Long Châu

Rối loạn tâm lý lưỡng cực: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Ngày 29/05/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cuộc sống bận rộn và nhiều áp lực khiến bệnh rối loạn tâm lý lưỡng cực trở nên phổ biến hơn. Đây là một bệnh lý có nhiều triệu chứng phức tạp mà bạn cần nhận biết sớm để kịp thời kiểm soát. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay để hiểu rõ hơn về bệnh lý này ngay sau đây nhé!

Người bệnh rối loạn tâm lý lưỡng cực thường được mô tả có những thay đổi bất thường trong tâm trạng, lúc thì quá kích thích, hưng phấn lúc thì chán nản, tuyệt vọng cả trong các hoạt động thường nhật. Không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng mà rối loạn lưỡng cực còn ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày.

Rối loạn tâm lý lưỡng cực là gì? 

Rối loạn tâm lý lưỡng cực (hay rối loạn lưỡng cực) là bệnh lý khiến tâm thần thay đổi thất thường, tâm trạng người bệnh có thể đột ngột hưng cảm hoặc đột ngột trầm cảm. Tình trạng này thường diễn ra theo chu kỳ, có thể lặp lại vài lần trong năm hoặc nhiều lần trong cùng một tuần. 

Không ít người nhầm lẫn rối loạn tâm lý lưỡng cực là trầm cảm, nhất là khi mà trạng thái hưng cảm không được thể hiện rõ ràng. Tuy nhiên, đây là hai bệnh lý khác nhau cả về triệu chứng, đặc điểm lâm sàng và cách để điều trị. Nhận diện các dấu hiệu của chứng rối loạn hưng cảm - trầm cảm sẽ giúp phát hiện bệnh kịp thời, tránh để xảy ra các tình huống nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. 

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết rối loạn tâm lý lưỡng cực 

Rối loạn lưỡng cực được xếp vào nhóm bệnh lý nặng với đa dạng các triệu chứng. Trong đó, tạm thời có thể chia ra trạng thái hưng cảm - trầm cảm với các biểu hiện cụ thể như sau: 

Trạng thái rối loạn tâm lý hưng cảm 

Hành vi của người có cảm xúc hưng phấn và bị kích thích thường có các dấu hiệu như: 

  • Người bệnh ăn uống nhiều hơn;
  • Hoạt động nhiều và hoạt động mạnh vì luôn có cảm giác tràn đầy năng lượng;
  • Giảm khả năng đưa ra quyết định, thường lúng túng trước các vấn đề cần giải quyết;
  • Ham muốn tình dục tăng cao.

Do cảm xúc bị kích thích nên người bệnh luôn có cảm giác lạc quan và vui mừng quá độ và dễ bị tác động và kích động. Người bệnh nói nhiều hơn, nói nhanh hơn thậm chí nói đến khàn giọng. Điều này khiến người bệnh có thể can dự vào nhiều việc với nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng như đầu tư sai lĩnh vực hay tiêu tiền hoang phí.

rối loạn tâm lý lưỡng cực 1

Người bị rối loạn tâm lý hưng cảm luôn có cảm giác dư thừa năng lượng và tăng động

Trạng thái rối loạn tâm lý lưỡng cực trầm cảm 

Ngược lại với trạng thái rối loạn tâm lý hưng cảm, trong trạng thái trầm cảm, người bệnh luôn mang cảm xúc tiêu cực với mọi việc cũng như trì trệ trong mọi hành vi. Cụ thể như:

  • Người bệnh ăn ít hơn;
  • Luôn cảm thấy mệt mỏi và không muốn giao tiếp với xã hội;
  • Mất ngủ hay rối loạn giấc ngủ;
  • Suy nghĩ tiêu cực và lẩn quẩn ý nghĩ tự tử trong đầu. 

rối loạn tâm lý lưỡng cực 2

Cảm xúc tiêu cực luôn quẩn quanh làm người bệnh xuất hiện ý định tự tử nhiều lần

Nguyên nhân gây rối loạn lưỡng cực

Nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn tâm lý lưỡng cực đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, một số các yếu tố nguy cơ sẽ góp phần dẫn đến rối loạn. Chẳng hạn như: 

  • Tâm lý căng thẳng duy trì trong thời gian dài;
  • Lạm dụng hay nghiện rượu, bia và các chất kích thích;
  • Có tiền sử hay người thân trong gia đình từng mắc phải rối loạn tâm lý lưỡng cực hay các bệnh lý tâm thần khác. 

Ngoài ra, trong một số hoàn cảnh hay tình huống căng thẳng nhất định cũng sẽ làm gia tăng khả năng xuất hiện các triệu chứng rối loạn tâm lý lưỡng cực. Ví dụ như: 

  • Gia đình hay tình cảm đổ vỡ;
  • Người thân yêu vừa qua đời đột ngột;
  • Một sự kiện làm thay đổi hoàn toàn định hướng của cuộc sống. 

Cùng với các tình huống này, một số các nhân có thể phát triển các triệu chứng rối loạn tâm thần nhưng số khác thì không.

Phương pháp điều trị rối loạn tâm lý lưỡng cực 

Bệnh rối loạn lưỡng cực không thể chữa khỏi hoàn toàn. Khi được chẩn đoán mắc phải bệnh lý, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc chứa lithium để cân bằng cảm xúc cho bệnh nhân. Song song đó, bác sĩ sẽ theo dõi các biểu hiện của trạng thái hưng cảm - trầm cảm ở bệnh nhân. Nếu bệnh nặng, có thể bệnh nhân sẽ cần duy trì uống thuốc có chứa lithium đến suốt đời. 

Bên cạnh dùng thuốc để cân bằng tâm lý, bác sĩ cũng có thể tiến hành tâm lý trị liệu cá nhân hóa cho từng bệnh nhân. Trong đó, phương pháp này sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và hạn chế những ảnh hưởng do bệnh mang lại nhờ vào việc giúp bệnh nhân điều chỉnh cảm xúc và hành vi.

rối loạn tâm lý lưỡng cực 3

Thuốc chứa lithium thường được chỉ định để giúp bệnh nhân cân bằng cảm xúc và hành vi

Có thể phòng ngừa rối loạn tâm lý lưỡng cực hay không? 

Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn tình trạng rối loạn tâm lý lưỡng cực nhưng bạn có thể xây dựng và duy trì những thói quen sinh hoạt sau đây để làm giảm nguy cơ mắc bệnh: 

  • Luôn đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc, tránh tình trạng thức quá khuya;
  • Tập thể dục thường xuyên và tốt nhất là mỗi ngày từ 15 - 30 phút;
  • Xây dựng các mối quan hệ lành mạnh với mọi người xung quanh.
  • Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tiếp xúc và giao tiếp với mọi người xung quanh nhiều hơn bằng cách tham gia các hoạt động tập thể, đi dã ngoại,...
  • Hạn chế dùng các chất kích thích kể cả cafein và thuốc lá, rượu, bia. 

Rối loạn tâm lý lưỡng cực là một bệnh khó để chẩn đoán và điều trị. Vì thế, khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ rối loạn tâm lý nào hay phát hiện người thân có suy nghĩ tự tử, hãy đi khám bác sĩ ngay.

Hy vọng các thông tin trên đây cũng đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng rối loạn tâm lý hưng cảm - trầm cảm để có kiến thức chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân và gia đình nhé!

Vi Quỳnh 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm