Phẫu thuật tuyến giáp được chia thành nhiều loại, bao gồm các loại phẫu thuật xâm lấn và ít xâm lấn. Đây là phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp khá hiệu quả và phổ biến. Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc làm rõ hơn về phẫu thuật tuyến giáp và những vấn đề liên quan.
Ung thư tuyến giáp là gì?
Ung thư tuyến giáp (hay còn gọi là u tuyến giáp) là tình trạng bệnh lý xảy ra khi tế bào tuyến giáp tăng sinh quá mức không kiểm soát, dẫn đến việc hình thành khối u.
Ung thư tuyến giáp do tế bào tăng sinh quá mức
Hiện nay, các nhà khoa học phân loại ung thư tuyến giáp thành các nhóm sau:
-
Ung thư tuyến giáp thể nhú: Ung thư có nguồn gốc từ tế bào nang và là loại ung thư tuyến giáp phổ biến nhất (chiếm khoảng trên 70%), tốc độ tiến triển bệnh chậm.
-
Ung thư tuyến giáp thể nang: Chiếm từ 10% đến 15% các trường hợp mắc ung thư tuyến giáp, bệnh thường tiến triển với tốc độ nhanh hơn thể nhú.
-
Ung thư tuyến giáp thể tủy: Loại ung thư hiếm gặp và chỉ chiếm khoảng dưới 10% ca bệnh. Loại ung thư này thường liên quan đến các vấn đề nội tiết và có yếu tố di truyền.
-
Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa: Cực kỳ hiếm gặp trong các ca bệnh, chiếm tỷ lệ dưới 2%, tuy nhiên đây là loại ung thư tuyến giáp rất khó để điều trị nên vô cùng nguy hiểm.
Dấu hiệu của ung thư tuyến giáp
Ở giai đoạn đầu, ung thư tuyến giáp thường không có những triệu chứng lâm sàng xác định nên rất khó để bác sĩ có thể phát hiện. Tuy nhiên, khi kích thước khối u tại tuyến giáp phát triển hơn, bệnh nhân sẽ gặp một số triệu chứng như:
-
Xuất hiện u giáp trạng, khối u cứng và di chuyển khi bệnh nhân nuốt.
-
Bệnh nhân bị khàn tiếng.
-
Một số hạch nhỏ xuất hiện ở vùng cổ và di động cùng bên với khối u.
-
Khi nuốt cảm thấy vướng và có cảm giác nghẹn ở cổ.
-
Có cảm giác khó thở (khi khối u bắt đầu xâm lấn vào khí quản)
-
Da vùng cổ có hiện tượng thâm nhiễm, xuất hiện các dấu hiệu như sùi loét, chảy máu…
U ở cổ là dấu hiệu ung thư tuyến giáp
Khi nào nên thực hiện phẫu thuật tuyến giáp?
Phẫu thuật tuyến giáp là loại phẫu thuật thường được bác sĩ chỉ định trong hầu hết các trường hợp ung thư tuyến giáp thể biệt hóa. Đặc biệt, phẫu thuật tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong điều trị đối với những bệnh nhân có các yếu tố tiên lượng xấu đối với tình hình bệnh như sau:
-
Bệnh nhân trên 40 tuổi.
-
Bệnh nhân có tiền sử từng tiếp xúc với phóng xạ.
-
Kích thước khối u tuyến giáp lớn (trên 4cm)
-
Giải phẫu bệnh học như ung thư biểu mô không biệt hóa/biệt hóa.
-
Khối u tuyến giáp có dấu hiệu xâm lấn.
-
Xuất hiện các di căn như: Di căn hạch cổ, di căn đến xương, phổi…
Phẫu thuật tuyến giáp được chỉ định khi khối u có kích thước lớn
Tuy nhiên, phẫu thuật tuyến giáp cũng chống chỉ định đối với một số trường hợp như:
-
Bệnh nhân cao tuổi và có kích thước u tuyến giáp quá lớn, xâm lấn ra khí quản và thực quản nên không thể phẫu thuật tuyến giáp.
-
Bệnh nhân mắc các bệnh suy tim, suy thận nghiêm trọng nên không đủ sức khỏe để thực hiện phẫu thuật tuyến giáp.
Các phương pháp phẫu thuật tuyến giáp
Mổ bóc u tuyến giáp
Đây là phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp truyền thống. Phương pháp này thường được áp dụng với các tình trạng ung thư tuyến giáp (u ác tính) hoặc u lành tính nhưng có kích thước lớn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Trong phẫu thuật tuyến giáp, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp tùy vào tình trạng cụ thể của mỗi ca bệnh. Phương pháp mổ bóc u tuyến giáp có ưu điểm xử lý khối u nhanh chóng, tuy nhiên thường gây đau cho bệnh nhân và để lại sẹo dài vùng cổ. Bệnh nhân cũng cần thời gian lâu hơn để hồi phục và phải sử dụng thuốc hormone tuyến giáp định kỳ hoặc thậm chí suốt đời.
Mổ bóc u tuyến giáp là phương pháp truyền thống
Các phương pháp phẫu thuật tuyến giáp ít xâm lấn
-
Phương pháp tiêm cồn tuyệt đối: Thường được áp dụng trong trường hợp các nang tuyến giáp có dịch. Phương pháp này giúp thu nhỏ kích thước khối u mà không cần bộc lộ tuyến giáp bằng cách tiêm trực tiếp cồn tuyệt đối vào khối u. Cồn tuyệt đối sẽ làm máu đông, tạo huyết khối, từ đó làm tế bào khối u bị mất nước dẫn đến hoại tử và bị tiêu diệt. Đây là phương pháp an toàn do không xâm lấn, đồng thời dễ thực hiện, chăm sóc hậu phẫu nhẹ nhàng và không để lại sẹo lớn.
-
Phương pháp sử dụng sóng cao tần: Nguyên lý của phương pháp này là sử dụng dòng điện xoay chiều với tần số cao để sinh nhiệt, từ đó tiêu huỷ khối u. Phương pháp sử dụng sóng cao tần giúp bảo toàn tối đa chức năng tuyến giáp, không để lại sẹo, không gây đau và hạn chế những biến chứng không đáng có.
Phẫu thuật tuyến giáp có nguy hiểm không?
Phẫu thuật tuyến giáp cũng tương tự như các phẫu thuật khác, đều có khả năng để lại các biến chứng. Một số biến chứng bệnh nhân có thể gặp phải sau khi thực hiện phẫu thuật tuyến giáp bao gồm:
-
Vết mổ bị nhiễm trùng: Biến chứng xảy ra với phương pháp mổ lấy u. Các dấu hiệu để nhận biết nhiễm trùng vết mổ là vết mổ sưng đỏ, bệnh nhân sốt, đau nhức toàn thân... Trường hợp nhiễm trùng nhẹ chỉ cần điều trị bằng kháng sinh, trường hợp nặng thì có thể cần phải xử lý lại vết mổ và hút dịch.
-
Chảy máu: Vết mổ không được xử lý cầm máu tốt có thể khiến người bệnh bị chảy máu. Lượng máu chảy quá nhiều có thể dẫn đến chèn ép đường thở, gây khó thở.
-
Suy tuyến giáp: Đối với những trường hợp cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, việc sản xuất hormone T3 - T4 sẽ bị suy giảm, khiến cơ thể dễ rơi vào tình trạng suy giáp. Triệu chứng nhận biết tình trạng này là sợ lạnh, mệt mỏi, tăng cân, rụng tóc, da khô. Để khắc phục biến chứng này, bệnh nhân sau phẫu thuật tuyến giáp cần dùng thuốc hormone tuyến giáp thay thế định kỳ hoặc cả đời.
-
Suy tuyến cận giáp: Tuyến cận giáp là một tuyến nội tiết nằm ngay cạnh tuyến giáp, có kích thước rất nhỏ. Chính vì vậy, trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ dễ gây tổn thương đến tuyến này. Tuyến cận giáp có vai trò quan trọng đối với cơ thể trong việc duy trì ổn định nồng độ canxi trong máu. Nếu tuyến này bị tổn thương, bệnh nhân sẽ có những dấu hiệu của hạ canxi máu như co quắp các chi, ngứa ran bàn chân, bàn tay…
-
Mất tiếng, khàn giọng: Các dây thần kinh thanh quản có chức năng điều khiển giọng nói nằm cạnh tuyến giáp. Trong quá trình phẫu thuật tuyến giáp, các dây thần kinh này có khả năng bị tổn thương. Khi đó người bệnh sẽ bị mất giọng, khàn giọng, thậm chí khó thở tùy theo mức độ tổn thương.
Trên đây là những thông tin cơ bản về phẫu thuật tuyến giáp, bao gồm các trường hợp chỉ định cũng như một số biến chứng có thể gặp phải sau phẫu thuật. Hy vọng với những thông tin trong bài viết "Phẫu thuật tuyến giáp có nguy hiểm không?", bạn đọc đã nắm được những thông tin hữu ích. Nhà Thuốc Long Châu xin kính chúc bạn đọc thật nhiều sức khỏe và bình an trong cuộc sống!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp