Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rối loạn tiêu hóa kéo dài: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 28/05/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa kéo dài ở người lớn. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn chỉ ra nguyên nhân và cách để khắc phục tình trạng này, hạn chế rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng đến các cơ quan khác, hãy cùng tìm hiểu nhé!

Rối loạn tiêu hóa là tình trạng co thắt bất thường các cơ ở dạ dày và ruột gây ra đau bụng, ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa, hoạt động đại tiện và ảnh hưởng các cơ quan tiêu hóa khác. Nếu các triệu chứng rối loạn tiêu hóa này diễn ra trên 6 tháng được gọi là rối loạn tiêu hóa kéo dài.

Hãy cùng theo dõi bài viết sau để biết nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa kéo dài ở người lớn và cách để khắc phục nhé!

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa kéo dài ở người lớn

Hệ tiêu hóa bắt đầu từ miệng cho đến ruột già, phối hợp nhịp nhàng với nhau để tiêu hóa thức ăn thành chất dinh dưỡng và hấp thu qua thành ống tiêu hóa đi vào máu. Bất kỳ các tác động nào làm cản trở hay đảo ngược quá trình tiêu hóa điển hình như co thắt bất thường các cơ thành ống tiêu hóa đều dẫn đến rối loạn. 

Do đó, không chỉ bệnh lý mà còn rất nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Đặc biệt khi không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, rối loạn tiêu hóa sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa thường gặp: 

Rối loạn tiêu hóa kéo dài do bệnh lý hệ tiêu hóa

Bệnh lý gây rối loạn trên hệ tiêu hóa được phân chia dựa trên các cơ quan tiêu hóa gồm dạ dày, ruột non và ruột già. Cụ thể như: 

  • Viêm dạ dày cấp và mạn, loét dạ dày - tá tràng,...
  • Viêm đại tràng do do lỵ amip, shigella,… hay hội chứng ruột kích thích
  • Các bệnh lý liên quan đến ruột non và viêm ruột non. 

Ngoài ra các bệnh lý ngoài ống tiêu hóa nhưng có liên quan đến hệ tiêu hóa như bệnh lý ở gan, tụy, mật,... cũng có khả năng gây rối loạn tiêu hóa kéo dài ở người lớn. 

rối loạn tiêu hóa kéo dài 1

Rối loạn tiêu hóa kéo dài thường xuất phát từ nhiều bệnh lý trên ống tiêu hóa

Chế độ ăn uống kém khoa học

Hiện nay cuộc sống bận rộn và nhiều áp lực dẫn đến ngày càng có nhiều người mắc các bệnh lý về tiêu hóa. Bởi chế độ ăn uống không điều độ, giờ giấc đảo lộn cũng sẽ làm cho hệ tiêu hóa dễ bị tác động xấu.

Đồng thời với người thường xuyên có những buổi tiệc xã giao, uống rượu nhiều sẽ ảnh hưởng đến cân bằng axit và quá trình lên men thức ăn trong ống tiêu hóa. Triệu chứng điển hình như của tình trạng này là loét dạ dày, tá tràng. 

Lạm dụng kháng sinh quá nhiều

Lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Từ đó, dẫn đến rối loạn quá trình chuyển hóa thức ăn. Đồng thời, đây là nguyên nhân gây rối loạn dạ dày và đường ruột phổ biến khi bạn không tuân thủ chỉ định từ bác sĩ: Uống thuốc không đủ liều và không đúng liều. 

rối loạn tiêu hóa kéo dài 2

Sử dụng kháng sinh sai cách khiến rối loạn tiêu hóa mãi không khỏi

Triệu chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài ở người lớn

Rối loạn tiêu hóa là một hội chứng bao gồm nhiều triệu chứng khác nhau như:

Các triệu chứng rối loạn đại tiện

Rối loạn đại tiện hay dễ hiểu là tình trạng lúc thì táo bón lúc thì tiêu chảy ở người bị rối loạn tiêu hóa kéo dài. Ngoài ra, phân khi đại tiện còn có màu đen, lẫn chất nhầy hoặc lẫn máu. 

Các triệu chứng rối loạn dạ dày

Đau bụng là một trong các triệu chứng điển hình của rối loạn tiêu hóa trên dạ dày. Ngoài ra khi cơ vòng dạ dày co thắt liên tục còn gây ra cảm giác buồn nôn và nôn mửa đồng thời gây trào ngược axit dạ dày thực quản khiến cho bệnh nhân ợ khan, ợ chua.

Đồng thời, khi bị rối loạn tiêu hóa bạn thường xuyên có cảm giác đầy bụng và khó tiêu, nhất là sau khi ăn đồ chiên rán nhiều dầu mỡ. Đặc biệt là vào các buổi chiều, nếu bạn ăn quá nhiều đồ dầu mỡ hay chiên rán sẽ khiến bụng khó chịu và thậm chí là mất ngủ. 

Bên cạnh đó, các triệu chứng này cũng ảnh hưởng đến khẩu vị của người bệnh, gây cảm giác chán ăn và khó nuốt,... Nếu rối loạn tiêu hóa càng kéo dài thì người bệnh sẽ càng sa sút về thể chất và ốm yếu. 

rối loạn tiêu hóa kéo dài 3

Rối loạn tiêu hóa gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho dạ dày và cả hệ tiêu hóa

Cách để chẩn đoán và điều trị chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài

Rối loạn tiêu hóa kéo dài ở người lớn thường do sự chủ quan cộng với việc không được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, như thế sẽ rất nguy hiểm vì có nguy cơ phát triển thành các bệnh lý mãn tính. 

Phương pháp chẩn đoán rối loạn tiêu hóa ở người lớn

Để khắc phục vấn đề tiêu hóa mà bạn đang gặp phải, tốt nhất là nên đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chẩn đoán xác định nguyên nhân và điều trị đúng cách. Một số xét nghiệm dưới đây thường giúp ích cho việc thăm khám và chẩn đoán các bệnh đường tiêu hóa: 

  • Xét nghiệm máu để đánh giá tổng quan về hiện trạng sức khỏe;
  • Xét nghiệm phân để tìm ký sinh trùng (nếu có);
  • Nội soi dạ dày - tá tràng để phát hiện các vị trí tổn thương trên ống tiêu hóa;
  • Siêu âm ổ bụng hoặc chọc dò dịch màng bụng. 

Sau khi xác định được tình trạng và nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và chỉ định điều trị cụ thể cho bệnh nhân. 

Cách khắc phục chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài ở người lớn 

Bên cạnh việc tuân thủ chỉ định điều trị từ bác sĩ, để tránh rối loạn tiêu hóa kéo dài hay tái phát, người bệnh cũng cần kết hợp với một chế độ sinh hoạt và ăn uống phù hợp. 

rối loạn tiêu hóa kéo dài 4

Chế độ ăn uống và sinh hoạt đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị các bệnh về tiêu hóa

Một số lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn hạn chế được tình trạng rối loạn tiêu hóa: 

  • Đảm bảo chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây, đặc biệt là các loại hoa quả như: Chuối, đu đủ, táo,...
  • Hạn chế tối đa rượu, bia, cà phê và các chất kích thích khác. 
  • Không ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ và chất béo động vật. 
  • Tuân thủ nguyên tắc ăn chín, uống sôi để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
  • Tập thể dục thường xuyên và tốt nhất là dành 30 phút mỗi ngày để tập luyện. 
  • Hạn chế thức khuya. Bởi thức khuya và dậy muộn sẽ làm đảo lộn lịch trình sinh hoạt thường nhật và giờ giấc ăn uống. 
  • Bổ sung men vi sinh có chứa lợi khuẩn và enzym tiêu hóa. Lưu ý dù không phải là thuốc nhưng vẫn bạn vẫn nên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế trước khi sử dụng các loại men tiêu hóa. 

Hy vọng các thông tin mà Nhà thuốc Long Châu mang đến trong bài viết này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài (đặc biệt là ở người lớn). Để thông qua đó, bổ sung thêm kiến thức bảo vệ sức khỏe bản thân nhé! 

Vi Quỳnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm