Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rung giật nhãn cầu ngang là gì?Có chữa được không?

Ngày 28/07/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rung giật nhãn cầu có nhiều kiểu: Rung giật nhãn cầu ngang, rung giật nhãn cầu dọc, rung giật nhãn cầu quay. Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết về hội chứng rung giật nhãn cầu ngang.

Tùy theo chuyển động của mắt ở bệnh nhân bị rung giật nhãn cầu, căn bệnh này được phân loại thành các dạng khác nhau. Theo các bác sĩ nhãn khoa, mắt của người bị rung giật nhãn cầu có thể chuyển động ngang, dọc hay xoay tròn. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tình trạng rung giật nhãn cầu ngang.

Rung giật nhãn cầu là gì?

Rung giật nhãn cầu là tình trạng mắt chuyển động một cách bất thường, không theo chủ ý, không thể kiểm soát. Sự chuyển động bất thường này có nhịp, có chu kỳ và lặp lại liên tục. Rung giật nhãn cầu thường xảy ra ở cả 2 mắt nhưng đôi khi cũng chỉ xuất hiện ở một mắt. 

Bệnh có thể xuất hiện do yếu tố di truyền, bẩm sinh nhưng cũng có khi là bệnh mắc phải hoặc thứ phát. Nhưng dù là sinh lý hay bệnh lý, rung giật nhãn cầu cũng đều liên quan đến sự bất thường ở hệ thống thị giác, hệ thống tiền đình hay não bộ…Bệnh lý này có thể được phát hiện ở độ tuổi trẻ sơ sinh. Theo thống kê, cứ 1000 trẻ sẽ có từ 2 - 3 trẻ bị rung giật nhãn cầu. 

Rung giật nhãn cầu ngang là gì?

Ở người bị rung giật nhãn cầu, mắt họ có thể chuyển động theo chiều ngang, dọc hoặc xoay tròn tùy mỗi bệnh nhân. Rung giật nhãn cầu ngang là tình trạng mắt di chuyển theo phương ngang liên tục. Tình trạng này thường xuất hiện ở những bệnh nhân có một bên bán cầu đại não bị tổn thương hoặc bệnh nhân bất đồng khúc xạ, có tật khúc xạ ở mức nặng.

Về phía bán cầu đại não bình thường, chuyển động của mắt có xu hướng chậm đều. Về bên bán cầu đại não bị tổn thương, chuyển động của mắt có xu hướng nhanh dần. 

rung giật nhãn cầu ngang 1 Bị rung giật nhãn cầu ngang, mắt chuyển động theo phương ngang

Rung giật nhãn cầu ngang chữa được không?

Giống như bất cứ dạng rung giật nhãn cầu nào, rung giật nhãn cầu ngang sẽ không thể chữa khỏi hoàn toàn. Ở một số bệnh nhân, tình trạng này có thể giảm dần theo thời gian mà không cần áp dụng bất cứ biện pháp can thiệp nào. Nhưng ở một số khác, nhãn cầu rung giật ảnh hưởng đến thị giác theo cấp độ từ nhẹ đến nghiêm trọng. 

Dù không khỏi 100%, nhưng tin vui là vẫn có biện pháp giúp người bệnh cải thiện rung giật nhãn cầu. Tùy tình trạng bệnh lý sẵn có, mức độ nặng - nhẹ của bệnh rung giật nhãn cầu, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân… các bác sĩ sẽ tư vấn các điều trị phù hợp. 

Điều bệnh nhân rung giật nhãn cầu cần làm là không tự ý mua thuốc về sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ. Khi có biểu hiện rung giật nhãn cầu, việc đầu tiên cần làm là đi khám chuyên khoa để xác định đúng nguyên nhân gây bệnh. Từ đó, các bác sĩ mới có thể chỉ định phương pháp điều trị hiệu quả. 

  • Nếu nguyên nhân do bán cầu đại não bị tổn thương, bệnh nhân cần được điều trị, phục hồi bán cầu đại não. 
  • Nếu bệnh nhân bị bất đồng khúc xạ hay khúc xạ 2 mắt không đều có thể khắc phục bằng cách đeo các loại kính khúc xạ. 
  • Bệnh nhân bị tật khúc xạ ở mức nặng (mắt nhìn mờ do không thể hội tụ hình ảnh trên võng mạc) có thể điều trị bằng đeo kính hoặc phẫu thuật…
rung giật nhãn cầu ngang 2 Bệnh nhân có tật khúc xạ nặng dễ bị rung giật nhãn cầu ngang

Điều trị và khắc phục rung giật nhãn cầu ngang

Bệnh nhân bị rung giật nhãn cầu theo chuyển động ngang có thể vừa áp dụng các biện pháp cải thiện rung giật tại nhà, vừa điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Dưới đây là một vài biện pháp được bác sĩ nhãn khoa tư vấn cho bệnh nhân rung giật nhãn cầu:

Điều chỉnh thói quen sinh hoạt

Thói quen sinh hoạt của bệnh nhân gồm có thói quen ăn uống, thói quen sử dụng thuốc, sử dụng các thiết bị điện tử… Với những bệnh nhân bị rung giật nhãn cầu, thị giác bị giảm đi đáng kể. Bệnh nhân có thể khắc phục bằng cách: 

  • Đảm bảo không gian sống và làm việc đủ ánh sáng nhưng không có nguồn sáng chói gắt. 
  • Đeo các loại kính màu để giảm cảm giác khó chịu và sợ ánh sáng. 
  • Sử dụng cỡ chữ to và tăng độ sáng màn hình máy tính, điện thoại.
  • Không sử dụng các chất kích thích và chất gây nghiện. 

Đeo kính khắc phục tật khúc xạ

Nhiều trường hợp bệnh nhân bị rung giật nhãn cầu ngang được bác sĩ tư vấn đeo các loại kính cho tật khúc xạ. Các loại kính này sẽ giúp thị lực được cải thiện, nhờ đó có thể giảm phần nào tình trạng rung giật nhãn cầu. Tuy nhiên, những bệnh nhân mắc hội chứng này không nên đeo kính áp tròng. Khi mắt di chuyển liên tục sẽ tạo ma sát có thể làm tổn thương mắt. 

rung giật nhãn cầu ngang 3 Bệnh nhân được chỉ định đeo kính khắc phục tật khúc xạ

Sử dụng các loại thuốc điều trị

Biện pháp sử dụng các loại thuốc chỉ được áp dụng ở bệnh nhân rung giật nhãn cầu là người trưởng thành. Tùy trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ kê thuốc chống viêm, thuốc chống nhiễm trùng mắt, thuốc kháng sinh… Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần sử dụng thuốc để điều trị căn nguyên gây bệnh.

Tiêm Botulinum toxin để giảm rung giật nhãn cầu

Botulinum toxin là thuốc ức chế dẫn truyền thần kinh cơ. Thuốc này được tiêm hậu cầu hoặc vào cơ nhằm mục đích làm mất triệu chứng rung giật nhãn cầu tạm thời. Tuy nhiên, cách này chỉ có hiệu quả tạm thời nên muốn duy trì cần tiêm liên tục. Thuốc có tác dụng phụ gây tình trạng song thị (hội chứng nhìn đôi) hoặc sụp mí. 

Phẫu thuật cơ vận nhãn

Một số bệnh nhân rung giật nhãn cầu ngang được bác sĩ chỉ định phẫu thuật trên cơ vận nhãn. Tùy trường hợp cụ thể, mức độ thành công của ca phẫu thuật sẽ khác nhau. Các bác sĩ phẫu thuật có thể thực hiện thủ thuật Anderson hay Kestenbaum hoặc lùi, cắt 4 cơ trục ngang để giảm tối đa tình trạng nhãn cầu rung giật.

Rung giật nhãn cầu ngang gây nên nhiều bất tiện trong cuộc sống người bệnh. Bệnh lý này không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể khắc phục và giảm đáng kể bằng những biện pháp nói trên. Để biết đâu là biện pháp phù hợp nhất với mình, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa khám và tư vấn.

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm