Thrombophilia: Nguyên nhân và cách phòng ngừa hiệu quả
Ngày 30/11/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Dựa trên nguyên nhân gây ra thrombophilia, người bệnh đôi khi sẽ không có các triệu chứng hoặc có những triệu chứng đa dạng khác nhau. Dưới đây là thông tin chi tiết về nguyên nhân và triệu chứng cụ thể của thrombophilia mà bạn có thể tham khảo.
Thrombophilia là một tình trạng rối loạn nghiêm trọng, đặc trưng với nguy cơ gia tăng hình thành cục máu đông trong cơ thể và trình trạng trên có thể làm xuất hiện nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vậy thrombophilia là gì? Tại sao thrombophilia lại gây nguy hiểm? Làm thế nào để phòng ngừa bệnh hiệu quả? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu rõ về thrombophilia, những nguy hiểm mà bệnh mang lại cũng như cách kiểm soát hiệu quả tình trạng này nhé.
Nguyên nhân của thrombophilia
Thrombophilia (hay còn gọi là hội chứng tăng đông máu) là một tình trạng rối loạn làm máu dễ đông hơn bình thường, do đó hội chứng này có thể dẫn đến hình thành các cục máu đông không mong muốn bên trong các mạch máu.
Nguyên nhân của hội chứng tăng đông máu là khi mạch máu bị tổn thương, quá trình đông máu sẽ được kích hoạt để ngừng chảy máu bằng cách tạo cục máu đông tại vị trí thương tổn. Trong đó, cơ thể có các chất hóa học tự nhiên như chất đông máu và chất chống đông máu, giúp ngăn ngừa sự đông máu quá mức. Vì vậy, nếu có sự mất cân bằng giữa các yếu tố đông máu và chất chống đông máu, thrombophilia có thể xảy ra và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông có thể gây nên biện tượng tắc nghẽn mạch máu.
Sự nguy hiểm của thrombophilia
Nhiều người mắc hội chứng tăng đông máu nhưng có thể không hình thành cục máu đông và thường không có triệu chứng nào cả. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, họ có thể hình thành cục máu đông trong cả động mạch và tĩnh mạch. Khi cục máu đông nằm trong tĩnh mạch thì huyết khối tĩnh mạch là vấn đề phổ biến nhất với người mắc thrombophilia. Các triệu chứng có thể thấy như:
Đau và sưng tấy ở chân: Trong trường hợp cục máu đông ở trong một tĩnh mạch lớn ở chân, đó được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT).
Cục máu đông có thể di chuyển đến tim và phổi, gây thuyên tắc phổi: Các triệu chứng bao gồm đau ngực, đau khi thở sâu, khó thở hoặc hiếm gặp là ngất xỉu.
Cục máu đông nằm trong động mạch còn gọi là huyết khối động mạch: Tùy vào động mạch bị ảnh hưởng, cục máu đông có thể gây ra các triệu chứng sau:
Đột quỵ ở độ tuổi tương đối trẻ;
Sảy thai nhiều lần;
Các vấn đề trong thai kỳ: tiền sản giật, giảm tăng trưởng thai nhi hoặc hiếm gặp là thai chết lưu;
Cơn đau tim.
Thrombophilia thường không xuất hiện triệu chứng. Do đó nhiều người mắc bệnh có thể không gặp vấn đề gì và họ cũng không được chẩn đoán tình trạng của mình. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, người mắc thrombophilia có thể rơi vào các biến chứng nguy hiểm như thuyên tắc phổi, đột quỵ và cơn đau tim. Các tình trạng nghiêm trọng này có thể đe dọa tính mạng, vì vậy người bệnh cần được thăm khám thường xuyên và điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa tình trạng thrombophilia tiến triển và giảm nguy cơ biến chứng.
Cách phòng ngừa thrombophilia hiệu quả
Nên nhận diện các triệu chứng sớm và điều trị kịp thời khi nghi ngờ có cục máu đông. Một số trường hợp mắc thrombophilia có thể tăng nguy cơ gặp vấn đề trong thai kỳ, nhưng nhiều phụ nữ mắc hội chứng tăng đông máu như thrombophilia vẫn có thể mang thai khỏe mạnh với sự theo dõi của bác sĩ. Dưới đây là một số biện pháp chính để có thể phòng ngừa thrombophilia:
Điều chỉnh lối sống:
Tránh tình trạng thiếu nước trong cơ thể (mất nước) bằng cách uống đủ lượng nước mỗi ngày.
Nên vận động cơ thể và tránh thường xuyên ngồi hay nằm ở một tư thế quá lâu.
Hỏi ý kiến bác sĩ về một số thuốc có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, ví dụ như thuốc tránh thai dạng kết hợp hoặc miếng dán tránh thai, và các loại thuốc thay thế hormone dạng viên uống.
Giữ cân nặng vừa phải, tránh để thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông ở chân.
Không hút thuốc để giữ cho mạch máu khỏe mạnh (đặc biệt là động mạch).
Thăm khám định kỳ:
Khám bác sĩ định kỳ: Người bệnh cần được theo dõi thường xuyên để phát hiện sớm các triệu chứng hoặc biến chứng có thể xảy ra.
Xét nghiệm định kỳ: Các xét nghiệm máu định kỳ giúp theo dõi tình trạng đông máu và điều chỉnh liệu pháp điều trị nếu cần thiết.
Điều trị thrombophilia
Trong hội chứng tăng đông máu (thrombophilia), thuốc chống đông có thể được chỉ định trong các trường hợp như: Người đã có cục máu đông hoặc người có nguy cơ cao đông máu. Trong đó bao gồm người có tình trạng tạm thời làm tăng nguy cơ hình thành máu đông như: Thai phụ, phụ nữ sau sinh trong vòng sáu tuần, hoặc người phải nằm yên một chỗ trong thời gian dài.
Các loại thuốc chống đông thường gặp:
Heparin: Là thuốc chống đông đường tiêm, thường sử dụng trong những ngày đầu để có hiệu quả nhanh, đặc biệt khi có cục máu đông.
Warfarin: Là thuốc chống đông dạng viên uống phổ biến, nhưng cần theo dõi thường xuyên qua xét nghiệm chỉ số chuẩn quốc tế (INR) để điều chỉnh liều. Nếu liều quá cao có thể gây chảy máu, còn nếu quá thấp, thuốc sẽ không hiệu quả trong việc ngăn ngừa cục máu đông.
Các thuốc chống đông dạng viên uống khác, bao gồm:Apixaban, edoxaban, dabigatran và rivaroxaban, thường không cần xét nghiệm INR liên tục.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong việc sử dụng thuốc chống đông máu, bạn cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ. Điều này bao gồm việc thăm khám, nhận đánh giá chính xác về tình trạng sức khỏe, và được kê đơn thuốc phù hợp với bệnh lý cụ thể của bạn. Việc tự ý sử dụng hoặc điều chỉnh liều lượng thuốc có thể dẫn đến những tác dụng phụ nghiêm trọng như nguy cơ xuất huyết hoặc các vấn đề về đông máu.
Thrombophilia là một tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, với sự hiểu biết đầy đủ và có các biện pháp kiểm soát hiệu quả, người bệnh vẫn có thể sống khỏe mạnh và giảm thiểu nguy cơ. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ hoặc triệu chứng nghi ngờ, hãy thăm khám và tham khảo tư vấn từ bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.