Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nghiến răng khi ngủ là gì? Nguyên nhân và cách phòng tránh

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thói quen nghiến răng không hiếm, nhưng nếu thường xuyên nghiến răng, đặc biệt khi ngủ, thì đây có thể là biểu hiện của bệnh nghiến răng khi ngủ. Tình trạng này nếu xảy ra thường xuyên và kéo dài sẽ dẫn đến răng và hàm có thể bị tổn thương và gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng, đồng thời gây khó chịu cho người ngủ cùng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nghiến răng khi ngủ là gì? 

Nghiến răng (hay còn gọi bruxism) là tình trạng hai hàm răng ghì và siết chặt với nhau tạo áp lực lên răng và đôi khi phát ra âm thanh ken két. Nghiến răng là hành động vô thức của cơ thể xảy ra chủ yếu khi cơ thể chìm vào giấc ngủ, nhưng đôi khi có thể diễn ra vào ban ngày. Vì thế, nghiến răng khi ngủ có thể được coi là chứng rối loạn vận động liên quan đến giấc ngủ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nghiến răng khi ngủ

  • Răng siết hoặc nghiến chặt vào nhau, có thể phát ra âm thanh khiến người ngủ bên cạnh thức giấc.

  • Mòn răng, nứt, sứt mẻ răng hoặc răng lung lay.

  • Mất/giảm men răng, các lớp răng nằm sâu bên trong lộ ra ngoài.

  • Răng nhạy cảm và đau hơn.

  • Cơ hàm kém linh hoạt, mỏi hàm, hàm chặt khó mở ra và đóng lại hoàn toàn.

  • Đau nhức cổ, mặt hoặc hàm.

  • Cảm giác đau tai mặc dù đôi tai bình thường.

  • Đầu đau ê ẩm.

Tác động của nghiến răng khi ngủ đối với sức khỏe

  • Tiếng nghiến răng khi ngủ làm người khác cảm thấy khó chịu và mất ngủ.

  • Răng bị mất hết lớp men, ê buốt, nứt gãy, lung lay hoặc rụng.

  • Độ chắc của răng giảm, yếu răng, nguy cơ sâu răng.

  • Nghiến răng thường xuyên khiến cơ hàm bị co thắt, đau mỏi cơ hàm, đau đầu, cổ.

  • Nghiến răng có thể khiến các cơ hoạt động quá mức dẫn đến phì đại, làm cho khuôn mặt bị mất cân xứng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc chứng nghiến răng khi ngủ

Đa số các trường hợp, hầu như không gây ra biến chứng nghiêm trọng nào khi nghiến răng khi ngủ. Nhưng tình trạng nghiến răng khi ngủ diễn ra thường xuyên và trầm trọng có thể dẫn đến các ảnh hưởng:

  • Tổn thương răng hoặc hàm.

  • Căng đầu, đau, nhức đầu.

  • Đau mặt hoặc hàm nặng.

  • Biến dạng khuôn mặt.

  • Chứng nghiến răng khi ngủ mạn tính có thể dẫn đến mòn răng, hoặc gãy răng.

  • Nghiến răng khi ngủ có thể làm hội chứng rối loạn khớp thái dương hàm nặng hơn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Trong trường hợp nhẹ, nghiến răng khi ngủ không gây hậu quả nghiêm trọng nên không cần điều trị. Tuy nhiên, ở một số người nghiến răng khi ngủ có thể xảy ra thường xuyên và tiến triển nặng hơn dẫn đến các bệnh liên quan đến xương hàm, răng, đau đầu và các vấn đề khác. Nếu hàm răng có những biểu hiện cần thăm khám nha sĩ:

  • Đau âm ỉ vùng xương mặt, tai và hàm.

  • Tiếng nghiến răng khi ngủ được người thân nghe thấy.

  • Hàm bị nhức đến mức không thể mở to hoặc ngậm lại hoàn toàn.

  • Răng nhạy cảm khi tiếp xúc với bàn chải, các đồ nóng/lạnh.

  • Má trong bị tổn thương do nhai.

  • Gián đoạn giấc ngủ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nghiến răng khi ngủ

  • Căng thẳng và lo lắng, đây là nguyên nhân phổ biến nhất của nghiến răng khi ngủ.

  • Các vấn đề về giấc ngủ như: Ngáy, tắc nghẽn đường thở khi ngủ (Ostructive sleep apnoea – OSA) và chứng liệt khi ngủ (bóng đè).

  • Dùng thuốc, bao gồm các thuốc chống trầm cảm như: Các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI).

  • Hút thuốc, uống nhiều rượu và caffein, và dùng các loại thuốc như: Thuốc lắc và cocain.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải nghiến răng khi ngủ

Nghiến răng khi ngủ thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Nó thường dừng lại khi đến tuổi trưởng thành và răng trưởng thành đã mọc.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nghiến răng khi ngủ

Nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến chứng nghiến răng khi ngủ:

  • Stress: Tình trạng quá lo lắng, tức giận hoặc thất vọng làm tăng nguy cơ mắc chứng bệnh này.

  • Tuổi tác: Gặp chủ yếu ở trẻ nhỏ, nhưng thường mất đi khi trưởng thành.

  • Tính cách: Tính cách mạnh mẽ, cạnh tranh hoặc dễ kích động thường có nguy cơ mắc nghiến răng khi ngủ cao hơn.

  • Thuốc và các chất kích thích: Một số loại thuốc có thể gây tác dụng phụ dẫn tới chứng nghiến răng khi ngủ: Thuốc chống trầm cảm, thuốc lá, các loại đồ uống chứa caffeine, rượu và các chất kích thích khác có thể làm tăng nguy cơ bị nghiến răng khi ngủ.

  • Di truyền: Gia đình có người mắc chứng nghiến răng khi ngủ thì những người khác trong gia đình có nguy cơ cao mắc chứng này.

  • Các hội chứng rối loạn khác: Nghiến răng khi ngủ có liên quan đến một số hội chứng như: Rối loạn tâm thần (bệnh Parkinson, chứng mất trí, động kinh), trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng rối loạn giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán nghiến răng khi ngủ

Chẩn đoán: Trong khi khám răng định kỳ, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra các dấu hiệu của bệnh nghiến răng khi ngủ.

Đánh giá: Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào, bác sĩ sẽ tìm những thay đổi trên răng và miệng trong vài lần khám tiếp theo để xem liệu quá trình có tiến triển hay không và để xác định xem có cần điều trị hay không.

Xác định nguyên nhân: Nếu bác sĩ nghi ngờ bị chứng nghiến răng khi ngủ, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân bằng cách thăm khám về sức khỏe răng miệng, thói quen hàng ngày, thói quen ngủ và việc sử dụng thuốc. Để đánh giá mức độ của chứng nghiến răng khi ngủ, bác sĩ có thể kiểm tra:

Cơ hàm.

Những tổn thương và bất thường về răng: Gãy, vỡ, mất răng.

Các tổn thương xương bên dưới và bên má trong.

Phương pháp điều trị nghiến răng khi ngủ hiệu quả

Đa số các trường hợp nghiến răng khi ngủ không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu vấn đề nghiêm trọng, thì việc điều trị là cần thiết. Nghiến răng khi ngủ do nhiều yếu tố gây ra, vì vậy để khắc phục tật nghiến răng cần tiếp cận từ nhiều hướng.

Loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây bệnh

Tác dụng phụ của một số thuốc có thể dẫn đến nghiến răng khi ngủ cần được thay đổi.

Không sử dụng thuốc lá, cà phê, các chất kích thích gây nghiện,…

 Điều trị các bệnh lý có liên quan đến nghiến răng.

Cải thiện giấc ngủ, giải tỏa căng thẳng

 Nghiến răng khi ngủ đôi khi đi kèm với ngưng thở. Nghiến răng khi ngủ có thể được giảm bớt bằng nằm ngửa khi ngủ mà không có gối.

Stress được xem là nguyên nhân chính của nghiến răng khi ngủ. Vì vậy, nên tập trung vào việc xoa dịu áp lực căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày: Giữ cho tinh thần luôn sảng khoái, tắm với nước ấm, tập luyện thể dục thường xuyên, mát xa vùng đầu và cổ trước khi ngủ để có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ sâu, giảm nguy cơ nghiến răng.

Điều trị bằng thuốc

Thuốc giãn cơ: Bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc giãn cơ trước khi đi ngủ, trong một khoảng thời gian ngắn;

Tiêm botox: Botox là một dạng độc tố của botulinum, được tiêm vào cơ giúp làm giảm triệu chứng đau cơ, giúp một số người bị chứng nghiến răng khi ngủ nặng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác;

Thuốc giúp kiểm soát lo lắng, stress hoặc chống trầm cảm: Sử dụng một số loại thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống lo lắng trong thời gian ngắn để giúp kiểm soát cảm xúc và stress.

Điều trị nha khoa

Điều trị nha khoa giúp ngăn ngừa và cải thiện tình trạng mòn răng, hạn chế sự phá hủy răng thêm trầm trọng.

Điều chỉnh khớp cắn: Điều chỉnh khớp cắn bị lệch bằng cách mài bớt hoặc thêm vào. Tuy nhiên, trước khi điều chỉnh, phải đảm bảo cơ được thư giãn để có thể thực hiện được các chuyển động sinh lý bình thường;

Máng nhai: Che phủ bề mặt răng hàm trên và hàm dưới và có thể tháo lắp dễ dàng. Máng nhai giúp hướng dẫn sự chuyển động của hàm dưới, thư giãn và giảm đau cơ. Đồng thời, ngăn ngừa sự mòn răng do nghiến, ngăn tổn thương đến các cấu trúc nha chu và giúp làm giảm nghiến răng vào ban đêm;

Chỉnh nha: Thay đổi khớp cắn do răng chen chúc, lệch lạc có thể làm giảm tình trạng nghiến răng;

Phục hồi khớp cắn: Trám, bọc mão các vị trí bị ảnh hưởng do nghiến răng: Phá vỡ bề mặt men răng,…

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nghiến răng khi ngủ

Thói quen sinh hoạt

Hạn chế không sử dụng đồ uống chứa caffeine và cồn:

  • Đồ uống chứa caffeine và cồn sẽ gây khó khăn trong việc thư giãn khi ngủ, giấc ngủ không sâu và dẫn đến hiện tượng nghiến răng.

  • Chế độ ăn uống lành mạnh, không/hạn chế thức ăn nhanh, bánh kẹo và đồ uống có gas.

Giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi: Tập thể dục thường xuyên, thiền, yoga,...

Bổ sung magie và canxi: Nghiến răng khi ngủ có thể xảy ra do cơ và hệ thần kinh bị ảnh hưởng khi cơ thể thiếu canxi và magie.

Thư giãn đúng cách trước khi ngủ: Sử dụng trà thảo mộc như trà hoa cúc, xoa bóp cổ, vai và mặt giúp cơ thể thư giãn và thoải mái trước khi ngủ.

Dừng thói quen nhai những thứ không phải đồ ăn: Thói quen ngậm, nhai đầu bút hoặc những loại vật dụng khác có thể gây tình trạng nhai không kiểm soát dẫn đến việc nghiến răng.

Sử dụng dụng cụ bảo vệ miệng: Dụng cụ y khoa giúp khắc phục được thói quen nghiến răng khi ngủ.

Tuy nhiên, cần đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị chứng nghiến răng khi ngủ dứt điểm, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và giấc ngủ của người xung quanh. Ngoài ra, giảm triệu chứng nghiến răng khi ngủ, cần tuân thủ lối sống lành mạnh: Tập thể dục thể thao, ăn uống điều độ đầy đủ chất dinh dưỡng và tránh căng thẳng stress.

Chế độ dinh dưỡng

Chưa có dữ liệu.

Phương pháp phòng ngừa nghiến răng khi ngủ hiệu quả

Để phòng ngừa nghiến răng khi ngủ hiệu quả, có thể tham khảo một số gợi ý:

  • Trong quá trình điều trị phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.

  • Hạn chế sự căng thẳng, stress, duy trì lối sống tích cực.

  • Khám định kỳ là cách tốt nhất để sàng lọc tật nghiến răng khi ngủ.

  • Nhờ người ngủ cùng phòng với bạn để ý xem bạn có bị nghiến răng khi ngủ hay không.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bruxism/symptoms-causes/syc-20356095
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bruxism/diagnosis-treatment/drc-20356100
  3. https://www.nhs.uk/conditions/teeth-grinding/
  4. https://www.nhs.uk/conditions/teeth-grinding/treatment
Chủ đề:nghiến răng

Các bệnh liên quan

  1. U men xương hàm

  2. Viêm, đau răng

  3. Răng thừa

  4. Hôi miệng

  5. Ung thư răng

  6. Sưng nướu

  7. Sâu răng

  8. U xơ vòm mũi họng

  9. Tưa miệng

  10. Bạch sản