Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Siêu âm là gì? Hướng dẫn quy trình kỹ thuật siêu âm

Ngày 09/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cùng sự phát triển của y học hiện đại đã cho ra đời nhiều phương pháp chẩn đoán khác nhau với độ chính xác cao, cho phép phát hiện những bất thường bên trong cơ thể con người. Trong đó siêu âm là phương pháp kỹ thuật phổ biến, hiệu quả và an toàn. Bài viết dưới đây giúp bạn tìm hiểu siêu âm là gì cũng như hướng dẫn quy trình kỹ thuật siêu âm.

Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện những dấu hiệu bất thường bên trong cơ thể người. Trong đó, kỹ thuật siêu âm cho phép các bác sĩ kiểm tra, tầm soát và đánh giá những bất thường trên những bộ phận khác nhau với độ chính xác và an toàn cao. Hãy cùng tìm hiểu siêu âm là gì cũng như hướng dẫn quy trình kỹ thuật siêu âm nhé!

Siêu âm là gì?

Siêu âm có tên tiếng Anh là Ultrasound, là phương pháp sử dụng đầu dò phát sóng âm, tần số cao để ghi lại những hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể và trả kết quả thông qua những hình ảnh y khoa, hỗ trợ việc chẩn đoán nhiều bệnh lý.

Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, không gây hại, không gây đau cho người sử dụng và có thể thực hiện nhiều lần nếu cần thiết. Nhờ sự phát triển của máy móc, trang thiết bị hiện đại mà chất lượng hình ảnh siêu âm ngày càng thể hiện rõ nét, giúp nâng cao tỷ lệ chẩn đoán chính xác bệnh, hỗ trợ bác sĩ trong chẩn đoán, đưa ra phương pháp điều trị đúng đắn và hiệu quả.

sieu-am-la-gi-huong-dan-quy-trinh-ky-thuat-sieu-am 1.jpg
Siêu âm là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh quan trọng, được sử dụng phổ biến

Hiện nay, kỹ thuật siêu âm được sử dụng để khảo sát nhiều bộ phận, cơ quan khác nhau trong cơ thể như tim, gan, lá lách, thận, dạ dày, túi mật, tuyến giáp, buồng trứng, tử cung, mạch máu, thai nhi… với mục đích là phát hiện những khối u bất thường, những sự thay đổi bên trong các cơ quan hay sự phát triển của thai nhi bên trong bụng người mẹ. Kỹ thuật này tương đối phổ biến, hiệu quả và độ an toàn cao, tuy nhiên nó chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ.

Các loại kỹ thuật siêu âm

Dưới đây là một số loại kỹ thuật siêu âm được sử dụng phổ biến hiện nay:

Siêu âm 3D: Đây là một trong những kỹ thuật được chỉ định nhiều nhất hiện nay. Kỹ thuật này thường được dùng trong trường hợp hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý, thường gặp nhất là khám thai. Đầu dò siêu âm sẽ thu nhận, đồng thời phản xạ lại kết quả thông qua hình ảnh không gian ba chiều rõ nét.

Siêu âm 4D: Kỹ thuật này được phát triển dựa trên nền tảng siêu âm 3D. Bên cạnh những tính năng tương tự kỹ thuật siêu âm 3D, siêu âm 4D còn cho phép quan sát được sự cử động của thai nhi. Thông qua đó, bố mẹ có thể quan sát con yêu rõ nét, chân thật đến từng cử động.

Siêu âm Doppler: Kỹ thuật này được áp dụng nhiều nhất trong siêu âm thai kỳ và siêu âm tim mạch. Nhờ khả năng đo được sự chuyển động bên trong mạch máu, siêu âm Doppler cho phép phát hiện sớm và chính xác những dị tật trong hình thái của thai nhi và sự bất thường bên trong mạch máu.

sieu-am-la-gi-huong-dan-quy-trinh-ky-thuat-sieu-am 2.jpg
Kỹ thuật siêu âm hiện đại cho phép quan sát sự chuyển động của thai nhi bên trong bụng mẹ

Siêu âm tim: Kỹ thuật này sử dụng sóng siêu âm để nghiên cứu cấu trúc, từ đó đưa ra chẩn đoán về những bệnh lý ở tim. Đầu dò sẽ phát tín hiệu tìm kiếm, thể hiện lại qua hình ảnh về tình trạng co bóp của tim một cách rõ nét. Dựa vào hình ảnh này, các bác sĩ cũng có thể đánh giá được tư thế, vị trí, kích thước buồng tim, để từ đó phát hiện những bất thường trong cấu trúc tim, u xơ hay có dị tật gì bên trong tim không.

Siêu âm ổ bụng: Là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được áp dụng trong trường hợp cần quan sát cấu trúc của các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể. Một số bệnh lý có thể được phát hiện thông qua siêu âm ổ bụng như: Viêm gan, xơ gan, áp xe gan, viêm ruột thừa, sỏi thận, viêm túi mật, dị dạng đường mật, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, ung thư tuyến tiền liệt

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật siêu âm

Chuẩn bị siêu âm

Tuỳ vào bộ phận được kiểm tra mà người tham gia sẽ cần có những sự chuẩn bị khác nhau. Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu người tham gia siêu âm nhịn ăn ít nhất 8 tiếng trước siêu âm. Đặc biệt, nếu thực hiện siêu âm bụng nhưng thức ăn chưa được tiêu hoá sẽ ảnh hưởng đến sóng âm thanh, gây khó khăn cho kỹ thuật viên khi thực hiện, khiến hình ảnh không được rõ nét và thiếu độ chính xác hơn bình thường.

Nếu thực hiện kiểm tra siêu âm gan, túi mật, lách, tuyến tụy thì người tham gia sẽ được yêu cầu chế độ ăn uống không chất béo vào buổi tối trước khi thực hiện siêu âm, vẫn có thể uống nước hoặc một số loại thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, đối với siêu âm vùng chậu, người tham gia sẽ được yêu cầu uống thật nhiều nước và nhịn tiểu để bàng quang đầu nước, mang lại kết quả rõ nét và chính xác hơn.

Trước khi thực hiện siêu âm, người tham gia cần cung cấp đầy đủ những thông tin về tiền sử bệnh, loại thuốc đang sử dụng, tuân thủ những chỉ định và lưu ý của bác sĩ trước khi thực hiện siêu âm.

sieu-am-la-gi-huong-dan-quy-trinh-ky-thuat-sieu-am 3.jpg
Cần tuân thủ các hướng dẫn thực hiện kỹ thuật siêu âm để kết quả siêu âm chính xác nhất

Quy trình thực hiện

Trước tiên, bác sĩ siêu âm sẽ dùng một loại gel bôi trơn đặc biệt để thoa đều lên vùng da. Công dụng của loại gel này đó là giúp đầu dò tiếp xúc an toàn với cơ thể, loại bỏ được những bọt khí giữa đầu dò và lớp da ảnh hưởng đến sự truyền sóng âm trong cơ thể.

Bác sĩ sẽ đặt đầu dò lên làn da và tiến hành di chuyển qua lại ở khu vực cần kiểm tra, thực hiện liên tục cho đến khi thu được kết quả như mong muốn. Tùy vào vị trí cần kiểm tra mà bác sĩ sẽ yêu cầu người tham gia thay đổi tư thế phù hợp để đầu dò có thể tiếp cận tốt hơn. Thông thường, lực ép từ đầu dò lên khu vực được kiểm tra sẽ không gây ra cảm giác đau hay khó chịu. Tuy nhiên, đối với những vùng da có lớp mô mỏng, đôi khi sẽ có cảm giác hơn tức hoặc đau nhẹ và nhanh chóng hồi phục về trạng thái bình thường sau đó.

Kết thúc quá trình siêu âm, người tham gia sẽ được lau sạch lớp gel bôi trơn. Thời gian siêu âm thường kéo dài từ 15 - 30 phút tùy vào vị trí được kiểm tra.

Sau siêu âm

Sau siêu âm, người tham gia có thể vận động, hoạt động bình thường. Kết quả siêu âm sẽ được ghi lại và thể hiện trên màn hình quan sát, dựa vào đó, bác sĩ sẽ phát hiện được những điểm bất thường nếu có. Bác sĩ có thể sẽ chỉ định thêm một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như CT, MRI, sinh thiết… để củng cố độ chính xác của chẩn đoán và đưa ra phương án điều trị tốt nhất, phù hợp nhất.

Kỹ thuật siêu âm đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong tầm soát, phát hiện sớm bất thường cũng như bệnh lý trong cơ thể, chẩn đoán chính xác và can thiệp điều trị kịp thời. Trên đây là hướng dẫn quy trình kỹ thuật siêu âm, hy vọng sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về quy trình cũng như ý nghĩa của nó đối với y học.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin