Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Quan niệm “nghén lạnh đẻ con trai” có đúng không? Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị nghén lạnh

Ngày 05/07/2024
Kích thước chữ

Nghén lạnh đẻ con trai là một trong những mẹo giúp đoán giới tính được lưu truyền trong dân gian. Vậy mẹo đoán giới tính của thai nhi “nghén lạnh đẻ con trai” có đúng không? Nguyên nhân nào khiến cho bà bầu bị nghén lạnh trong quá trình mang thai?

Trong dân gian lưu truyền rất nhiều kinh nghiệm giúp mẹ bầu phỏng đoán giới tính của thai nhi, chẳng hạn như mẹ thèm ăn chua là bầu con trai, thèm ăn ngọt là bầu con gái… Vậy quan niệm “nghén lạnh đẻ con trai” có đúng không?

Quan niệm “nghén lạnh đẻ con trai” có đúng không?

Trong dân gian có lưu truyền một mẹo giúp mẹ bầu đoán biết giới tính của thai nhi là “nghén lạnh đẻ con trai”. Quan niệm dân gian này có chính xác hay không?

Theo các chuyên gia trong sản phụ khoa, khi bắt đầu thai kỳ thì cơ thể của người phụ nữ có sự gia tăng trao đổi chất, lưu lượng máu và nồng độ hormone tăng cao, từ đó làm thay đổi nhiệt độ cơ thể của người mẹ. Đây chính là nguyên nhân khiến cho mẹ bầu thường cảm thấy nóng hơn hoặc lạnh hơn so với bình thường. Sự thay đổi này là hoàn toàn bình thường ở phụ nữ mang thai và không cần lo lắng gì cả.

Hiện nay, đối với quan điểm “nghén lạnh đẻ con trai” thì vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này. Do đó, tỷ lệ dự đoán đúng về giới tính của thai nhi khi mẹ bầu cảm thấy nghén lạnh là 50/50, không sinh con trai thì sinh con gái.

Quan niệm “nghén lạnh đẻ con trai” có đúng không? Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị nghén lạnh 1
Quan niệm “nghén lạnh đẻ con trai” có đúng không?

Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị nghén lạnh trong thai kỳ

Chắc hẳn bạn đọc đã có câu trả lời cho quan niệm “nghén lạnh đẻ con trai” có đúng hay không. Sau đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với bạn đọc về những nguyên nhân khiến mẹ bầu bị nghén lạnh khi mang thai.

Theo đó, các chuyên gia cho biết, phần lớn các trường hợp thai phụ bị nghén lạnh là tình trạng bình thường. Tuy nhiên, đây có thể là một dấu hiệu của một số vấn đề về sức khỏe mà mẹ bầu cần lưu tâm và điều trị (nếu cần), cụ thể như sau:

Mệt mỏi

Phụ nữ mang thai cần được nghỉ ngơi đầy đủ để nhiệt độ cơ thể được điều chỉnh một cách chính xác, đặc biệt là trong thời gian đầu của thai kỳ. Do vậy, nếu mẹ bầu không ngủ đủ giấc kết hợp với làm việc quá sức có thể khiến cho cơ thể thường xuyên mệt mỏi, dẫn đến xuất hiện các cơn ớn lạnh.

Bên cạnh đó, tình trạng mệt mỏi còn khiến mẹ bầu dễ trở nên cáu gắt, đi tiểu nhiều về đêm, từ đó dẫn đến hiện tượng rối loạn giấc ngủ và nhiệt độ cơ thể thay đổi thất thường.

Chính vì thế, để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu cần sắp xếp công việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh để cơ thể quá mệt mỏi.

Quan niệm “nghén lạnh đẻ con trai” có đúng không? Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị nghén lạnh 2
Mệt mỏi là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bầu bị nghén lạnh

Chế độ dinh dưỡng thiếu dưỡng chất

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của thai phụ và sự phát triển của thai nhi. Chế độ ăn uống trong các bữa ăn hàng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể của mẹ và em bé, sự gia tăng hormone thai kỳ và nguyên nhân dẫn đến tình trạng ốm nghén ở mẹ bầu.

Do đó, nếu thai phụ thường xuyên cảm thấy ớn lạnh trong thời gian đầu của thai kỳ thì có khả năng là cơ thể của mẹ đang thiếu dinh dưỡng để điều chỉnh nhiệt độ. Vì vậy, mẹ hãy bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết trong thực đơn ăn uống hàng ngày như chất đạm, vitamin, khoáng chất…

Thiếu máu

Ớn lạnh là một trong những dấu hiệu thường gặp của tình trạng thiếu máu thiếu sắt. Đây là một bệnh lý phổ biến ở phụ nữ mang thai do cơ thể không được cung cấp đủ lượng sắt cần thiết cho quá trình tạo hồng cầu mang oxy đi nuôi dưỡng. Bên cạnh đó, mẹ bầu bị thiếu máu có thể gặp phải một số triệu chứng khác như:

  • Suy nhược cơ thể;
  • Da - niêm mạc nhợt nhạt;
  • Nhịp tim không đều;
  • Thường xuyên bị hụt hơi.

Lúc này, thai phụ cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được thăm khám và điều trị kịp thời để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bản thân cũng như sự phát triển của thai nhi.

Quan niệm “nghén lạnh đẻ con trai” có đúng không? Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị nghén lạnh 3
Mẹ bầu bị thiếu máu có thể thường xuyên cảm thấy ớn lạnh

Nhiễm trùng

Nghén lạnh trong thai kỳ cũng có thể là một dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng. Theo các bác sĩ sản khoa, nếu cảm thấy ớn lạnh nhưng thân nhiệt lại cao trên 37,8 độ C thì rất có thể mẹ bầu đang bị nhiễm trùng hoặc nhiễm virus.

Hiện tượng vừa ớn lạnh vừa sốt chính là phản ứng phòng vệ của cơ thể để ngăn chặn sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh. Điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi, do đó, mẹ bầu cần đến bệnh viện để kiểm tra khi xuất hiện tình trạng này.

Huyết áp thấp

Xuất hiện các cơn ớn lạnh có thể xảy ra ở mẹ bầu có thể trạng huyết áp thấp. Ngoài ra, mẹ bầu có thể gặp phải một số triệu chứng khác như:

  • Da thường xuyên ẩm ướt;
  • Chóng mặt;
  • Buồn nôn;
  • Mạnh đập nhanh, yếu;
  • Tầm nhìn mờ;
  • Ngất xỉu.

Vấn đề về tuyến giáp

Nghén lạnh khi mang thai có thể là một dấu hiệu của vấn đề về tuyến giáp. Bởi hormone tuyến giáp đóng vai trò quan trọng đối với thai kỳ như:

  • Thúc đẩy quá trình trao đổi chất diễn ra trong cơ thể;
  • Hỗ trợ quá trình phát triển não bộ và hệ thần kinh của thai nhi;
  • Kiểm soát nhịp tim và nhiệt độ cơ thể của người mẹ.

Tuy nhiên, các vấn đề bệnh lý về tuyến giáp thường rất khó phát hiện trong quá trình mang thai vì triệu chứng của bệnh dễ bị nhầm lẫn với một số tình trạng thường gặp khi mang thai. Do vậy, thai phụ cần kiểm tra định kỳ và thực hiện các xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp trong thai kỳ để kịp thời phát hiện ra những bất thường.

Căng thẳng

Căng thẳng là một nguyên nhân không chỉ khiến cho mẹ bầu ăn không ngon, ngủ không yên mà còn làm thay đổi nhiệt độ cơ thể. Khi mới mang thai, một số thai phụ có thể cảm thấy lo lắng, căng thẳng trong thời gian ngắn và kèm theo các triệu chứng khác như:

  • Đổ mồ hôi;
  • Ớn lạnh;
  • Hụt hơi;
  • Tăng nhịp tim;
  • Đau tức ngực;
  • Khó thở;
  • Run chân tay.

Hầu hết các cơn hoảng loạn này thường chỉ kéo dài tối đa 20 phút và rất đáng sợ, tuy nhiên, chúng không gây nguy hiểm. Lúc này, mẹ bầu cần cố gắng thả lỏng, thư giãn, giảm bớt lo lắng và nghỉ ngơi đầy đủ.

Quan niệm “nghén lạnh đẻ con trai” có đúng không? Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị nghén lạnh 4
Căng thẳng cũng là một nguyên nhân khiến mẹ bầu bị nghén lạnh

Một số dấu hiệu mang thai bé trai theo quan niệm dân gian

Bên cạnh quan niệm “nghén lạnh đẻ con trai”, trong dân gian còn lưu truyền một số mẹo giúp mẹ bầu đoán biết đang mang thai bé trai, cụ thể là:

  • Hình dáng bụng bầu: Theo kinh nghiệm của nhiều thai phụ chia sẻ, bụng bầu mang thai bé trai thường xu hướng nhọn và nhô ra phía trước.
  • Nổi mụn trứng cá: Nhiều mẹ bầu cho rằng, tình trạng nổi mụn trứng cá khi mang thai là bầu bé trai.
  • Kích thước vòng 1: Thông thường, ngực của mẹ bầu sẽ to ra khi gần sinh do các tuyến vú đang căng dãn ra để chuẩn bị tạo sữa cho bé. Và theo quan niệm dân gian cho rằng, mẹ bầu có ngực trái nhỏ hơn ngực phải thì khả năng sinh ra bé trai cao hơn.
  • Xem rốn: Mẹ bầu có kích thước rốn to và lồi ra ngoài thì sẽ sinh ra bé trai.
  • Nhịp tim thai: Một số thai phụ chia sẻ rằng, nếu nhịp tim của thai nhi dưới 140 nhịp/phút thì có khả năng đang mang thai bé trai.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh nên biết rằng việc phân biệt giới tính thai nhi không chỉ là không công bằng mà còn có thể gây ra những hệ quả tiêu cực. Mỗi thai nhi đều có giá trị và quyền được sinh sống, phát triển một cách bình đẳng. Thay vì tập trung vào giới tính, chúng ta nên quan tâm đến sự khỏe mạnh và phát triển toàn diện của mẹ và thai nhi. Đừng để những quan niệm cũ kĩ hạn chế quyền lựa chọn và tôn trọng của người khác. Hãy tạo ra một môi trường bình đẳng và yêu thương cho tất cả các con.

Tóm lại, “nghén lạnh đẻ con trai” chỉ là quan niệm lưu truyền trong dân gian và chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh về độ chính xác của quan niệm này. Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu bị nghén lạnh trong quá trình mang thai như mệt mỏi, thiếu máu, thiếu dinh dưỡng… Do đó, mẹ bầu hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa nếu cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường trong thai kỳ để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin