Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Polyp dạ dày có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Ngày 19/08/2023
Kích thước chữ

Polyp dạ dày là một vấn đề sức khỏe được nhiều người quan tâm. Một trong những thắc mắc phổ biến là liệu polyp dạ dày có nguy hiểm không? Để giải đáp câu hỏi này, chúng ta cần hiểu rõ về polyp dạ dày là gì và chúng ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh như thế nào?

Việc xác định liệu polyp dạ dày có nguy hiểm không phụ thuộc vào kích thước, loại polyp, cũng như tiềm năng biến chuyển thành ung thư. Để đảm bảo sức khỏe của bạn, việc thăm khám định kỳ và tư vấn y tế từ các chuyên gia là điều quan trọng.

Polyp dạ dày là gì?

Dạ dày là một bộ phận quan trọng trong quá trình tiêu hóa, nhận nhiệm vụ chuyển thức ăn sau khi nuốt xuống từ miệng. Dạ dày được coi là "nhà máy tiêu hóa thứ hai" trong cơ thể, với môi trường axit giúp tiêu diệt vi khuẩn và tiến hành quá trình phân cắt thức ăn thành mảnh nhỏ hơn để hỗ trợ tiêu hóa hiệu quả. Lớp biểu mô ở bên trong dạ dày đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.

Polyp dạ dày thường là kết quả của sự phát triển bất thường của các tế bào trên lớp biểu mô. Tóm lại, chúng là những khối tăng trưởng bất thường xuất hiện trên lớp niêm mạc bên trong dạ dày. Thông thường, hầu hết các polyp dạ dày không gây ra triệu chứng gì và thường được phát hiện trong quá trình kiểm tra nội soi đường tiêu hóa hoặc trong khi chẩn đoán các vấn đề khác. Tuy vậy, trong một số tình huống, những khối tăng trưởng này có thể tiềm ẩn nguy cơ ung thư, đặc biệt đối với những người có yếu tố nguy cơ cao.

Polyp dạ dày là các khối u của các tế bào hình thành trên lớp niêm mạc dạ dày
Polyp dạ dày là các khối u của các tế bào hình thành trên lớp niêm mạc dạ dày

Nguyên nhân gây polyp dạ dày

Có một số yếu tố có thể tăng nguy cơ mắc polyp dạ dày như sau:

  • Tình trạng viêm dạ dày mạn tính kéo dài và không có sự cải thiện đáng kể.
  • Dạ dày bị nhiễm Helicobacter pylori.
  • Người bệnh bị thiếu máu ác tính.
  • Tổn thương niêm mạc dạ dày kéo dài hoặc tình trạng viêm loét dạ dày tái đi tái lại.
  • Sử dụng lâu dài các loại thuốc ức chế bơm proton.
  • Yếu tố di truyền: Có tiền sử polyp dạ dày trong gia đình có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt khi người thân trong gia đình từng mắc phải. Ngoài ra, những người có các bệnh lý di truyền về đường tiêu hóa cũng có nguy cơ cao hơn trong việc phát triển polyp.

Polyp dạ dày có nguy hiểm không?

Phần lớn các polyp dạ dày không có hoặc triệu chứng khó nhận biết. Thường thì người ta chỉ nhận thấy sự tồn tại của polyp dạ dày sau khi tiến hành nội soi dạ dày do một lý do khác. Quy trình này được thực hiện bởi bác sĩ thông qua việc sử dụng một ống nhỏ có đèn sáng và máy thu hình, được đưa vào qua miệng, nhằm kiểm tra toàn bộ niêm mạc của đường tiêu hóa từ thực quản, qua dạ dày đến đầu ruột non.

Tuy nhiên, khả năng xuất hiện triệu chứng phụ thuộc vào loại polyp và kích thước của chúng. Những polyp lớn hơn có thể dễ gây ra các triệu chứng hơn, tuy các triệu chứng này thường không đặc hiệu như:

  • Đau bụng.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Thiếu máu mạn tính.
  • Các triệu chứng do tắc nghẽn dạ dày, như sụt cân đáng kể hoặc nôn mửa mãnh liệt.
  • Các triệu chứng liên quan đến sự phát triển của ung thư từ polyp dạ dày.

Polyp dạ dày có nguy hiểm không tùy thuộc vào bản chất của polyp này. Nó gây nguy hiểm khi phát triển thành khối u ác tính hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày. Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan, thay vào đó, việc thực hiện các cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ là cần thiết để phát hiện và loại bỏ sớm polyp dạ dày, giúp hạn chế rủi ro của các biến chứng không mong muốn.

Polyp dạ dày có nguy hiểm không là thắc mắc và lo lắng của nhiều người bệnh
Polyp dạ dày có nguy hiểm không là thắc mắc và lo lắng của nhiều người bệnh

Trường hợp nào cần cắt polyp dạ dày?

Việc cắt bỏ polyp dạ dày phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm kích thước, loại polyp, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và khả năng tiến hóa thành ung thư. Dưới đây là một số trường hợp cần cân nhắc cắt bỏ polyp dạ dày:

Polyp tăng sản tăng: Polyp tăng sản thường lành tính, nhưng khi polyp có kích thước lớn và tăng nhanh, nguy cơ gây ung thư. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể đề xuất cắt bỏ polyp để ngăn ngừa nguy cơ ung thư dạ dày.

Polyp tăng sản nhỏ hơn 0,5cm có nhiễm HP: Các polyp nhỏ nhưng nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) có thể được điều trị bằng kháng sinh để loại bỏ nhiễm vi khuẩn. Việc cắt bỏ polyp trong trường hợp này không cần thiết, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và chỉ định của bác sĩ.

Polyp từ 0,5cm trở lên: Các polyp dạ dày có kích thước từ 0,5cm trở lên thường được xem xét để cắt bỏ thông qua phẫu thuật nội soi. Điều này giúp loại bỏ nguy cơ ung thư và giữ cho tình trạng sức khỏe của bệnh nhân được kiểm soát.

Polyp tuyến đáy vị: Polyp tuyến đáy vị có kích thước nhỏ thường không gây ra nguy cơ đáng kể và thường không cần thiết phải cắt bỏ. Tuy nhiên, khi polyp có kích thước lớn hơn 1cm hoặc có biểu hiện loét bề mặt, bác sĩ có thể đề xuất cắt bỏ và thực hiện sinh thiết để đánh giá nguy cơ ung thư.

Polyp dạng u tuyến: Polyp dạng u tuyến có nguy cơ chuyển hóa thành ung thư dạ dày. Chúng thường được đề xuất cắt bỏ để ngăn ngừa sự phát triển của ung thư. Sau khi cắt bỏ, bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ bằng nội soi dạ dày để kiểm tra tình trạng sức khỏe.

Hội chứng đa polyp: Trong những trường hợp có hội chứng đa polyp thì nguy cơ tiến hóa thành ung thư thường cao. Do đó, cắt bỏ polyp sớm là quan trọng để ngăn ngừa nguy cơ này.

Cách phòng ngừa polyp dạ dày

Polyp dạ dày thường khởi phát với tính chất lành tính, tuy nhiên theo thời gian, một số trường hợp có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Do đó, việc phòng ngừa từ giai đoạn sớm là vô cùng quan trọng. Sau đây là một số cách phòng ngừa polyp dạ dày:

  • Quản lý yếu tố nguy cơ: Xác định và kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến sự hình thành của polyp dạ dày.
  • Sử dụng thuốc ức chế bơm proton một cách thận trọng: Hạn chế việc sử dụng loại thuốc này và chỉ sử dụng khi được bác sĩ chỉ định.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Cân nặng ổn định là một điều kiện lý tưởng để bảo vệ hệ tiêu hóa và duy trì sức khỏe.
  • Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện và xử lý polyp dạ dày từ giai đoạn ban đầu, giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn.
  • Trao đổi thông tin với bác sĩ chuyên khoa: Thảo luận về tiền sử bệnh và yếu tố di truyền với bác sĩ để xác định nguy cơ hình thành polyp dạ dày.
  • Tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý: Duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối và đa dạng, cung cấp đủ chất dinh dưỡng để giảm nguy cơ các vấn đề đường tiêu hóa như khó tiêu, trào ngược...
Thường xuyên trao đổi thông tin với bác sĩ để kiểm soát bệnh tốt hơn
Thường xuyên trao đổi thông tin với bác sĩ để kiểm soát bệnh tốt hơn

Trên đây là những thông tin chúng tôi cung cấp đến bạn về polyp dạ dày có nguy hiểm không, đây là một nỗi lo lắng chung của bệnh nhân mắc bệnh này. Đa số polyp dạ dày đều lành tính giai đoạn đầu, vậy nên để tránh nguy hiểm, người bệnh nên thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để theo dõi, điều trị để ngừa tình trạng bệnh chuyển biến xấu hơn.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm