Long Châu

Dấu hiệu ung thư tuyến giáp cần được chú ý và phương pháp điều trị đúng cách

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư tuyến giáp tương đối không phổ biến so với các bệnh ung thư khác. Tại Hoa Kỳ, ước tính vào năm 2021 sẽ có khoảng 44.000 người được chẩn đoán ung thư tuyến giáp mới, so với hơn 280.000 người bị ung thư vú và hơn 150.000 người bị ung thư ruột kết. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 2.000 bệnh nhân chết vì ung thư tuyến giáp mỗi năm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư tuyến giáp là gì? 

Ung thư tuyến giáp là sự phát triển của các tế bào bắt đầu trong tuyến giáp. Tuyến giáp là một tuyến hình bướm nằm ở cổ, ngay dưới quả táo của Adam. Tuyến giáp sản xuất hormone điều chỉnh nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể và cân nặng. Ban đầu, ung thư tuyến giáp có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng khi phát triển, nó có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng, chẳng hạn như sưng cổ, thay đổi giọng nói và khó nuốt.

Hầu hết các loại ung thư tuyến giáp phát triển chậm, mặc dù một số loại có thể diễn tiến và tiên lượng xấu. Hầu hết các bệnh ung thư tuyến giáp có thể được chữa khỏi khi điều trị.

Trong lâm sàng thường chia ung thư tuyến giáp thành 4 loại sau: Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú, ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang, ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy và ung thư biểu mô tuyến giáp thể không biệt hóa.

Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa: Chiếm khoảng 90% gồm thể nhú, thể nang và loại kết hợp cả thể nhú và nang.

Ung thư tuyến giáp thể tủy: Chiếm khoảng từ 1 – 5%.

Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa: Chiếm khoảng 5%.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư tuyến giáp

Hầu hết các bệnh ung thư tuyến giáp không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng ban đầu của bệnh. Khi ung thư tuyến giáp phát triển, nó có thể gây ra:

  • Một khối u (nốt sần) có thể sờ thấy qua da trên cổ của bạn. Thông thường các khối ung thư tuyến giáp thường biểu hiện một khối đơn độc ở một thùy hoặc eo giáp hơn là ung thư đa ổ hoặc ung thư cả hai thùy;

  • Những thay đổi đối với giọng nói của bạn, bao gồm cả việc tăng khàn giọng;

  • Khó nuốt, nuốt vướng do u chèn ép;

  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ của bạn;

  • Ho dai dẳng;

  • Đau ở cổ và cổ họng của bạn. Đau rất ít gặp trong ung thư tuyến giáp, ngoại trừ một số trường hợp ung thư tuyến giáp thể tủy.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp phổ biến hơn ở những người có tiền sử tiếp xúc với liều lượng bức xạ cao, có tiền sử gia đình bị ung thư tuyến giáp và trên 40 tuổi. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải ung thư tuyến giáp?

Ung thư tuyến giáp ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều gấp ba lần nam giới và phổ biến nhất sau 30 tuổi, mặc dù nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ung thư tuyến giáp có nhiều khả năng bùng phát ở người lớn tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư tuyến giáp

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp bao gồm:

  • Giới tính nữ: Ung thư tuyến giáp xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Các chuyên gia cho rằng nó có thể liên quan đến hormone estrogen. Những người được chỉ định giới tính nữ khi sinh thường có lượng estrogen trong cơ thể cao hơn.

  • Tiếp xúc với mức độ bức xạ cao: Các phương pháp điều trị bằng tia xạ lên đầu và cổ làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp.

  • Một số hội chứng di truyền:Các hội chứng di truyền làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp bao gồm ung thư tuyến giáp thể tủy gia đình, đa sản nội tiết, hội chứng Cowden và bệnh đa polyp tuyến gia đình. Các loại ung thư tuyến giáp đôi khi di truyền trong gia đình bao gồm ung thư tuyến giáp thể tủy và ung thư tuyến giáp thể nhú.

  • Tiền sử bệnh bướu cổ.

  • Thiết hụt chất iot. Đây là một yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến giáp thể nang.

  • Thừa cân hoặc béo phì.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp thường biểu hiện dưới dạng một khối u hoặc nốt trong tuyến giáp và thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào khác. Xét nghiệm máu thường không giúp tìm ra ung thư tuyến giáp và các xét nghiệm máu về tuyến giáp như TSH thường là bình thường, ngay cả khi đã có ung thư.

Khám cổ bởi bác sĩ là một cách phổ biến để phát hiện các nốt tuyến giáp và ung thư tuyến giáp. Thông thường, các nhân giáp được phát hiện tình cờ trên các xét nghiệm hình ảnh như chụp CT và siêu âm cổ vì những lý do hoàn toàn không liên quan. Bạn có thể đã phát hiện ra nhân giáp khi nhận thấy một khối u ở cổ khi soi gương, cài cúc cổ áo hoặc thắt dây chuyền. Hiếm khi ung thư tuyến giáp và các nốt có thể gây ra các triệu chứng. 

Nếu bác sĩ nghi ngờ qua khám sức khỏe và siêu âm rằng bạn có thể bị ung thư, bạn sẽ cần phải làm sinh thiết chọc hút bằng kim nhỏ. Kết quả sinh thiết có thể gợi ý nhiều đến bệnh ung thư tuyến giáp và sẽ nhanh chóng điều trị bằng phẫu thuật. Ung thư tuyến giáp chỉ có thể được chẩn đoán chắc chắn sau khi phẫu thuật cắt bỏ.

Các xét nghiệm cận lâm sàng cần làm để chẩn đoán ung thư tuyến giáp như:

  • Chẩn đoán tế bào học (chọc hút kim nhỏ - FNA) là xét nghiệm cho kết quả nhanh, an toàn, giá trị cao trong chẩn đoán, độ chính xác vào khoảng 90 – 95%;

  • Siêu âm vùng cổ là phương pháp cần thiết giúp phân biệt u đặc và u nang;

  • Chụp CT scan và chụp MRI vùng cổ giúp đánh giá kỹ hơn mức độ xâm lấn u giáp và hạch với cơ quan xung quanh như khí quản, thực quản, phần mềm vùng cổ;

  • Xạ hình tuyến giáp;

  • Sinh thiết tức thì trong mổ: Đây là phương pháp có độ chính xác cao giúp phẫu thuật viên quyết định phương pháp phẫu thuật ngay trong mổ;

  • Chỉ điểm sinh học, các xét nghiệm hormon tuyến giáp.

Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp hiệu quả

Phẫu thuật

Bước đầu tiên trong điều trị tất cả các loại ung thư tuyến giáp là phẫu thuật. Mức độ phẫu thuật đối với ung thư tuyến giáp biệt hóa có thể chỉ cắt bỏ thùy có liên quan đến ung thư, được gọi là cắt bỏ tiểu thùy hoặc loại bỏ toàn bộ tuyến giáp, được gọi là phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp.

Mức độ phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào kích thước của khối u và khối u đã lan ra ngoài tuyến giáp hay chưa. Nếu khối u của bạn liên quan đến cả hai thùy của tuyến giáp hoặc khi xét nghiệm được phát hiện đã lan ra ngoài tuyến, bạn sẽ nên phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp.

Tuy nhiên, nếu ung thư của bạn nhỏ, chỉ ở một thùy của tuyến và nếu nó chưa di căn đến các hạch bạch huyết, thì phẫu thuật cắt bỏ thùy có thể là một lựa chọn tốt. Các nghiên cứu gần đây thậm chí còn cho thấy rằng nếu bạn có một khối u nhỏ có kích thước dưới 1 cm, được gọi là ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú, bạn có thể chỉ cần theo dõi bởi bác sĩ mà không cần phẫu thuật. Nếu bạn được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, bạn sẽ cần dùng thuốc hormone tuyến giáp trong suốt phần đời còn lại của mình. Tuy nhiên, nếu bạn được phẫu thuật cắt bỏ tiểu thùy, bạn có thể không cần dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp.

Ung thư tuyến giáp thường được chữa khỏi bằng cách phẫu thuật, đặc biệt nếu ung thư nhỏ. Nếu ung thư của bạn lớn hơn, nếu nó đã di căn đến các hạch bạch huyết, hoặc nếu bác sĩ cảm thấy rằng bạn có nguy cơ cao bị ung thư tái phát, thì có thể sử dụng iốt phóng xạ sau khi cắt bỏ tuyến giáp.

Liệu pháp iốt phóng xạ (Còn được gọi là liệu pháp I-131)

Tế bào tuyến giáp và hầu hết các bệnh ung thư tuyến giáp biệt hóa hấp thụ iốt vì vậy iốt phóng xạ có thể được sử dụng để loại bỏ tất cả các mô tuyến giáp bình thường còn lại và có khả năng phá hủy các mô tuyến giáp ung thư còn sót lại sau khi cắt bỏ tuyến giáp.

Điều trị nội tiết

Điều trị nội tiết bằng levothyroxine sau phẫu thuật để giảm nồng độ TSH, qua đó hạn chế sự phát triển của tế bào tuyến giáp.

Xạ trị chiếu ngoài

Trong ung thư tuyến giáp biệt hóa chỉ định xạ trị là rất hạn chế bởi tế bào ung thư của thể này ít nhạy cảm với xạ trị. Xạ trị được chỉ định cho những bệnh nhân không có khả năng phẫu thuật, tại những vị trí tổn thương không cắt bỏ được bằng phẫu thuật.

Trong ung thư tuyến giáp thể tủy: Xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật chưa được chứng minh có vai trò rõ ràng trong điều trị. Tuy nhiên, xạ trị được chỉ định cho những bệnh nhân không có khả năng phẫu thuật, tại những vị trí tổn thương không cắt bỏ được bằng phẫu thuật.

Trong ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa: Xạ trị sau phẫu thuật là chỉ định gần như bắt buộc với mục đích kiểm soát tái phát tại chỗ và hệ thống hạch.

Điều trị nội khoa

Hóa chất được chỉ định trong trường hợp ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa. Các phác đồ được sử dụng thường có chứa doxorubicin, paclitaxel, docetaxel, cisplatin, carboplatin. Tùy vào tình trạng bệnh, có thể lựa chọn phác đồ kết hợp hoặc đơn trị.

Điều trị đích trong ung thư tuyến giáp có thể cải thiện thời gian sống của bệnh nhân, giảm nhẹ triệu chứng và thường áp dụng đối với bệnh nhân thất bại sau điều trị I-131, hoặc chống chỉ định.

  • Thuốc điều trị đích được sử dụng trong ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa: Các thuốc kháng BRAF như dabrafenib và trametinib, thuốc kháng NTRK là larotrectinib.

  • Thuốc điều trị đích được sử dụng trong ung thư giáp thể biệt hóa, thể tủy là các thuốc kháng TKI như sorafenib, pazopanib, cabozantinib, sunitinib, axitinib, lenvatinib,…

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư tuyến giáp

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bạn cần tránh một số loại thực phẩm như: Muối iot, sản phẩm bơ sữa, hải sản, sản phẩm từ đậu nành, sô cô la,…

Phương pháp phòng ngừa ung thư tuyến giáp hiệu quả

Người lớn và trẻ em có gen di truyền làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp thể tuỷ có thể xem xét phẫu thuật tuyến giáp để ngăn ngừa ung thư (cắt tuyến giáp dự phòng).

Nguồn tham khảo
  1. Quyết định số 1514/QĐ-BYT ngày 01/4/2020 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu.

  2. https://www.thyroid.org/thyroid-cancer/

  3. https://www.mayoclinic.org/

Các bệnh liên quan

  1. U sùi thể nấm

  2. Ung thư vòm hầu

  3. Ung thư âm hộ

  4. Ung thư tim

  5. Ung thư thận

  6. Ung thư gan

  7. Ung thư buồng trứng

  8. Ung thư xoang

  9. Ung thư ống hậu môn

  10. Ung thư tuyến tụy