Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Sinh mổ ăn khoai lang được không?

Ngày 20/08/2022
Kích thước chữ

Sau sinh mổ, chị em phụ nữ thường quan tâm đến chế độ ăn vì lo sợ sẽ ảnh hưởng đến vết mổ. Vậy khoai lang có nằm trong danh sách loại trừ hay không? Liệu sinh mổ ăn khoai lang được không?

Khoai lang là thực phẩm khá quen thuộc với gia đình Việt. Không chỉ ngon, dễ ăn mà khoai lang còn rất giàu giá trị dinh dưỡng. Nhưng với phụ nữ sinh mổ ăn khoai lang được không, liệu có ảnh hưởng gì đến vết mổ sau cơn vượt cạn hay không? 

Khoai lang thuộc nhóm thực phẩm nào? 

Thực phẩm thường được phân thành 4 nhóm tùy theo thành phần dinh dưỡng nhiều nhất có trong đó, bao gồm nhóm chất bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và khoáng chất. Khoai lang là thực phẩm thuộc nhóm chất bột đường, với vai trò cung cấp năng lượng cho các hoạt động và chức năng quan trọng nhất của cơ thể. 

Khoai lang là một loại rau củ nằm ở dưới đất. Khoai lang có nhiều kích cỡ và màu sắc khác nhau như cam, trắng, tím, vàng... Theo nghiên cứu, thành phần dinh dưỡng của khoai lang trong 100 gam phần ăn được bao gồm 119 Kcal năng lượng, 0,8g protein, 0,2g lipid, 28,5g glucid, 1,3g chất xơ… 

sinh mổ ăn khoai lang được không 1 Khoai lang là thực phẩm thuộc nhóm chất bột đường

Khoai lang được xem là loại lương thực, thực phẩm tốt cho việc cung cấp tinh bột trong khẩu phần ăn, hỗ trợ quá trình tiêu hóa vì khoai lang rất dễ tiêu và chứa nhiều chất xơ giúp nhuận tràng. Khoai lang chứa rất ít chất béo và không có Cholesterol. Ngoài ra, khoai lang còn chứa một số chất có lợi cho sức khỏe như: Beta caroten có thể chuyển thành Vitamin A, Chlorogenic acid và Anthocyanin giúp chống oxy hóa…

Không những vậy, khoai lang còn được có thể làm chín bằng nhiều cách với từng hương vị đặc trưng như khoai lang luộc, khoai lang nướng... Vì thế, đây là loại thực phẩm phổ biến và rất được nhiều người yêu thích.

Lợi ích của khoai lang với phụ nữ sau sinh mổ

Vậy phụ nữ sau sinh mổ ăn khoai lang được không? Dưới đây là những lợi ích của khoai lang với phụ nữ sau sinh mổ. 

Cung cấp vitamin và khoáng chất

Khoai lang chứa một lượng vitamin C rất dồi dào, giúp tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra vitamin D trong khoai lang giúp hỗ trợ hấp thu canxi tốt cho răng và hệ xương, lượng Beta carotene - tiền chất của vitamin A cũng giúp duy trì đôi mắt sáng, làn da cũng được nuôi dưỡng từ sâu bên trong. Nhờ thế, trẻ bú mẹ sẽ có làn da khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc các bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh.

Không những vậy, khoai lang còn là thực phẩm giàu giàu protein và sắt, hỗ trợ quá trình phục hồi vết thương sau phẫu thuật diễn ra nhanh hơn. Do đó, mẹ sau sinh mổ không nên bỏ qua loại “thực phẩm vàng” này. 

sinh mổ ăn khoai lang được không 2 Khoai lang được coi là “thực phẩm vàng” với phụ nữ sau sinh mổ

Ngăn ngừa tình trạng táo bón

Rất nhiều chị em sau sinh gặp nan giải với bài toán táo bón. Khoai lang với lượng chất xơ dồi dào giúp cải thiện tình trạng này một cách hiệu quả. Với mẹ sau sinh mổ, táo bón thường khiến mẹ bị đau nhiều hơn ở vết mổ khi đi đại tiện. Vì thế, mẹ nên bổ sung khoai lang vào thực đơn để giải quyết nỗi lo về đường ruột nhé! 

Điều chỉnh đường huyết

Khoai lang có chứa chất bột đường tự nhiên không làm tăng đường huyết ở phụ nữ sau sinh mà ngược lại còn giúp thẩm thấu vào máu, cân bằng đường huyết, cung cấp năng lượng cho cơ thể, giúp quá trình hồi phục sức khỏe nhanh hơn. 

Kháng viêm hiệu quả

Nhiều chị em lo lắng rằng liệu sinh mổ ăn khoai lang có bị mưng mủ không? Tuy nhiên, mẹ hãy gạt đi nỗi lo này bởi khoai lang không những không mưng mủ mà còn hỗ trợ quá trình tái tạo da, làm lành vết thương nhanh hơn. Bởi khoai lang rất giàu chất chống oxy hóa, có đặc tính kháng viêm. Do đó, với phụ nữ vừa trải qua sinh mổ, khoai lang là một thực phẩm hỗ trợ đắc lực để vết mổ nhanh lành, giảm nguy cơ viêm nhiễm hoặc nhiễm trùng. 

sinh mổ ăn khoai lang được không 3 Khoai lang hỗ trợ quá trình tái tạo da, giúp vết mổ sau sinh nhanh lành hơn

Tốt cho tim mạch

Với hàm lượng vitamin B6 dồi dào, khoai lang có khả năng làm giảm Homocysteine trong cơ thể. Đây là loại hợp chất liên quan đến các bệnh lý thoái hóa và tim mạch. Nồng độ Homocysteine trong máu cao có thể gây ra nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Do đó, bổ sung khoai lang vào thực đơn sẽ giúp mẹ ngăn ngừa được các chứng bệnh này hiệu quả. 

Giúp mẹ kiểm soát cân nặng

Khoai lang giàu dinh dưỡng nhưng không cung cấp quá nhiều chất béo cho cơ thể. Mặc dù có vị ngọt nhưng ăn khoai lang không làm tăng đường huyết hay tăng cân. Thành phần đường tự nhiên này cũng rất tốt cho cơ thể. Do đó, mẹ có thể sử dụng khoai lang để không còn lo lắng cân nặng sau sinh tăng lên mất kiểm soát. 

Sinh mổ ăn khoai lang được không? 

Với những lợi ích của khoai lang trên đây, mẹ không còn phải băn khoăn sau sinh mổ ăn khoai lang được không. Tuy nhiên, khi sử dụng thực phẩm này vào chế độ ăn hằng ngày, mẹ cần lưu ý những vấn đề sau đây:

  • Mẹ không nên ăn quá nhiều khoai lang khi bụng đói vì có thể gây tăng tiết dịch vị dạ dày, làm nóng ruột, ợ chua hoặc trướng bụng. 
  • Lượng ăn khoai lang phù hợp nhất là từ 1 - 2 củ/ngày, mỗi tuần từ 2 - 3 lần. 
  • Vỏ khoai lang chứa nhiều vitamin và khoáng chất, vì thế nếu đã rửa kỹ mẹ có thể không loại bỏ vỏ khoai lang. 
  • Mẹ nên luộc, hấp hoặc nướng khoai lang, hạn chế ăn các món dùng nhiều dầu mỡ như khoai lang chiên. 
  • Sau khi mua về, mẹ không nên tích trữ khoai lang trong thời gian quá lâu, bảo quản ở nơi khô ráo, tránh chuột bọ. 
sinh mổ ăn khoai lang được không 4 Mẹ nên ưu tiên các món luộc hoặc hấp thay vì chiên rán khoai lang
  • Mẹ tuyệt đối không ăn khoai lang đã mọc mầm hoặc có vỏ xanh vì có thể chứa nhiều chất độc gây hại cho sức khỏe. 
  • Tuy khoai lang giàu tinh bột và dinh dưỡng nhưng mẹ không dùng khoai lang để thay thế bữa ăn hằng ngày. Mẹ nên ăn cùng với các loại thực phẩm đa dạng như trứng, cá, thịt, rau củ… để đảm bảo dưỡng chất cho cơ thể. 

Như vậy, với những thông tin hữu ích trên đây, mẹ đã có câu trả lời chính xác cho câu hỏi “sinh mổ ăn khoai lang được không?”. Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe cho cả bản thân và trẻ, mẹ nên cân đối chế độ dinh dưỡng, ăn uống khoa học và vận động nhẹ nhàng, sớm phục hồi thể trạng và duy trì nguồn sữa dồi dào cho bé bú nhé! 

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm