị nhiễm trùng hoặc nhiễm khuẩn, máu tụ cản trở bóc rau nhân tạo… Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ tiến hành dẫn lưu thông qua gây tê tại chỗ, loại bỏ khối máu tụ.

Các phương pháp loại bỏ khối máu tụ có thể kể đến như:

  • Chích máu tụ: Xác định vị trí của khối máu tụ. Tại điểm cao nhất của khối máu tụ, các bác sĩ sẽ tiến hành chích một lỗ nhỏ và thông qua lỗ chích này, các bác sĩ sẽ nặn hết cục máu ra ngoài sau đó chèn gạc tẩm kháng sinh vào bên trong. Gạc được để trong khối máu khoảng 24 giờ.
  • Trong trường hợp khối máu tụ bị vỡ, bác sĩ sẽ tiến hành rạch da để lấy máu tụ ra ngoài sau đó khâu lại bằng mũi khâu chữ X để cầm máu. Khi đã buộc các mạch máu xong, bác sĩ sẽ tiến hành chèn gạc tẩm kháng sinh trong vòng 24 giờ.
Những điều cần biết về tình trạng tụ máu âm đạo và hướng xử trí 4
Bác sĩ tư vấn cho sản phụ hướng xử trí tụ máu âm đạo phù hợp

Sau khi can thiệp loại bỏ máu tụ, sản phụ cần thực hiện y lệnh thuốc theo chỉ định của bác sĩ để tránh những vấn đề rủi ro không đáng có.

Khi tình trạng đã ổn định, bác sĩ có thể cho sản phụ ra viện. Tuy nhiên, khi ra viện, sản phụ vẫn cần:

  • Tuân thủ theo đúng hướng dẫn và tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.
  • Đảm bảo vệ sinh vùng kín sạch sẽ, tuyệt đối không thụt rửa sâu vào bên trong âm đạo.
  • Khi nhận thấy dấu hiệu bất thường cần liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám và có hướng xử trí kịp thời (nếu cần).

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh chủ đề tụ máu âm đạo mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến quý độc giả. Hy vọng, qua bài viết trên, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về tình trạng này. Cảm ơn bạn đã luôn dõi theo và đồng hành cùng Nhà thuốc Long Châu trong suốt chặng đường vừa qua.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm