Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rung giật nhãn cầu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục

Ngày 26/07/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rung giật nhãn cầu là bệnh lý về mắt khá phổ biến. Căn bệnh làm giảm tầm nhìn, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người bệnh. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết.

Rung giật nhãn cầu không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn làm giảm khả năng nhìn của người bệnh. Điều này gây ra rất nhiều sự bất tiện và làm giảm chất lượng cuộc sống người mang bệnh. Vậy nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục bệnh rung giật nhãn cầu là gì?

Rung giật nhãn cầu là gì?

Rung giật nhãn cầu là gì? Đây là một bệnh lý về mắt có thể xảy ra do bẩm sinh hoặc thứ phát. Rung giật nhãn cầu còn được gọi là hội chứng “mắt nhảy múa” là tình trạng mắt chuyển động bất thường theo nhịp. Các dao động của nhãn cầu mắt có nhịp, có chu kỳ lặp lại và không tự ý. Tình trạng này có thể xảy ra ở một mắt hoặc cả 2 mắt. Nó có thể bắt nguồn từ những bất thường của hệ thống tiền đình hoặc hệ thống thị giác. 

Bản thân người bệnh không thể kiểm soát được tình trạng mắt nhìn không cố định này. Nhãn cầu rung giật trước hết làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Quan trọng hơn cả, tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nhìn của người bệnh. Không ít bất tiện trong cuộc sống có thể phát sinh từ đây. 

rung giật nhãn cầu 1 Ở bệnh nhân rung giật nhãn cầu, mắt chuyển động và họ không tự chủ được

Rung giật nhãn cầu xảy ra khi nào?

Hội chứng rung giật nhãn cầu xảy ra khi nào? Trước tiên, chúng ta cần biết cơ chế điều khiển sự vận động của nhãn cầu để mắt có thể nhìn rõ hình ảnh. Mắt người có thể nhìn rõ một vật ảnh rơi vào đúng hoàng điểm trung tâm khi có sự phối hợp của 3 yếu tố: 

  • Sự định thị ở vị trí nguyên phát: Nếu ảnh không rơi đúng hoàng điểm trung tâm, hệ thống thị giác sẽ phát tín hiệu để điều khiển hệ vận nhãn. Chuyển động của nhãn cầu được định hướng lại đến khi ảnh rơi đúng vị trí hoàng điểm trung tâm.
  • Phản xạ tiền đình – mắt: Mối liên kết thần kinh này có tác dụng duy trì định thị hoàng điểm khi đầu chuyển động. 
  • Sự phối hợp thần kinh: Hệ thống tiền đình, các nhân vận nhãn và tiểu não sẽ phối hợp để duy trì vị trí và điều khiển vận động của nhãn cầu. Chúng phải phối hợp “ăn ý” và hoạt động bình thường mới có thể giúp nhãn cầu ở đúng vị trí thăng bằng nguyên phát. 

Khi có bất kỳ bất thường hay rối loạn nào ở 1 trong 3 cơ chế bên trên, chuyển động của nhãn cầu sẽ bị ảnh hưởng. Đây là lúc hội chứng rung giật nhãn cầu xảy ra.

Nguyên nhân rung giật nhãn cầu

Nguyên nhân gây nên hội chứng rung giật nhãn cầu được xác định dựa vào những đặc điểm và biểu hiện của người bệnh. Một số nguyên nhân phổ biến gây nên căn bệnh này như:

Rung giật nhãn cầu bẩm sinh do di truyền

Ở người bị nhãn cầu rung giật bẩm sinh do di truyền, nhãn cầu có xu hướng di chuyển xoay ngang. Bệnh thường xuất hiện khi trẻ được 2 - 3 tháng tuổi, mức độ thường nhẹ. Một số vấn đề có thể gây ra rung giật nhãn cầu bẩm sinh như: 

  • Trẻ bị bệnh bạch tạng.
  • Trẻ bẩm sinh không có mống mắt.
  • Dây thần kinh thị giác của trẻ kém phát triển.
  • Trẻ bị đục thủy tinh thể bẩm sinh.
  • Trẻ mắc bệnh mù bẩm sinh Leber.
  • Trẻ bị mù màu.
  • Trẻ mắc các bệnh lý liên quan đến hoàng điểm như giảm sản hoàng điểm…
rung giật nhãn cầu 2 Rung giật nhãn cầu có 2 loại: bẩm sinh và mắc phải

Bất thường, u bướu hoặc chấn thương ở hệ tiền đình

Hệ tiền đình bất thường khiến phản xạ tiền đình, mắt không đồng đều cũng là lý do dẫn đến chứng rung giật nhãn cầu. Ngoài ra, các chấn thương hoặc u bướu ở hệ tiền đình cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. 

Bất thường hệ vận nhãn

Nếu bệnh nhân không bị tổn thương ở võng mạc, hoàng điểm và thị lực vẫn tốt, nguyên nhân rung giật nhãn cầu có thể do bất thường ở hệ vận nhãn. Các triệu chứng rung giật sẽ thỉnh thoảng xuất hiện hoặc thường xuyên. Kèm theo đó là biểu hiện mất thăng bằng, chóng mặt. Những bất thường ở hệ vận nhãn thường đi kèm các bệnh lý khác như chấn thương não, tai biến mạch máu não

Spasmus nutans - hội chứng gật đầu co cứng

Trẻ mắc hội chứng gật đầu co cứng cũng có thể bị rung giật nhãn cầu. Khi trẻ gật hoặc nghiêng đầu, mắt có thể di chuyển theo bất kỳ hướng nào. Hội chứng này có thể xảy ra ở trẻ 6 tháng tuổi đến 3 tuổi. Tình trạng có thể tự cải thiện khi trẻ 2 - 8 tuổi. Hầu hết trẻ bị rung giật nhãn cầu trong trường hợp này không cần điều trị. 

Chứng rung giật nhãn cầu mắc phải

Rung giật nhãn cầu mắc phải là bệnh rung giật nhãn cầu cấp tính. Đây có thể là hậu quả của việc sử dụng chất gây nghiện, chất kích thích, nhiễm độc, chấn thương hoặc rối loạn…

Triệu chứng rung giật nhãn cầu 

Bệnh nhân bị rung giật nhãn cầu thường có các triệu chứng như:

  • Mắt chuyển động một cách mất kiểm soát. Thông thường, tình trạng này xảy ra ở cả 2 mắt nhưng cũng có khi chỉ xảy ra ở một mắt. 
  • Nhãn cầu mắt có tốc độ di chuyển không ổn định, lúc nhanh lúc chậm. 
  • Khả năng nhìn của người bị hội chứng nhãn cầu rung giật giảm hẳn. Mắt nhìn có thể bị mờ nhòe. Việc nhìn trong bóng tối rất khó khăn nhưng họ cũng rất sợ ánh sáng chói. 
  • Để có thể nhìn rõ hơn, bệnh nhân thường duy trì một tư thế bất thường hoặc cố gắng nghiêng đầu, cúi đầu. 
  • Nhiều người bệnh phải sống chung với tình trạng khó giữ thăng bằng và chóng mặt. 
rung giật nhãn cầu 3 Người bệnh bị suy giảm khả năng nhìn, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày

Giảm tình trạng rung giật nhãn cầu

Hiện tại không có biện pháp đặc trị để khắc phục hoàn toàn chứng rung giật nhãn cầu. Căn bệnh này không thể điều trị dứt điểm. Nhưng các bệnh nhân có thể cải thiện rung giật nhãn cầu giảm những cách sau:

  • Đeo các loại kính điều chỉnh tật khúc xạ để cải thiện thị lực và kiểm soát rung giật phần nào. 
  • Điều trị bằng thuốc là cách được áp dụng cho người lớn. Các loại thuốc sẽ cải thiện thị giác và hạn chế ảnh hưởng khác đến thị giác. 
  • Một số bệnh nhân được chỉ định tiêm botulinum toxin hậu cầu. Loại thuốc này có thể kiểm soát chứng rung giật tạm thời nhưng muốn duy trì hiệu quả phải tiêm đi tiêm lại. Biện pháp này cũng đi kèm chứng song thị hay sụp mí. 
  • Những trường hợp nặng sẽ được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật.

Ngay khi phát hiện những dấu hiệu bệnh rung giật nhãn cầu, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám. Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp các bác sĩ xác định phương pháp điều trị phù hợp nhất. 

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm