Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phòng chống xâm hại trẻ em: Các kỹ năng bé và phụ huynh phải biết!

Ngày 14/04/2024
Kích thước chữ

Phòng chống xâm hại trẻ em là mối quan tâm được cả xã hội đề cao hiện nay. Đã có rất nhiều bé trai, đặc biệt là bé gái phải chịu nhiều tổn thương về mặt thể chất lẫn tinh thần bởi gia đình và bản thân trẻ thiếu cảnh giác với đối tượng xấu.

Xâm hại trẻ em là thực trạng đáng lên án và buộc chính phủ phải có những biện pháp can thiệp “cứng rắn” để bảo vệ thế hệ trẻ của đất nước. Bản thân là phụ huynh có con nhỏ, các bố mẹ cần tích cực giáo dục con trẻ những kỹ năng tự vệ, tránh kẻ xấu lạm dụng. Vậy cụ thể chúng ta cần làm gì để phòng chống xâm hại trẻ em?

Vấn nạn xâm hại trẻ em dưới góc nhìn tâm lý

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Bá Đạt - giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng những tội phạm có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em thường có tuổi thơ phải chứng kiến và trải nghiệm các hành vi bạo lực. Từ đó họ có suy nghĩ và niềm tin lệch lạc, nghĩ rằng bạo lực có thể giải quyết các mâu thuẫn và xung đột. Một khi bản thân họ từng chịu xâm hại từ hồi nhỏ, đứng trước các tình huống trong đời sống, họ có xu hướng thích trừng phạt và có hành vi xâm hại đến thể chất và tâm lý của trẻ em.

Ngoài ra, dưới góc độ tâm lý, trẻ em là đối tượng có vị thế thấp, ít khả năng chống cự và tự bảo vệ bản thân. Vậy nên đây chính là điều kiện thuận lợi để tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em. Các biện pháp phòng chống xâm hại trẻ em trở nên rất cấp thiết để bảo vệ bé, điều khó khăn hơn cả là đối tượng này thường có xu hướng “chịu trận” và sợ hãi khi phải tố giác kẻ xấu.

Phòng chống xâm hại trẻ em: Các kỹ năng bé và phụ huynh phải biết! 1
Xâm hại trẻ em là vấn nạn đáng lên án

Để trẻ có thể nhận ra được đâu là hành vi đang lợi dụng, xâm phạm, bạo lực bản thân, trẻ em phải được giáo dục từ nhỏ. Yếu tố tác động lớn đến nhận thức của bé về tự vệ bản thân phụ thuộc nhiều vào cộng đồng, môi trường bé sống và học tập. 

Đặc biệt, phải cho bé tiếp cận với giáo dục giới tính từ sớm để trẻ có kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Khi nhà trường, phụ huynh cùng cộng đồng xung quanh trẻ đều nói không với bạo lực, các hình thức lạm dụng về thể xác lẫn tinh thần, bé sẽ phát triển lành mạnh và trở thành thế hệ tiếp nối biết cách phòng xâm hại.

Đa phần những tình huống xâm hại đáng tiếc xảy ra thường do gia đình không để mắt đến con em, bé ở nhà một mình hay ở cùng với hàng xóm, người lạ. Các tình huống kể trên đều ẩn chứa nguy cơ trẻ bị xâm hại. Nỗi đau và tổn thương tâm lý, thể chất của trẻ ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển về sau từ đó khiến trẻ dễ có cuộc sống “bất hạnh” khi trưởng thành. 

Theo khảo sát của UNICEF, phải có đến trên 60% trẻ sau khi bị xâm hại tình dục đều luôn mang trong mình cảm giác xấu hổ, tội lỗi, sợ hãi cũng như tự cô lập bản thân. Điều đáng sợ nhất với nạn nhân bị xâm hại là có khả năng cao bị bệnh trầm cảm, muốn tự tử. Bên cạnh đó sau khi bị xâm hại, trẻ có thể bị lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm trong đó có bệnh HIV/AIDS.

Phòng chống xâm hại trẻ em như thế nào?

Như đã đề cập, trẻ là đối tượng còn rất ngây thơ, chưa có nhiều kinh nghiệm sống và chưa đủ nhận thức để đề phòng kẻ xấu. Vậy nên giáo dục chính là phương pháp phòng xâm hại ở trẻ em quan trọng và cần thiết nhất. Trẻ cần phải học những điều gì?

Dạy trẻ hiểu về giới tính và vùng nhạy cảm

Bé buộc phải hiểu về giới tính và đặc điểm cơ thể của bản thân. Một vài trường hợp trẻ bị xâm hại mà lại không tự nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề từ đó không lên tiếng hay phản kháng. Bố mẹ cần dạy cho trẻ biết những vùng nhạy cảm trên cơ thể mà không được để ai chạm vào. Phụ huynh cần giả định nhiều tính huống như ôm ấp, vuốt ve trong lúc bé không thích và dạy trẻ cách phản ứng cho phù hợp.

Phòng chống xâm hại trẻ em: Các kỹ năng bé và phụ huynh phải biết! 2
Giáo dục giới tính cho bé là một trong những cách phòng chống xâm hại trẻ em đáng lưu tâm

Ngược lại, bố mẹ hay thầy cô cũng dạy bé chú ý không nên chạm vào vùng nhạy cảm của người khác, biết tôn trọng cảm xúc và thân thể của đối phương, đặc biệt là người khác giới. Một số bé do chưa đủ hiểu biết, tò mò về cơ thể rất dễ bị kẻ xấu dụ dỗ để kích thích thú tính của tội phạm.

Dạy bé thận trọng với người lạ

Cách phòng chống xâm hại trẻ em đáng lưu tâm nhất là dạy bé hạn chế gặp gỡ, đi theo người lạ. Trẻ em thường có tính cách cởi mở, hiếu kỳ và vô tư, xem ai cũng là bạn. Các đối tượng muốn xâm hại bé có thể lợi dụng điều này để hành động. Tốt nhất nên cảnh báo trẻ về mức độ nguy hiểm khi bắt chuyện với người không quen. Đặc biệt tuyệt đối không để trẻ đi chơi một mình hay đi đến nơi vắng vẻ, tối tăm.

Một số phụ huynh có tâm lý chủ quan, để con ở nhà chơi một mình. Vậy lúc này ngoài việc dạy cho trẻ các kỹ năng sinh hoạt an toàn tại nhà như tránh xa lửa, nước, vật sắc nhọn còn phải nhắc nhở trẻ không để người lạ mặt vào nhà.

Dạy trẻ kỹ năng nhờ giúp đỡ, giải bày

Thực tế ngay cả người lớn cũng đang phải học kỹ năng bày tỏ, bộc lộ cảm xúc. Bố mẹ cần dạy cho bé tâm lý không sợ hãi trước bất kỳ ai đang hăm dọa hay muốn làm tổn thương trẻ. Đặc biệt nếu khi phải gặp tình huống đối mặt với kẻ xấu, trẻ cần được dạy kỹ năng thoát thân hoặc la lớn để nhờ người xung quanh giúp đỡ. Điều đáng lo lắng hơn, trẻ phải được khuyến khích thẳng thắn bộc lộ, báo ngay với cha mẹ khi bị đe doạ hay bị tấn công.

Phòng chống xâm hại trẻ em: Các kỹ năng bé và phụ huynh phải biết! 3
Dám bộc lệ cảm xúc, dám lên tiếng là kỹ năng bé cần có

Dạy trẻ ghi nhớ thông tin liên lạc

Với sự phát triển công nghệ hiện nay, trang bị cho bé đồng hồ thông minh hay điện thoại thông minh phục vụ mục đích liên lạc rất cần thiết. Trẻ ngay từ khi đi học mẫu giáo cần nắm được tên của ba mẹ, địa chỉ nhà ở, số điện thoại cá nhân của bố mẹ đề phòng trường hợp bị lạc. Phụ huynh cũng có thể cài đặt định vị ở điện thoại của con để biết chính xác vị trí bé đang ở. Ngoài ra nếu bé biết sử dụng điện thoại để liên lạc trực tiếp với người thân khi có kẻ xấu tiếp cận thì đây là cách hay để làm tội phạm hoảng sợ và bỏ trốn.

Làm gì khi bé bị sang chấn tâm lý khi bị bắt nạt, lạm dụng?

Trẻ sau khi bị xâm hại dù ở mức độ và tình huống nào đều để lại những sang chấn tâm lý nặng nề. Bên cạnh việc tìm hiểu về phòng chống xâm hại trẻ em, người lớn cần hiểu về tâm lý để biết cách chăm sóc và nuôi dạy con. Bé có thể rơi vào tình trạng hoảng loạn, mệt mỏi, đau đầu và có xu hướng né tránh sự quan tâm. Nếu lâu ngày không có biện pháp can thiệp kịp thời, trẻ rất dễ bị rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ và đáng buồn hơn là hành vi tự tử sẽ xảy ra.

Phòng chống xâm hại trẻ em: Các kỹ năng bé và phụ huynh phải biết! 4
Điều trị tâm lý cho con trẻ sau bị bạo hành, lạm dụng

Lúc này, bố mẹ phải là người động viên, khuyến khích trẻ bộc lộ cảm xúc của chính mình. Ngoài ra hãy giúp đỡ trẻ mạnh dạn công khai kẻ bắt nạt, cho trẻ hiểu bản thân không phải là người làm sai và kẻ đáng bị trừng phạt phải được “đưa ra ánh sáng”. Sự kiện nhẫn qua những cuộc trò chuyện sẽ giúp bé vững tin và thoát ra khỏi tâm lý “nạn nhân”, vực dậy tinh thần và mạnh mẽ hơn trong tương lai. Ngoài ra nếu nhận thấy tâm lý của con không được cải thiện, đừng ngại dẫn con trị liệu tâm lý với chuyên gia.

Trên đây là những chia sẻ về phòng chống xâm hại trẻ em. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết, bạn hiểu hơn về cách bảo vệ con và biết cách nuôi dạy trẻ thật khoa học. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin