Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rối loạn tuần hoàn tai trong: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 16/06/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh rối loạn tuần hoàn tai trong hay còn gọi là rối loạn tai trong, là một bệnh lý tai mũi họng nguy hiểm. Nếu không được điều trị sớm, rối loạn tuần hoàn tai trong sẽ gây ra biến chứng ảnh hưởng lớn tới thính lực.

Trong cơ thể con người, tai là cơ quan rất quan trọng. Đây là cơ quan có cấu tạo vô cùng phức tạp với 3 phần gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. Không chỉ có chức năng nghe, tai còn có vai trò giữ thăng bằng cho cơ thể.

Tai trong là phần trong cùng của cấu tạo tai, gồm ốc tai, các ống bán khuyên và tiền đình. Tai trong có chức năng chuyển xung động âm thanh thành xung động thần kinh và chính là phần then chốt trong việc điều chỉnh thăng bằng cho cơ thể.

Rối loạn tuần hoàn tai trong: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 1 Tai là cơ quan có cấu trúc phức tạp

Vậy rối loạn tuần hoàn tai trong là gì? Biểu hiện và nguyên nhân gây bệnh? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Rối loạn tuần hoàn tai trong là gì?

Rối loạn tai trong hay còn gọi là rối loạn vận mạch tai trong là hiện tượng các mạch máu trong tai bị tắc nghẽn hoặc tai bị thiếu máu dẫn tới lưu lượng máu ở tai trong không ổn định. Lý do bởi vì trong cơ thể con người, mạch máu có nhiệm vụ cung cấp oxy, năng lượng và chất lỏng tới các bộ phận khác nhau nhằm duy trì hoạt động bình thường, các mạch máu ở tai trong cũng vậy. Tuy nhiên, vì một số lý do nào đó khiến việc cung cấp máu bị ảnh hưởng, thậm chí tắc nghẽn gây ra tình trạng rối loạn tuần hoàn tai trong.

Lúc này, các tế bào lông ở tai trong không được đảm bảo đủ năng lượng khiến hoạt động gửi tín hiệu âm thanh đến não không hiệu quả, từ đó gây ra hiện tượng nghe kém, ù tai, nghe kém, tổn thương dao động của màng nhĩ… Nếu tình trạng này kéo dài không được xử trí có thể gây điếc hoàn toàn. 

Triệu chứng điển hình của chứng bệnh rối loạn tuần hoàn tai trong

Rối loạn vận mạch tai trong thường biểu hiện thông qua các triệu chứng như cơn chóng mặt kéo dài từ 1 - 6 giờ, thậm chí có thể kéo dài đến 24 giờ ở một số trường hợp đặc biệt. Đồng thời, người bệnh sẽ xuất hiện thêm các dấu hiệu kèm theo như buồn nôn và nôn, vã mồ hôi, tiêu chảy, đi không vững. Bên cạnh đó, người bị rối loạn tai trong có thể bị thêm các triệu chứng dễ nhận biết sau:

  • Ù tai: Thường chỉ xuất hiện ở bên tai bị bệnh, có thể kéo dài liên tục hoặc diễn ra trong thời gian ngắn. Người bệnh sẽ luôn có cảm giác có tiếng ồn trong tai như tiếng côn trùng kêu, tiếng máy bay…
  • Suy giảm thính lực: Hầu hết người bệnh sẽ cảm thấy tai đầy, áp lực sâu trong tai, điều này có thể làm giảm khả năng nghe so với bình thường.
Rối loạn tuần hoàn tai trong: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 2 Ù tai, nghe kém là những triệu chứng rối loạn tuần hoàn tai trong hay gặp

Trong giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng rối loạn tuần hoàn tai trong sẽ không rõ rệt và xen kẽ giữa các cơn. Nhưng nếu kéo dài trên một năm thì những dấu hiệu này sẽ kéo dài và dần chuyển biến xấu hơn. 

Rối loạn tuần hoàn tai trong do nguyên nhân gì?

Rối loạn tai trong được biết là tình trạng thiếu máu, mạch máu bị tắc nghén khiến tai trong không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do sự thay đổi áp lực và thể tích của nội dịch mê nhĩ. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ dẫn đến việc tích tụ nội dịch có thể kể đến như: Bệnh rối loạn tự miễn, tiền sử gia đình, người bị dị ứng, tiền sử chấn thương ở đầu và tai, tai trong chứa dị vật, viêm tai, viêm dây thần kinh thính giác, viêm tắc mạch máu,...

Các phương pháp chẩn đoán rối loạn vận mạch tai trong

Để chẩn đoán rối loạn tuần hoàn tai trong, bác sĩ có thể dựa vào các triệu chứng lâm sàng với các dấu hiệu nghe kém, chóng mặt, ù tai, áp lực trong tai… Tuy nhiên, các dấu hiệu này thường dễ nhầm lẫn do rất giống với triệu chứng các bệnh lý như viêm dây thần kinh tiền đình, đột quỵ, viêm mê nhĩ… Do đó, các bác sĩ có thể sẽ chỉ định thêm các phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng để khẳng định.

  • Đo thính lực chụp MRI: Người bị bệnh sẽ có kết quả nghe kém tiếp nhận tần số thấp ở tai bệnh. 
  • Nghiệm pháp Fukuda: Nghiệm pháp này thực hiện bằng cách người bệnh đứng dậm chân tại chỗ kèm nhắm mắt lại, thường được chỉ định để phân biệt với cơn meniere. 
  • Nghiệm pháp Halmagyi hoặc test đẩy đầu: Người bệnh cần nhìn thẳng vào mục tiêu phía trước, nhân viên y tế sẽ nhanh chóng xoay đầu của bệnh nhân từ 15 đến 30 độ sang một bên bất kỳ rồi quan sát mắt của người bệnh.
Rối loạn tuần hoàn tai trong: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 3 Đo thính lực là cách chẩn đoán rối loạn tuần hoàn tai trong

Hội chứng rối loạn tai trong cần điều trị như thế nào?

Cách chữa rối loạn tuần hoàn tai trong chủ yếu là làm giảm các triệu chứng của bệnh, bao gồm:

  • Sử dụng thuốc chống nôn nhằm làm giảm các triệu chứng ở đường tiêu hóa. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thêm thuốc kháng histamin hoặc các loại thuốc benzodiazepine nhằm làm dịu hệ thống tiền đình.
  • Dùng thuốc chứa corticosteroid uống hoặc tiêm qua màng nhĩ dexamethasone nếu người bệnh bị rối loạn tai trong cấp tính hoặc dùng thuốc lợi tiểu để giảm triệu chứng chóng mặt.

Ngoài ra, khi các phương pháp điều trị rối loạn tuần hoàn tai trong dùng thuốc để bảo tồn chức năng không mang lại hiệu quả thì phẫu thuật hủy diệt sẽ được xem xét. Phương pháp này chỉ được chỉ định trong trường hợp người bệnh có các cơn cấp tính nghiêm trọng, người bị điếc sâu hoặc không đáp ứng với các phương thức điều trị ít xâm lấn.

Bên cạnh phác đồ điều trị bằng thuốc, người bệnh nên tuân thủ chế độ ăn nhạt giảm lượng muối dưới 1,5g/ngày, tránh xa rượu bia, cà phê để tăng hiệu quả điều trị bệnh.

Trên đây là toàn bộ thông tin về hội chứng rối loạn tuần hoàn tai trong. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về căn bệnh ít người biết này. Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường như ù tai, chóng mặt, nghe kém, hãy đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa Tai mũi họng để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

An An 

Nguồn Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm