Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sinh non 34 tuần có nuôi được không?

Ngày 08/07/2022
Kích thước chữ

Sinh non là một vấn đề mà tất cả phụ nữ mang thai đều rất sợ và luôn lo lắng vì những ảnh hưởng tiêu cực của việc này đến sức khỏe của mẹ và bé. Vậy nguyên nhân dẫn đến sinh non là gì và đối với trẻ sinh non 34 tuần có nuôi được không là những thắc mắc mà các mẹ bầu đều rất quan tâm.

Hầu như tỷ lệ sống sót của trẻ sinh non ở tuần thứ 34 của thai kỳ là khá cao mặc dù vần kèm theo các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, cách chăm sóc đúng cách trẻ sinh thiếu tháng là hết sức quan trọng. Bài viết này sẽ giúp bạn có câu trả lời cho câu hỏi “Sinh non 34 tuần có nuôi được không?”

Thế nào là sinh non?

Một thai kỳ bình thường sẽ kéo dài từ 38 đến 40 tuần và có thể đảm bảo em bé được sinh ra an toàn, khỏe mạnh. Nếu trẻ được sinh sớm hơn, từ tuần 37 trở về trước được coi là sinh non và tuổi thai càng thấp thì nguy cơ tử vong do các biến chứng hoặc sống sót nhưng phải đối mặt với tình trạng khuyết tật suốt đời bao gồm khuyết tật tim mạch, thần kinh, thị giác và thính giác càng cao.

Sinh non 34 tuần có nuôi được không? 1 Trẻ sinh trước 37 tuần thai được gọi là sinh non

Phân loại mức độ sinh non:

  • Sinh cực non: Dưới 28 tuần thai kỳ.
  • Sinh rất non: Từ 28 đến 31 tuần 6 ngày thai kỳ.
  • Sinh non vừa: Từ 32 tuần đến 33 tuần 6 ngày thai kỳ.
  • Sinh non muộn: Từ 34 tuần đến 36 tuần 6 ngày thai kỳ.

Biểu hiện trẻ sinh non:

  • Cân nặng thấp (dưới 2,5kg).
  • Dễ bị hạ thân nhiệt, hạ đường huyết…
  • Phổi trẻ chưa phát triển hoàn thiện nên dễ bị suy hô hấp dẫn đến tử vong. Nếu sống sót thì nguy cơ cao gặp các vấn đề về đường hô hấp như viêm phổi mạn tính, mắc loạn sản phổi…
  • Trẻ chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm thân, Dễ mắc các bệnh về tiêu hóa như teo thực quản, teo ruột non…hay chức chức năng thận yếu, dễ bị mất nước, rối loạn tiêu hóa.
  • Trẻ có nguy cơ thiếu máu, nhiễm trùng cao.
  • Chậm tăng cân và phát triển chiều cao.
  • Dễ mắc các dị tật bẩm sinh như mù, điếc, tim bẩm sinh…

Nguyên nhân sinh non ở tuần thứ 34 thai kỳ

Nguy cơ gặp phải biến chứng tỷ lệ nghịch với tuổi thai. Do đó, trẻ sinh non 34 tuần tuổi sẽ phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng về sức khỏe. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng sinh non.

Từ phía người mẹ

  • Tử cung dị dạng bẩm sinh hay mắc phải, cổ tử cung ngắn, hở eo tử cung là các điều kiện thuận lợi gây sinh non.
  • Tiền căn sinh non hay đã từng nạo thai, sẩy thai cũng sẽ có nguy cơ sinh non cao hơn.
  • Thai phụ có tiền sử mắc các bệnh về tim, gan, thận hay gặp tai biến sản khoa như sản giật, tiền sản giật. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến một số bệnh mạn tính như cao huyết áp thai kỳ, bệnh lý thận, đái tháo đường týp 1, thiếu máu cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non.
  • Mẹ bầu có các bệnh lý viêm nhiễm như nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai, viêm đài - bể thận hay mẹ bầu gặp tai nạn, chấn thương ở bụng.
  • Ngoài ra, một số thói quen không tốt trong lối sống cũng khiến tuổi thai bị rút ngắn như ăn uống kém, suy dinh dưỡng, hút thuốc lá, uống rượu, lao động nặng nhọc quá sức.

Từ phía bào thai

  • Đa thai (sinh đôi trở lên) dẫn đến tử cung quá lớn, nước ối quá nhiều là nguyên nhân gây sinh non ở tuần 34 thai kỳ.
  • Vỡ ối non dễ kích thích các cơn gò tử cung, thúc đẩy chuyển dạ sinh non.
  • Nhiễm trùng gây viêm màng ối làm kích thích cơn gò tử cung.
  • Đa ối, đặc biệt là khi kết hợp với thai dị tật cũng thường gây sớm chuyển dạ sinh non.
  • Nhau tiền đạo, nhau bong non gây xuất huyết trước sinh.
  • Thiểu năng nhau khiến thai nhi không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cũng gây chuyển dạ sinh non.

Dấu hiệu nhận biết sinh non mà mẹ bầu cần lưu ý

Trẻ sinh non chưa được hoàn thiện đầy đủ về thể chất nên chưa có khả năng nuôi sống ngoài tử cung của mẹ. Vì vậy, mẹ bầu cần lưu ý những dấu hiệu chuyển dạ sớm để có những biện pháp xử lý kịp thời.

  • Cơn co tử cung quá sớm: Những cơn đau quặn bất thường ở vùng tử cung và vùng bụng dưới có đặc điểm là mạnh dần theo chu kỳ, liên tục, mỗi cơn cách nhau 10 phút hoặc sớm hơn. Nếu cơn đau kéo dài không dứt, mẹ bầu cần phải đến bệnh viện ngay vì đó có thể là dấu hiệu sinh sớm.
  • Ra nước ối âm đạo: Vỡ ối non khiến nước ối chảy liên tục từ âm đạo ra ngoài, có mùi tanh, nồng và hơi nhớt. Khi gặp tình trạng này, bạn cần đến bệnh viện ngay vì đây có thể là dấu hiệu của chuyển dạ.
  • Âm đạo chảy máu: Lượng dịch nhầy tăng đáng kể, trong suốt đôi khi có lẫn máu.
  • Xuất huyết âm đạo ở giai đoạn muộn của thai kỳ có thể là dấu hiệu của sinh non. Lượng máu xuất hiện càng nhiều thì mức độ càng nghiêm trọng.
  • Tử cung “mở” trước hay còn gọi là xóa cổ tử cung: Cổ tử cung của mẹ bắt đầu mở > 2cm.
Sinh non 34 tuần có nuôi được không? 2 Các cơn đau quặn bụng là dấu hiệu chuyển dạ sớm ở mẹ bầu

Bên cạnh đó cũng cần lưu ý những dấu hiệu như đau ngực, khó thở, buồn nôn kèm theo sốt cao, ngất xỉu, đau đầu…Đây đều là những biểu hiện nguy hiểm, cần phải được nhận biết sớm và xử trí kịp thời từ đó hạn chế các biến chứng sản khoa và đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Biến chứng nguy hiểm mà trẻ sinh non có thể đối mặt

Trẻ sinh non 34 tuần tuổi có thể đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như:

  • Rối loạn thân nhiệt.
  • Rối loạn tiêu hóa.
  • Ứ mật gây vàng da ở trẻ.
  • Huyết áp thấp.
  • Thiếu máu.
  • Hội chứng suy hô hấp.
  • Viêm ruột hoại tử.
  • Ngưng thở khi ngủ.
  • Nhiễm trùng.
  • Chứng loạn sản phế quản phổi.
  • Viêm ruột hoại tử.

Mọi hiện tượng bất thường ở trẻ sinh non dù nhỏ đều phải được phát hiện sớm, ghi nhận để có biện pháp xử lý kịp thời.

Sinh non 34 tuần có nuôi được không?

Cơ hội sống sót của trẻ càng cao nếu được sinh ra gần với ngày dự sinh. Ở tuần thứ 34, hệ thống cơ thể của bé chưa được hoàn thiện đầy đủ, đặc biệt là phổi. Trên thực tế, trẻ sinh ra từ tuần thứ 31 đến 34 thường có tỷ lệ sống sót là 95% tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe.

Vậy sinh non 34 tuần có nuôi được không? Câu trả lời là có và trẻ sinh thiếu tháng cần có những chế độ chăm sóc đặc biệt để có thể nuôi dưỡng trẻ trở nên khỏe mạnh hơn.

Sinh non 34 tuần có nuôi được không? 3 Trẻ sinh non 34 tuần có nuôi được không?

Chăm sóc trong lồng ấp

Trẻ sinh thiếu tháng thường thân nhiệt sẽ không ổn định, vì vậy cần phải được chăm sóc đặc biệt ở khoa chăm sóc tích cực sơ sinh (NICU).

Em bé sẽ được nuôi trong lồng ấp hoặc giường sưởi với các thiết bị chuyên dụng để hỗ trợ quá trình tiêu hóa, tiểu tiện, đại tiện, hỗ trợ thở…Trong quá trình nằm lồng ấp, bé phải luôn được đội mũ, đeo bao tay, bao chân.

Chăm sóc sau khi ra khỏi lồng ấp

Khi đã đủ tháng, bác sĩ sẽ xem xét tình trạng của bé để xem bé có thể trở về nhà hay cần được chăm sóc trong lồng ấp thêm một thời gian nữa. Sau khi đã phát triển hoàn chỉnh và có thể nuôi dưỡng ở môi trường bên ngoài, em bé sẽ được cho về nhà để gia đình chăm sóc.

Một số cách chăm sóc trẻ sinh non 34 tuần tuổi sau khi ra khỏi lồng ấp:

  • Sữa mẹ rất quan trọng với trẻ sinh non bới lượng protein và kháng thể trong sữa rất có lợi cho hệ miễn dịch của bé. Vì vậy, mẹ cần cho bé bú sữa mẹ thay vì cho ăn qua ống thông như trong thời gian nằm trong lồng ấp.
  • Trẻ sinh thiếu tháng có hệ miễn dịch và sức đề kháng kém hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Do đó, cần đảm bảo không gian sống của trẻ luôn trong lành, mát mẻ để phòng ngừa các vấn đề sức khỏe.
  • Chú trọng vào giấc ngủ của bé. Bé ngủ càng ngon, đủ giấc thì tốc độ tăng trưởng càng nhanh. Cần cho bé ngủ đủ khoảng 16 - 20 giờ/ngày, thời gian mỗi giấc không được quá 4 giờ. Khi ngủ, cho bé nằm ngửa trên nệm êm, không cần sử dụng gối.
  • Áp dụng phương pháp Kangaroo - phương pháp chăm sóc trẻ sinh non bằng cách đặt trẻ nằm tiếp xúc da kề xa trên ngực người mẹ.Phương pháp này mang lại nhiều lợi ích cho bé: Điều hòa thân nhiệt, tăng cường hệ miễn dịch, kích thích hệ tiêu hóa giúp trẻ bú tốt hơn, bé ít quấy khóc, ngủ ngon hơn…
  • Ngoài ra, bố mẹ cần bổ sung cho trẻ một số loại vắc xin theo chỉ dẫn của bác sĩ vì hệ miễn dịch của trẻ kém hơn rất nhiều so với trẻ sinh đủ tháng.
Sinh non 34 tuần có nuôi được không? 4 Phương pháp Kangaroo được áp dụng để chăm sóc trẻ sinh thiếu tháng

Trong thời gian đầu sau sinh, nên hạn chế người thân đến thăm nom, tiếp xúc với bé bới trẻ sinh non rất nhạy cảm, dễ mắc các bệnh về hô hấp, nhiễm trùng.

Trẻ sinh non 34 tuần tuổi sẽ đối mặt rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Chính vì vậy, bố mẹ cần trang bị những kiến thức cần thiết để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường cũng như chăm sóc trẻ sinh non đúng cách để bé có thể phát triển khỏe mạnh một cách toàn diện. Hy vọng những bài viết trên đã giúp các mẹ bầu giải đáp được thắc mắc “Sinh non 34 tuần có nuôi được không?”. Nhà thuốc Long Châu chúc mẹ và bé luôn sức khỏe!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin