Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phương pháp sơ cứu và băng bó cho người gãy xương thế nào là chính xác?

Ngày 24/04/2022
Kích thước chữ

Ở đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ gửi tới bạn những thông tin về phương pháp sơ cứu và băng bó cho người gãy xương cơ bản, chính xác, hiệu quả và an toàn nhất!

Gãy xương là một tình trạng thường gặp trong các tai nạn và có thể để lại cho nạn nhân rất nhiều hậu quả khác nhau, thậm chí là tử vong do sốc mất máu. Do vậy, áp dụng đúng cách, kịp thời phương pháp sơ cứu và băng bó cho người gãy xương sẽ giúp người bị nạn giảm thiểu tối đa những di chứng sau này.

Cách nhận biết dấu hiệu gãy xương

Trước khi áp dụng các cách sơ cứu và băng bó cho người gãy xương, cần xác định rõ tình trạng gãy xương của nạn nhân thuộc loại nào. Gãy xương được chia làm hai loại là gãy xương kín và gãy xương hở.

Gãy xương kín là tình trạng gãy xương nhưng ổ gãy không thông với bên ngoài. Do đó, việc phán đoán gãy xương cũng sẽ khó khăn hơn. Một số dấu hiệu nhận biết của gãy xương kín là:

  • Có cảm giác đau chói tại điểm nghi ngờ gãy xương.
  • Có thể nhìn thấy sự biến dạng, gập góc, lệch trục của xương gãy so với bình thường, đầu gãy gồ lên ở dưới da.
  • Vùng gãy bị sưng nề, bầm tím. Tình trạng này sẽ tăng theo thời gian nếu không có những phương pháp xử lý kịp thời.
  • Có tiếng lạo xạo của những mảnh xương va vào nhau.
  • Xương gãy bị giảm khả năng vận động, thậm chí là không thể vận động được.
  • Đối với xương chi, có thể quan sát thấy bên chi gãy ngắn hơn chi lành.

Gãy xương hở là tình trạng ổ gãy thông với bên ngoài. Có thể quan sát thấy rõ ràng vị trí gãy bị bầm dập, rách da và cơ, thậm chí đầu xương gãy hở ra ngoài. Do vậy, việc nhận định xương bị gãy hở dễ dàng hơn so với xương gãy kín. Tuy nhiên, tình trạng gãy hở nguy hiểm hơn rất nhiều vì có nguy cơ nhiễm trùng cao, mất một lượng máu lớn khiến người gãy xương có thể bị sốc.

Sơ cứu và băng bó cho người bị gãy xương thế nào là chính xác 1 Hình ảnh xương gãy kín (ảnh 1+2) và xương gãy hở (ảnh 3)

Phương pháp sơ cứu và băng bó cho người gãy xương

Khi phát hiện ra nạn nhân bị gãy xương, điều đầu tiên cần làm là bình tĩnh và nhanh chóng gọi sự hỗ trợ. Song song với đó, thực hiện sơ cứu và băng bó cho người bị gãy xương theo các bước cơ bản sau:

Bước 1: Kiểm tra dấu hiệu sinh tồn, đánh giá tình trạng xương gãy

Nhận định các chỉ số sinh tồn của nạn nhân một cách nhanh chóng có thể giúp bạn đưa ra được những phương án xử lý phù hợp. Những chỉ số sinh tồn cơ cần được kiểm tra ngay lập tức là: mạch, nhịp thở, nhiệt độ cơ thể…

Sơ cứu và băng bó cho người bị gãy xương thế nào là chính xác 2 Kiểm tra dấu hiệu sinh tồn là bước quan trọng của phương pháp sơ cứu và băng bó cho người gãy xương

Sau dấu hiệu sinh tồn, cần kiểm tra tình trạng tổn thương tại điểm gãy để xác định mức độ chấn thương. Sau khi đã đánh giá tình trạng cơ bản của tổn thương, cần giữ bình tĩnh cho nạn nhân và giải thích khái quát về những hành động sẽ làm để sơ cứu.

Bước 2: Bất động xương gãy bằng nẹp

Nẹp cần phải đủ dài và chắc chắn để bất định khớp trên và khớp dưới chỗ gãy. Buộc dây cố định nẹp vào các vị trí: trên chỗ gãy, dưới chỗ gãy, khớp trên, khớp dưới. Cần đảm bảo nẹp được cố định chặt vào cơ thể thành một khối thống nhất.

Sơ cứu và băng bó cho người bị gãy xương thế nào là chính xác 3 Dùng nẹp bất động xương gãy

Đối với xương gãy hở, cần phải cố định xương ở đúng tư thế gãy. Việc kéo nắn cho xương lại vị trí bình thường có thể gây đau đớn và nhiễm khuẩn cho người bị nạn. Lưu ý, trước khi cố định xương gãy, nếu thấy có các tổn thương của mạch máu, cần cầm máu và băng bó vết thương bằng gạc hoặc tấm vải sạch.

Không đặt trực tiếp nẹp tiếp xúc với da nạn nhân mà cần có đệm lót bằng gạc hoặc vải sạch tại các vị trí buộc dây cố định và hai đầu của nẹp.

Trong quá trình sơ cứu, nếu cần phải bộc lộ vết thương, không nên cố gắng cởi quần áo nạn nhân. Thay vào đó, cần cởi từ bên lành rồi dùng kéo cắt theo đường chỉ.

Bước 3: Cố định chi ở tư thế cơ năng

Tư thế cơ năng của tay là tư thế gập góc 90 độ trước ngực, thường được cố định bằng cách đeo khăn tam giác.

Sơ cứu và băng bó cho người bị gãy xương thế nào là chính xác 4 Tư thế cơ năng của chân

Trong khi đó, tư thế cơ năng của chân là tư thế duỗi thẳng, được cố định với cơ thể thành một khối bằng nẹp dài từ nách đến gót chân.

Bước 4: Đảm bảo mạch máu dưới điểm cố định được lưu thông

Sau khi bất động xương gãy, cần phải đảm bảo máu vẫn được lưu thông ở vị trí phía dưới điểm cố định. Trong một số trường hợp, việc băng bó và cố định xương quá chặt có thể ngăn cản sự lưu thông của mạch máu, gây ra tình trạng tím tái, thậm chí là hoại tử nếu không được phát hiện kịp thời.

Bước 5: Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất

Sau khi thực hiện xong các bước sơ cứu cơ bản, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý chuyên sâu. Quá trình vận chuyển nạn nhân nên được thực hiện bởi xe chuyên dụng để tránh va chạm, làm xê dịch xương gãy.

Bước 6: Tiến hành băng bó cho người gãy xương

  • Đối với người bị gãy hở, trước khi thực hiện cố định xương gãy, ta cần dùng bông gạc băng bó để cầm máu và tránh cho vết thương bị nhiễm trùng.
  • Vùng da được băng bó cần phải sạch sẽ, khô ráo; có đệm lót ở những vùng da có hai mặt tiếp giáp với nhau như kẽ ngón tay, ngón chân… hoặc vùng khớp xương, chỗ lồi lõm của xương.
  • Khi băng, cầm băng bằng tay phải, để cuộn băng ngửa và giơ cao, đặt đầu dải băng vào vùng băng rồi dùng tay trái giữ. Tay phải cầm vào thân băng, vừa băng vừa nới lỏng cuộn băng. Lưu ý, không được để cuộn băng rơi.
  • Khi mở đầu và kết thúc băng vết thương, cần băng 2 vòng cố định để giữ chắc mối băng. Mỗi vòng băng cần cuốn vừa phải, đặc biệt ở vị trí tổn thương phải băng đủ lỏng, vòng băng sau đè lên khoảng 2/3 vòng băng trước. 
Sơ cứu và băng bó cho người bị gãy xương thế nào là chính xác 5 Một số kiểu băng bó cho người gãy xương phổ biến

Sau khi băng bó, cố định băng bằng kim ghim hoặc buộc nút, ghim móc sắt, dán băng keo. Không được cố định tại vị trí vết thương, trên chỗ xương gồ hay phía nạn nhân nằm đè lên.

Trên đây là phương pháp sơ cứu và băng bó cho người gãy xương cơ bản mà bạn cần nắm để nhanh chóng thực hiện sơ cứu khi có người bị nạn. Hy vọng bài viết này có thể đem lại cho bạn những thông tin hữu ích và có thể áp dụng trong cuộc sống. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe và đừng quên theo dõi Nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm nhiều thông tin về y học đời sống nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.