Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rung giật nhãn cầu bẩm sinh có chữa được không? Chữa thế nào?

Ngày 27/07/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rung giật nhãn cầu có nhiều nguyên nhân do bẩm sinh hoặc thứ phát. Vậy rung giật nhãn cầu bẩm sinh có chữa được không? Cùng tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây!

Rung giật nhãn cầu là tính trạng mắt lắc nhanh không có chủ ý theo các hướng lên, xuống, ngang, dọc hoặc xoay tròn khiến không thể nhìn cố định vào một điểm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người bệnh. Đây là lý do nhiều người quan tâm đến thông tin rung giật nhãn cầu bẩm sinh có chữa được không?

Rung giật nhãn cầu bẩm sinh là gì?

Rung giật nhãn cầu là gì?

Rung giật nhãn cầu là tình trạng mắt chuyển động một cách bất thường nhưng có nhịp, theo chu kỳ lặp lại và không theo ý thức điều khiển của con người. Tình trạng này trong hầu hết trường hợp xảy ra ở 2 mắt, những vẫn có những trường hợp chỉ xảy ra ở 1 mắt. 

Nhiều người nghĩ rung giật nhãn cầu chỉ gây mất thẩm mỹ và làm người bệnh thiếu tự tin. Nhưng thực tế, tình trạng bệnh lý này làm giảm khả năng nhìn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Có những người phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của người khác, thậm chí phải đối mặt với những nguy hiểm liên quan đến tính mạng chỉ vì chứng rung giật nhãn cầu. 

rung giật nhãn cầu bẩm sinh có chữa được không 1 Rung giật nhãn cầu bẩm sinh có thể phát hiện khi trẻ 2 - 3 tháng tuổi

Rung giật nhãn cầu bẩm sinh là gì?

Rung giật nhãn cầu có 2 loại: Rung giật nhãn cầu bẩm sinh và rung giật nhãn cầu thứ phát. Rung giật nhãn cầu bẩm sinh thường được phát hiện khi trẻ 2 - 3 tháng tuổi. Lúc này người lớn quan sát có thể thấy mắt trẻ có xu hướng di chuyển kiểu xoay ngang. Câu hỏi được các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân quan tâm nhất lúc này là rung giật nhãn cầu bẩm sinh có chữa được không?

Theo các bác sĩ chuyên khoa, rung giật nhãn cầu do bẩm sinh đa phần đều ở mức nhẹ. Bệnh có thể xuất phát từ những vấn đề tiềm ẩn khác như: 

  • Bệnh bạch tạng hoặc bệnh giảm sản hoàng điểm liên quan đến bệnh bạch tạng.
  • Thiếu mống mắt bẩm sinh.
  • Kém phát triển dây thần kinh thị giác bẩm sinh.
  • Mắt bị bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh.
  • Trẻ mắc hội chứng mù bẩm sinh Leber
  • Trẻ mắc chứng mù màu bẩm sinh.
  • Bệnh lý liên quan đến hoàng điểm.

Muốn biết một người có bị rung giật nhãn cầu bẩm sinh hay không, các bác sĩ sẽ căn cứ vào bệnh sử cá nhân, khả năng nhìn, hoạt động của mắt bằng cách:

  • Tìm hiểu bệnh sử của cá nhân và gia đình bệnh nhân. 
  • Tìm hiểu điều kiện môi trường sống hoặc làm việc của bệnh nhân. 
  • Đánh giá các loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng. 
  • Kiểm tra mức độ ảnh hưởng thị lực thông qua đo tầm nhìn. 
  • Kiểm tra khúc xạ mắt bằng thiết bị chuyên dụng.
  • Kiểm tra các chuyển động mắt.
rung giật nhãn cầu bẩm sinh có chữa được không 2 Qua thăm khám, các bác sĩ sẽ chẩn đoán được bệnh rung giật nhãn cầu bẩm sinh

Rung giật nhãn cầu bẩm sinh có chữa được không?

Vậy khi chẩn đoán được chính xác người bệnh bị rung giật nhãn cầu bẩm sinh, các bác sĩ có thể chữa khỏi không? Một tin không mấy vui là hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho chứng bệnh này. Bệnh rung giật nhãn cầu dù do bẩm sinh hay không cũng không thể điều trị dứt điểm 100%. Trong một số trường hợp, tình trạng rung giật nhãn cầu sẽ giảm dần khi trẻ lớn mà không cần áp dụng bất kỳ biện pháp can thiệp hay hỗ trợ nào. 

Những trường hợp khác, nếu không can thiệp kịp thời, đúng cách, người bệnh có thể phải đối mặt với các hậu quả như: 

  • Mất thẩm mỹ, giảm tự tin trong giao tiếp và cuộc sống.
  • Tầm nhìn mờ và hạn chế, đặc biệt là trong điều kiện thiếu ánh sáng.
  • Mắt khó chịu khi ánh sáng quá chói gắt.
  • Thường xuyên phải duy trì tư thế bất thường để có thể nhìn rõ mọi vật hơn. 
  • Khó giữ thăng bằng và chóng mặt thường xuyên ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. 
  • Nhiều bệnh nhân phải phụ thuộc vào người khác, mất tự chủ trong cuộc sống. 
  • Không ít người không được làm những công việc mình yêu thích vì chứng rung giật nhãn cầu. 
  • Bệnh nhân mất đi nhiều cơ hội trong công việc, tình yêu, cuộc sống…
rung giật nhãn cầu bẩm sinh có chữa được không 3 Bệnh nhân bị rung giật nhãn cầu gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống

Bị rung giật nhãn cầu bẩm sinh cần làm gì?

Dù các bác sĩ chuyên khoa cho biết bệnh rung giật nhãn cầu bẩm sinh không chữa khỏi được hoàn toàn nhưng vẫn có cách để giảm cải thiện rung giật nhãn cầu. Tùy tình trạng của từng bệnh nhân, các bác sĩ sẽ tư vấn biện pháp phù hợp nhất. Những cách được áp dụng phổ biến như:

  • Bệnh nhân bị tật khúc xạ có thể được chỉ định đeo kính để ổn định quá trình điều tiết của mắt. Các loại kính phù hợp sẽ giúp vật ảnh rơi đúng hoàng điểm và người bệnh nhìn rõ hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân không được đeo kính áp tròng bởi nhãn cầu rung giật sẽ dễ gây tổn thương giác mạc. 
  • Các loại thuốc hỗ trợ chức năng thị giác cũng được chỉ định dùng cho người lớn. Trong nhóm thuốc bác sĩ kê cho bệnh nhân có thể có thuốc kháng sinh, thuốc chống nhiễm trùng, thuốc chống viêm,...
  • Một số trường hợp được chỉ định tiêm Botulinum toxin (một loại thuốc ức chế dẫn truyền thần kinh - cơ). Thuốc này có tác dụng làm mất chứng rung giật nhãn cầu tạm thời. Muốn duy trì hiệu quả bệnh nhân cần tiêm thuốc thường xuyên. Vì thuốc có thể gây tác dụng phụ như sụp mí, song thị… nên sẽ chỉ được dùng khi rung giật nhãn cầu làm ảnh hưởng nhiều đến thị lực. 
  • Với các bệnh nhân bị ảnh hưởng thị lực nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cơ vận nhãn. 

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể chủ động khắc phục triệu chứng khó chịu của chứng rung giật nhãn cầu bằng cách: 

  • Ngừng sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện.
  • Tăng cường ăn các thực phẩm tốt cho mắt.
  • Tập các bài thể dục hỗ trợ chức năng của mắt, đảm bảo ánh sáng xung quanh ở mức hợp lý.
  • Có thể đeo kính màu để giảm độ chói mắt…
rung giật nhãn cầu bẩm sinh có chữa được không 4 Phẫu thuật cải thiện nhãn cầu rung giật khi thị lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Rung giật nhãn cầu bẩm sinh có chữa được không? Câu trả lời là không thể chữa khỏi 100%. Tuy nhiên vẫn có cách để giảm tình trạng rung giật nhãn cầu. Hãy chăm sóc thật tốt cho đôi mắt của mình và đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay khi cần thiết bạn nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm