Siêu âm mắt là gì? Siêu âm mắt cho biết những bệnh gì?
Thùy Linh
06/03/2025
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Siêu âm mắt là một phương pháp được sử dụng phổ biến để chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến mắt bằng cách kiểm tra chi tiết cấu trúc bên trong mắt. Kỹ thuật siêu âm mắt thường được tiến hành nhanh chóng, không gây đau nhức hay xâm lấn. Vậy siêu âm mắt là gì và quy trình siêu âm mắt diễn ra như thế nào? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thêm về kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này qua bài viết sau đây nhé!
Siêu âm mắt là một trong những kỹ thuật giúp xác định tổn thương ở mắt cũng như phát hiện các căn bệnh mà mắt đang gặp phải một cách chính xác nhất. So với các phương pháp khám mắt từ bên ngoài, kỹ thuật này giúp bác sĩ có cái nhìn chi tiết và tổng quan hơn về cấu trúc của mắt. Hãy cùng tham khảo một số thông tin trong bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về siêu âm mắt và quy trình của nó nhé!
Siêu âm mắt là gì?
Siêu âm mắt, còn được gọi là siêu âm nhãn cầu, là phương pháp truyền trực tiếp sóng âm thanh với tần số cao vào mắt, tạo nên sự phản xạ sóng âm thanh để giúp ghi lại những hình ảnh chi tiết về cấu trúc bên trong của mắt. Quá trình siêu âm mắt thường chỉ kéo dài từ 15-30 phút, kỹ thuật này giúp các bác sĩ chuyên khoa quan sát và kiểm tra kỹ lưỡng cấu trúc bên trong mắt người bệnh để đưa ra chẩn đoán và chỉ định chính xác nhất. Đặc biệt với các trường hợp mắc chứng đục thủy tinh thể, xuất huyết tự phát, xuất huyết tiền phòng hoặc chấn thương ở mắt, việc siêu âm mắt giúp bác sĩ nhìn thấy rõ bán phần sau của mắt.
Hiện nay có 2 kỹ thuật siêu âm mắt, bao gồm A-scan và B-scan, A-scan chủ yếu giúp bác sĩ quan sát bán phần trước của mắt còn B-scan có thể cho ra hình ảnh toàn bộ cấu trúc của mắt. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kết hợp sử dụng cả 2 kỹ thuật A-scan và B-scan nhằm nâng cao hiệu quả chẩn đoán và thu thập đầy đủ thông tin về tình trạng của mắt.
Siêu âm mắt là phương pháp giúp ghi lại những hình ảnh chi tiết về cấu trúc bên trong của mắt
Siêu âm mắt cho biết những bệnh gì?
Vậy siêu âm mắt có thể giúp bác sĩ chẩn đoán những bệnh lý nào? Sau đây là một số bệnh lý có thể được dùng phương pháp siêu âm mắt để xác định:
Trong một số trường hợp, siêu âm mắt còn được sử dụng để đo kích thước và mức độ phát triển của khối u trong mắt nhằm xác định các liệu pháp điều trị phù hợp.
Bác sĩ có thể phát hiện các dị vật trong mắt dễ dàng nhờ vào phương pháp siêu âm mắt
Dấu hiệu cần siêu âm mắt
Khi người bệnh bị chấn thương hoặc mắc phải một số vấn đề không rõ nguyên nhân ở vùng mắt, bác sĩ sẽ yêu cầu tiến hành siêu âm mắt nhằm tìm hiểu chính xác vấn đề người bệnh đang gặp phải. Một số dấu hiệu bạn cần tiến hành siêu âm mắt càng sớm càng tốt bao gồm:
Có dị vật trong mắt: Côn trùng, bụi bẩn hoặc các dị vật khác bị mắc kẹt trong mắt, người bệnh không thể tự loại bỏ dị vật.
Xuất huyết trong mắt: Khi người bệnh gặp tình trạng xuất huyết vùng nội nhãn, bác sĩ cần siêu âm mắt để kiểm tra kỹ vị trí bị xuất huyết, mức độ xuất huyết và kiểm tra bán phần sau của mắt để đưa ra phương án xử lý phù hợp.
Hình thành khối u ở mắt: Sự tăng sinh tế bào trong mắt dẫn đến hình thành khối u lạ ở vùng mắt.
Bong võng mạc: Người bệnh gặp tình trạng nhìn thấy chớp sáng, mất thị trường, màn đen trước mắt.
Đục thủy tinh thể: Xuất hiện những đám mây mờ trong mắt, gây cản trở tầm nhìn.
Tăng nhãn áp: Tổn thương thị giác do áp lực thủy dịch tăng cao một cách bất thường, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến mù lòa.
Mặt khác, siêu âm mắt cũng là phương pháp được sử dụng để tìm hiểu kỹ hơn về các biểu hiện bất thường hoặc khi người bệnh mắc các bệnh lý liên quan đến thần kinh thị giác.
Khi người bệnh bị xuất huyết ở mắt, bác sĩ sẽ yêu cầu siêu âm mắt để đưa ra chẩn đoán phù hợp
Siêu âm mắt để làm gì?
Vậy siêu âm mắt cụ thể để làm gì? Kỹ thuật siêu âm mắt có mục đích chính là giúp bác sĩ đánh giá toàn diện cấu trúc bên trong mắt. Sau đây là một số tác dụng của phương pháp siêu âm mắt:
Chẩn đoán các bệnh lý về mắt: Siêu âm mắt giúp cung cấp cái nhìn tổng quan và chi tiết về cấu tạo mắt và hốc mắt. Dựa vào đó, bác sĩ có thể nhanh chóng phát hiện các bệnh lý về mắt như dị vật trong mắt, chấn thương mắt, xuất huyết trong mắt, khối u, bong võng mạc, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp,...
Đánh giá tình trạng dây thần kinh thị giác: Giúp đo đường kính bao thần kinh thị giác (ONSD - Optic Nerve Sheath Diameter) để phát hiện dấu hiệu tăng áp lực nội sọ.
Hỗ trợ trước và sau phẫu thuật mắt: Đánh giá hình dạng, độ dày của giác mạc trước khi phẫu thuật đục thủy tinh thể hoặc ghép giác mạc. Kiểm tra tình trạng võng mạc sau phẫu thuật mắt.
Đối với các trường hợp bệnh lý khác nhau, bác sĩ sẽ áp dụng kỹ thuật siêu âm mắt khác nhau, bao gồm A-scan và B-scan. Các kỹ thuật này được sử dụng cho những mục đích như sau:
Kỹ thuật A-scan: Hỗ trợ đo kích thước mắt và chủ yếu giúp bác sĩ quan sát bán phần trước của mắt. Kỹ thuật này đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình cấy ghép thấu kính cho người mắc bệnh đục thủy tinh thể.
Kỹ thuật B-scan: Cho ra kết quả hình ảnh chi tiết của toàn bộ cấu trúc của mắt và hốc mắt. Qua đó, bác sĩ có thể đưa ra đánh giá chuẩn xác về tổng thể tình hình của nhãn cầu và chức năng thị lực của người bệnh. Kỹ thuật này cung cấp thông tin đầy đủ hơn so với kỹ thuật siêu âm mắt A-scan, giúp bác sĩ chẩn đoán và theo dõi điều trị các bệnh lý về mắt hiệu quả hơn.
Mục đích chính của kỹ thuật siêu âm mắt là để giúp bác sĩ đánh giá toàn diện cấu trúc bên trong mắt
Quy trình siêu âm cho mắt
2 kỹ thuật siêu âm mắt A-scan và B-scan đều có quy trình tương đối giống nhau, tuy vậy chúng vẫn có một số điểm khác biệt. Sau đây là quy trình siêu âm cho mắt, bạn có thể tham khảo:
Trước khi siêu âm mắt
Trước khi bắt đầu tiến hành siêu âm mắt, người bệnh có thể không phải chuẩn bị bất cứ điều gì, việc ăn uống và sinh hoạt của người bệnh có thể diễn ra bình thường trước khi tiến hành siêu âm. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sử dụng một số loại thuốc nhỏ mắt hoặc uống thuốc theo chỉ định điều trị của bác sĩ nếu có.
Người bệnh có thể sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ trước khi siêu âm mắt
Tiến hành siêu âm mắt
Khi bắt đầu tiến hành siêu âm mắt, bác sĩ sẽ hướng dẫn tư thế ngồi hoặc nằm cho người bệnh. Nếu áp dụng kỹ thuật siêu âm mắt A-scan, người bệnh cần phải mở mắt và nhìn thẳng về phía trước. Bác sĩ sẽ bôi trơn đầu dò bằng gel chuyên dụng và đặt ngay trước mắt người bệnh để tiến hành quét. Đối với kỹ thuật siêu âm mắt B-scan, người bệnh có thể nhắm mắt nhưng cần cử động nhãn cầu theo yêu cầu và hướng dẫn của bác sĩ. Đầu dò được bôi trơn bằng gel chuyên dụng được đặt lên mí mắt của người bệnh và tiến hành quét nhẹ nhàng.
Lưu ý, siêu âm mắt không gây đau rát, trừ khi sử dụng đầu dò tiếp xúc trực tiếp với giác mạc, khi đó bệnh nhân có thể có cảm giác khó chịu nhẹ. Cảm giác này có thể biến mất ngay sau đó, do đó người bệnh cần hết sức bình tĩnh, thoải mái và phối hợp làm theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình siêu âm.
Nếu áp dụng kỹ thuật siêu âm mắt A-scan, người bệnh cần phải mở mắt và nhìn thẳng về phía trước
Sau khi siêu âm mắt
Sau khi thực hiện siêu âm mắt, người bệnh không cần phải kiêng cử gì trong sinh hoạt. Một số người có thể gặp phải tình trạng mờ mắt, trạng thái này có thể kéo dài từ khoảng 15-30 phút. Lúc này, người bệnh không nên dụi mắt để tránh gây tổn thương cho mắt. Người bệnh cũng nên ngồi lại cơ sở y tế để chờ thị lực trở lại bình thường trước khi ra về. Để đảm bảo an toàn cho bản thân, người bệnh nên di chuyển bằng phương tiện công cộng hoặc nhờ người thân đưa đón.
Đọc kết quả siêu âm mắt
Bác sĩ nhãn khoa thường sẽ đọc kết quả siêu âm mắt ngay sau khi hoàn tất quá trình siêu âm. Đầu tiên, bác sĩ sẽ đọc kết quả kỹ thuật siêu âm mắt A-scan để đánh giá chi tiết về kích thước và các số đo khác của mắt. Sau đó, bác sĩ sẽ tiếp tục đọc kết quả của kỹ thuật siêu âm mắt B-scan, giúp tìm hiểu kỹ hơn về cấu trúc nội nhãn, bán phần sau của mắt và hốc mắt. Từ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh lý, đánh giá tổn thương và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh.
Bác sĩ nhãn khoa thường sẽ đọc kết quả siêu âm mắt ngay sau khi hoàn tất quá trình siêu âm
Siêu âm mắt giá bao nhiêu?
Rất nhiều người thắc mắc liệu dịch vụ siêu âm mắt có đắt tiền hay không, siêu âm mắt giá bao nhiêu? Câu trả lời cho câu hỏi trên là tùy thuộc vào cơ sở y tế, trang thiết bị, máy móc, chất lượng dịch vụ và đội ngũ chuyên khoa của cơ sở mà giá của dịch vụ siêu âm mắt có thể khác nhau. Để biết thông tin chính xác và cập nhật nhất, bạn nên liên hệ trực tiếp với cơ sở y tế dự định thăm khám.
Những thực phẩm nên ăn sau khi siêu âm mắt
Người bệnh không cần kiêng cữ trong sinh hoạt hàng ngày sau khi siêu âm mắt, tuy vậy, người bệnh có thể bổ sung dinh dưỡng cho mắt với một số loại thực phẩm tốt cho mắt để duy trì thị lực khỏe mạnh:
Các loại rau củ có màu đỏ: Người bệnh nên tiêu thụ các loại rau củ có màu đỏ như cà rốt thường xuyên. Beta carotene, một chất chống oxy hóa, có trong cà rốt có thể hỗ trợ giảm nguy cơ gây đục thủy tinh thể ở mắt.
Ớt chuông, súp lơ, bắp cải: Đây là những loại rau quả được xem như các nguồn cung vitamin C dồi dào, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chống oxy hóa, bảo vệ mắt và giúp mắt sáng khỏe hơn.
Khoai lang mật: Khoai lang mật cũng có chứa beta carotene, có lợi cho mắt.
Cải bó xôi: Cải bó xôi hay còn gọi là rau chân vịt, có chứa các thành phần như beta-carotene, vitamin C, zeathanxin và lutein. Các thành phần dinh dưỡng này giúp làm tăng mật độ sắc độ của tế bào có trong điểm vàng, giúp mắt phục hồi nhanh chóng và hiệu quả.
Thịt gà tây, đà điểu, cá mòi và cá hồi: Đây là những thực phẩm được cho là có lợi cho mắt, giúp mắt luôn khỏe mạnh.
Thêm vào đó, bạn cũng có thể bổ sung thêm các loại dầu gấc, dầu cá,... Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thực phẩm chức năng như trên để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mình.
Cà rốt có thể hỗ trợ giảm nguy cơ gây đục thủy tinh thể ở mắt
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về siêu âm mắt cũng như các quy trình thực hiện siêu âm mắt và các thông tin liên quan. Nếu bạn gặp phải bất cứ vấn đề bất thường nào ở vùng mắt hoặc xuất hiện dấu hiệu về các bệnh lý thị giác, hãy lập tức tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ để tiến hành thăm khám, siêu âm mắt và nhận sự điều trị phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.