Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rối loạn đông máu là gì? Những điều cần biết về rối loạn đông máu

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rối loạn đông máu là một tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến quá trình đông máu của cơ thể. Có nghĩa là cơ thể tăng tạo bất thường hoặc không thể tạo cục máu đông (huyết khối) khi cần thiết. Rối loạn đông máu thường do đột biến gen và thường có thể điều trị được bằng thuốc. Bệnh có thể gây chảy máu quá nhiều nếu cơ thể không thể hình thành cục máu đông. Trong trường hợp khác, bệnh có thể khiến cơ thể dễ dàng tạo ra cục máu đông và làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị các loại rối loạn đông máu khác nhau.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rối loạn đông máu là gì?

Rối loạn đông máu là tình trạng bất thường về khả năng kiểm soát quá trình đông máu của cơ thể. Thông thường, khi bị thương cục máu đông sẽ được hình thành để ngăn chặn máu chảy. Nếu bạn bị rối loạn đông máu, máu của bạn có thể không tạo được cục máu đông dẫn đến chảy máu quá nhiều. Hoặc máu của bạn có thể hình thành cục máu đông bất thường ngay cả khi không bị thương.

Rối loạn đông máu có thể là do di truyền (có nghĩa là bạn sinh ra đã mắc bệnh này) hoặc mắc phải (có nghĩa là bạn bị rối loạn đông máu do một bệnh lý hoặc chấn thương mắc phải). Ví dụ: Hội chứng kháng phospholipid (APS) và đông máu nội mạch lan tỏa (DIC) là các loại rối loạn đông máu mắc phải.

Cục máu đông bất thường có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Các triệu chứng của cục máu đông phụ thuộc vào vị trí chúng hình thành trong cơ thể. Thông thường, chúng sẽ hình thành trong tĩnh mạch và xuất hiện ở chân hoặc phổi. Cục máu đông ở chân có thể gây huyết khối tĩnh mạch sâu. Cục máu đông trong phổi có thể gây ra thuyên tắc phổi. Rất hiếm khi cục máu đông hình thành trong động mạch. Khi đó, chúng có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn đông máu

Các triệu chứng có thể khi mắc bệnh rối loạn đông máu, bao gồm:

  • Chân sưng tấy và đau khi chạm vào, nếu bạn có cục máu đông ngăn chặn lưu lượng máu đến tĩnh mạch chân (được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu).
  • Khó thở và đau ngực, nếu bạn có cục máu đông di chuyển đến phổi (gọi là thuyên tắc phổi).

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có những triệu chứng này. Huyết khối tĩnh mạch sâu không đe dọa tính mạng nhưng có thể dẫn đến thuyên tắc phổi gây đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.

Các cục máu đông hình thành trong động mạch ít gặp hơn nhưng cũng nghiêm trọng không kém. Chúng có thể gây nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Bạn có thể có các triệu chứng khác như dễ bị bầm tím hoặc thường xuyên xuất hiện các vết bầm trên da hoặc mệt mỏi nếu bạn bị rối loạn đông máu (chảy máu).

Rối loạn đông máu là gì? Những điều cần biết về rối loạn đông máu 4.png
Rối loạn đông máu có thể gây ra triệu chứng đau ngực

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ về rối loạn đông máu.

Một số rối loạn đông máu xuất hiện ngay từ khi sinh ra và bác sĩ có thể xác định được vấn đề ngay lập tức. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ chỉ sàng lọc rối loạn đông máu nếu bạn có một số yếu tố nguy cơ nhất định, chẳng hạn như cha mẹ ruột mắc bệnh về rối loạn đông máu, hoặc trước khi thực hiện phẫu thuật để điều trị bệnh lý nào đó.

Điều quan trọng là phải chú ý đến các triệu chứng và tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức nếu có dấu hiệu rối loạn đông máu. Ví dụ, chảy máu quá nhiều và dễ bị bầm tím đều là dấu hiệu của rối loạn đông máu (chảy máu).

Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu cũng có thể đe dọa tính mạng. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo, chẳng hạn như sưng và đau ở chân.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn đông máu

Cơ thể của bạn duy trì lưu lượng máu bình thường nhờ sự cân bằng giữa “yếu tố thúc đẩy đông máu” và “yếu tố chống đông máu”. Các yếu tố đông máu giúp hình thành cục máu đông, còn các yếu tố chống đông máu giúp ngăn ngừa cục máu đông. Bất kỳ sự mất cân bằng nào của các yếu tố này đều có thể dẫn đến rối loạn đông máu.

Có nhiều nguyên nhân có thể làm lệch cán cân này.

Rối loạn đông máu do di truyền là những thay đổi trong cấu trúc gen (đột biến gen) trước khi trẻ được sinh ra.

Nguyên nhân của rối loạn đông máu mắc phải bao gồm:

  • Một tình trạng bệnh lý, chẳng hạn như ung thư, béo phì hoặc bệnh tự miễn (như bệnh lupus).
  • Bất động trong thời gian dài, chẳng hạn như sau khi phẫu thuật, suy yếu ở người cao tuổi, chấn thương.
  • Một số loại thuốc điều trị ung thư hoặc thuốc điều trị rối loạn đông máu.
  • Thiếu hụt vitamin B6, B12 hoặc folate có thể gây ra nồng độ homocysteine ​​cao.
  • Nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm trùng huyết, HIV hoặc SARS-CoV-2.
Rối loạn đông máu là gì? Những điều cần biết về rối loạn đông máu 5.png
Bệnh lupus có thể là nguyên nhân gây rối loạn đông máu

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải rối loạn đông máu?

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc phải rối loạn đông máu. Tuy nhiên, một số đối tượng có nguy cơ cao hơn bao gồm: Nam giới, phụ nữ mang thai, có người thân trong gia đình mắc bệnh rối loạn đông máu,…

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rối loạn đông máu

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rối loạn đông máu, bao gồm:

  • Tuổi, chẳng hạn như trẻ sơ sinh bị thiếu vitamin K hoặc người lớn tuổi mắc bệnh hemophilia A;
  • Tiền căn gia đình mắc bệnh này;
  • Mắc các bệnh lý, chẳng hạn như ung thư, bệnh tự miễn hoặc bệnh gan;
  • Truyền máu;
  • Béo phì;
  • Nhiễm trùng;
  • Thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng sinh, thuốc làm loãng máu hoặc interferon alfa;
  • Thuốc hormone, chẳng hạn như thuốc tránh thai;
  • Mang thai và sinh con;
  • Không hoạt động thể chất và nằm hoặc ngồi trong thời gian dài.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm rối loạn đông máu

Để xác định xem bạn có bị rối loạn đông máu hay không, bác sĩ có thể hỏi bạn về:

  • Tiền căn, bệnh sử của bạn, bao gồm thông tin về các triệu chứng, cục máu đông trước đó, bệnh tự miễn,…
  • Tiền căn gia đình của bạn, vì rối loạn đông máu thường có tính chất gia đình.

Bác sĩ cũng có thể đề nghị các xét nghiệm để tìm hiểu xem bạn có bị rối loạn đông máu hay không:

  • Xét nghiệm máu. Đôi khi, một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu. Hãy cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc mà bạn dùng.
  • Xét nghiệm di truyền.

Điều trị rối loạn đông máu

Phương pháp điều trị rất khác nhau tùy theo loại rối loạn đông máu và mức độ nghiêm trọng của nó. Việc điều trị nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng vì rối loạn đông máu không thể chữa khỏi hoàn toàn.

Truyền máu nếu mất máu quá nhiều do rối loạn đông máu, lượng máu bị mất sẽ được thay thế máu truyền.

Nếu nguyên nhân do thiếu yếu tố đông máu V hoặc VIII được điều trị bằng truyền huyết tương tươi đông lạnh.

Điều trị các vấn đề đông máu do thiếu hụt các yếu tố đông máu được thực hiện bằng cách tiêm các yếu tố đông máu đặc bằng liệu pháp thay thế yếu tố đông máu.

Bổ sung sắt được dùng để điều trị tình trạng thiếu sắt do mất máu quá nhiều.

Nếu bạn bị thiếu vitamin K, có thể dẫn đến các vấn đề về đông máu. Vì vậy, bác sĩ sẽ kê đơn bổ sung vitamin K cho bạn để đưa mức độ này trở lại bình thường.

Việc điều trị kịp thời rối loạn đông máu có thể cứu sống được bạn. Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ kịp thời nếu bạn quan sát thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào gợi ý vấn đề về rối loạn đông máu.

Rối loạn đông máu là gì? Những điều cần biết về rối loạn đông máu 6.png
Truyền máu nếu người bệnh thiếu máu nặng do rối loạn đông máu

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn đông máu

Chế độ sinh hoạt:

Chế độ sinh hoạt cho người bệnh rối loạn đông máu thường được thiết kế để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông và các biến chứng liên quan. Dưới đây là một số gợi ý chung về chế độ sinh hoạt, tuy nhiên, bạn nêntham khảo ý kiến ​​bác sĩ của mình để nhận được hướng dẫn cụ thể dựa trên tình trạng sức khỏe của bạn:

  • Hạn chế tiếp xúc với thuốc lá: Hút thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc lá có thể tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và các vấn đề về tim mạch.
  • Hoạt động thể chất: Đi bộ, chạy bộ, bơi lội, yoga, hoặc bất kỳ hoạt động thể chất nào khác có thể giúp tăng cường lưu thông máu, giảm nguy cơ hình thành cục máu đông và duy trì cơ thể khỏe mạnh. Hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để tìm hiểu về mức độ và loại hoạt động thích hợp cho bạn.
  • Điều chỉnh trọng lượng cơ thể: Nếu bạn đang có vấn đề về cân nặng, hãy thảo luận với bác sĩ về chế độ ăn và lịch trình tập luyện phù hợp để giảm cân hoặc duy trì cân nặng lý tưởng.
  • Thực hiện các biện pháp phòng ngừa cụ thể: Tùy thuộc vào loại rối loạn đông máu mà bạn có, bác sĩ của bạn có thể đề xuất các biện pháp phòng ngừa như sử dụng thuốc chống đông, máy tạo áp lực ngắt quãng, hoặc thực hiện các quy trình khác.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng chung cho người bệnh rối loạn đông máu nên tập trung vào việc giảm nguy cơ hình thành cục máuđông và duy trì sức khỏe tim mạch. Dưới đây là một số gợi ý về chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung chất xơ: Bạn nên tăng cường tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi, hạt và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Omega-3: Các axit béo omega-3 có trong cá, hạt chia, hạt lanh,… có thể giúp giảm viêm, làm giảmđộ nhớt của máu và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Hãy cân nhắc bổ sung omega-3 vào chế độ ăn của bạn.
  • Hạn chế chất béo bão hòa: Giảm tiêu thụ chất béo bão hòa, như chất béo động vật và dầu bơ. Thay vào đó, chọn các nguồn chất béo không bão hòa.
  • Hạn chế cholesterol: Hạn chế thực phẩm giàu cholesterol như lòng đỏ trứng, gan, thịt đỏ và sản phẩm từ sữa béo.
  • Giảm tiêu thụ muối: Hạn chế tiêu thụ thức ăn chế biến sẵn và đồ ăn nhanh, vì chúng thường chứa lượng muối cao. Thay vào đó, sử dụng các loại gia vị và thảo dược khác để tăng hương vị cho món ăn.
  • Uống đủ nước: Hãy đảm bảo bạn uống đủ nước hàng ngày để giữ cơ thể cân bằng và hỗ trợ quá trình tuần hoàn.
  • Hạn chế sử dụng caffeine và cồn: Caffeine và cồn có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu và tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch. Hạn chế tiêu thụ đồ uống chứa caffeine và cồn.

Lưu ý rằng chế độ dinh dưỡng chỉ là một phần trong việc quản lý rối loạn đông máu. Bạn nên tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ, tham gia định kỳ kiểm tra sức khỏe và sử dụng các phương pháp phòng ngừa được chỉ định để kiểm soát tình trạng của bạn.

Phòng ngừa rối loạn đông máu

Bạn không thể ngăn ngừa bệnh rối loạn đông máu do di truyền và bạn cũng không thể ngăn ngừa bệnh rối loạn đông máu mắc phải.

Hãy thảo luận với bác sĩ về các bước giúp ngăn ngừa cục máu đông nếu bạn có yếu tố nguy cơ.

Áp dụng thay đổi lối sống lành mạnh:

  • Chọn thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt như một phần của kế hoạch ăn uống lành mạnh cho tim mạch.
  • Tập thể dục để giúp máu lưu thông và ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông.
  • Bỏ hút thuốc lá. Theo thời gian, hút thuốc lá có thể làm thay đổi bề mặt của tiểu cầu trong máu của bạn và khiến chúng dễ dính lại với nhau và hình thành cục máu đông hơn.
  • Kiểm soát căng thẳng để giảm nguy cơ xuất hiện các yếu tố nguy cơ hình thành cục máu đông, như tăng huyết áp.
Rối loạn đông máu là gì? Những điều cần biết về rối loạn đông máu 7.png
Bỏ hút thuốc lá đề phòng ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông ở người bệnh rối loạn đông máu

Tránh một số loại thuốc:

Một số loại thuốc làm tăng nguy cơ đông máu, bao gồm liệu pháp thay thế hormone trong thời kỳ mãn kinh và thuốc tránh thai có chứa estrogen. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng.

Các câu hỏi thường gặp về rối loạn đông máu

Tôi bị rối loạn đông máu, tôi có thể mang thai hay không?

Một số rối loạn đông máu có thể gây hại cho bạn hoặc thai kỳ của bạn. Bác sĩ sẽ cùng bạn xem xét các rủi ro và đưa ra kế hoạch điều trị cho trường hợp cụ thể của bạn.

Rối loạn đông máu ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi như thế nào?

Điều quan trọng là phải biết nguyên nhân và các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây nguy hiểm. Người bệnh phải được kiểm tra sức khỏe thường xuyên và phát hiện các triệu chứng của cục máu đông. Nếu không được điều trị, cục máu đông có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng, bao gồm:

  • Huyết khối tĩnh mạch sâu;
  • Thuyên tắc phổi;
  • Nhồi máu cơ tim;
  • Đột quỵ.

Rối loạn đông máu kéo dài bao lâu?

Nếu bạn mắc bệnh rối loạn đông máu do di truyền, bạn sẽ mắc bệnh này suốt đời. Mặc dù điều đó không có nghĩa là bạn sẽ bị cục máu đông, nhưng có thể trong quá trình sinh sống của bạn có một yếu tố nguy cơ nào đó xuất hiện, thúc đẩy gây hình thành cục máu đông.

Nhiều loại rối loạn đông máu mắc phải sẽ biến mất khi nguyên nhân gây ra nó được giải quyết. Ví dụ: Khi bạn đứng dậy và di chuyển trở lại sau một đợt bệnh nặng (nằm bất động), nguy cơ đông máu sẽ giảm xuống.

Tôi không thể ăn gì khi bị rối loạn đông máu?

Hỏi bác sĩ của bạn về các hướng dẫn chế độ ăn uống cụ thể mà bạn cần tuân theo khi dùng thuốc warfarin. Một số loại thực phẩm, chẳng hạn như thực phẩm giàu vitamin K, có thể làm thay đổi cách hoạt động của thuốc. Bao gồm:

  • Bắp cải Brussels;
  • Rau chân vịt;
  • Bông cải xanh.

Làm thế nào tôi có thể giúp con tôi sống chung với tình trạng rối loạn đông máu?

Thảo luận với bác sĩ điều trị của con bạn về các biện pháp để giúp ngăn ngừa cục máu đông. Khi con bạn lớn hơn, hãy giúp chúng tránh những yếu tố càng làm tăng nguy cơ đông máu. Bao gồm:

  • Thừa cân;
  • Bất động;
  • Sử dụng phương pháp ngừa thai nội tiết tố;
  • Hút thuốc lá.
Nguồn tham khảo
  1. Blood clotting disorders: https://www.nhlbi.nih.gov/health/clotting-disorders
  2. What to know about coagulation disorders:https://www.medicalnewstoday.com/articles/coagulation-disorders
  3. Blood Clotting Disorders: Types, Causes, Symptoms, Diagnosis, And Treatment: https://www.metropolisindia.com/blog/health-wellness/blood-clotting-disorders-types-symptoms-causes-diagnosis-treatment-metropolis-truhealth-blog
  4. Blood Clotting Disorders (Hypercoagulable States):https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16788-blood-clotting-disorders-hypercoagulable-states

Các bệnh liên quan