Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng ruột kích thích là gì? Nguyên nhân và phương pháp điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng ruột kích thích là một bệnh về đại tràng, chiếm tỷ lệ cao trong các bệnh lý tại chuyên khoa tiêu hóa. Bệnh có xu hướng ngày càng tăng hiện nay. Vấn đề quản lý và điều trị tốt bệnh lý đại tràng này sẽ giúp người bệnh cải thiện tốt chất lượng cuộc sống. Để biết cách điều trị và phòng ngừa hội chứng ruột kích thích, mời bạn đọc theo dõi bài viết sau đây!

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hội chứng ruột kích thích là gì? 

Bệnh đại tràng chức năng hay còn gọi là hội chứng ruột kích thích là một rối loạn phổ biến ảnh hưởng đến ruột già. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh liên quan đến rối loạn vận động ống tiêu hóa như: Đại tràng dễ kích thích, tăng co bóp đại tràng, đại tràng quá mẫn cảm. Bệnh biểu hiện chủ yếu bởi các triệu chứng rối loạn phân nhưng khi thăm dò không có các tổn thương thực thể của đại tràng.

Hội chứng ruột kích thích là bệnh lành tính rất ít ảnh hưởng đến sức khỏe và thời gian sống. Chỉ một số ít người bị hội chứng ruột kích thích có các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng. Một số người có thể kiểm soát các triệu chứng của họ bằng cách quản lý chế độ ăn uống, lối sống và căng thẳng. Các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể được điều trị bằng thuốc và tư vấn.

Hội chứng ruột kích thích không gây ra những thay đổi trong mô ruột hoặc làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng ruột kích thích

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng ruột kích thích thường gặp là đau bụng, táo bón và tiêu chảy. Các triệu chứng có thể đơn độc hoặc phối hợp với nhau:

  • Đau bụng, chuột rút hoặc chướng bụng liên quan đến việc đi tiêu;

  • Những thay đổi về sự xuất hiện của nhu động ruột;

  • Thay đổi về tần suất bạn đi tiêu.

Triệu chứng đau bụng không có đặc điểm gì cố định, không có vị trí nhất định. Bệnh nhân có thể đau dọc khung đại tràng, đau tăng lên sau ăn, thậm chí chưa ăn xong đã gây đau bụng làm người bệnh phải ngừng ăn, khi ăn phải thức ăn lạ dễ gây đau bụng. Các yếu tố khác như lạnh, nóng cũng có thể gây đau. Đau có thể triền miên nhiều ngày những cũng có thể chỉ 1 – 2 ngày, một tháng có thể đau nhiều ngày, nhưng cũng có bệnh nhân nhiều tháng mới đau một lần.

Phân lỏng hoặc có thể sống, có dịch nhầy lẫn phân, lẫn bọt. Lượng nhầy hoặc bọt nhiều ít tùy theo từng bệnh nhân.

Phân táo: Phân trở nên rắn, chắc, số lần giảm, < 3 lần đại tiện/ tuần. Ngoài phân có thể có dịch nhầy bọc bên ngoài.

Ngoài ra các triệu chứng tại bụng cũng khá thường gặp: Bụng đầy hơi, ậm ạch, trung tiện nhiều, chán ăn, ăn không ngon miệng nhưng không có dấu hiệu sút cân. Toàn trạng không bị ảnh hưởng nhiều. Các triệu chứng khác ngoài tiêu hóa như nhức đầu, mất ngủ, bốc hỏa.

Biến chứng có thể gặp khi mắc hội chứng ruột kích thích

Táo bón mãn tính hoặc tiêu chảy có thể gây ra bệnh trĩ.

Ngoài ra, hội chứng ruột kích thích có thể gây các biến chứng khác như:

  • Chất lượng cuộc sống kém: Nhiều người bị hội chứng ruột kích thích từ trung bình đến nặng cho biết chất lượng cuộc sống kém. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người mắc hội chứng ruột kích thích vắng mặt gấp ba lần số ngày làm việc so với những người không có các triệu chứng về ruột.

  • Rối loạn tâm trạng: Trải qua các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng ruột kích thích có thể dẫn đến trầm cảm hoặc lo lắng. Trầm cảm và lo lắng cũng có thể làm cho IBS tồi tệ hơn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đi khám bác sĩ nếu bạn có sự thay đổi liên tục trong thói quen đi tiêu hoặc các dấu hiệu hoặc triệu chứng khác của hội chứng ruột kích thích. Chúng có thể chỉ ra một tình trạng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như ung thư ruột kết. Các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng hơn bao gồm:

  • Giảm cân;

  • Tiêu chảy vào ban đêm;

  • Chảy máu trực tràng;

  • Thiếu máu do thiếu sắt;

  • Nôn mửa không giải thích được;

  • Khó nuốt;

  • Cơn đau dai dẳng không thuyên giảm khi đi ngoài ra hơi hoặc đi tiêu.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích do các nguyên nhân:

  • Tăng mẫn cảm tạng;

  • Rối loạn vận động ruột;

  • Thay đổi tính thấm ruột;

  • Viêm nhiễm lâm sàng;

  • Chủng vi khuẩn;

  • Yếu tố tâm lý.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) hội chứng ruột kích thích?

Hội chứng ruột kích thích hay xảy ra ở người trẻ tuổi, trước 30 tuổi, tỷ lệ nữ giới mắc nhiều hơn nam giới. 

Có tiền sử gia đình về hội chứng ruột kích thích. Các gen có thể đóng một vai trò nào đó, cũng như các yếu tố được chia sẻ trong môi trường của một gia đình hoặc sự kết hợp của các gen và môi trường.

Có lo lắng, trầm cảm hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Tiền sử lạm dụng tình dục, thể chất hoặc tình cảm cũng có thể là một yếu tố nguy cơ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) hội chứng ruột kích thích

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích: 

  • Trạng thái lo lắng, rối loạn tình cảm, khó khăn khi hòa nhập xã hội hay nghề nghiệp.

  • Món ăn: Vai trò của dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm trong hội chứng ruột kích thích chưa được hiểu đầy đủ. Dị ứng thực phẩm thực sự hiếm khi gây ra hội chứng ruột kích thích. Nhưng nhiều người có các triệu chứng hội chứng ruột kích thích tồi tệ hơn khi họ ăn hoặc uống một số loại thực phẩm hoặc đồ uống, bao gồm lúa mì, các sản phẩm từ sữa, trái cây họ cam quýt, đậu, bắp cải, sữa và đồ uống có ga.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng ruột kích thích

Tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng ruột kích thích gồm có 6 triệu chứng:

Đau thay đổi khi nghỉ;

Đau bụng nhưng kèm phân mềm hơn;

Đau bụng kèm phân thường là bình thường;

Bụng chướng;

Phân có nhầy;

Đại tiện không hết phân.

Các xét nghiệm giúp chẩn đoán hội chứng ruột kích thích gồm:

  • Xét nghiệm thường quy: Công thức máu, tốc độ lắng máu, đường huyết, ion đồ.
  • Xét nghiệm để chẩn đoán: T3, T4, TSH, các marker ung thư; Xét nghiệm phân, ký sinh trùng đường ruột; Siêu âm bụng, X-Quang đại tràng, nội soi đại tràng-trực tràng; Các kỹ thuật chuyên sâu về chẩn đoán hình ảnh: Defecography, CT, MRI, DSA,...

Phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích hiệu quả

Điều trị triệu chứng đau bụng

Thuốc tác động vào hệ thần kinh ruột tác dụng giảm đau, giảm các triệu chứng đầy bụng, căng chướng:

Thuốc kháng cholinergic: Atropin, scopolanin, hyoscin;

Thuốc chống co thắt: Mebeverin, Alverin;

Thuốc chủ vận của thụ thể opiate: Trimebutin;

Ức chế kênh calci: Pinaverium, nifedipin. 

Điều trị táo bón

Thuốc nhuận tràng gồm có nhiều nhóm thuốc: Chỉ định điều trị khi có triệu chứng táo bón mạn tính kéo dài, có thể chỉ định táo bón cấp tính cần theo dõi sát để phát hiện các bệnh lý kèm theo:

Nhuận tràng thẩm thấu;

Nhóm thuốc tăng nhu động;

Nhóm thuốc tăng tạo khối lượng phân;

Nhuận tràng dạng thụt, đặt;

Thuốc làm mềm phân (parafin);

Nhóm nhuận tràng kích thích (phenolphthalein, bisacodyl).

Điều trị triệu chứng tiêu chảy

Thuốc chống tiêu chảy: Loperamid (giảm nhu động ruột), smecta.

Điều trị toàn thân

Tác động hệ thần kinh trung ương: Chống trầm cảm loại 3 vòng Amintriptylin, Sulpiride (Dogmatil).

Bổ sung các nhóm vitamin, các yếu tố vi lượng như magne, kẽm giúp cải thiện vận động ống tiêu hóa.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng ruột kích thích

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Đi đôi với việc ăn kiêng, bệnh nhân cần luyện tập thói quen đi đại tiện vào giờ nhất định dù là táo bón hay tiêu chảy. Luyện tập thói quen đi đại tiện ngày một lần vào buổi sang, cần làm động tác xoa bụng trước khi đi ngoài để kích thích gây cảm giác đi ngoài. Nếu đi phân lỏng nhiều lần cũng phải tập đi ít lần bằng cách cố nhịn. Luyện tập phải công phu và kiên trì.

  • Thay đổi môi trường sống để tạo không khí thoải mái, dễ chịu như tắm biển, suối nước nóng,…

Chế độ dinh dưỡng:

  • Điều kiện quan trọng giúp điều trị thành công. Trước hết cần ăn kiêng các thức ăn không thích hợp như tôm, cua, cá, những thức ăn khó tiêu, sinh hơi nhiều như khoai lang. Kiêng thức ăn gây kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, các thức ăn gia vị như hạt tiêu ớt, các thức ăn có đường lactose, đa số người bệnh rồi loạn cơ năng đại tràng bị thiếu lactase. Không nên ăn các thức ăn chứa nhiều cellulose khó tiêu như cam, xoài, mít,…

  • Đối với người táo bón thì nên ăn thêm rau chống táo bón. Đối với tiêu chảy cần ăn thức ăn đặc dễ tiêu. Đối với người đầy hơi không dùng đồ uống có gaz.

  • Khi ăn nên nhai kỹ, ăn chậm, không nên ăn quá nhiều một lúc.

Phương pháp phòng ngừa hội chứng ruột kích thích hiệu quả

Chưa có phương pháp phòng ngừa hội chứng rụột kích thích hiệu quả.

Nguồn tham khảo
  1. Bệnh học nội khoa, Trường Đại học Y dược Hà Nội

  2. https://www.msdmanuals.com/

  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/irritable-bowel-syndrome/symptoms-causes/syc-20360016

  4. https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/irritable-bowel-syndrome

  5. https://www.webmd.com/ibs/guide/digestive-diseases-irritable-bowel-syndrome

  6. https://www.healthline.com/health/irritable-bowel-syndrome

Các bệnh liên quan

  1. Gan nhiễm mỡ không do rượu

  2. Bệnh celiac

  3. Co thắt tâm vị

  4. Nhiễm vi khuẩn Salmonella

  5. Hội chứng thận hư bẩm sinh

  6. Hội chứng kẹp hạt dẻ

  7. Hội chứng Mallory-Weiss

  8. Sỏi bùn túi mật

  9. Sán lá ruột

  10. Mang thai